Nghề trồng dâu nuôi tằm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghề thủ công truyền thống trên địa bàn huyện hoài ân, tỉnh bình định từ năm 1986 đến năm 2018 (Trang 47 - 54)

Chƣơng 2 HOẠT ĐỘNG CỦA NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG HUYỆN HOÀI ÂN, TỈNH BÌNH ĐỊNH (1986 2018)

2.2.3. Nghề trồng dâu nuôi tằm

Trước đây, nghề trồng dâu nuôi tằm phân bố chủ yếu ở các xã nằm hai bên bờ sông Kim Sơn và Ân Lão. Xuất phát từ điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi mà cây dâu sinh sôi phát triển, đất trồng dâu phải là đất bồi, đất bãi ngang được phù sa bồi đắp hàng năm để đảm bảo những đòi hỏi về lượng ẩm, độ dinh dưỡng cần thiết cho cây dâu. Vì thể, hiện nay, huyện Hoài Ân có khoảng 500 ha dâu, trong đó, xã Ân Hảo chiếm nhiều nhất 170 ha, diện tích còn lại phân bố ở các xã Ân Mỹ 100 ha, Ân Nghĩa 80 ha, Ân Tín 50 ha…

Xét về mặt thổ nhưỡng ở Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây có những điều kiện tốt cho cây dâu phát triển, ngoài việc được phù sa bồi đắp hàng năm thì

đất ở đây là đất phù sa chua glây nông (PC_gl), có đặc điểm: Đất thường có màu nâu hơi nhạt; Đất có phản ứng chua toàn phẫu diện (Ph = 4,5 – 5). Hàm lượng nhôm di động khá cao (8-12mg/100g); Hàm lượng đạm trung bình (N%: 0,01 – 0,02%); Lân tổng số và lân dễ tiêu ở mức trung bình đến nghèo (P2O5%: <0,07% và P2O5dt: 1 – 5mg/100g theo Oniani); Hàm lượng kali tổng số trung bình và hàm lượng Kali trao đổi từ trung bình đến giàu [59, Tr. 123]. Cơ sở hạ tầng có đường giao thông thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa nối với thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn), nơi thu mua kén của người sản xuất và thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân). Đã có hệ thống điện dẫn đến vùng sản xuất. Nguồn nước sử dụng cho sản xuất: nước ngầm và nước từ sông Ân Lão. Vì thế dâu là nguyên liệu đi liền với nghề nuôi tằm, cho nên Ân Hảo Đông và Ân Hảo Tây là hai địa bàn phát triển mạnh mẽ nhất nghề này so với các địa bàn khác của địa phương.

Để có được diện tích ổn định thì kỹ thuật chăm cây dâu cũng đòi hỏi sự kỳ công của người nông dân đôi bờ sông, cây được chọn làm giống phải là những cây to khỏe, có nhiều mụt trên thân. Sau đó, người ta tiến hành chặt ra thành từng khúc, mỗi khúc như vậy khoảng chừng 30 đến 35 cm. Khi các mụt trên thân đã nhú xanh thì người nông dân tiến hành dâm xuống đất, cây phải đặt nghiên một góc 450

so với mặt đất, rồi lấp đất lên, thời điểm thích hợp nhất để trồng là sau mùa mưa. Thời điểm này hoàn toàn thuận lợi với sự phát triển cây dâu vì đảm bảo nguồn nước, chất dinh dưỡng do phù sa bồi đắp mang lại sau mỗi trận lụt trong mùa mưa.

Ngoài ra, theo như anh Nguyễn Văn Thuyết ở thôn Vạn Trung, xã Ân Hảo Tây cho biết, trong quá trình chăm sóc muốn cho cây sinh trưởng, phát triển tốt thì nguồn phân phải đảm bảo, chủ yếu là phân chuồng đã ủ, phân NPK liều lượng đạm 16%, vì nếu sử dụng quá liều lượng thì chất hóa học sẽ tích tụ trong lá, dẫn đến khi tằm ăn thì dễ bị bệnh.

Trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống ở huyện Hoài Ân. Tuy nhiên để có được diện tích dâu đủ cung cấp cho tằm ăn thì vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh. Năm 2005, toàn huyện có gần 500 ha cây dâu, tập trung nhiều nhất ở 2 xã Ân Hảo Ðông với gần 100 ha, Ân Hảo Tây 70 ha [20]. Tuy nhiên, các đợt lũ xảy ra vào cuối năm 2016 đã làm gần 40% diện tích cây dâu bị chết, nên nhiều hộ trồng dâu nuôi tằm gặp khó khăn. Thông thường, đến đầu tháng 11 Âm lịch, nông dân bắt đầu đốn choái, làm cỏ, bỏ phân cho cây dâu, đến đầu tháng Chạp đã có lá dâu để nuôi lứa tằm đầu tiên. Tuy nhiên, do cuối năm 2016 liên tục mưa lũ muộn nên đến giữa tháng Giêng bà con mới bắt đầu nuôi lứa tằm đầu tiên.

Bà Phạm Thị Thắm, ở thôn Hội Long, xã Ân Hảo Ðông, cho biết, gia đình có 5 sào dâu, do lũ lụt liên tiếp xảy ra làm chết toàn bộ, hiện giờ phải chuyển sang trồng đậu phụng: “Trồng dâu nuôi tằm là nghề chính của gia đình, giờ cây dâu hư hết sẽ không có việc làm, hiện giờ cũng không có giống để trồng lại”. Ông Nguyễn Ðình Hưng, Chủ tịch UBND xã Ân Hảo Ðông, cho biết: “Năm 2016, toàn xã có 100 ha dâu. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã có đề án đến năm 2020 diện tích dâu đạt 140 ha, nhưng qua mùa mưa năm 2016, diện tích dâu chỉ còn dưới 70 ha, việc khôi phục hết sức khó khăn chưa nói đến đạt mục tiêu đề án” [28].

Để khắc phục tình trạng dâu chết, thiếu hụt nguồn cung cho nuôi tằm thì chính quyền địa phương đã có rất nhiều biện pháp để thoát khỏi tình trạng trên. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân: Sau lũ lụt, Phòng NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân tập trung khôi phục diện tích dâu, đốn choái, làm cỏ, bỏ phân… Ðối với những diện tích trống do dâu bị chết thì trồng xen các loại đậu, bắp. Diện tích dâu còn lại đã phát triển và nông dân bắt đầu nuôi lứa tằm đầu tiên. Phòng NN&PTNT đang tìm hiểu những nơi cung cấp giống dâu mới phù hợp với thổ nhưỡng địa phương và cho năng suất cao để đề xuất với UBND huyện mua về cung ứng cho nông dân [28].

Việc tận dụng diện tích dâu chết để trồng xen các loại cây trồng cạn không phải là giải pháp lâu dài bởi vì sẽ làm cho cây dâu dễ bị các loại sâu bệnh gây hại. Trong khi đó, cây dâu đang hái lá cho tằm ăn thì không được phun bất cứ một loại thuốc hóa học nào. Do đó, chính quyền các cấp cần nhanh chóng có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ để nông dân khôi phục và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm bền vững.

Không chỉ dừng lại ở việc trồng và chăm sóc cây dâu,việc chăm sóc tằm cũng là một trong những yếu tố then chốt góp phần cho sự vực dậy của nghề truyền thống này. Trước đây, người nuôi tằm phải tiến hành ấp trứng có sẵn trên các vĩ do chủ thu mua kén bán lại cho đến thời gian thu hoạch kén là tổng cộng 21 ngày. Trứng tằm được ủ bỏ trong một cái mâm và dưới một bóng điện trái ớt sợi đốt để đảm bảo nhiệt độ đủ ấm cho trứng nở, đồng thời, người ta chụp lên trên lớp vĩ trứng tằm một cái lồng bàn để tránh trường hợp tằm con sau khi nở bị thằn lằn ăn.

Tuổi đời của tằm từ khi nở cho đến khi hoàn thành việc tạo kén được tính khá chi tiết, người ta canh giấc ngủ của tằm để tính tuổi đời của nó,vì trong quá trình ngủ như vậy thì tằm sẽ tiến hành lột nhẹ lớp vỏ trên cơ thể để lớn lên, cụ thể: Ngủ 1 ăn 2, tức là một ngày sau khi tằm nở. Ngủ 2 ăn 3, tức là hai ngày sau. Ngủ 3 ăn 4, tức là 3 ngày sau. Ngủ 4 ăn 5, giai đoạn này là giai đoạn tằm lột xác lần cuối cùng, trong thời gian này, ngoài việc ăn đủ chất dinh dưỡng (lúc này người chăn nuôi sẽ rãi thuốc chín trên thức ăn để tằm ăn để tằm chuyển sang giai đoạn tạo kén với màu đặc trưng trên cơ thể là màu vàng) thì tằm sẽ thải hết những chất bẩn trong cơ thể và tiến hành tìm nơi thích hợp để tạo thành kén. Như vậy, cộng thêm 3 ngày ấp trứng thì khoảng 20 ngày đến 21 ngày người nuôi tằm có thể thu hoạch được. Đến thời điểm tằm tạo kén thì người chăm sẽ dựng nghiên những tấm vĩ được tạo thành từ cây Chành Rành chặt trên rừng về phơi khô, sau đó nẹp thành vĩ để tằm lên lựa chọn vị trí để tạo kén.

Điểm đặc biệt, ở mỗi độ tuổi mà tằm có yêu cầu khác nhau với lá dâu, thức ăn chính của tằm. Theo kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm trước đây của ông Phạm Văn Thái, ở thôn Phú Thuận, xã Ân Đức, nói rằng: “cây dâu cho lá để tằm có thể ăn được cao khoảng 1m. Ngoài ra, khi thu hoạch lá cũng phải tuân theo giai đoạn phát triển của tằm,vì mỗi tuổi thì tằm ăn một loại lá khác nhau trên thân cây dâu”. Việc thu hoạch lá cho tằm ăn cũng phải tuân thủ đúng kỹ thuật vì nếu sai dù chỉ một lần ăn thì tằm phát triển không tốt, bị bệnh và năng suất cho kén thấp cho nên người dân nuôi tằm phải hết sức quan tâm đến điều này để có chất lượng kén thu hoạch tốt.

Đó là cách nuôi tằm trước đây, ngày nay, việc nuôi tằm được người dân khá quan tâm trong việc đầu tư kỹ thuật. Việc người nuôi tằm ấp trứng hầu như không còn nữa mà do những người chuyên ấp trứng và chăm sóc tằm con thực hiện. Ở công đoạn này, đòi hỏi sự tỉ mĩ vô cùng lớn của người thợ. Việc chăm sóc tằm dường như là cả một ngày nên người dân nuôi tằm hay cười bảo, làm nghề tằm con là nghề ăn cơm đứng, không được lơ là.

Nếu trước đây tằm nuôi ở không gian thoáng thì giờ đây hầu như tằm được nuôi trong phòng kín, trang bị máy điều hòa để giữ nhiệt độ thích hợp cho tằm phát triển và kén đạt chất lượng tốt. Chưa dừng lại, những chiếc nong tằm dùng để làm nơi trú ngụ của tằm là dụng cụ không thể thay thế từ trước đến nay thì người nuôi tằm còn sáng tạo trong việc nuôi dưới đất theo luống. Trên những chiếc nong hay luống tằm, trước khi thải phân tằm ra ngoài thì người nuôi dùng một miếng nhựa nilon đã được đục lỗ (kích thước lỗ sẽ phù hợp với kích thước tằm ở các độ tuổi) bỏ lên trên thân tằm, sau đó, rải lá dâu lên tấm nilon như thế tằm sẽ bò lên ăn thức ăn trên tấm nilon đó và người ta chuyển nó sang một nong trống hay một luống trống khác để thay phân cho tằm mà không làm tằm bị tổn thương đến cơ thể, vô cùng nhanh, lại hiệu quả.

Không chỉ dừng lại ở khâu chăm sóc thì những dụng cụ như tấm vĩ cũng được thay đổi, cải tiến. Thay vì những tấm sằm kẹp thành bủa (có nơi dùng tấm vĩ chà bũa) thì nay chủ yếu là né tre, rồi tiếp đến là né gỗ và có

chạch để thu hoạch kén. Vì thế việc tằm đóng kén chất lượng hơn và thu hoạch kén nhanh hơn

Với nghề trồng dâu nuôi tằm người ta có thể tận dụng được tối đa những lao động phụ trong gia đình. Ngoài ra, do chu kỳ quay vòng khá nhanh (từ khi ấp trứng đến khi thu hoạch kén chỉ mất 21 ngày) nên nông dân thường xuyên có "đồng ra đồng vào" để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên nghề này cũng lắm giang nan, lên xuống thăng trầm do xuất phát từ điều kiện tự nhiên thay đổi làm ảnh hưởng đến diện tích dâu, cũng như giá cả lên xuống thất thường.

Bảng 2.2: Thống kê giá trị kén thu mua tại huyện Hoài Ân từ năm 1999 đến năm 2018 (Đvt: đồng/kg)

Giai đoạn 1999 - 2000 2000 – 2005 2005 - 2016 2017 – 2018 Giá trị 10.000 – 25. 000 34.000 – 37.000 54.000 – 100.000 150.000 – 200.000

[Nguồn: Điền dã địa phương]

Thông qua bảng số liệu trên, ta thầy nghề trồng dâu nuôi tằm thăng trầm phụ thuộc rât lớn vào giá cả trên thị trường, vào năm 1999, 2000 thì nghề được phục hồi trở lại, những xã ven bờ sông Kim Sơn và Ân Lão đều tiến hành trồng dâu nuôi tằm. Từ năm 2005 đến trước 2016 thì nghề này dường như bị chùng xuống xuất phát từ đồng tiền mất giá, giá cả lại thấp, bị cơ sở thu mua ép giá, từ bệnh dịch nên nghề nuôi tằm giảm sút hẳn.

Từ năm 2016 đến năm 2018, là thời kỳ phát triển của nghề, Năm 2018 ở Hoài Ân với khoảng 2.000 hộ sinh sống ven các con sông An Lão, Kim Sơn trồng dâu nuôi tằm; với giá 200.000 đồng/kg kén người dân có lời lớn vì thế nghề được vực dậy nhanh chóng ở Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Hữu và Ân Nghĩa. Bà con đã ứng dụng có hiệu quả kỹ thuật nuôi tằm mới, rút ngắn thời gian nuôi, ít phát sinh dịch bệnh, tăng năng suất, hiệu quả. Riêng ở thôn Vạn Trung của xã Ân Hảo Tây đã có tới 60 hộ nuôi tằm.

Cơ sở sản xuất tằm con của anh Nguyễn Văn Thuyết thì mỗi đợt như vậy cơ sở sẽ ấp tới 70 – 80 hộp, thậm chí cao điểm là 100 hộp/tháng để cung cấp cho hai xã Ân Hảo Đông và Ân Hảo Tây. Bình quân mỗi hộ nuôi một hộp thu được khoảng 40 – 50kg kén, nuôi tốt thì có thể đạt lên tới 60kg, như thế vào năm 2018 thì bình quân mỗi hộ sau mỗi đợt nuôi tằm trong vòng 21 ngày thu được 8.000.000 – 10.000.000 đồng. Nghề trồng dâu nuôi tằm còn giải quyết công ăn việc làm cho người dân nơi đây, nếu như tính theo thời điểm hiện tại, công hái lá dâu khoảng 135.000 đồng/ngày còn công nuôi khoảng 4.000.000 đồng/tháng. Như vậy, với khoảng thu nhập này thì cuộc sống của người làm nghề sẽ được ổn định hơn so với trước đây.

Ngoài việc chủ động tiếp cận với việc áp dụng kỹ thuật mới trong việc chăm sóc tằm và thu hoạch kén của người dân ở các hộ sản xuất thì chính quyền địa phương cũng đã có những chủ trương trong việc tìm nguồn ra cho bà con sau khi thu hoạch nhằm tạo nên chuỗi phát triển bền vững từ khâu nuôi trồng đến chăm sóc và tiêu thụ. Tiêu biển như, chính quyền địa phương sẽ sử dụng nguồn vốn xóa nghèo bền vững, vốn phát triển sản xuất để hỗ trợ phát triển diện tích dâu. Ngoài ra, để phát triển thì chủ trương mở lò ươm tơ ngay tại địa phương nhằm thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ để phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm bền vững ở địa phương.

Ngoài ra, ở cấp huyện cũng dành sự quan tâm lớn đến sự phát triển của nghề. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cây dâu ở các xã có nghề chủ lực trồng dâu nuôi tằm; đưa vào sản xuất các giống dâu tốt, công nghệ nuôi tằm mới để đảm bảo đạt sản lượng, tăng năng suất; hỗ trợ kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cơ sở ươm tơ… nhằm định hướng phục hồi, phát triển làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm gắn liền ươm tơ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghề thủ công truyền thống trên địa bàn huyện hoài ân, tỉnh bình định từ năm 1986 đến năm 2018 (Trang 47 - 54)