6. Bố cục của luận văn
3.1.1. Miêu tả ngoại hình
Trong hầu hết các sáng tác viết cho tuổi mới lớn, Nguyễn Nhật Ánh thường miêu tả ngoại hình các nhân vật nữ qua điểm nhìn của nhân vật “tôi” là các bạn nam tuổi mới lớn. Từ điểm nhìn của nhân vật nam, nhà văn thường miêu tả những nét nổi bật nào đó về ngoại hình của các bạn gái.
Có thể thấy, Nguyễn Nhật Ánh chủ yếu tập trung vào các đặc điểm của đầu tóc và các nét trên gương mặt. Trong Những cô em gái, nhân vật “tôi” đã có ấn tượng ngay lần gặp đầu tiên bởi vẻ “xinh xắn lạ lùng” của nhỏ Quyên. Quyên “xinh đến mức thoạt trông thấy nó bỗng dưng tôi đâm bối rối. Tóc nó dài không thua gì tóc Đinh Lăng. Da trắng như trứng gà bóc, và đôi mắt đen láy như những hạt nhãn trong vườn nhà ông tôi” [tr.64]. Quyên còn có “lúm đồng tiền trên má” [tr.64]. Trong mắt Trường ở Đi qua hoa cúc, chị Ngà có “hàm răng trắng nõn và cười với tôi bằng mắt” [tr.118], gương mặt Ngà “thật xinh đẹp, cứ sáng hồng” [tr.120]. Ở Hạ đỏ, qua điểm nhìn của Chương, nhân vật Út Thêm có “đôi mắt đen láy, nụ cười răng khểnh và hai bím tóc nghịch ngợm trên vai” [tr.143].
Nguyễn Nhật Ánh đã thể hiện biệt tài của mình trong việc miêu tả những đặc điểm ngoại hình của nhân vật. Trên trang viết của nhà văn, mỗi nhân vật nữ tuổi mới lớn hiện lên với một diện mạo, dáng dấp riêng. Chẳng hạn, nét riêng của nhân vật Hồng trong Hoa hồng xứ khác là làn da đen và đầu tóc xoăn. “Nó tên Hồng nhưng nước da nó chẳng hồng chút nào. Da nó đen thui. Nghe nói ngay từ hồi học lớp sáu, nó đã mang biệt danh Hồng “chà
– và” rồi. Đã vậy nó còn uốn tóc đầu xoăn tít, mỗi lần dòm, tôi cứ rởn cả tóc gáy, tưởng đâu nó là người Việt gốc… Phi châu” [tr.31]. Nhân vật Rùa trong
Ngồi khóc trên cây thì lại khác. Vẻ ngoài của Rùa cũng gây ấn tượng bởi “mái tóc trông rất kì cục của nó” nhưng đó không phải là mái tóc xoăn như Hồng. Tóc của Rùa “cụt ngủn, so le, nom giống như một khóm lá bị tỉa vụng” [tr.20]; “mái tóc có màu hung đỏ” [tr.30]. Hình ảnh Xí Muội trong Lá
nằm trong lá là cô gái xinh nhất trong bốn nàng thơ với “mắt nó to ơi là to,
miệng nó cười tươi và hiền, lại khoe răng khểnh trông duyên tệ” [tr.55].
Trong miêu tả ngoại hình nhân vật nữ, Nguyễn Nhật Ánh sử dụng nghệ thuật miêu tả chấm phá để làm hiện ra một đặc điểm nào đó của nhân vật. Hình ảnh đôi mắt thường được nhà văn chú ý miêu tả nhằm làm nổi bật vẻ đẹp trên gương mặt của nhân vật nữ tuổi mới lớn. Chẳng hạn, Quỳnh trong
Còn chút gì để nhớ có “đôi mắt lúc nào cũng long lanh và đầy vẻ ngạc nhiên”
[tr.99]. Trong Mắt biếc, vẻ đẹp của Hà Lan “nằm ở đôi mắt. Đôi mắt có hàng mi dài, lúc nào cũng mở to, hồn nhiên và ngơ ngác” [tr.25].
Đôi khi, Nguyễn Nhật Ánh miêu tả chi tiết hơn về ngoại hình của nhân vật nữ. Ở Những chàng trai xấu tính, nhà văn đã dùng cách này trong miêu tả nhân vật Quỳnh Như. Đó là một cô gái có “khuôn mặt trái xoan”, “mũi thẳng, cao, mắt to như mắt nai, môi hồng”, “tóc nó đen, dày, xõa ngang lưng” [tr.9], khi cười Quỳnh Như “khoe lúm đồng tiền” [tr.27], “gương mặt đẫm nước của nó loang loáng dưới nắng chiều trông xinh tệ ” [tr.41]. Trong Đi qua hoa cúc, nhân vật Ngà cũng được nhà văn miêu tả kĩ. Ngà có “tấm lưng thon thả”, “chị ngồi nghiêng nghiêng, mái tóc dài xõa một bên vai, thong thả phơi nắng” [tr.57], đôi mắt Ngà “long lanh” và “đẹp đẽ đến nồng nàn” [tr.73], “hàm răng trắng nõn” [tr.118], gương mặt Ngà “thật xinh đẹp, cứ sáng hồng” [tr.120].
Bên cạnh đó, Nguyễn Nhật Ánh cũng sử dụng nghệ thuật đối lập như một thủ pháp hữu hiệu khi miêu tả ngoại hình nhân vật. Trong Tôi thấy hoa
vàng trên cỏ xanh, thủ pháp đối lập giúp mỗi nhân vật nữ hiện lên với mỗi vẻ khác nhau. Chẳng hạn, chị Vinh – con thầy Nhãn là một “cô thiếu nữ xinh đẹp, nhưng gầy gò” [tr.65]; con bé Xin “xinh xắn, mặc dù hai gò má nó trổ đầy tàn nhang” [tr.77]; còn con bé Ba con ông Tư Cang “da dẻ đen thui. Bù lại, do lao động chân tay nhiều, nó lớn vượt, người phổng phao, ra dáng thiếu nữ” [tr.143]. Hay trong Ngồi khóc trên cây, “trái ngược với mái tóc xấu xí đó, con Rùa có một gương mặt rất dễ coi, đặc biệt đôi mắt nó sáng ngời và long lanh như hai giọt nước” [tr.31].
Theo nhà văn Phạm Hổ: “ Trong miêu tả, người ta thường hay so sánh” [50, tr.9]. Nguyễn Nhật Ánh cũng thế, ông hay sử dụng nghệ thuật so sánh khi miêu tả ngoại hình nhân vật nữ. Chẳng hạn, trong Trại hoa vàng, đó là so sánh vẻ đẹp của Cẩm Phô “y như tiên” [tr.78], nụ cười của Cẩm Phô “đẹp như nụ cười của thiên thần” [tr.189]; hay vẻ ngoài của Quỳnh Như trong
Những chàng trai xấu tính “trông cứ như minh tinh Hollywood” [tr.12].
Phép so sánh được Nguyễn Nhật Ánh vận dụng khi miêu tả sự thay đổi về ngoại hình của nhân vật nữ theo thời gian. Sự thay đổi ấy theo chiều hướng tốt đẹp hơn được quan sát và cảm nhận bởi nhân vật nam. Bằng cách so sánh, nhà văn gây ấn tượng mạnh mẽ về sự khác biệt của ngoại hình chính nhân vật nữ tuổi mới lớn so với lúc bé.
Trong Ngồi khóc trên cây, với Đông, hình dáng Rùa bây giờ “hoàn toàn khác hẳn con Rùa từng trú ngụ trong đầu tôi” [tr.216]. So với trước kia, sự khác biệt đó trước hết là ở mái tóc. Nếu lúc trước tóc Rùa kia “cụt ngủn, so le, nom giống như một khóm lá bị tỉa vụng” [tr.20] thì giờ đây là “mái tóc đen mượt xõa tung trong gió” [tr.214]. Rùa lúc này đã là “một thiếu nữ trắng trẻo, duyên dáng và xinh xắn lạ lùng” [tr.215]. Chỉ đến khi nói chuyện với Đông, “đôi mắt ngời sáng quen thuộc đang đưa qua đưa lại dưới rèm mi đen dài” [tr.216] cùng cách bắt chuyện tự nhiên của Rùa mới giúp Đông trấn tĩnh.
Trường hợp của nhân vật Trang trong Bảy bước tới mùa hè cũng thế. Nguyễn Nhật Ánh dùng biện pháp so sánh để miêu tả sự thay đổi về ngoại hình của cô bé Trang giữa hai mùa hè. Mới mùa hè năm ngoái, nhỏ Trang vẫn còn là “một con bé mảnh khảnh và đen đúa” mà Khoa nhìn thấy là ngứa mắt chỉ muốn cốc đầu giật tóc. Vậy mà hè này, Trang “y như một con người khác. Mười bốn tuổi, con bé tự nhiên lớn phổng lên, đã ra dáng một thiếu nữ hẳn hoi. Tóc nó dài ra, cơ thể nó đầy đặn lên” [tr.21].
Trong Cô gái đến từ hôm qua, so sánh sự khác biệt về ngoại hình của nhân vật nữ bây giờ và lúc bé cho thấy nhân vật ngày càng đẹp hơn khi trở thành thiếu nữ. Tiểu Li ngày xưa với hàm răng sún và mái tóc chưa kịp dài để che vết sẹo trên trán. Việt An giờ đây xuất hiện với mái tóc óng mượt và vết sẹo “nằm lặng lẽ và bình yên sau mái tóc, cái mái tóc ngày xưa Tiểu Li vẫn mong ngóng từng ngày” [tr.169]. Đôi mắt của nhân vật nữ tuổi mới lớn này cũng được so sánh, có giá trị làm nổi bật thần thái của gương mặt: “Đôi mắt Việt An cũng giống hai viên bi nhưng nom “oai phong lẫm liệt” hơn hai viên bi của Tiểu Li nhiều” [tr.78]. Đôi mắt ấy làm cho Thư có cảm giác vừa quen vừa lạ nhưng không thể đoán ra Việt An là cô bạn Tiểu Li ngày xưa.
Ở Trại hoa vàng, Nguyễn Nhật Ánh cũng dùng cách so sánh trong
miêu tả ngoại hình của nhỏ Thảo. Trong sự bất ngờ của Chuẩn, Thảo trông “chẳng giống chút xíu gì với con bé tôi từng biết trước đây. Không biết tự lúc nào, đôi má nó bỗng trở nên hồng hơn, cặp mắt long lanh hơn, còn mái tóc thì dài ra và đen mướt, trông nó giống hệt một thiếu nữ” [tr.246-247]. Bằng cách so sánh đó, nhà văn cho thấy nhân vật nữ của mình bắt đầu lớn và trở nên xinh đẹp hơn.
Cách miêu tả so sánh giúp nhà văn khắc họa ngoại hình nhân vật trước tác động của hoàn cảnh. Ở Quán gò đi lên, ngoại hình của nhân vật nữ trong điều kiện môi trường sống khác nhau có sự khác biệt. Cũng là nhân vật Cúc
nhưng “bán quán một thời gian, không còn dãi nắng dầm sương, nước da con Cúc dần dần trắng ra. Nó ăn uống lại được nên ngày càng mũm mĩm, trông xinh xắn hẳn. So với con Cúc một tháng trước đây, con Cúc bây giờ đúng là khác xa một trời một vực” [tr.37]. Bởi lẽ, lúc trước “con Cúc vẫn bốn mùa mười hai tháng loay hoay ngoài ruộng, phụ ba mẹ nhổ cỏ, gặt lúa, bón phân. Nó dang nắng suốt nên trông nó đen đúa, nhếch nhác” [tr.36 - 37]. Trong hoàn cảnh sống tốt hơn thì hình thể của nhân vật cũng đẹp hơn.
Nguyễn Nhật Ánh còn sử dụng cách so sánh trong miêu tả ngoại hình nhân vật nữ này với nhân vật nữ khác. Ở Quán gò đi lên, con Cúc “đen đúa, nhếch nhác, sánh với vẻ trắng trẻo tươm tất của con gái nhỏ thì rõ ràng thua xa lắc xa lơ” [tr.37]. Trong Những cô em gái, nhân vật “tôi” đã có sự so sánh mái tóc của nhỏ Quyên: “Tóc nó dài không thua gì tóc Đinh Lăng [tr.64].
Kiểu so sánh ngang bằng được Nguyễn Nhật Ánh sử dụng rất nhiều khi miêu tả ngoại hình của các nhân vật nữ. Trong Những cô em gái, đôi mắt “đen láy” của Quyên được ví “như những hạt nhãn trong vườn nhà ông tôi” [tr.64].
Ở Mắt biếc, vẻ đẹp đôi mắt nhân vật Hà Lan được nhà văn so sánh với bóng
trăng: “Mắt Hà Lan giống bóng trăng hơn. Như bóng trăng đêm nào treo trên đường làng. Như bóng trăng đi vào giấc ngủ tôi, treo ở đó, suốt đời” [tr.70]. Hay, đôi mắt “sáng ngời và long lanh như hai giọt nước” [tr.31] của Rùa ở
Ngồi khóc trên cây đã gây ấn tượng nơi Đông trong lần đầu gặp gỡ. Sang Bảy
bước tới mùa hè, Trang có cặp mắt “long lanh và đen lay láy như hai hạt nhãn” [tr.21]. Qua cách nhìn của Thiều trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Chị Vinh khi cười thì “đôi mắt chị nhắm tít, trông như hai dấu trừ, đuôi mắt dài thật dài” [tr.65].
Có khi, Nguyễn Nhật Ánh kết hợp nhiều thủ pháp nghệ thuật trong miêu tả ngoại hình nhân vật nữ. Chẳng hạn, trường hợp nhân vật Miền trong
cách sử dụng so sánh và thủ pháp đối lập. Miền hiện lên là “đứa con gái xinh xắn”. Mặc dù, “da nó không trắng bằng những đứa con gái khác. Da nó màu bánh mật nhưng bù lại nó có đôi má bầu bĩnh và đôi mắt to. Nhỏ Miền có hàm răng trắng nhưng nó ít khi cười” [tr.31]. Bằng cách miêu tả như vậy, nhà văn đã khắc họa ngoại hình nhân vật Miền với những nét rất riêng, không lẫn với những nhân vật nữ khác.
Ngoài ra, Nguyễn Nhật Ánh còn gián tiếp miêu tả ngoại hình nhân vật nữ qua cách đặt tên nhân vật của nhà văn. Các biệt danh xuất phát từ đặc điểm ngoại hình của nhân vật giúp phân biệt các nhân vật với nhau khiến người đọc có ngay những hình dung ban đầu. Đó là các nhân vật như: Tóc Bím, Kiếng Cận, Hạt Tiêu, Hột Mít... trong Ngôi trường mọi khi; Liên móm trong Trại
hoa vàng hay Hồng “chà – và” trong Hoa hồng xứ khác...
Có thể thấy, trong miêu tả ngoại hình nhân vật nữ tuổi mới lớn, Nguyễn Nhật Ánh đã sử dụng nhiều bút pháp khác nhau. Nhà văn vận dụng nghệ thuật miêu tả chấm phá, thủ pháp đối lập, cách so sánh và cách đặt tên nhân vật để khắc họa chân dung các nhân vật. Qua những nét vẽ hình dáng bên ngoài, thế giới nhân vật nữ tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh hiện lên rất đa dạng và sinh động. Các nhân vật nữ này thường hiện diện với những điểm nhấn ngoại hình riêng, không ai giống ai.