6. Cấu trúc của luận văn
3.2.2 Sử dụng những chi tiết “biết nói”
Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Đặc điểm của truyện ngắn là phải ngắn gọn, cô đúc, dung lượng nhỏ nhưng sức chứa phải lớn. Để tạo ra được sức chứa lớn như vậy mỗi yếu tố cấu thành truyện ngắn phải có sự gắn kết chặt chẽ và có ý nghĩa sâu xa. Giá trị của truyện ngắn phụ thuộc vào các chi tiết nghệ thuật. Vậy nên đây được xem là một nhân tố quan trọng trong quá trình sáng tác của các nhà văn.
Chi tiết nghệ thuật là những tiểu tiết trong tác phẩm, góp phần cấu thành nên tác phẩm. Chi tiết nghệ thuật mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Nhờ có chi tiết mà tính cách, hành động và tâm tư của nhân vật được bộc lộc một cách toàn diện. Nói như M.Gorki thì chi tiết nhỏ sẽ làm nên nhà văn lớn nếu nhà văn đó biết cách lựa chọn những chi tiết “vàng” để đưa vào tác phẩm của mình. Thế nên từng có ý kiến cho rằng một truyện ngắn muốn được đánh giá là hay thì phải phụ thuộc rất nhiều vào chi tiết truyện: “Yếu tố có ý nghĩa quan trọng bậc nhất của truyện ngắn là chi tiết có dung lượng
lớn... tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết” [16; tr.398]. Điều đó
cũng đồng nghĩa với việc các chi tiết được lựa chọn đưa vào truyện ngắn phải độc đáo, giàu ý nghĩa nghệ thuật vì một truyện ngắn hay không thể có những “chi tiết vô bổ” (Sê Khốp). Nguyễn Quang Sáng cũng đồng quan điểm khi
ông cho rằng:“Nếu không có chi tiết thì truyện sẽ không thành truyện, nó sẽ như một đề cương, rất đại khái. Chi tiết có thể ví như bụi vàng.(...) Nhà văn Nga nổi tiếng Poustovky cũng cho thấy vụi vàng làm nên những bông hồng
vàng. Từ bụi vàng dựng nên tác phẩm”[55; tr.98]. Tác giả thừa nhận mình là
người “mê chi tiết”. Ông cho rằng viết văn mà không có chi tiết đắt thì giống y chang xã luận. Mặt khác, viết truyện mà không có chi tiết đặc biệt thì người ta sẽ không nhớ lâu. Chính vì vậy trong các sáng tác của mình, Nguyễn Quang Sáng luôn chú ý đến yếu tố chi tiết bên cạnh những yếu tố khác.
Với một tác phẩm truyện, thế mạnh của nhà văn Nguyễn Quang Sáng nằm ở chi tiết truyện. Những chi tiết trong các tác phẩm của ông thường khiến người đọc bị ám ảnh. Nhà văn Lê Văn Thảo từng đọc một truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng có chi tiết khiến ông nhớ mãi. Chi tiết này kể về một đoàn văn công đi lên một ngọn đồi phục vụ văn nghệ cho bộ đội. Không may trước đó ngọn đồi bị pháo kích và không một người lính nào còn sống. Lẽ ra đoàn văn công rút lui nhưng họ đã ở lại nhặt từng phần thân thể để ghép lại thành hình từng con người. Và đoàn văn công tiếp tục biểu diễn văn nghệ phục vụ cho những người lính vừa hy sinh, qua đó miêu tả sự khốc liệt của chiến tranh.
Truyện ngắn hay là truyện ngắn làm cho ta có thể đọc được nhiều lần, khi đọc và đọc xong thì thấy khác về cảm xúc và điều đặc biệt là đọc xong rồi nhưng truyện ngắn đó cứ mãi neo vào trong lòng người đọc. Chính chi tiết hay là những đinh móc để neo tác giả, tác phẩm vào lòng người đọc. Viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nguyễn Quang Sáng có những chi tiết sống mà cho đến bây giờ, dù đọc đi đọc lại nhiều lần, độc giả vẫn cảm thấy ấn tượng. Chẳng hạn như chi tiết “vết thẹo” và “chiếc lược ngà” trong truyện ngắn cùng tên. Chi tiết “vết thẹo” trên mặt ông Sáu làm cho câu chuyện trở nên kịch tính và lôi cuốn, chính ở chi tiết này, nhà văn đã lấy đi rất nhiều nước mắt từ bạn đọc. Ông Sáu - ba của bé Thu trong truyện trong lúc chiến đấu bị thương ở
mặt, vết đạn làm khuôn mặt ông trông khác đi so với trước đó. Chính vì điều này mà khi trở về thăm gia đình, con gái ông đã không chịu nhận cha. Chi tiết này đóng vai trò thắt nút - mở nút cho câu chuyện. Cùng với chi tiết “vết thẹo”, chi tiết “chiếc lược ngà” cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, đây cũng là nhan đề chính của câu chuyện. Chi tiết này mang nhiều ý nghĩa đối với từng nhân vật trong tác phẩm. Với ông Sáu, đây là kỷ vật duy nhất ông dành cho con, là lời hứa sẽ trở về cùng đoàn tụ với con gái, nhưng quan trọng nhất đây là vật giúp ông gỡ rối được lòng mình vì khi tức giận đã đánh bé Thu. Đồng thời, nó còn giúp ông vơi bớt nỗi nhớ con mỗi khi mang nó ra mài dũa. Với ông Sáu “chiếc lược ngà” có ý nghĩa bao nhiêu thì với bé Thu, nó quan trọng bấy nhiêu. Nó là tình cảm thiêng liêng mà hai cha con dành cho nhau trong thời khắc ngắn ngủi hai cha con nhận nhau. Riêng đối với bác Ba (người kể chuyện), đó là sự ủy thác quan trọng của người bạn thân mà trước lúc hi sinh ông chưa kịp trăn trối điều gì, chỉ có thể rút chiếc lược từ trong túi ra và nhờ bạn thân mình giao tận tay con gái yêu. Thế nên có thể khẳng định, chi tiết “chiếc lược ngà” trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của tình phụ tử. Nó chính là nhân chứng sống tố cáo chiến tranh và những nỗi đau mà chiến tranh gây ra. Đồng thời nó tạo được mạch liên kết lôgic cho câu chuyện được kể. Chỉ với hai chi tiết đắt giá này, giá trị của tác phẩm cũng đã được đẩy lên cao. Đây được xem là những chi tiết “biết nói”, có giá trị về mặt nghệ thuật và cảm xúc.
Ở một truyện ngắn khác, nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng rất thành công khi tạo được chi tiết đắt giá không thua gì hai chi tiết trên, đó là truyện
Bông cẩm thạch, chi tiết được nhắc đến trong truyện ngắn này là “đôi bông cẩm thạch”. “Đôi bông đó là quà cưới của cha con tặng cho má” [48;tr.99 ]. Đôi bông ấy đối với Mì không phải là món trang sức nhưng Mì lại luôn đeo bên tai. Nhiều người bảo nó không hợp với cô, nó chỉ hợp với những người
đứng tuổi, nhưng cô không quan tâm điều đó. Vì thật ra đôi bông tai ấy Mì đã lấy trộm của mẹ và mang theo nó khi bỏ nhà đi trốn, cô đi làm giao liên cho cách mạng. Sở dĩ Mì lấy trộm vì Mì nghĩ mẹ mình “không xứng đáng để giữ cái kỷ niệm của cha” [48; tr.106], cô cho rằng mẹ đã phản bội cha, không chung thủy với cha, đâm ra thù ghét mẹ. Mãi đến sau này khi hiểu được sự thật, Mì mới thấy thương mẹ nhiều hơn, cô gửi trả lại mẹ đôi bông cẩm thạch ấy. Có thể nói, với chi tiết “đôi bông cẩm thạch”, tác giả đã phần nào lột tả được tính cách của nhân vật Mì một cách rõ nét. Đó là một cô gái sống nội tâm nhưng giàu tình cảm, Mì thương cha, thương mẹ, sự thủy chung trong suy nghĩ và tình cảm của Mì là biểu tượng đẹp trong văn học.
Như vậy, với việc sử dụng những chi tiết đắt giá, Nguyễn Quang Sáng đã tạo được điểm nhấn riêng cho tác phẩm của mình. Đây có thể xem là một trong những thành công lớn trong hành trình sáng tác của ông, góp phần khẳng định phong cách riêng của nhà văn trên văn đàn nghệ thuật.