Nhiều nghề thủ công truyền thống một thời đã dần mai một hoặc biến mất trong cơ cấu nghề thủ công của huyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghề thủ công truyền thống trên địa bàn huyện hoài ân, tỉnh bình định từ năm 1986 đến năm 2018 (Trang 72 - 74)

NĂM 1986 ĐẾN NĂM

3.1.3. Nhiều nghề thủ công truyền thống một thời đã dần mai một hoặc biến mất trong cơ cấu nghề thủ công của huyện

hoặc biến mất trong cơ cấu nghề thủ công của huyện

Hiện nay nghề thủ công truyền thống của cả nước nói chung và Bình Định nói riêng đang đứng trước những thách thức không nhỏ: không đủ vốn để đầu tư đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, thiếu nguyên liệu tại chỗ, chưa có chợ đầu mối cung cấp nguyên liệu… Thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, một mặt do các sản phẩm thủ công còn đơn điệu về mẫu mã, chất lượng chưa cao, hầu hết sản phẩm chưa có thương hiệu nhãn mác hàng hoá nên sức cạnh tranh kém và thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp, chưa khai thác được thế mạnh của thị trường trong nước, mặt khác do thiếu thông tin thị trường, thiếu các trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm. Việc giữ gìn, tôn vinh và tuyên truyền bản sắc văn hóa dân tộc kết tinh trong các sản phẩm truyền thống chưa được coi trọng. Môi trường bị ô nhiễm, cơ sở hạ tầng và dịch vụ phục vụ sản xuất không đồng bộ.

Thực trạng đó đã dẫn đến việc nhiều ngành nghề thủ công sau khi phục hồi vực dậy có những bước phát triển ban đầu đã dần đi xuống, mai một. Thậm chí nhiều nghề thủ công rất nổi tiếng đã dần biến mất hẳn trong cơ cấu nghề thủ công. Hoài Ân vốn là một huyện có rất ít nghề thủ công truyền thống của tỉnh Bình Định cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Trước đây trên địa bàn huyện đã từng có những nghề thủ công truyền thống rất đặc sắc nhưng hiện nay đã mai một, nếu không muốn nói là đã mất hẳn như: Nghề mộc; Nghề chạm khắc gỗ; Nghề đan võng thơm tàu;….

Nghề mộc ở Hoài Ân có từ lâu và mang nhiều nét đặc sắc. Với các loại gỗ quý sẵn có tại địa phương như lim, sơn, mít, thị, muồng đen,… người thợ mộc ở đây đã làm ra nhiều kiểu nhà lá mái khá độc đáo, vừa mang nét chung của kiểu nhà lá mái Bình Định, vừa có sắc thái riêng ở Hoài Ân. Thợ làm nhà lá mái là thợ giỏi, có tay nghề. Việc làm nhà lá mái rất kỳ công, tốn rất nhiều thời gian. Có nhà từ khi khởi công xây dựng, người con trai chưa lấy vợ, nhưng khi khánh thành nhà thì đã có cháu.Cấu trúc nhà lá mái là những công trình có giá trị mỹ thuật của người thợ làm nghề một thời ở Hoài Ân, đặc biệt từ trước năm 1986 thì kiểu nhà này khá phổ biến ở vùng đất này. Ngày nay vẫn còn đó một số ngôi nhà lá mái ở Gia Trị, Đức Long (Ân Đức), Hà Tây (Ân Tường Tây) làm say đắm bao nhiêu người chiêm ngưỡng, nhưng nghề mộc làm nhà mái lá đã vắng bóng.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Bana Bok Tới và Đắc Mang cũng đứng trước nguy cơ mai một. Trong những năm qua, huyện Hoài Ân đã có những động thái tích cực nhằm khuyến khích khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số như tổ chức hội thi khéo tay trong các ngày hội VHTT miền núi, ngày hội của từng làng, khuyến khích chị em mặc trang phục trong các ngày lễ, tết… Song, tất cả cũng chỉ dừng ở mức tuyên truyền vận động, tạo điều kiện tạm thời để người dân giữ nghề chứ chưa có định hướng cụ thể cho sự phát triển của nghề.

Mặt khác tuy dệt thổ cẩm là nghề truyền thống khó bỏ vì trang phục truyền thống của người Bana khó có loại vải khác thay thế. Song hiện nay vải vóc, quần áo may sẵn từ dưới xuôi mang lên, đẹp, thuận tiện, buôn bán trao đổi dễ dàng; mặt khác nếu bỏ tiền mua một tấm vải rồi đem may thành váy, thành áo để mặc thì rẻ hơn 2 đến 3 lần số tiền công ngồi dệt một sản phẩm truyền thống. Bởi lẽ đó mà nhiều người không mặn mà nghề dệt, nhiều em gái lớn lên không muốn học dệt.

Nhưng năm gần đây nghề đan nong ở Ân Đức, Đức Long tuy có bước phục hồi nhưng không đáng kể và cũng có nguy cơ mai một. Những vườn tre xanh tốt trong vườn, ngoài soi bãi ven sông là nguồn nguyên liệu phong phú. Đã một thời một khúc tre làm ra tiền, ra gạo, còn nay tre đứng thành vườn như thế nhưng chỉ để làm củi hoặc ken hàng rào. Nghề đan nong ở thôn Đức Long, xã Ân Đức (Hoài Ân) lụi tàn dần không phải vì thiếu nhân lực, thiếu nguyên vật liệu để sản xuất mà chính là thiếu việc tổ chức và tìm ra một hướng đi phù hợp. Sản phẩm làm ra không có nơi bao tiêu ổn định.

Hơn nữa những sản phẩm công nghiệp lấn át như sàn phơi bằng lưới, bằng bạt nhựa, kể cả người phơi nông sản dùng sân gạch, xi măng, thậm chí phơi ngay trên đường quốc lộ thấy thuận tiện và dễ dàng, cho nên nhu cầu dùng nong làm phương tiện phơi nông sản đã giảm nhiều. Các sản phẩm nghề đan nong truyền thống không còn chỗ đứng. Ngưới dân không sống được với nghề đành bỏ nghề, chuyền sang tìm việc làm khác. Hiện nay còn một ít hộ giữ nghề đan nong, kèm theo đan rọ heo, giỏ già...theo đơn đặt hàng của khách. Xem đó là nghề phụ “lấy công làm lời” nhằm giải quyết ngày công trong buổi nông nhàn nhưng như thế vẫn chưa đủ để có thể vực dậy nghề đan nong đã từng phát triển mạnh mẽ ở đây.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghề thủ công truyền thống trên địa bàn huyện hoài ân, tỉnh bình định từ năm 1986 đến năm 2018 (Trang 72 - 74)