Tuân thủ chế độ ăn là thực hiện chế độ ăn hạn chế muối natri hạn chế cholesterol và chất béo bão hòa. Tuân thủ chế độ ăn cũng như tuân thủ điều chỉnh lối sống khác có vai trò rất quan trọng trong phòng ngừa bệnh THA huyết áp và giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch khác cũng như góp phần làm giảm liều và lượng thuốc uống nhưng là vấn đề khó khăn trong việc áp dụng do đời sống xã hội, nhận thức của người bệnh, do thói quen ăn uống sinh hoạt gia đình đã hình thành từ trước. Hơn nữa phong tục tập quán của người Việt có xu thế ăn đồ ăn mặn lại thường sống và ăn cùng con cháu nên rất khó thực hiện chế độ ăn riêng dành cho người THA.
Nghiên cứu của chúng tôi đánh giá tuân thủ chế độ ăn dựa trên 8 câu hỏi về mức độ thường xuyên sử dụng các loại thực phẩm có nhiều muối natri và cholesterol acid bão hòa với thang đo Likert 4 mức là 3 điểm: thường xuyên (>4 lần/tuần) 2 điểm: thỉnh thoảng (2-4 lần/tuần) 1 điểm: hiếm khi (1 lần/tuần) và 0 điểm: không bao giờ (0 lần/tuần). NB được coi là tuân thủ chế độ ăn khi tổng số điểm từ 0-8, trên 8 điểm là không tuân thủ chế độ ăn. Theo cách đánh giá này tỷ lệ tuân thủ chế độ ăn trong nghiên cứu của chúng tôi trước can thiệp là 52,5% có sự khác biệt tương đối với các nghiên cứu trong và ngoài nước có thể do thang đo hoàn toàn khác nhau. Hầu hết các nghiên cứu đánh giá về chế độ ăn đều chỉ đánh giá một cách chung chung là có thay đổi chế độ ăn khi bị THA hay không (tỷ lệ 22% trong nghiên cứu của Nguyễn Thanh Hằng [14] hoặc qua câu hỏi có ăn nhạt và giảm chất béo không (65% đối tượng trả lời là có trong nghiên cứu của Uzun S. [39] hoặc đánh giá chế độ ăn đạt yêu cầu khi thực hiện 3/5 yếu tố sau: ăn nhạt ăn nhiều rau ăn ít chất béo hạn chế rượu/bia không hút thuốc lá (44,8% trong nghiên cứu của Nguyễn Minh Phương năm 2011 [13]) hoặc lồng ghép tuân thủ chế độ ăn kiêng và thay đổi lối sống 63,3% trong nghiên cứu của Vương Thị Hồng Hải [19]. Như vậy là các nghiên cứu trước hoặc chỉ dựa vào một câu hỏi chung chung là có thay đổi không nhưng thay đổi như thế nào thì chưa đánh giá được hoặc lồng ghép cùng với
những khuyến cáo khác và có thể đưa ra tỷ lệ tuân thủ cao hơn thực tế. Sau can thiệp 8 tuần tỷ lệ tuân thủ trong nghiên cứu của chúng tôi có cải thiện mặc dù có thể mới chỉ dừng lại về mặt kiến thức với tỷ lệ tuân thủ là 69,5%. Với một số câu hỏi liên quan đến việc không ăn mặn 61%, không ăn mỡ động vật 76%, ăn đồ chiên/ rán 40,9%, ăn dưa, cà muối 64,4%, ăn nhiều gia vị kèm theo thường xuyên là 24,6% tỷ lệ này có khác so với nghiên cứu của Trần Văn Long năm 2012 với tỷ lệ sau can thiệp liên quan đến việc không ăn mặn 73,4%, ăn ít mỡ động vật 35%, thích ăn đồ chiên/ rán 42,2%, ăn dưa, cà muối 22,9%, ăn nhiều gia vị 24,8% [18]. Sự khác biệt này là do sự khác nhau về cách đánh giá, trong nghiên của Trần Văn Long chỉ đưa ra đánh giá có thực hiện hay không còn nghiên cứu của chúng tôi đánh giá theo mức độ thường xuyên. Sự khác biệt trước và sau can thiệp 8 tuần của chúng tôi có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.