Nhu cầu đào tạo liên tục cho điều dưỡng viên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khảo sát thực trạng nhân lực và nhu cầu đào tạo liên tục của điều dưỡng viên tại huyện thanh oai, hà nội năm 2018 (Trang 78 - 83)

Nhu cầu đào tạo được đánh giá qua so sánh nhiệm vụ đưa ra trong vị trí việc làm với kiến thức và kỹ năng thực hành với từng nhiệm vụ chuyên môn mà người điều dưỡng được giao. Nhu cầu cũng thể hiện qua cơ cấu bệnh nhân tại cơ sở y tế, trong nghện cứu này chúng tôi thông qua các câu hỏi về nguyện vọng của điều dưỡng viên, thực chất là nhu cầu chủ quan của đối tượng về đào tạo liên tục.

Kết quả đánh giá thực trạng về công tác đào tạo liên tục của điều dưỡng viên trong nghiên cứu này cho ta thấy nhu cầu được tham gia các lớp đào tạo liên tục của điều dưỡng là rất cao (92%). Nhưng dường như việc đào tạo liên tục của điều dưỡng viên tham gia nghiên cứu này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đó bởi lẽ chỉ có khoảng 70% điều dưỡng viên được tham gia các khóa đào tạo liên tục trong vòng 3 năm trở

lại đây. Kết quả này thấp hơn so với kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Văn Tuấn năm 2014 (có 92,3% điều dưỡng được tham gia đào tạo liên tục trong vòng 5 năm gần đây)[29].Còn lại khoảng 30% điều dưỡng viên chưa được tham gia bất kỳ một khóa đào tạo liên tục nào. Chúng ta có thể thấy ngày nay kiến thức, khoa học y học cập nhật rất nhanh cũng như mô hình bệnh tật đang có sự thay đổi nhanh chóng. Nhưng trong cả ba năm mà có tới 30% điều dưỡng không được tham gia bất kỳ một khóa đào tạo liên tục nào thì việc đáp ứng với nhu cầu chăm sóc của xã hội sẽ không được đảm bảo.

Khi phân tích nhu cầu đào tạo tại các cơ sở khác nhau kết quả cho thấy nhu cầu đào tạo tại BVĐK là cao nhất (92%) và thấp nhất là TYT (66%). Trong khi đó kết quả đánh giá về kiến thức của điều dưỡng viên tại bảng 3.3 cho thấy tỷ lệ điều dưỡng viên tại TYT có kiến thức sai về cách đo huyết áp, quy trình khử khuẩn tiệt khuẩn lại là thấp nhất điều đó có nghĩa các điều dưỡng ở đây chưa nhận thức đúng về vai trò quan trọng của các kiến thức điều dưỡng cơ bản này. Ngược lại tỷ lệ điều dưỡng viên tại BVĐK huyện có tỷ lệ kiến thức đúng về nguyên tắc cố định gãy xương, các biện pháp xử trí cấp cứu cơ bản ban đầu, cũng như công tác chăm sóc toàn diện cho người bệnh ở mức thấp nhất dẫn đến nhu cầu đào tạo của điều dưỡng viên ở đây cao nhất là hoàn toàn phù hợp.

Số khóa đào tạo liên tục trung bình khoảng 3 khóa trong một năm vừa qua. Tỷ lệ này cũng tí hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Việt Cường là 4-5 lớp/năm[12]. Trong các khóa đào tạo liên tục đa phần các khóa đào tạo này không phải đóng phí (70,4%). Điều này cho thấy chúng ta có thể tổ chức các khóa đào tạo liên tục với chất lượng cao và có thu một phần phí đào tạo để nâng cao chất lượng của khóa học và có thể sẽ thu hút được nhiều người học hơn bởi theo kết quả phỏng vấn sâu thì có khá nhiều điều dưỡng viên có thể bỏ ra một phần kinh phí để được tham gia các khóa học chất lượng cao và đúng với nhu cầu của họ. Gần một nửa trong số các khóa đào tạo không được cấp chứng chỉ (48%), vấn đề rất rõ là các quy định về đào tạo liên tục của BYT hiện nay chưa chú ý đến thực tế tuyến huyện đang đào tạo cho tuyến xã nhưng các BV huyện lại chưa được cấp mã số đào tạo liên tục. Các cơ sở đào tạo các

khóa học không cấp chứng chỉ có thể là do không đủ điều kiện để nhà nước trao quyền cấp chứng chỉ đào tạo liên tục. Vì vậy nên lựa chọn các cơ sở có khả năng cấp chứng chỉ đào tạo liên tục đứng ra tiến hành tổ chức các lớp học này. Điều này cũng phù hợp với kết quả tỷ lệ các khóa được tổ chức tại các trường y dược còn ít (khoảng 30,4%) còn lại tổ chức ở các cơ sở y tế khu vực và các địa điểm khác.

Các khóa đào tạo liên tục tập trung chủ yếu về kiến thức chuyên môn (84,8%), các nội dung khác như quản lý y tế, giáo tiếp, ngoại ngữ tin học hay dịch vụ chăm sóc truyền thông giáo dục sức khỏe là rất ít, chỉ từ 1,6% đến 5,6%. Điều này cho chúng ta thấy mục tiêu đào tạo vẫn tập trung vào chuyên môn. Các khóa đào tạo quản lý dành cho những nhân viên đảm đương nhiệm vụ này là hợp lý. Một lần nữa cho thấy đào tạo liên tục phải dựa trên nhu cầu thực tế của người học thì sẽ có kết quả hơn. Cụ thể ở phần trước chúng ta thấy bên cạnh các kỹ năng thực hành điều dưỡng cơ bản thì các kỹ năng khác như giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý và đặc biệt là truyền thông giáo dục sức khỏe mà mỗi điều dưỡng viên đều cần có kiến thức cơ bản nhưng thực tế còn rất hạn chế, chưa được quan tâm một cách đúng mực[30].

Việc thực hiện đào tạo liên tục là quy định bắt buộc đối với các cơ sở y tế theo thông tư 22/2013/TT- BYT ngày 09 tháng 08 năm 2013 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, trong thông tư cũng chưa quy định rõ những trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề do không được đào tạo liên tục thì có được trả lại hay đối tượng đó phải làm thủ tục xin cấp lại chứng chỉ hành nghề. Điều đó, cũng đang gây một số khó khăn cho các đối tượng điều dưỡng chưa được tham gia đào tạo liên tục trong những năm gần đây[9].

4.8. Các yếu tố liên quan đến nhu cầu đào tạo của điều dưỡng viên Mối liên quan giữa nhu cầu đào tạo của điều dưỡng viên với tuổi và giới. Mối liên quan giữa nhu cầu đào tạo của điều dưỡng viên với tuổi và giới.

Kết quả tìm hiểu yếu tố liên quan cho thấy trong nghiên cứu này không tìm thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa nhu cầu đào tạo với giới tính. Cũng như không tìm thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa nhóm tuổi trên và dưới 30 với nhu cầu đào tạo của điều dưỡng viên tại các tuyến Y tế ở huyện Thanh Oai, Hà Nội. Kết quả này cũng tương đồng với nghiên cứu của Hoàng Thị Hạnh khi không tìm

thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa nhu cầu đào tạo liên tục với tuổi và giới tính của điều dưỡng viên tại Phòng khám gia đình Hà Nội (2014)[14].

Mối liên quan giữa nhu cầu đào tạo với nơi công tác

Kết quả nghiên cứu này cho thấy những điều dưỡng viên làm ở bệnh viện đa khoa huyện có nhu cầu đào tạo cao hơn nhóm điều dưỡng viên đang làm việc tại Trung tâm y tế huyện cũng như là tại các trạm y tế xã. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Điều đó có thể suy ra là nhóm điều dưỡng làm tại bệnh viện đa khoa huyện có nhu cầu được đào tạo liên tục cũng như đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn nhiều hơn những điều dưỡng đang công tác tại TTYT và TYT xã. Nếu nhìn vào kết quả đánh giá kiến thực lâm sàng thì điều dưỡng viên ở TYT nhiều chỉ số lại tốt hơn điều dưỡng viên ở khu vực bệnh viện, nhu cầu đào tạo của họ cao hơn là hợp lý. Mặt khác, tuổi trẻ có nhu cầu đào tạo nhiều hơn (kết quả trong bảng 3.1 và bảng 3.9) do tuổi của điều dưỡng ở bệnh viện đa khoa huyện trẻ hơn ở trung tâm y tế và trạm y tế nên nhu cầu đào tạo có thể cao hơn. Một lý do nữa có thể là do đặc thù công việc tại bệnh viện đa khoa huyện đòi hỏi cần cập nhật nhiều hơn để đáp ứng với yêu cầu phát triển của bệnh viện huyện, đặc biệt ở một số nội dung chuyên môn sâu trong chăm sóc người bệnh của điều dưỡng. Kết quả này tương đồng với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Ngọc Chi về nhu cầu đào tạo của điều dưỡng làm việc tại khu vực lâm sàng năm 2010 (gần 25% điều dưỡng chưa được đào tạo liên tục về chuyên môn. Trong đó thì 96,3% điều dưỡng có nhu cầu được đào tạo liên tục[11].

Mối liên quan giữa nhu cầu đào tạo với thâm niên công tác

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy nhóm điều dưỡng có thâm niên công tác từ 10 năm trở xuống có nhu cầu đào tạo cao hơn nhóm điều dưỡng có thâm niên công tác trên 10 năm khoảng hơn 5 lần. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Kết quả khác với nghiên cứu của Hoàng Thị Hạnh khi không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhu cầu đào tạo với thâm niên công tác. Giải thích cho điều này có thể có nhiều yếu tố[14]. Thứ nhất những điều dưỡng có thâm niên ít hơn thường trẻ tuổi hơn, họ có nhu cầu phát triển bản thân cao hơn cũng như có động lực được đào tạo cao hơn nên nhu cầu đào tạo sẽ cao hơn. Thứ hai có thể những người

có thâm niên ít hơn thì ít kinh nghiệm hơn, kiến thức cũng có thể hạn chế hơn nên họ có nhu cầu đào tạo cao hơn. Nhưng chúng ta biết việc đào tạo liên tục cần triển khai ở mọi lứa tuổi, cũng như các đối tượng có thâm niên khác nhau bởi lẽ: Kiến thức cũng như những kỹ năng kỹ thuật mới luôn luôn thay đổi đòi hỏi điều dưỡng viên luôn phải cập nhật kiến thức để đáp ứng nhu cầu chăm sóc ngày càng cao của xã hội.

Mối liên quan giữa nhu cầu đào tạo với trình độ chuyên môn của điều dưỡng viên

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhu cầu đào tạo với các nhóm điều dưỡng có trình độ sơ cấp, trung cấp với nhóm điều dưỡng trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học. Điều này dường như khác với suy đoán của chúng ta khi đa phần chúng ta cho rằng nhu cầu đào tạo của nhóm điều dưỡng có trình độ thấp hơn sẽ cao hơn nhóm có trình độ cao. Tuy nhiên chúng ta cũng nên suy luận theo hướng ngược lại nghĩa là nhu cầu đào tạo liên tục sẽ giống nhau ở tất cả các nhóm trình độ. Nhóm trình độ trung cấp muốn học tiếp để lên trình độ cao đẳng, đại học. Nhóm điều dưỡng cử nhân lại muốn học tiếp sau đại học…Bởi hiện nay đã có các chương trình đào tạo lên đến trình độ thạc sỹ điều dưỡng. Ngoài ra nghiên cứu này còn đánh giá nhu cầu đào tạo liên tục giúp điều dưỡng cập nhật các kiến thức mới, kỹ năng thực hành chăm sóc mới thậm chí những điều dưỡng trình độ cao nếu tốt nghiệp đã lâu cũng cần phải cập nhật.

Mối liên quan giữa nhu cầu đào tạo với thu nhập

Kết quả nghiên cứu cho thấy ở nghiên cứu này nhóm điều dưỡng có thu nhập thấp (từ 5 triệu/tháng trở xuống) có nhu cầu đào tạo cao hơn nhóm điều dưỡng có thu nhập cao hơn (nhóm có thu nhập trên 5 triệu./tháng). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Điều này có thể giải thích là nhóm có thu nhập thấp hơn luôn mong muốn được đào tạo nâng cao trình độ từ đó nâng cao thu nhập của bản thân. Bởi thu nhập sẽ tương xứng với trình độ chuyên môn cũng như khả năng làm việc của điều dưỡng viên. Kết quả này tương đồng với kết quả nghiên cứu của Kandis L. McCafferty, Sarah J. Ball và Janet Cuddigan về mối liên quan của thu nhập với nhu cầu đào tạo[38].

Mối liên quan giữa nhu cầu đào tạo với vị trí công tác và chức trách công tác

Kết quả nghiên cứu đã cho ta thấy nhu cầu đào tạo liên tục của nhóm điều dưỡng viên ở vị trí nhân viên cao hơn nhu cầu của nhóm lãnh đạo quản lý khoảng 5,5 lần. Tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê với p>0,05. Trong khi đó kết quả cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về nhu cầu đào tạo liên tục và chức trách nhiệm vụ chính của điều dưỡng viên. Cụ thể nhóm điều dưỡng làm công tác trực tiếp chăm sóc người bệnh có nhu cầu đào tạo liên tục cao hơn nhóm điều dưỡng làm các công việc khác (p=0,029; OR = 4,0; 95%CI: 1,07-15,0). Điều này có thể giải thích do nhu cầu đối với dịch vụ chăm sóc nói chung cũng như tay nghề của điều dưỡng nói riêng của người bệnh và xã hội ngày càng tăng. Từ đó đòi hỏi người điều dưỡng trực tiếp chăm sóc người bệnh cần thường xuyên cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng đặc biệt là các kỹ năng như tư vấn, giáo dục sức khỏe, kỹ năng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công việc chăm sóc. Từ đó dẫn đến nhu cầu đào tạo liên tục của điều dưỡng viên trực tiếp chăm sóc người bệnh sẽ cao hơn so với nhu cầu của các điều dưỡng viên làm công việc hành chính cũng như các công việc khác ít khi tiếp xúc với bệnh nhân, với chuyên môn chăm sóc người bệnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khảo sát thực trạng nhân lực và nhu cầu đào tạo liên tục của điều dưỡng viên tại huyện thanh oai, hà nội năm 2018 (Trang 78 - 83)