- Các flavonoid: flavonoid là một chất rất phổ biến trong thực vật, có bản chất là polyphenol Khi đưa flavonoid vào cơ thể, chúng sẽ triệt tiêu các gốc tự do sinh ra
CHƯƠNG 2 VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. VẬT LIỆU NGHIÊN CỨU
2.1.1. Cây Gừa Ficus microcarpa
Mẫu lá cây Gừa F. microcarpa được thu hái tại Hà Nội vào tháng 11 năm 2009. Tên khoa học được PGS TS Ninh Khắc Bản giám định. Mẫu tiêu bản (số FM1109) được lưu giữ tại phòng mẫu của Viện Hóa sinh Biển.
Hình 2.1. Cây Gừa F. microcarpa: (a) cành mang lá - quả, (b) rễ khí sinh, (c) mặt dưới lá, núm quả và mặt cắt ngang quả.
2.1.2. Cây Đa búp đỏFicus elastica
Mẫu lá cây Đa búp đỏ F. elastica được thu hái tại Cầu Giấy, Hà Nội vào tháng 3 năm 2011. Tên khoa học được PGS TS Ninh Khắc Bản giám định. Mẫu tiêu bản (số FE0311) được lưu giữ tại phòng mẫu của Viện Hóa sinh Biển.
Hình 2.2. Cây Đa búp đỏ - F. elastica
2.1.3. Cây Gào Ficus callosa
Mẫu lá cây Gào F. callosa được thu thập vào tháng 11 năm 2009 tại Hà Nội. Tên khoa học được PGS TS Ninh Khắc Bản giám định. Mẫu tiêu bản (số FC1109) được lưu giữ tại phòng mẫu của Viện Hóa sinh biển.
Hình 2.3. Cây Gào - F. callosa
2.1.4. Cây Đa lông Ficus drupacea
Mẫu lá cây Đa lông F. drupacea được thu thập tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, Vĩnh Phúc vào tháng 6 năm 2010. Mẫu cây được PGS TS Ninh Khắc Bản giám định tên khoa học. Mẫu tiêu bản (số FD1006) được lưu giữ tại Viện Hóa sinh Biển.
Hình 2.4. Cây Đa lông - F. drupacea
2.2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.2.1. Phương pháp chiết xuất các hợp chất trao đổi thứ cấp
Các mẫu cây Ficus sau khi thu hái được tiến hành loại bỏ tạp bẩn, phơi khô trong bóng râm và say nhỏ thành bột. Bột khô thu được được tiến hành chiết tổng bằng metanol 3 lần ở nhiệt độ phòng theo phương pháp chiết ngâm hoặc chiết trên
thiết bị chiết siêu âm ở nhiệt độ 40-50oC. Các dịch chiết thu được được tiến hành lọc bằng giấy lọc, gộp lại và loại bỏ dung môi dưới áp suất giảm trên thiết bị cô quay chân không thu được dịch chiết MeOH tổng của các mẫu nghiên cứu. Dịch chiết này được lưu trong tủ lạnh cho tới khi được sử dụng cho các nghiên cứu tiếp theo.
2.2.2. Phương pháp phân lập các hợp chất trao đổi thứ cấp
Cặn chiết MeOH tổng của mẫu nghiên cứu được hòa vào nước cất (khoảng 100-200 g cặn chiết trong 1 lit nước cất). Dịch nước được tiến hành chiết phân bố lỏng-lỏng với các dung môi hữu cơ kém tan vào nước và tăng dần độ phân cực từ n- hexan, cloroform, etyl axetat và n-butanol.
Các cặn chiết thu được tiếp tục được phân tách thành các phân đoạn sử dụng các phương pháp sắc ký khác nhau tùy thuộc vào từng cặn chiết cụ thể như: sắc ký hấp phụ silica gel pha thường, sắc ký hấp phụ silica gel pha đảo, sắc ký trao đổi ion sử dụng Diaion HP-20, sắc ký rây phân tử sử dụng Sephadex LH-20. Sự có mặt của các chất trong các phân đoạn được đánh giá bằng sắc ký lớp mỏng (Thin layer chromatography - TLC) pha thường và pha đảo sử dụng dung dịch hiện màu là axit sulfuric 10% phun đều lên bản mỏng và hơ nóng từ từ đến khi các vệt chất hiện rõ. Sử dụng kết quả hiển thị vệt chất trên TLC để tiến hành gom và chia các phân đoạn đã được sắc ký. Các phân đoạn thu được tiếp tục được kiểm tra bằng TLC để lựa chọn phương pháp sắc ký phù hợp để tiếp tục phân tách thành các phân đoạn nhỏ hơn. Lặp lại các công việc như trên cuối cùng sẽ thu được các hợp chất trao đổi thứ cấp có độ tinh khiết đảm bảo đủ để tiến hành đo các phổ và xác định cấu trúc.