Kiểm soát thông qua kiểm tra, thanh tra hồ sơ khai thuế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện kiểm soát thu thuế xuất nhập khẩu tại cục hải quan tỉnh bình định (Trang 40 - 48)

6. Tổng quan tài liệu nghiên cứu

1.3.2. Kiểm soát thông qua kiểm tra, thanh tra hồ sơ khai thuế

Thanh tra, kiểm tra là một trong những khâu quan trọng, góp phần kiểm soát nguồn thu thuế. Kiểm tra, thanh tra thuế nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thuế như khai sai, gian lận thuế, trốn thuế, chiếm dụng tiền thuế; nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế trong việc thực hiện kê khai thuế, tính thuế và nộp thuế; phát hiện những kẽ hở trong chính sách thuế mà NNT lợi dụng để gian lận thuế, trốn thuế. Đồng thời, qua đó phát hiện những quy định không phù hợp của Luật Quản lý thuế với thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội, những bất hợp lý của công tác tổ chức hệ thống bộ máy thanh tra, kiểm tra, để có kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm hoàn thiện hệ thống kiểm soát thuế một cách chặt chẽ, đảm bảo thực hiện công bằng trong việc thực hiện các Luật Quản lý Thuế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Thanh tra thuế XNK: Là hoạt động thanh tra của cơ quan hải quan đối với các DN hoạt động XNK nhằm phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, vi phạm trong hoạt động chấp hành chính sách, pháp luật thuế XNK của nhà nước.

Thanh tra thuế thực hiện theo nguyên tắc tuân theo quy định tại Luật Quản lý thuế và pháp luật về thanh tra; với mục đích hoạt động thanh tra thuế nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật về Hải quan, pháp luật về thuế đối với hàng hóa XK, NK để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thuế, về Hải quan.

Các trường hợp thanh tra thuế: Khi NNT có một trong những dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế sau đây: Có hành vi vi phạm pháp luật

về thuế nhưng đã vi phạm nhiều lần; vi phạm ở nhiều địa bàn; vi phạm liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân (cơ quan hải quan có căn cứ để nhận định rằng người nộp thuế cấu kết, thông đồng với nhiều tổ chức, cá nhân để thực hiện hành vi gian lận thuế, trốn thuế); có dấu hiệu trốn thuế; có dấu hiệu tẩu tán tài liệu, tang vật nhằm trốn thuế, gian lận thuế trong khi cơ quan hải quan kiểm tra sau thông quan tại trụ sở DN...

Các hình thức thanh tra thuế:

Thanh tra thường xuyên: Là hình thức thanh tra được thực hiện mang tính định kỳ, không phụ thuộc vào việc có xảy ra vụ việc hay không trong các đối tượng nộp thuế và các cơ quan quản lý thuế.

Thanh tra đột xuất: Được tiến hành khi có những vụ việc xảy ra từ phía người NNT hoặc trong các cơ quan thuế, để có biện pháp xử lý.

Thanh tra toàn diện: Được tiến hành với tất cả các đối tượng thanh tra. Hình thức này thường được áp dụng để phục vụ cho những nghiên cứu cải tiến lớn về hệ thống thuế.

Thanh tra trọng điểm: Được tiến hành chỉ với một số nội dung, một số đối tượng. Ngoài ra, nếu xét theo địa điểm diễn ra cuộc thanh tra thuế, có các hình thức: Thanh tra tại chỗ và thanh tra từ xa.

Tiêu chí:

Kết quả của công tác thanh tra thuế XNK thường được đánh giá thông qua:

- Số cuộc kiểm tra hồ sơ thuế XNK tại các Chi cục Hải quan; - Số lượng các cuộc kiểm tra chuyên ngành tại trụ sở DN; - Số tiền thuế truy thu được cho NSNN.

Kiểm tra thuế XNK (Kiểm tra sau thông quan): Gồm hoạt động kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan và tại trụ sở DN để đánh giá tính tuân thủ pháp luật về Hải quan, pháp luật về thuế XNK

của DN. Kiểm tra sau thông quan nhằm kiểm tra, rà soát, phát hiện sai sót của các khâu nghiệp vụ trước nhằm chống thất thu thuế cho NSNN.

Kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan là hoạt động thường xuyên của cơ quan hải quan đối với hồ sơ Hải quan, hàng hoá XK, NK đã được thông quan trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hàng hóa được thông quan đến ngày thông báo kiểm tra. Được thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro trên cơ sở:

Các thông tin, nghi vấn từ cơ sở dữ liệu của ngành.

Các dấu hiệu vi phạm, nghi ngờ từ các Chi cục Hải quan làm thủ tục thông quan hàng hóa, các đơn vị nghiệp vụ chuyển.

Các thông tin do Chi cục Kiểm tra sau thông quan thu thập được về dấu hiệu vi phạm liên quan đến hàng hoá XK, NK đã được thông quan.

Kiểm tra tại trụ sở của DN: Cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra tại trụ sở DN trong các trường hợp: Kiểm tra sau thông quan đối với các trường hợp kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan chuyển sang; kiểm tra sau thông quan khi có dấu hiệu DN vi phạm pháp luật; kiểm tra sau thông quan theo kế hoạch để thẩm định sự tuân thủ pháp luật của DN và được thực hiện theo kế hoạch do Tổng cục Hải quan phê duyệt trên cơ sở đề nghị của Cục Hải quan tỉnh; kiểm tra sau thông quan theo chuyên đề, do thủ trưởng cơ quan hải quan cấp trên chỉ đạo.

Tiêu chí:

Kết quả của công tác kiểm tra sau thông quan được đánh giá thông qua:

- Số lượng hồ sơ hải quan đã phúc tập;

- Số lượng DN đã kiểm tra tại trụ sở cơ quan hải quan; - Số lượng DN đã kiểm tra tại trụ sở DN;

- Số tiền thuế truy thu được cho NSNN.

1.3.3. Kiểm soát nợ thuế

Hiện nay, áp dụng cơ chế “tự tính, tự khai, tự nộp” nhưng trên thực tế nhiều NNT không tự giác, cố tình chiếm dụng tiền thuế, có trường hợp chiếm đoạt tiền thuế bằng cách bỏ trốn, giải thể, phá sản. Kiểm soát nợ thuế là chức năng đảm bảo tiền thuế đã kê khai được nộp vào NSNN đầy đủ và đúng thời hạn, qua đó đánh giá tính tuân thủ pháp luật của NNT.

Trước tình hình số nợ thuế vẫn còn tồn tại và nợ đọng thuế thời gian dài thì quản lý thu nợ được xem là công tác trọng tâm trong việc kiểm soát nguồn thu đối với NSNN. Theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện nay, NNT nộp chậm tiền thuế vào NSNN thì bị tính tiền chậm nộp với tỷ lệ 0,03%/ngày nộp chậm (áp dụng từ ngày 01/7/2016, trước thời điểm đó là tỷ lệ 0,05%/ngày).

Nội dung của công tác kiểm soát thu nợ thuế bao gồm:

Thứ nhất, giám sát chặt chẽ việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của NNT, có biện pháp kịp thời để đôn đốc, xử phạt việc chậm nộp thuế theo quy định.

Thứ hai, theo dõi và phân tích số thuế nợ của NNT theo từng loại thuế, mức nợ, tuổi nợ, nguyên nhân của từng khoản nợ thuế và kết hợp với việc phân tích thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của DN để xây dựng kế hoạch, biện pháp tổ chức thu nợ, áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế phù hợp.

1.3.4. Kiểm soát xử lý vi phạm về thuế XNK

Mọi hành vi vi phạm về thuế đều phải được phát hiện và xử lý kịp thời. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà NNT phải chịu hình thức phạt khác nhau theo các chế tài xử lý vi phạm được quy định

bởi Chính phủ. Kiểm soát xử lý vi phạm hành chính về thuế được xem như một công cụ nhằm răn đe đối với các hành vi không chấp hành các quy định về thuế, đồng thời giúp ngăn ngừa, hạn chế các hành vi tái phạm về sau.

Xử lý vi phạm về thuế XNK, cụ thể là xử lý các hành vi sau:

Vi phạm quy định về khai thuế: Người nộp thuế có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu thì ngoài việc nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp theo quy định còn bị xử phạt bằng tiền tùy theo từng mức độ vi phạm.

Phạt chậm nộp: DN bị tính tiền chậm nộp khi nộp tiền thuế chậm so với thời hạn quy định, thời hạn ghi trong quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế của cơ quan có thẩm quyền, nộp thiếu tiền thuế do khai sai số thuế phải nộp. Đây được xem như hành vi chiếm dụng tiền thuế của NNT đối với NSNN.

Hành vi trốn thuế, gian lận thuế: Theo quy định tại Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan, đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 45/2016/NĐ- CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ thì: “các hành vi trốn thuế, gian lận thuế trong lĩnh vực hải quan gồm:

a) Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp, không đúng với thực tế giao dịch để kê khai thuế; tự ý tẩy xóa, sửa chữa chứng từ dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, được hoàn;

b) Khai sai mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế đối với những mặt hàng đã được cơ quan hải quan hướng dẫn mã số hàng hóa, thuế

suất, mức thuế;

c) Không khai hoặc khai sai về tên hàng, chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, trị giá, mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế, xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà cơ quan hải quan phát hiện khi thanh tra, kiểm tra sau thông quan nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện nộp đủ số tiền thuế phải nộp theo quy định trước thời điểm lập biên bản vi phạm;

d) Làm thủ tục xuất khẩu nhưng không xuất khẩu sản phẩm gia công; sản phẩm sản xuất xuất khẩu; sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài của doanh nghiệp chế xuất;

đ) Khai nhiều hơn so với thực tế hàng hóa xuất khẩu về chủng loại, số lượng, khối lượng sản phẩm gia công; sản phẩm sản xuất xuất khẩu; sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài của doanh nghiệp chế xuất, hàng tái xuất có số thuế gian lận từ 100.000.000 đồng trở lên mà không phải là tội phạm;

e) Xuất khẩu sản phẩm theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu hoặc xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài của doanh nghiệp chế xuất mà sản phẩm xuất khẩu không được sản xuất từ nguyên liệu đã nhập khẩu; nhập khẩu sản phẩm theo loại hình gia công từ nước ngoài mà sản phẩm nhập khẩu không được sản xuất từ nguyên liệu đã xuất khẩu;

g) Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan hải quan theo quy định;

h) Không khai hoặc khai sai tên hàng, mã số hàng hóa, chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, trị giá, thuế suất, mức thuế, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào nội địa;

quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

k) Bán hàng miễn thuế không đúng đối tượng quy định;

l) Các hành vi cố ý không khai hoặc khai sai khác về tên hàng, chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, trị giá, thuế suất, mức thuế, xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để trốn thuế, gian lận thuế.”

Người nộp thuế có hành vi vi phạm quy định vừa nêu trên nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế theo quy định, còn bị phạt tiền như sau:

Phạt 01 lần số tiền thuế trốn, gian lận trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng.

Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì đối với tổ chức mỗi tình tiết tăng nặng mức phạt tăng lên 0,2 lần nhưng không vượt quá 03 lần số tiền thuế trốn, gian lận; đối với cá nhân mỗi tình tiết tăng nặng mức phạt tăng lên 0,1 lần nhưng không quá 1,5 lần số tiền thuế trốn, gian lận.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Chương 1 đã trình bày tổng quan về thuế, thuế XNK, từ đó trình bày khái quát về công tác kiểm soát thu thuế XNK. Những nội dung của công tác kiểm soát thu thuế XNK tại cơ quan hải quan gồm: Thứ nhất, công tác quản lý đăng ký thuế, kê khai thuế. Trong phần này, tác giả đi sâu những nội dung về khai báo hải quan, kê khai, nộp thuế XNK; công tác quản lý miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế XNK. Thứ hai, công tác thanh tra, kiểm tra thuế XNK: NKHQ, NNT tự tính, tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm, cơ quan hải quan thực hiện các biện pháp giám sát hiệu quả vừa đảm bảo khuyến khích sự tuân thủ tự nguyện, vừa đảm bảo kiểm soát việc tuân thủ pháp luật, phát hiện ngăn ngừa các trường hợp vi phạm pháp luật thuế XNK. Trong đó, thanh tra, kiểm tra là một biện pháp hữu hiệu nhằm phát hiện ngăn ngừa vi phạm; công tác này giúp NKHQ, NNT nhận thức được rằng luôn có một hệ thống giám sát hiệu quả tồn tại và kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của họ. Thứ ba, công tác kiểm soát nợ thuế XNK. Thứ tư, công tác kiểm soát xử lý vi phạm về thuế. Từ những nội dung cơ bản này, luận văn đã nêu lên những nhân tố ảnh hưởng đến công tác kiểm soát thu thuế XNK; làm cơ sở cho việc phân tích thực trạng công tác kiểm soát thu thuế XNK và đề xuất giải pháp hoàn thiện công tác kiểm soát thu thuế XNK trên địa bàn tỉnh Bình Định trong các chương sau.

CHƯƠNG 2

THỰC TRẠNG KIỂM SOÁT THU THUẾ XNK TẠI CỤC HẢI QUAN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện kiểm soát thu thuế xuất nhập khẩu tại cục hải quan tỉnh bình định (Trang 40 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)