8. Cấu trúc của luận văn
3.2.4. Giải pháp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ
- Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý là một giải pháp khoa học mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng. Đó là việc chuyển đổi sang cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, chịu hạn, loại bỏ những cây có nhu cầu nước nhiều, nhất là vào mùa khô sang các cây trồng cạn nhằm cung cấp đủ nước tưới và hạn chế những thiệt hại do hạn hán gây ra đối với sản xuất.
+ Đối với diện tích trồng lúa: Cần rà soát lại toàn bộ diện tích để xác định rõ nơi nào, diện tích bao nhiêu đảm bảo có đủ nước thì gieo cấy lúa. Nơi nào không hoàn toàn chủ động nguồn nước tưới cần chuyển loại đất này sang gieo trồng ngô, lạc, đậu đỗ. Nên sử dụng giống lúa ngắn ngày để tiết kiệm số lần tưới và dễ điều chỉnh mùa vụ, giống chịu hạn; Có thể áp dụng một số loại giống như: Giống lúa thuần ANS1 (thời gian sinh trưởng trung bình sớm, 87 - 105 ngày, chống chịu rầy nâu, đạo ôn, thích nghi với điều kiện sinh thái vùng),...
+ Đối với cây cà phê: Giảm diện tích cây cà phê có hiệu quả thấp, thiếu điều kiện tưới, hoặc nằm ở những nơi không thuận lợi cho tưới (xa nguồn nước, đầu nguồn, địa hình phức tạp…). Những diện tích cà phê này, cần chuyển đổi sang các cây trồng khác có khả năng chịu hạn cao, hoặc cần ít nước như cao su, điều, bông vải…hoặc có thể trồng rừng sản xuất, tái sinh rừng… Cần đẩy mạnh tái canh cà phê và sử dụng các giống đã được thử nghiệm cho hiệu quả cao như TR4, TR5, TR9, TR10, TR11, TR12… năng suất vừa cao lại chống chịu được với khô hạn.
+ Ngoài ra với một số giống cây trồng khác cần được đưa vào canh tác trong điều kiện khô hạn như: giống sắn KM7; lạc LDH.01; đậu tương ĐTDH.02, đậu xanh NTB.O2 (có khả năng chịu hạn cao...) của Viện KHKT NN Duyên hải Nam Trung bộ. Giống ngô lai đơn VN8960; đậu xanh ĐX208 của Công ty cổ phần Giống cây trồng Nha Hố. Hoặc các giống ngô chịu hạn CP333 và CP111… của Công ty TNHH Hạt giống C.P Việt Nam…
+ Phát triển NN kết hợp trồng, bảo tồn, khôi phục diện tích rừng bị tàn phá bằng những giống cây có tính kinh tế như: bời lời, keo… hoặc kết hợp trồng dược liệu dưới tán rừng già…
- Về cơ cấu lại mùa vụ: Xác định nhu cầu nước của cây trồng vào từng giai đoạn sinh trưởng khác nhau trong vụ gieo trồng, từ đó cơ cấu lại mùa vụ hợp lí để tận dụng nước mưa, độ ẩm của đất.
Thực tiễn đầu tư cho thủy lợi ở các vùng sâu, vùng xa trên LVS còn hạn chế, khá nhiều diện tích đất NN vẫn chỉ dựa vào mưa và chỉ canh tác được một vụ. Để tận dụng tối đa nguồn nước mưa, độ ẩm của đất sau mưa, cần xác định rõ thời gian gieo trồng với thời gian mưa. Việc cơ cấu lại mùa vụ hợp lí phù hợp với dịp ra hoa, kết trái của cây là biện pháp tiết kiệm nước ban đầu trong sản xuất, bảo đảm được hiệu quả sản xuất.