6. Cấu trúc của luận văn
2.1.1. Một số vấn đề lý thuyết về cái tôi
Sáng tác thơ ca là nhu cầu tự biểu hiện, một nhu cầu hết sức nhân bản chỉ có ở con người. Mỗi nhà thơ trong quá trình sáng tác đều cố gắng thể hiện nét riêng của mình. Bởi thế nên khi đọc thơ người đọc thường thấy những trải nghiệm, những thể nghiệm, những khám phá, những khát vọng, những lý tưởng, tình yêu, sự sống, sự lạc quan tin tưởng…thậm chí là những rung động rất mơ hồ của chính tác giả thơ. Tinh ý ta sẽ nhận thấy ở đó cái tôi riêng của mỗi nhà thơ. Câu hỏi “ta là ai?”, “ta vì ai” nổi tiếng của Chế Lan Viên tưởng đã tìm ra câu trả lời có chứa hạt nhân hợp lý của thời đại trong thơ cách mạng đã không còn đủ sức ôm chứa trong thời kì mới khi nhu cầu xã hội và cá nhân đã làm thức tỉnh cái tôi trữ tình đời tư của người làm thơ. Nhu cầu xã hội thường là những gì bức thiết nhất của thực tại, do thực tại yêu cầu. Chẳng hạn, thời chống Pháp, chống Mỹ đó là độc lập, tự do của dân tộc. Tất cả những hoạt động tinh thần, trong đó có sáng tác thơ văn, nếu nằm ngoài “sự
bức thiết thường nhật” sẽ không phù hợp, không được đón nhận... và vì thế
không thể phát triển. Kể từ sau năm 1975, đặc biệt là sau 1986 với chủ trương đổi mới của Đảng trong xã hội nhu cầu bức thiết nhất theo chúng tôi là khát vọng dân chủ.
Đối với văn học, đặc biệt đối với sáng tác thơ ca, dân chủ là điều kiện làm nảy nở những sáng tạo mang đậm màu sắc của chủ thể, là những sản phẩm rất riêng tư, độc đáo, không lặp lại. Nhà thơ sẽ tìm ra tiếng nói riêng của mình trong sáng tạo. Văn học không có gì khác ngoài tiếng nói riêng của mỗi người trong vô vàn những tiếng nói khác. Bởi vì, bổn phận của nhà thơ là
buộc phải thêm vào kho tàng văn hoá nhân loại một điều gì đó không có sẵn, không lặp lại. Tuocghenhev nói: “Cái quan trọng của tài năng văn học là
tiếng nói riêng của mình. Đó chính là đặc điểm để phân biệt chủ yếu một tài năng độc đáo” [24]. Ngày trước, Hoài Thanh nói về cái tôi của thơ Mới là
“càng đi sâu càng thấy lạnh”, đến giai đoạn chống Pháp và chống Mĩ cái tôi hoà vào sức mạnh của cái “ta”, cái chung của dân tộc, thời đại... và cái riêng tư được xem là những “ngọn gió siêu hình”. Còn hôm nay, cái tôi trở lại với đúng nghĩa của nó, thường nhật và giản dị, của chính mình, do mình chịu trách nhiệm, không vay mượn, không che đậy, dám công khai thừa nhận cả những mặt tối, mặt che khuất, mặt chưa hoàn thiện bên cạnh những phẩm chất khác. Cái tôi là một khái niệm triết học đánh dấu ý thức của con người về bản thể tồn tại của mình. Trên cơ sở những thành tựu khoa học về con người nhất là thành tựu triết học và tâm lý học, Các Mác đã đưa ra định nghĩa: “Cái tôi là trung tâm tinh thần của con người, của cá tính người có quan hệ
tích cực đối với thế giới và đối với chính bản thân mình. Chỉ có con người độc lập kiểm soát những hành vi của mình và có khả năng thể hiện tính chủ động toàn diện mới có cái tôi của mình” [27].
Bản chất của thơ trữ tình là sự hiện diện của cái tôi. Theo nhận định của Lê Lưu Oanh: “Cái tôi thực chất là khái niệm về cấu trúc nhân cách
mang tính phổ quát. Hiện tượng cái tôi vừa mang tính xã hội - lịch sử, vừa phân biệt cái độc đáo và khẳng định tính tích cực của nhân cách cá nhân”
[27]. Vì con người là tổng hoà các mối quan hệ xã hội nên có thể coi cái tôi vừa là chủ thể vừa là khách thể của hoạt động nhận thức, sáng tạo. Như vậy, có thể thấy cái tôi nền tảng của sự sáng tạo có ảnh hưởng quyết định đến quá trình sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt là sáng tạo thơ trữ tình.