Tuân thủ thuốc điều trị THA rất quan trọng, nguyên tắc cơ bản là người bệnh cần uống thuốc theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Chính vì vậy tuân thủ tốt việc uống thuốc không phải là điều dễ dàng nhưng lại có liên quan chặt chẽ với việc kiểm soát huyết áp như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra [32].
Nghiên cứu của chúng tôi sử dụng thang đo 8 mục của Donald và cộng sự để đánh giá tuân thủ thuốc trước và sau can thiệp giáo dục 8 tuần. Theo đó 8 câu hỏi về hành vi dùng thuốc của người bệnh được đưa ra để người bệnh tự trả lời tại hai thời điểm là trước can thiệp và sau can thiệp 8 tuần. Không tuân thủ chế độ thuốc có thể xảy ra do một số yếu tố như thỉnh thoảng quên uống thuốc, quên uống trong tuần vừa qua, quên uống ngày hôm qua, tự ý ngừng thuốc khi thấy khó chịu do thuốc hoặc khi thấy huyết áp được kiểm soát, khó khăn khi nhớ uống thuốc, quên mang thuốc khi đi xa ... Các câu hỏi được diễn đạt để tránh sai số “có” bằng thay đổi từ ngữ để có câu trả lời “không” nghĩa là tuân thủ. Theo thang đo này tuân thủ điều trị thuốc khi được từ 6 điểm trở lên dưới 6 điểm là không tuân thủ. Tỷ lệ tuân thủ thuốc trong nghiên cứu của chúng tôi dựa trên thang đo này trước can thiệp là 48,5% tương tự nghiên cứu của Trần Văn Long (2012) 45,7% có điều trị THA, tuy nhiên thấp hơn so với nghiên cứu của Donald và cộng sự năm 2008 (67,8%) cùng sử dụng một thang đo và trên cùng nhóm đối tượng là người bệnh khám và điều trị THA ngoại trú tại cơ sở y tế [26]. Điều này có thể do tính chất sự khác nhau về hai nền y tế khác nhau tiên tiến và quan tâm nhiều đến sự tự quản lý của người bệnh mạn tính nói riêng và về kinh tế xã hội giữa hai nước Việt Nam và Mỹ nói chung. Tỷ lệ này cũng thấp hơn các nghiên cứu đánh giá tuân thủ thuốc của đối tượng nghiên cứu dựa trên việc hỏi đối tượng có uống thường xuyên các loại thuốc được kê đơn hay không như nghiên cứu của Uzun S. và cộng sự năm 2009 tại Thổ Nhĩ Kỳ (72%) [39] nhưng lại cao hơn nghiên cứu của Nguyễn Minh Phương năm 2011 (43,6%) [13] thực hiện trên cộng đồng. Sự khác biệt về kết quả trong nghiên cứu
của chúng tôi với các nghiên cứu dẫn ra ở trên một phần là do cách đánh giá khác nhau cũng như đối tượng nghiên cứu khác nhau. Tỷ lệ tuân thủ thuốc có sự thay đổi cải thiện sau can thiệp 8 tuần với tỷ lệ tăng lên là 71,2% cũng gần tương đồng với tỷ lệ có điều trị THA trong nghiên cứu của Trần Văn Long (2012) là 83,3%. Vậy sự tác động của can thiệp về giáo dục liên quan đến kiến thức có ý nghĩa giúp NB cải thiện hành vi dùng thuốc trong điều trị THA. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trước và sau can thiệp 8 tuần với P < 0,001.
Tuy nhiên cũng còn rất nhiều lí do khiến người bệnh không tuân thủ thuốc sau khi đã được can thiệp giáo dục như: thỉnh thoảng quên (25,4%), quên thuốc tuần vừa qua (15,3%), quên thuốc ngày hôm qua (12,7%), tự ý ngừng thuốc khi khó chịu do thuốc (6,8%), cảm thấy phiền khi ngày nào cũng phải uống thuốc hạ huyết áp (14,4%), cảm thấy khó khăn khi phải nhớ uống thuốc (18,6%%), khi cảm thấy huyết áp được kiểm soát (9,3%) đây cũng là một trong những vấn đề dùng thuốc được cải thiện đáng giá nhất trong quá trình tuân thủ thuốc hạ áp từ 64,4% tự ý ngừng thuốc khi huyết áp được kiểm soát xuống còn 9,3%. Trước can thiệp phần lớn người bệnh không hiểu được phải dùng thuốc hạ áp thường xuyên và cho rằng khi huyết áp về bình thường thì không uống vì sợ hạ huyết áp. Từ đó cho ta tỷ lệ không tuân thủ về thuốc sau can thiệp 8 tuần là 28,8% cao hơn của Trần Văn Long năm 2012 là 16,7% điều này có thể lý giải là do nghiên cứu của Trần Văn Long được thực hiện tại cộng đồng và thời gian được can thiệp là liên tục trong 18 tuần, cứ 3 tháng NB lại được tư vấn tại nhà so với nghiên cứu của chúng tôi chỉ đánh giá sau 8 tuần. Nhìn chung tỷ lệ tuân thủ điều trị đạt là thấp có lẽ do sự hạn chế về kiến thức về bệnh và điều trị THA điều đó được chứng minh qua sự tăng lên về tuân thủ sau can thiệp giáo dục. Phần lớn người bệnh nghĩ rằng THA là bệnh không nguy hiểm, nên họ không sợ và không tuân thủ chặt chẽ việc điều trị hoặc hiểu sai rằng THA có thể chữa khỏi được nên họ chỉ dùng thuốc khi thấy huyết áp tăng cao. Tuân thủ còn thấp ngoài ra do khó khăn trong việc thay đổi chế độ ăn và thực hiện lối sống lành mạnh đặc biệt ở người bệnh nam. Như vậy với tỷ lệ trên chúng ta vẫn cần phải thường xuyên có các chương trình nhắc nhở, giáo dục người bệnh về tuân thủ
dùng thuốc hạ áp nói riêng cũng như về chế độ điều trị THA nói chung.