Kiến thức về bệnh và chế độ điều trị THA

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thay đổi nhận thức tuân thủ điều trị tăng huyết áp của người bệnh điều trị ngoại trú tại bệnh viện đa khoa tỉnh nam định năm 2016 (Trang 57 - 61)

Kiến thức cơ bản về bệnh và chế độ điều trị THA là vấn đề rất quan trọng đối với người bệnh THA nói riêng và cộng đồng nói chung. Người dân cần hiểu biết rõ về bệnh thì mới biết cách phòng bệnh cũng như điều trị tích cực và tuân thủ điều trị tốt hơn để kiểm soát huyết áp. Việc kiểm soát huyết áp tốt sẽ hạn chế được các biến chứng của bệnh giảm tỷ lệ nhập viện giảm chi phí điều trị cho người bệnh gia đình, xã hội cũng như nâng cao được chất lượng cuộc sống.

Nghiên cứu được thực hiện tại khoa khám bệnh của một bệnh viện đa khoa nằm trên địa bàn thành phố Nam Định nơi có điều kiện chăm sóc y tế tốt hơn nhiều nơi khác trong cả nước hầu hết NB đều đến khám từ vùng lân cận, NB có trình độ học vấn tương đối cao đựợc tiếp xúc nhiều với các phương tiện truyền thông giáo dục sức khỏe lại tham gia vào các tổ chức xã hội hỗ trợ những kiến thức liên quan đến THA qua các nguồn thông tin từ cán bộ y tế 54,8%, truyền hình là 35,9%, bạn bè là 25,5% theo Trần Văn Long năm 2012 [18]. Như vậy kiến thức về THA được cung cấp bởi cán bộ y tế tỷ lệ cũng còn thấp vì vậy cần đòi hỏi thường xuyên tư vấn về kiến thức cho NB tăng huyết áp. Trước can thiệp khi được hỏi về kiến thức để xác định chỉ số THA thì chỉ có 55,1% NB trả lời đúng nghĩa là huyết áp ≥ 140/90 mmHg được gọi là cao. Đối tượng còn phải biết được chỉ số huyết áp bao nhiêu là cao thì mới biết được mình có bị THA hay không để thực hành điều trị THA tốt hơn. Điều đó được chứng minh rằng sau can thiệp 8 tuần người bệnh đã nhớ được chỉ số huyết áp cao 81,4% thấp hơn so với ngay sau can thiệp là 94,9%.

Về kiến thức liên quan đến biến chứng của THA trước can thiệp cho tỷ lệ rất thấp 26,3% NB được hỏi nêu được 2/3 số biến chứng thường gặp của THA (tại 4 cơ quan đích như tim não thận và mắt). NB phải biết được những biến chứng có thể gặp của THA cũng như những lợi ích do điều trị mang lại thì mới thấy sự cần thiết của việc điều trị có như vậy người bệnh mới nhận thức đúng tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Lân Việt năm 2006 cho thấy, kiến thức của người dân về biến chứng của bệnh tăng huyết áp dao động từ 52 % - 84,7% [11]. Sở dĩ có sự khác biệt này là do có sự khác nhau về đối tượng nghiên cứu, cách tiếp cận và địa bàn nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là người bệnh khám và điều trị ngoại trú tại bệnh viện và phần lớn là người cao tuổi, trong khi đối tượng trong nghiên cứu của Nguyễn Lân Việt là người trưởng thành. Một yếu tố nữa có thể ảnh hưởng tới sự khác biệt giữa các kết quả nghiên cứu đó là địa bàn nghiên cứu và trình độ học vấn của đối tượng nghiên cứu là không giống nhau. Điều này

cho thấy đối tượng nghiên cứu của chúng tôi chưa quan tâm nhiều đến sự nguy hiểm của bệnh do đó cần thiết phải có biện pháp để nâng cao nhận thức cho NB về sự nguy hiểm cũng như cách phòng kiểm soát huyết áp tránh biến chứng.

Ngoài ra người bệnh cũng phải hiểu mục đích của điều trị cũng như khi nào được coi là điều trị có kết quả thì họ mới thấy rõ tầm quan trọng của tuân thủ điều trị. Chính vị vậy kiến thức về mức huyết áp mục tiêu cần đạt có vai trò quan trọng vì nếu họ không biết được con số huyết áp mục tiêu thì sẽ không biết được kết quả điều trị như thế nào có tốt không để củng cố niềm tin của mình với điều trị và nhằm thúc đẩy tuân thủ điều trị để đạt được huyết áp mục tiêu. Trong số 118 đối tượng thì chỉ có 35,6% biết đúng mức huyết áp mục tiêu cần đạt là duy trì huyết áp <140/90 mmHg nếu có bệnh thận mạn tính hoặc đái tháo đường kèm theo thì cần dứới 130/80 mmHg. Kết quả này thấp hơn so với kết quả của Nguyễn Minh Phương năm 2011 (64,8%) [13]. Điều đó có thể do cách đánh giá trong nghiên cứu của chúng tôi có sự khác biệt. Theo nghiên cứu của chúng tôi thì đối tượng phải trả lời đúng cả 2 mức huyết áp là dưới 140/90 mmHg và dưới 130/90 mmHG với NB có bệnh thận mạn hoặc đái tháo đường mới được coi là đạt còn nghiên cứu của Nguyễn Minh Phương thì NB chỉ cần hiểu được mức huyết áp cần đạt khi điều trị là dưới 140/90 mmHg.

Về kiến thức chung liên quan đến chế độ điều trị THA chỉ có 42,4% NB được hỏi trả lời đúng chế độ điều trị THA cần phối hợp các khuyến cáo về dùng thuốc và các khuyến cáo về thay đổi lối sống cơ bản khác như chế độ hạn chế muối chất béo, không hút thuốc hạn chế uống rượu/bia dưới ngưỡng cho phép tập thể dục/thể thao mức độ vừa phải khoảng 30-60 phút mỗi ngày và đo huyết áp hàng ngày. Kết quả này tương đồng khi so sánh với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Minh Phương năm 2011 (49,2%) [13].

Về kiến thức liên quan đến cách uống thuốc cho người THA 95,8% được đánh giá là đạt khi uống theo đúng chỉ dẫn của cán bộ y tế trước can thiệp cao hơn hẳn nghiên cứu của Nguyễn Minh Phương (74,8%) có thể do đối tượng nghiên cứu

của chúng tôi là những người bệnh hiện đang khám và điều trị ngoại trú tại bệnh viện còn hai nghiên cứu kia được tiến hành tại cộng đồng. Ngay sau can thiệp có tới 99,2% NB hiểu đúng về cách sử dụng thuốc và sau can thiệp 8 tuần 98,3%.

Về kiến thức liên quan chế độ ăn 90,7% cho rằng cần phải hạn chế muối và chất béo, 99,2% đối tượng trả lời cần bỏ thuốc lá /thuốc lào, 64,4% đối tượng cho rằng cần hạn chế hoặc bỏ hẳn rượu/bia. Các kết quả này cao hơn kết quả nghiên cứu của Nguyễn Minh Phương với các tỷ lệ tương ứng là 54,8% cho rằng cần ăn nhạt, 66,8% cho rằng ăn ít chất béo, 53,2% cho rằng không hút thuốc lá, chỉ có kiến thức hạn chế về rượu/bia tương đồng 66% cho rằng cần hạn chế rượu/bia. Lí do có sự khác biệt này là do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là những người bệnh hiện đang khám và điều trị ngoại trú tại bệnh viện.

Về kiến thức đạt liên quan đến tập thể dục và đo huyết áp định kỳ trong nghiên cứu của chúng tôi chỉ là 56,8% và 39,8%. Kết quả này cũng tương đồng với nghiên cứu của Trần Văn Long năm 2012 50,3% NB có tập thể dục, thấp hơn so với kết quả 56% trong nghiên cứu của Nguyễn Minh Phương cần theo dõi huyết áp định kỳ. Sự khác nhau này có thể do tiêu chí đánh giá đạt của chúng tôi có khác biệt: không những NB cần biết phải tập thể dục thường xuyên mà còn phải biết thời gian tập từ 30-60 phút mỗi lần và mức độ tập vừa phải vì thời gian tập ít quá hoặc quá nhiều hoặc mức độ tập quá nhẹ hoặc quá nặng đều không có tác động tích cực; về đo huyết áp không những cần phải đo hàng ngày mà còn phải ghi số đo vào sổ theo dõi.

Về đánh giá chung về có hay không sự cải thiện sau can thiệp thì trong nghiên cứu của chúng tôi đánh giá bằng tổng điểm trước và sau can thiệp (ngay sau can thiệp, sau can thiệp 8 tuần). Với mỗi câu trả lời đạt cho 1 điểm không đạt cho 0 điểm. Theo đó tổng điểm trung bình về kiến thức chung về bệnh và chế độ điều trị có cải thiện sau can thiệp cụ thể bằng sự thay đổi điểm số như sau: trước can thiệp tổng điểm trung bình là 6,06 ± 1,6 ngay sau can thiệp là 8,68 ± 1,1 và sau can thiệp 8 tuần là 7,78 ± 1,4 trên tổng số 10 điểm. Sự khác biệt giữa trước can thiệp, ngay sau can thiệp và sau can thiệp 8 tuần đều có ý nghĩa thống kê với p <0,01. Theo

nghiên cứu của Hoerl, McCormack thì thông thường người ta có khả năng nhớ được 75% những gì đã học vào lúc kết thúc việc học và lưu giữ được không quá 10% ở thời điểm 30 ngày sau, có nghĩa là hơn 90% những gì đã học sẽ được quên đi từ sau 30 ngày [38]. Trong nghiên cứu này của chúng tôi phần lớn người bệnh là người cao tuổi (96,6%) vì vậy sau thời gian ngắn NB có thể quên phần nào kiến thức đã được tư vấn cụ thể nếu coi mức điểm trung bình 8,68 là NB nhớ 100% thì sau can thiệp 8 tuần thì điểm trung bình giảm còn 7,78 tương đương với NB đã quên khoảng 90% kiến thức đã được tư vấn phù hợp với lý luận của Hoerl, McCormack [38]. Việc cung cấp kiến thức là vô cùng quan trọng chỉ khi người bệnh hiểu rõ về bệnh và biết cách điều trị thì mới tuân thủ điều trị giup lằm giảm các nguy cơ biến chứng về bênh. Ngoài ra còn giúp cho người bệnh khắc phục tâm lý chủ quan không điều trị bệnh hoặc điều trị không tích cực coi thường bệnh. Do bản chất diễn biến âm thầm không triệu chứng của THA nên khi có biểu hiện triệu chứng có thể bệnh đã nặng hoặc có biến chứng và khi đó điều trị có thể sẽ tốn kém hoặc khó khăn hơn khi bệnh ở giai đoạn nhẹ chưa có biến chứng. Đồng thời còn lồng ghép các biện pháp làm tăng sự tuân thủ của NB với tất cả các khuyến cáo. Chỉ như vậy mới tăng được hiệu quả điều trị.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thay đổi nhận thức tuân thủ điều trị tăng huyết áp của người bệnh điều trị ngoại trú tại bệnh viện đa khoa tỉnh nam định năm 2016 (Trang 57 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)