6. Bố cục của luận văn
2.2.1. Hiện thực đời sống gia đình
Viết cho tuổi mới lớn, Nguyễn Nhật Ánh không chỉ đề cập đến thế giới học đường với tình bạn, tình yêu. Những trang truyện viết cho các em của nhà văn còn miêu tả hiện thực đời sống gia đình của trẻ. Trong môi trường sống ấy, những nhân vật nữ tuổi mới lớn được chỉ bảo, nuôi dưỡng lớn lên và bộc lộ ý thức cá nhân về gia đình, cuộc sống.
Trên những sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh, gia đình là cái nôi nuôi dưỡng trực tiếp tạo điều kiện cho các nhân vật nữ yên tâm vững chắc bước
vào đời. Gia đình như một chỗ dựa tinh thần, là nơi trở về an toàn nhất. Vì thế, bức tranh hiện thực đời sống gia đình trên trang viết của nhà văn thường chứa đựng những câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình.
Trong bức tranh hiện thực đời sống gia đình, các nhân vật nữ tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh nhận được tình cảm từ những người gần gũi nhất. Bầu không khí yêu thương lan tỏa từ những người ông, người bà hay ba mẹ của các em. Họ không chỉ là người lớn trong gia đình mà còn là bạn của bọn trẻ, khi chịu hòa nhập vào thế giới của các em.
Ba của Tóc Bím trong Ngôi trường mọi khi là một ví dụ. Khác với vẻ ngoài nghiêm nghị, tâm hồn ông rất gần gũi với lũ trẻ. Ông làm đám bạn của Tóc Bím từ lo sợ sang ngạc nhiên rồi hoan hỉ khi không la rầy chúng mà dành thời gian nghỉ trưa để chơi bài cùng lũ trẻ. Hành động thân thiện đó của ba Tóc Bím khiến “đám loai choai vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt” (tr.71). Đọc tác phẩm Ngôi trường mọi khi, ta dường như thấy thấp thoáng bóng dáng nhà văn ở hình ảnh nhân vật người cha này.
Viết về hiện thực đời sống gia đình, Nguyễn Nhật Ánh lay động tâm hồn người đọc bởi tấm lòng yêu thương vô bờ của người cha dành cho con gái. Độc giả xúc động trước tình yêu thương của ông Tám Tàng dành cho bé Nhi trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Khi con bị nạn trở nên “dở tỉnh dở điên” người cha ấy luôn hết mực yêu thương và che chở cho con. Hành động đóng giả Đức Vua của ông chỉ với mục đích: Nhi được sống bình yên và hạnh phúc trong thế giới của nó khiến người đọc suy nghĩ về tính chất thiêng liêng của tình phụ tử.
Ngoài cha mẹ, nhân vật nữ của Nguyễn Nhật Ánh còn nhận được tình cảm ấm áp từ người bà. Trong Ngồi khóc trên cây, Rùa không cô đơn khi sống trong ngôi nhà chẳng còn ba và mẹ. Tâm hồn Rùa được sưởi ấm khi có người bà luôn bên cạnh yêu thương nó. Bà bảo bọc cháu bằng sự bình tĩnh
trước thái độ của những người thuộc phường săn khi họ đến nhà tìm Rùa. Bà chưa bao giờ trách cứ Rùa vì tội phá bẫy thú của phường săn. Bao lần họ giận dữ tới nhà la lối, bà vẫn “không có biểu lộ gì”. Người bà ấy bù đắp những mất mát của cháu bằng chính việc yêu thương Rùa, hiểu nó và thông cảm cho những việc nó làm. Bà mang đến cho Rùa không khí của một gia đình để nó không cảm thấy lẻ loi.
Nhân vật người bà trong truyện Nguyễn Nhật Ánh là những người phụ nữ bao dung, độ lượng và nhân từ. Người bà còn là người bạn đầu tiên của trẻ như bà nội của Ngạn trong Mắt biếc. Bà luôn “mỉm cười hiền lành và đầy yêu thương” và hay “thủ thỉ kể những câu chuyện cổ xưa” [tr.64]. Bà là người duy nhất mà Ngạn có thể tâm sự. Những lúc tột cùng của sự cô đơn, hình ảnh bà hiện lên trong trí nhớ Ngạn như một phép màu nhiệm để Ngạn có thể bám víu và xoa dịu nỗi đau của mối tình đầu.
Trên những trang viết của Nguyễn Nhật Ánh, gia đình luôn là nơi để các bạn nữ tuổi mới lớn quay về sau những lầm lỗi. Trong Ngày xưa có một
chuyện tình, Nguyễn Nhật Ánh đã ngầm khẳng định như thế với bạn đọc.
Trong tác phẩm, nhân vật nữ của nhà văn đã mang thai ở tuổi vị thành niên, lứa tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”. Đây là chuyện “động trời” không chỉ với gia đình Miền, tên nhân vật, mà còn với cả thị trấn. Trước một đứa con gái gây ra tai họa cho cả nhà, cả ba mẹ Miền, nhất là ba Miền chỉ trách con “dại quá”. Người cha suốt “bốn mùa say xỉn” ấy “ngay cả lúc rượu vào, ông cũng ngồi lặng thinh, trông mệt mỏi và cam chịu” [tr.181]. Bản tính đàn ông vốn ít nói nên lời trách nhẹ nhàng ấy mang cả gánh nặng đè xuống đôi vai ông.
Nhưng hơn hết, bằng yêu thương và sự từng trải ông biết sẽ quá sức chịu đựng của con nếu gia đình không giang rộng vòng tay. Bằng yêu thương ông đã không đẩy con ra xa. Cùng với mẹ Miền, ông góp phần tạo tấm lá chắn bảo bọc con trước sóng gió cuộc đời. Thái độ của ông và sự xếp đặt mọi
việc của mẹ Miền chứng tỏ những yêu thương lo lắng của họ dành cho con cái. Cả hai nhân vật đã tạo dựng gia đình thành một điểm tựa vững chắc để con có thể tiếp tục tự tin bước vào đời. Họ đã thể hiện vai trò làm cha mẹ luôn đồng hành cùng con trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Các nhân vật trên đã góp phần gầy dựng những hình ảnh đầy thiện cảm về các bậc phụ huynh trong bức tranh hiện thực đời sống gia đình ở các tác phẩm viết cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh.
Bên cạnh đó, để thể hiện một cách chân thực và sinh động về hiện thực đời sống gia đình của các nhân vật nữ, Nguyễn Nhật Ánh không ngần ngại đưa vào tác phẩm hình ảnh những bậc phụ huynh đem nỗi niềm riêng trút giận lên con. Mẹ của Mận trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh bao lần trút sự buồn bực bằng những trận đòn roi lên Mận mà nguyên nhân chỉ là “mẹ mình đánh mình không có lý do gì hết á. Thấy ngứa mắt thì đánh thôi” [tr.173]. Mận nhiều lần phải ngồi “phơi khuôn mặt” bên cửa sổ để hong khô những giọt nước mắt. Thực ra, người mẹ ấy vì những gánh nặng cơm áo nên đã không làm chủ được cảm xúc của mình. Hành động của bà vô tình gây tổn thương và tạo khoảng cách với con.
Mặt khác, trong bức tranh hiện thực gia đình, cách đối xử không khéo của các bậc cha mẹ gây ra bao thiệt thòi cho con. Khi ở độ tuổi mới lớn, các em nhất là những em gái rất cần có ba mẹ ở bên. Vậy mà, Rùa trong Ngồi
khóc trên cây lại không có một mái ấm gia đình như bạn bè trang lứa. Rùa là
một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ. Bởi lẽ, sau ngày ba nó mất, mẹ Rùa vội vã bỏ xứ đi lấy chồng ở phương nam. Mẹ Rùa ra đi mà không mang theo nó.
Cách đối xử của mẹ Rùa khiến cuộc sống của Rùa không bình thường như những đứa trẻ khác. Rùa lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm của người cha, bàn tay chăm sóc của người mẹ và sự ghẻ lạnh của bạn bè. Lũ trẻ đồng trang lứa không đứa nào kết bạn với Rùa.
Xây dựng những nhân vật người lớn ấy, nhà văn chứng tỏ cái nhìn thấu đáo về hiện thực đời sống gia đình. Bên cạnh những gam màu tươi sáng bức tranh hiện thực ấy cũng có những mảng màu nhạt, tối.
Dù được sống trong một gia đình hoàn hảo hay khiếm khuyết, các nhân vật nữ tuổi mới lớn luôn dành tình cảm yêu thương cho những người thân của mình. Mận chưa bao giờ giận mẹ vì những trận đòn roi. Ngày hay tin mẹ nó “sắp được thả”, Mận “gần như rên lên, nó phải vịn tay vào cạnh bàn cho khỏi ngã” [tr.206]. Sự xúc động đó đến một cách tự nhiên không gượng ép. Đó là bản năng của đứa trẻ khao khát tình mẫu tử. Sau những ngày ở nhờ nhà Thiều, Mận mong có mẹ ở bên.
Còn Rùa, Rùa lớn lên trong câu chuyện kể tốt đẹp về ba của những người thợ săn có lương tri. Rùa theo bước cha bảo vệ thú rừng bằng tình yêu và sự tự nguyện. Niềm tự hào về cha là nguồn động lực giúp Rùa vượt qua mọi nghịch cảnh, khó khăn trong cuộc sống. Nó khiến em không thấy mặc cảm khi ít bạn bè.
Đặt nhân vật nữ tuổi mới lớn trong hiện thực đời sống gia đình, Nguyễn Nhật Ánh đã thể hiện một cách chân thực và sinh động về hiện thực. Nhà văn thể hiện tình cảm gia đình với những mối quan hệ phức tạp, nhiều chiều rất chân thật. Trong môi trường gia đình, các nhân vật nữ tuổi mới lớn có thể nhận được cử chỉ yêu thương, chăm sóc từ những người ruột thịt hoặc những trận đòn roi của cha mẹ khó tính. Nhưng đằng sau những điều ấy, vẫn luôn lấp lánh sự yêu thương, lo lắng của những người thân yêu trong gia đình với nhau.