Thông điệp về lứa tuổi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong truyện nguyễn nhật ánh (Trang 64 - 68)

6. Bố cục của luận văn

2.3.2. Thông điệp về lứa tuổi

Ở lứa tuổi mới lớn, mỗi đứa trẻ là một thực thể sinh động và phức tạp với nhiều biểu hiện đa chiều, trái chiều về tâm lí. Khi viết về các em, Nguyễn Nhật Ánh có xu hướng đi vào cuộc sống sinh hoạt đời thường, phản ánh tất cả những biểu hiện đa dạng đó của lứa tuổi. Trên cơ sở đó, ông đặt ra một số bài học nhằm giúp các em phát triển nhận thức và bồi dưỡng tâm hồn. Ông muốn thực hiện tốt thiên chức của nhà văn là “trụ đỡ tinh thần của các em, giúp các em yên tâm và vui sống”[75].

Trên trang văn của Nguyễn Nhật Ánh, người đọc dễ dàng nhận ra nhà văn không tô hồng cuộc sống. Nhiều nhân vật nữ của ông sớm thiệt thòi ở độ tuổi vị thành niên. Những nhân vật nữ ấy là cô bé Tài Khôn trong Bong bóng

lên trời, Hồng Hoa trong Thiên thần nhỏ của tôi hay Cúc, Hường trong Quán

gò đi lên... Trong khi các bạn cùng trang lứa được cắp sách đến trường thì những nhân vật nữ này lại phải nhọc nhằn mưu sinh.

Từ cuộc sống của các nhân vật nữ tuổi mới lớn, nhà văn cho thấy con người có muôn nẻo vào đời. Trên các nẻo đường ấy, dẫu có khó khăn đến đâu, chỉ cần con người có niềm tin và cố gắng thì sẽ bình yên và hạnh phúc. Viết về các nhân vật nữ ấy, Nguyễn Nhật Ánh đã truyền tải thông điệp yêu thương, tinh thần lạc quan và sống có niềm tin cùng mơ ước giúp bạn đọc nhỏ tuổi thêm tin tưởng vào những điều tốt đẹp.

Khi viết về tình yêu tuổi học trò thời hiện tại, Nguyễn Nhật Ánh thường để kết thúc “bỏ lửng”. Tình cảm của Thục và Gia trong Nữ sinh; tình cảm của Xuyến và Thiếu trong Buổi chiều windows; tình cảm của Quỳnh Như và Tưởng, Quỳnh Dao và Biền trong Những chàng trai xấu tính... đều có kết cục lửng lơ như thế.

Kết thúc ấy không phải là không có hậu. Bởi lẽ, các nhân vật nữ ấy rồi sẽ lớn, những xúc cảm đầu đời có đến đích tốt đẹp hay không còn tùy thuộc

vào cách các em giữ gìn tình cảm ấy như thế nào. Vì vậy, để kết thúc truyện “mở” là cách nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gửi đến các bạn đọc nhỏ tuổi thông điệp: biết nuôi dưỡng ước mơ và tình cảm trong sáng ắt điều tốt đẹp sẽ đến trong một ngày không xa.

Trong Ngồi khóc trên cây, thông điệp về tuổi mới lớn được Nguyễn Nhật Ánh thể hiện cụ thể qua nhân vật Rùa. Nhân vật nữ này đã mang đến thứ tình cảm thật trong sáng khi cuộc sống hiện đại đầy rẫy sự hồ nghi và nhiều cái xấu, cái ác, cái ích kỉ khiến trẻ hoang mang. Đó là sự trong sáng trong tình yêu khi Rùa vẫn luôn đợi chờ và dành trọn tình cảm cho Đông. Trong sáng trong tình bạn khi Rùa làm đồ chơi hoặc tranh nhặt nắp ken mang về cho bé Loan. Trong sáng trong tình yêu loài vật khi Rùa luôn tìm cách bảo vệ thú rừng. Cảm động hơn tất thảy là trong sáng trong tình người khi Rùa lao mình xuống dòng nước xiết của sông Kiếp Bạc để cứu những đứa bé.

Lí giải về lí do viết Ngồi khóc trên cây, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói rằng: “Tôi muốn gửi gắm một thông điệp là mặc dù trong xã hội hiện nay có nhiều người đối xử với nhau bạo lực, vô cảm nhưng thực ra đó chỉ là một phần của hiện thực cuộc sống. Bên cạnh những cảnh như vậy cũng còn rất nhiều người tử tế” [42]. Rùa thật tử tế và cao thượng khi chọn hiểm nguy để bao người được sống. Qua nhân vật Rùa, ông đã gửi tới độc giả nhỏ tuổi thông điệp về lòng tin và điều tốt luôn hiện hữu trên đời.

Cũng qua nhân vật Rùa trong Ngồi khóc trên cây, Nguyễn Nhật Ánh còn khéo léo truyền đi thông điệp về ý thức bảo vệ rừng, sống thân thiện với môi trường. Nhân vật nữ này của nhà văn đã làm bạn với thế giới loài vật. Rùa “có một mối quan hệ thân thiết và một tình yêu sâu sắc dành cho các con vật” [tr.136]. Rùa nói chuyện với bọn chúng bằng “thứ ngôn ngữ đi trực tiếp từ trái tim đến trái tim” [tr.136]. Tình yêu thương vô bờ dành cho thú rừng đã khiến Rùa chống lại cả phường săn để bị họ căm ghét. Nhưng cũng chính tình

yêu thương loài vật vô bờ mà Rùa được cứu sống bởi các con vật đã được Rùa chăm sóc. Qua đó, thông điệp nhà văn đưa ra là hãy yêu quý thiên nhiên thì ắt hẳn thiên nhiên sẽ là người bạn tốt của con người.

Giữa lúc bệnh vô cảm và bạo lực học đường gia tăng trong giới trẻ mới lớn thì những câu chuyện xúc động về tình yêu thương của Nguyễn Nhật Ánh như tiếng chuông cảnh tỉnh các em. Nhà văn đã từng đưa ra quan điểm khi viết truyện cho tuổi mới lớn: “Cành đắng không nhất thiết phải cho ra những trái đắng. Tôi không thích loại nhà văn mỗi khi hục hặc với cuộc đời lại cho phép mình văng tục trong tác phẩm. Tôi viết cho bạn trẻ đọc, tôi thích mô tả cái tốt thật đẹp để người ta yêu thích nó. Tôi nghĩ điều này phù hợp với tâm hồn các em” [77, tr.24]. Với quan điểm trên, mỗi thiên truyện của Nguyễn Nhật Ánh đều là một bài học giáo dục nhẹ nhàng mà không kém phần xúc động.

Đó là những bài học sâu sắc về tình người mà Nguyễn Nhật Ánh đã khéo léo gửi gắm đến bạn đọc. Đúng như lời nhận định của nhà nghiên cứu Lã Thị Bắc Lý: “Rõ ràng, mỗi câu chuyện của anh là một bài học nhưng những bài học ấy không khô cứng, người đọc không hề có cảm giác bị giáo dục, bị dạy dỗ mà trái lại càng thật gần gũi, thân thương với mỗi nhân vật” [78, tr.52]. Qua những nhân vật nữ tuổi mới lớn, nhà văn gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa đến bạn trẻ hôm nay.

Tiểu kết chương 2

Viết cho tuổi mới lớn, Nguyễn Nhật Ánh đã miêu tả rất chân thật và sinh động về cuộc sống của các em. Dưới ngòi bút tài hoa của ông, hình ảnh các nhân vật nữ hiện lên trong thế giới học đường xưa và nay thật sống động. Nhà văn đã miêu tả những giờ học, giờ chơi hồn nhiên nơi trường lớp với những mối quan hệ tình cảm bạn bè, thầy trò và những cung bậc cảm xúc đầu đời trong sáng của các nhân vật nữ. Bên cạnh đó, Nguyễn Nhật Ánh đã đặt nhân vật nữ tuổi mới lớn trong bức tranh đời sống gia đình và xã hội để có cái nhìn toàn diện hơn về lứa tuổi này. Các nhân vật nữ của ông có thể được sống trong tình cảm yêu thương đủ đầy của cả ba mẹ nhưng cũng có những em có hoàn cảnh bất hạnh hay gia cảnh khó khăn phải sớm bước vào đời. Dẫu vậy, các nhân vật nữ ấy đều có nghị lực mạnh mẽ để vượt lên trên hoàn cảnh và sống có ý nghĩa. Trên trang viết của nhà văn, những mất mát, va vấp trong cuộc sống của bạn nữ tuổi mới lớn đều được tỏ bày với bạn đọc. Khắc họa chân dung nhân vật nữ tuổi mới lớn, nhà văn đã gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa. Qua hệ thống nhân vật nữ tuổi mới lớn, tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh không chỉ đơn thuần để giải trí mà còn giúp người đọc có thể giải mã sâu sắc hơn về lứa tuổi mới lớn, hướng các em đến lối sống lành mạnh, tốt đẹp, nhân văn hơn.

Chương 3

NHÂN VẬT NỮ TRONG TRUYỆN NGUYỄN NHẬT ÁNH – NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN HÌNH THỨC

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nhân vật nữ trong truyện nguyễn nhật ánh (Trang 64 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)