Sự thay đổi kiến thức của người bệnh Gút về chế độ ăn uống và lối sống sau

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thay đổi kiến thức của người bệnh gút về chế độ ăn uống và lối sống sau can thiệp giáo dục sức khỏe tại bệnh viện đa khoa tỉnh nam định năm 2017 (Trang 71 - 77)

sau can thiệp giáo dục

Hội chứng chuyển hóa kinh điển gồm 4 biểu hiện: Béo phì, cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Nay thêm một biểu hiện thứ 5 nữa là tăng Acid uric máu, nói cách khác, các người bệnh béo phì, cao huyết áp, bệnh mạch vành… rất dễ bị Gút và ngược lại, người bệnh Gút thường mắc bệnh béo phì, xơ vữa động mạch, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành.

Chế độ ăn uống và chế độ sinh hoạt hàng ngày sẽ giúp phòng ngừa bệnh Gút, làm giảm số người trở thành người bệnh Gút. Như vậy, chế độ ăn uống không thể thay thế được các thuốc điều trị Gút, nhưng có một vai trò quan trọng trong điều trị, góp phần làm bệnh Gút và các bệnh kèm theo dễ kiểm soát hơn, giảm bớt liều thuốc phải dùng, giảm bớt số thuốc phải dùng.

Chế độ ăn uống càng quan trọng hơn khi người bệnh bị dị ứng với các thuốc làm giảm Acid uric máu, hoặc vì một lí do nào đó không sử dụng được thuốc này. Chế độ ăn uống còn là biện pháp chính, không thể thiếu được trong việc phòng ngừa bệnh Gút cho các đối tượng tăng acid uric máu đơn thuần. Các bệnh rối loạn chuyển hóa ở người thường đi kèm với nhau, ngày càng gia tăng và đang là một hiểm họa lớn cho loài người trong thế kỷ 21.

Khi tiến hành can thiệp giáo dục sức khỏe cho 62 người bệnh Gút về chế độ ăn uống và lối sống chúng tôi thu nhận được sự thay đổi rõ rệt về kiến thức của người bệnh cụ thể như sau:

4.3.1.Thay đổi kiến thức của người bệnh Gút về các loại thực phẩm có nguy cơ gây khởi phát cơn Gút cấp sau can thiệp giáo dục

Thực phẩm có hàm lượng Purin cao nguồn gốc động vật

Nhiều nghiên cứu đã xét đến mối liên hệ giữa các yếu tố ăn uống với nồng độ acid uric máu và nguy cơ gây ra cơn Gút cấp [27],[57]. Cụ thể là nguy cơ mắc bệnh Gút cũng như khởi phát Gút cấp tính sẽ tăng với tần suất tiêu thụ cao các loại thực phẩm giàu Purin có nguồn gốc động vật như: phủ tạng động vật, các loại thịt đỏ, các loại thịt trắng, thức ăn lên men từ thịt, hải sản [57].

Tuy nhiên trong nghiên cứu của chúng tôi, số đối tượng tham gia nghiên cứu nhận thức sai lầm hoặc không biết về mối liên hệ này còn nhiều với các tỷ lệ 63,9 %, 68,7%, 71,0%, 76,8%, 52,6% tương ứng. Sau khi nhận được tư vấn, giáo dục sức khỏe từ nhóm nghiên cứu, đại đa số người bệnh tham gia nghiên cứu có nhận thức đúng đắn về mối liên hệ giữa việc tiêu thụ các loại thực phẩm giàu Purin nguồn gốc động vật và nguy cơ gây khởi phát cơn Gút cấp tính với các tỷ lệ trả lời đúng lần lượt là: Phủ tạng động vật 96,8 %, các loại thịt đỏ 95,2 %, các loại thịt trắng 79,0%, các loại thức ăn lên men từ thịt 77,4%, hải sản 91,9%. Đáng chú ý là tỷ lệ nhận thức đúng về nguy cơ gây ra cơn Gút cấp đối với việc tiêu thụ các loại thực phẩm kinh điển có hàm lượng Purin cao như: phủ tạng động vật, các loại thịt đỏ, hải sản là gần như tuyệt đối. Trong khi đó còn đến 13 - 14% người bệnh nhận thức sai rằng tiêu thụ nhiều các loại thịt trắng và các loại thức ăn lên men từ thịt là không có nguy cơ gây ra cơn Gút cấp.

Theo nghiên cứu của Choi (2004) và William (2008) đã chỉ ra yếu tố nguy cơ tương đối gây bệnh Gút của thịt là thấp hơn so với tiêu thụ cùng một số lượng thịt đỏ hoặc hải sản…[26],[52]. Điều này cũng đã được nhóm nghiên cứu nhấn mạnh trong khi tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh Gút bởi khi phải lựa chọn giữa 5 nhóm thức ăn kể trên thì việc lựa chọn nên ưu tiên cho các loại thịt trắng vì chúng

có hàm lượng Purin thấp hơn và việc tiêu thụ nhóm thực phẩm này cũng có nguy cơ thấp hơn gây ra cơn Gút cấp tính. Tuy nhiên không nên tiêu thụ quá nhiều loại thực phẩm này, nếu bắt buộc phải sử dụng chúng trong thực đơn nên sử dụng càng ít càng tốt.

Chúng tôi đã tiến hành tư vấn cho ĐTNC về việc phải tránh ăn những loại thực phẩm có hàm lượng Purin cao, sau can thiệp giáo dục đại đa số ĐTNC đã hiểu về yếu tố nguy cơ gây cơn Gút cấp của những loại thực phẩm này và kết quả cho thấy tỷ lệ ĐTNC trả lời về yếu tố nguy cơ của phủ tạng động vật là rất cao 96,8% tiếp theo là thịt đỏ 95,2%, hải sản 91,9%, và các loại thịt trắng là 79%, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,001). Những con số này chứng tỏ vai trò to lớn của truyền thông giáo dục sức khỏe tới người bệnh, giúp người bệnh và người nhà hiểu được yếu tố gây khởi phát cơn Gút cấp của các loại thực phẩm này, từ đó người bệnh sẽ có ý thức tránh, không sử dụng hoặc sử dụng hạn chế các loại thực phẩm này trong chế độ ăn của mình.

Rượu, bia

Tác hại của bia rượu đối với sức khỏe con người là không cần phải bàn cãi, đối với người bệnh Gút cũng vậy, có rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh được nguy cơ tương đối gây khởi phát bệnh Gút cũng như cơn Gút cấp tính. Tác giả Choi HK (2004) đã chỉ ra rằng tiêu thụ rượu 10-14,9g/ngày; 15,0 - 29,9g/ngày; 30,0- 49,9g/ngày và >50g/ngày thì nguy cơ tương đối gây bệnh Gút so với không tiêu thụ lần lượt là 1,32;1,49;1,96; 2,53 lần (p<0,001). Trong khi đó tiêu thụ khoảng 1200ml bia mỗi ngày nguy cơ gây bệnh Gút cao gấp 1,49 lần so với không tiêu thụ [25] .

Tác giả Yuqing Zhang (2006) tiến hành phỏng vấn trực tiếp qua Internet 197 người bệnh Gút trong đó có 91% người bệnh đủ tiêu chuẩn chẩn đoán Gút theo Hội thấp khớp học Mỹ. Kết quả có thể khẳng định tiêu thụ rượu khởi phát cơn Gút cấp tái phát, tác dụng này có khả năng xảy ra trong 24 giờ [56]

Trong nghiên cứu của chúng tôi sau khi nhận được tư vấn giáo dục sức khỏe kiến thức của đối tượng nghiên cứu về vai trò của rượu bia đã được nâng lên đáng

kể với tỷ lệ nhận thức đúng đắn từ 61,3% và 33,9% lên tương ứng là 96,8%, 74,2% và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0,001).

Trong nghiên cứu của chúng tôi có đến 96,8% là nam giới, vì vậy việc khuyên người bệnh hạn chế và dần dần từ bỏ rượu bia là một cách để không làm gia tăng nồng độ Acid uric máu, hạn chế xuất hiện các cơn Gút cấp. Điều này thể hiện ở sự thay đổi quan niệm của người bệnh về tác hại của bia rượu đối với sức khỏe nói chung và bệnh Gút nói riêng. Khi người bệnh có cách nhìn nhận đúng, người bệnh sẽ có những hành vi đúng. Kết quả sau khi được can thiệp giáo dục, kiến thức của đối tượng nghiên cứu về vai trò của rượu bia đã được nâng lên đáng kể 96,8%, 74,2% và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0,001)

Ngoài việc sử dụng rượu bia trong chế độ ăn, mọi người nói chung và người bệnh Gút nói riêng còn sử dụng rất nhiều nước ngọt có ga hàng ngày như là một cách để giải khát, để cung cấp năng lượng cho cuộc sống. Nhưng ít ai biết rằng tiêu thụ quá nhiều đồ uống ngọt lại tạo điều kiện gây khởi phát bệnh Gút, làm xuất hiện các cơn Gút cấp tính. Tác giả Choi HK và cộng sự (2008) cũng đã chỉ ra rằng tiêu thụ ≥2 đơn vị đồ uống ngọt mỗi ngày so với ≤ 1 đơn vị mỗi tháng thì nguy cơ mắc bệnh Gút cũng tăng lên 1,85 lần [23]. Mặc dù trước nghiên cứu chỉ có 27,4% người bệnh cho rằng tiêu thụ đồ uống ngọt có nguy cơ gây cơn Gút cấp nhưng sau can thiệp giáo dục của chúng tôi kiến thức của người bệnh có cải thiện đáng kể là 82,3 % và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0,001).

4.3.2.Thay đổi kiến thức của người bệnh Gút về các loại thực phẩm không có nguy cơ gây khởi phát cơn Gút cấp sau can thiệp giáo dục

Tác giả Choi HK (2004) nghiên cứu trong suốt 12 năm ghi nhận được 730 trường hợp mới được phát hiện bệnh Gút, kết quả cho thấy tỷ lệ mắc bệnh Gút giảm đi cùng với việc gia tăng các sản phẩm từ sữa; Nguy cơ tương đối đa biến ở nam giới ở nhóm có tỷ lệ cao nhất, so với nhóm có tỷ lệ thấp nhất, là 0,56 (khoảng tin cậy 95%, 0,42 - 0,74, p<0,001). Mức tiêu thụ các loại rau giàu Purine và tổng lượng protein không liên quan đến tăng nguy cơ bị bệnh Gút [26]

Theo Nguyễn Thị Lâm và cộng sự (2011) tiêu thụ các loại rau xanh, ngũ cốc, thực phẩm có hàm lượng Purin cao có nguồn gốc thực vật không có sự khác biệt giữa nhóm có bệnh Gút và không có bệnh Gút [10]

Kết quả trả lời bảng 3.16 trong nghiên cứu của chúng tôi cho thấy đã có tới 71% đối tượng nghiên cứu biết được rằng tiêu thụ các loại rau quả, ngũ cốc là không có nguy cơ gây ra cơn Gút cấp, sau can thiệp giáo dục kiến thức của toàn bộ nhóm nghiên cứu về các loại thực phẩm này đối với bệnh Gút được nâng cao hơn với bằng chứng là gần 100% đối tượng nghiên cứu nhận thức đúng đắn về vai trò của các loại rau xanh có tác dụng tốt với người bệnh Gút. Tuy nhiên hiểu biết của ĐTNC về vai trò của các loại củ quả màu đỏ, ngũ cốc, sữa đối với bệnh Gút vẫn chưa cao. Chúng tôi đã tiến hành tư vấn cho người bệnh, nhấn mạnh vai trò của các loại thức ăn này trong chế độ ăn hàng ngày để có một chế độ ăn đầy đủ và cân đối các thành phần. Kết quả sau can thiệp tỷ lệ người bệnh đã có nhận thức đúng đắn về các loại thực phẩm này tăng lên rất nhiều cụ thể 90,3%; 96,8%; 80,6% người bệnh tin tưởng rằng tiêu thụ nhiều các củ quả màu đỏ, ngũ cốc và sữa là không có hại đối với người bệnh Gút.

Trong nhiều khuyến cáo trước đây đều nói đến mối liên quan giữa bệnh Gút và các loại thực phẩm hàm lượng Purin cao có nguồn gốc thức vật. Tuy nhiên những nghiên cứu gần đây đã chứng minh được rằng tiêu thụ các loại thực phẩm này là không có nguy cơ gây khởi phát cơn Gút cấp. Phan Văn Hợp (2011) khi khảo sát về tần suất tiêu thụ một số loại thực phẩm có hàm lượng Purin cao ở người cao tuổi tăng và không tăng Acid uric máu cũng nhận thấy không đến một nửa số đối tượng nghiên cứu ở cả 2 nhóm tiêu thụ các loại thực phẩm này một cách thường xuyên [5]. Qua nghiên cứu của chúng tôi có thể thấy phần lớn đối tượng nghiên cứu tin rằng các loại thực phẩm kể trên là không tốt cho người bệnh Gút, điều này cần được đặc biệt quan tâm, nhấn mạnh trong tư vấn giáo dục sức khỏe cộng đồng phòng chống bệnh Gút. Sau khi nhận được tư vấn giáo dục đến từng đối tượng hiểu biết về vai trò của nhóm thực phẩm này đối với bệnh Gút đã tăng lên đáng kể với 77,4 % và 72,6% số người bệnh trả lời đúng (p<0,001)

4.3.3. Thay đổi kiến thức của người bệnh Gút về các thói quen sinh hoạt có lợi cho người bệnh Gút

Trong tất cả các khuyến cáo về quản lý và kiểm soát bệnh Gút của Liên đoàn phòng chống bệnh thấp khớp Châu Âu (EULAR) 2006, 2016; Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ 2012; Hội Thấp khớp học Autralia 2014 đều nhấn mạnh vai trò của việc thay đổi lối sống đối với người bệnh Gút [17],[20],[49],[51]. Tuy nhiên khi phỏng vấn người bệnh về các thói quen tốt cho người bệnh Gút, không nhiều ĐTNC nhận thức đúng đắn về vai trò của thay đổi lối sống cụ thể chỉ có 40,3% người bệnh cho rằng bỏ thuốc lá là có lợi, kết quả trả lời về việc uống nước, giảm cân và tập thể dục tương ứng là 32,3%; 46,8%; 43,5%

Chúng tôi đã tiến hành tư vấn sức khỏe đến tất cả 62 người bệnh kết quả là sau khi nhận được tư vấn sức khỏe từ nhóm nghiên cứu của chúng tôi, có đến 90,3%; 83,9%; 82,3%; 85,5% ĐTNC nhận thức được bỏ thuốc lá, uống nhiều nước; giảm cân; tập thể dục thường xuyên là tốt với sức khỏe nói chung và bệnh Gút nói riêng. Sự khác biệt trước và sau can thiệp là có ý nghĩa thống kê, thể hiện năng lực của nhóm nghiên cứu trong tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh.

4.3.4. Thay đổi điểm kiến thức chung của đối tượng nghiên cứu về chế độ ăn uống và lối sống cho người bệnh Gút:

Trong nghiên cứu của chúng tôi kiến thức của người bệnh Gút về chế độ ăn uống và lối sống đã thay đổi đáng kể sau can thiệp giáo dục sức khỏe. Điều này thể hiện qua điểm trung bình chung kiến thức của người bệnh đã thay đổi từ 7,31 ± 1,68 tăng lên 15,52 ± 1,3 trên tổng số 18 điểm, 100% người bệnh có kiến thức về chế độ ăn uống và lối sống chứng tỏ người bệnh đã có cách nhìn nhận đúng đắn về những loại thực phẩm và thói quen trong sinh hoạt có liên quan đến việc xuất hiện các cơn Gút cấp. Để từ đó người bệnh sẽ có những hành vi đúng trong sinh hoạt hàng ngày. Tất nhiên từ sự thay đổi kiến thức đến thay đổi hành vi là cả một vấn đề rất khó khăn đòi hỏi vai trò của công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe.

Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Lâm và cộng sự (2011) đánh giá hiệu quả của tư vấn chế độ ăn cho người bệnh Gút, kết quả cho thấy sau can thiệp tần suất

tiêu thụ các loại thực phẩm giàu Purin đã giảm xuống, các chỉ số nhân trắc học cũng được cải thiện đáng kể, nghiên cứu của Phan Văn Hợp (2011) cũng cho kết quả tương tự [8],[9]. Như vậy thực hiện chế độ ăn uống phù hợp cùng với lối sống lành mạnh sẽ góp phần đáng kể trong việc dự phòng và hạn chế các cơn Gút cấp cũng như phòng chống bệnh Gút nói riêng và các bệnh của hội chứng chuyển hóa nói chung.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thay đổi kiến thức của người bệnh gút về chế độ ăn uống và lối sống sau can thiệp giáo dục sức khỏe tại bệnh viện đa khoa tỉnh nam định năm 2017 (Trang 71 - 77)