Cái tôi lụy tình

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật thơ đinh thị thu vân (Trang 50)

6. Cấu trúc của luận văn

2.2.3. Cái tôi lụy tình

Càng khao khát, cuồng nhiệt trong tình yêu, con người càng hi vọng một tình yêu viên mãn, tuyệt đích nhưng gặp sự hời hợt của cuộc tình nên lại càng đau khổ. Cảm thức về sự đau khổ, sự hư hao mỏng manh của kiếp người đã

tạo nên “cái tôi lụy tình” trong thơ Đinh Thị Thu Vân. Như trong một lần tôi trò chuyện với cô, Thu Vân đã nói: “Đó là cách cô nuôi cảm xúc; không phải

vì một người nào hết; không đeo đẳng, lệ thuộc vào một người nào cả. Mình yêu cái đẹp. Cảm xúc của tình yêu cũng giống như cảm xúc trước trời xanh, biển rộng, là cảm xúc trước cái đẹp chứ không phải một người đàn bà lụy một người đàn ông”. Nỗi khao khát yêu và được yêu bao giờ cũng song hành cùng

với những ưu lo về sự mỏng manh của phận người. Đây cũng là tâm thức hiện sinh luôn ám ảnh trong thơ nữ Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Nếu trước kia trong thơ Việt Nam nói chung và thơ nữ Việt Nam nói riêng, vấn đề thân phận con người với những suy tư về hiện hữu ít được đặt ra, được nói đến hoặc không được nói đến thì trong thời kỳ Đổi mới vấn đề này đã trở thành một trong những cảm hứng chủ đạo, là một phẩm tính không thể thiếu trong thơ.

Nhà giáo dục Mỹ William Arthur Ward (1921 – 1994) viết: “Yêu không

chỉ là một danh từ - nó là một động từ; nó không chỉ là cảm xúc - nó là quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, hy sinh…” [46]. Với Thu Vân, yêu chỉ đơn giản là để

được yêu người mà mình yêu - chỉ cần yêu mà không riết róng phải được đáp trả khi mà người này hoặc người kia không thể. Cô viết: “giá mà em làm

được điều này, giá mà em ngăn được cho anh mọi xót đau cơ cực, giá mà thương yêu của em có thể làm được một điều gì…” (trái tim của những câu

thơ đã khóc). Yêu, được yêu là tuyệt đỉnh của hạnh phúc. Thất tình là nét

đẹp tuyệt vời của tình yêu. Mỗi đời người, có thể ai cũng được chiêm ngưỡng nét đẹp này của chính mình. Thất tình trở thành nguồn chất liệu sinh động của thi ca. Làm thơ thất tình khó/ không khó, dễ/ không dễ, tất cả tùy thuộc vào tính trung trực của tình yêu. Tiếng nói của trái tim vốn khó nghe, càng khó nghe hơn khi phải lặp lại. Thất tình là chuyện khó nhưng kho tàng thơ tình Việt Nam thất tình luôn tồn tại và phát triển qua mọi thời đại. Thơ tình yêu nam nữ nếu không viết về chuyện thất tình sẽ mất đi hơn nửa thi vị.

Thất tình cũng giúp nhà thơ tạo nên đẳng cấp trong thơ tình, một số trường hợp đưa đến sự thuận lợi yêu đương trong đời thường. Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân đã vô cùng hạnh phúc yêu và được yêu. Đồng thời, cô cũng tỏa sáng trong thi ca qua những điệp khúc thất tình vô tận và đau khổ đến mức “mang nỗi buồn tay trắng”:

mang nỗi buồn tay trắng em trở về với em

may vẫn còn bóng tối vẫn ru mình đêm đêm

(mang nỗi buồn tay trắng)

Nỗi thương tưởng, buồn tiếc của nhà thơ thật đáng thương tâm, điều này giúp cho kho báu thơ tình Việt Nam thêm những viên ngọc lấp lánh. Dường như người đọc đang trực tiếp cảm nhận được sự bất hạnh của thi sĩ. Một điệp khúc như điên cuồng, quay quắt đến là thương. Thu Vân đau đến nỗi như không thể buồn đau hơn được nữa: “có thể đau thêm/ hãy đau cho tận rát/ cho tận cùng đắng khát/ tàn mơ…”. Cuối cùng người thơ đành: “tôi quỵ khóc/ kiếp này xin cạn mắt” (có thể buồn hơn không). Nhà thơ quí cả nỗi

đau của mình, người phụ nữ yếu đuối ấy như thách thức với nỗi buồn “có thể

buồn hơn không”, buồn và buồn hơn thế nữa cô cũng xin chấp nhận để rồi

quỵ xuống cùng những giọt nước mắt càng làm nổi bật cái bất lực, đau đớn tột cùng ấy. Hãy đọc to lên bài thơ này sẽ thấy nó hay hơn là đọc chỉ bằng mắt. Đọc to lên để mình được nghe âm vang bài thơ, để tai mình cùng mắt mình và mọi giác quan cùng tham dự vào hồn thơ, mới thấy sự cam chịu - hay là tâm hồn thi sĩ như lửa tự giấu mình trong đêm đang đòi bùng cháy cùng hồn tri âm tri kỷ.

Xin cùng đọc mấy câu thơ cuối bài thơ để thấy hồn thơ trong nồng nàn cay đắng vẫn còn làm mất ngủ cả tàn tro:

Đau cho hết ôi ước gì được hết Đau cho cả những gì đang vội đến

Đau trọn một lần mai khỏi đớn đau thêm...

(Ngày xa anh... )

Ngoài Đinh Thị Thu Vân ta còn bắt gặp nữ thi sĩ Lê Thị Kim, là nhà thơ cùng thời với Thu Vân. Cả hai cô đều là “nữ sĩ miền Nam”, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là người có thơ được độc giả yêu thích. Cả hai nữ thi sĩ này đều nhỏ “giọt đau rơi hoài không tạnh” trên trang thơ của mình vì cả hai cô đều viết về tình yêu, về nỗi buồn nhiều hơn vui và rốt cuộc vẫn là day dứt, khổ đau, đều thể hiện đề tài viết về cái đau, thân phận của người phụ nữ ở nhiều thời kỳ. Đây thuộc về đề tài “muôn thuở” ở những tác phẩm văn chương trong quá khứ. Đó là những Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Đoạn trường tân thanh của

Nguyễn Du, nhiều tác phẩm của Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm…. luôn có chỗ đứng, vị trí xứng đáng trong văn học Việt Nam.

Cái tôi lụy tình còn thể hiện ở sự tiếc nuối bởi đằng sau sự đau khổ ấy là sự tiếc nuối tuổi thanh xuân:

còn lại gì em có thể trao anh sau mỏi mòn một thời yêu chắp vá em thèm khóc

em thèm khóc tuổi xuân không về nữa còn lại gì thanh khiết của ngày xưa? (muộn…)

Cũng như Thu Vân với nhà thơ Đoàn Thị Lam luyến cảm nhận về nỗi buồn và sự mong manh của kiếp người ở cô là sự tiếc nuối đến ngỡ ngàng về sự qua đi quá nhanh của kiếp người:

Đời buồn như xác pháo Xé tan tuổi hai mươi Chưa tiêu gì ra món

Đã hết veo cuộc đời (Đêm trắng)

Và đây cũng là cảm thức trong thơ Anh Hồng, cảm nhận về sự hư hao và mỏng manh của kiếp người là quá trình nghiệm sinh từ những vinh quang, cay đắng, hạnh phúc, khổ đau của số phận:

Người đàn bà qua hai mùa tóc

Đôi mắt nâu mang theo ánh nhìn của biển chiều đông Giông bão lật tung những giấc mơ chở đầy màu tro của đất Với tay, không kịp túm lại chút mong manh còn lại

Người đàn bà tự dắt mình bước qua định mệnh Từng nhích nhích hao mòn...

(Người đàn bà – những giấc mơ)

Triết gia Heraclite đã xác quyết: “không ai có thể tắm hai lần trên cùng

dòng sông”. Và cuộc đời mỗi người không thể sống hai lần. Vì vậy, khi con

người ý thức về sự hiện hữu của mình trên cõi đời, sẽ trân quí hơn cuộc sống và khi đó mọi cái đi qua đời mình đều trở thành những giá trị. Như vậy, cùng với những cảm nhận về thân phận, sự trăn trở của các nhà thơ về nỗi buồn, niềm đau và sự hư hao của kiếp người, một vấn đề mà chủ nghĩa hiện sinh rất quan tâm không chỉ trong triết học mà trong cả văn học cũng là một tâm thức hiện sinh luôn ám ảnh ở thơ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới. Đây cũng là một giá trị làm nên thế giới nghệ thuật trong thơ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Trong thơ Thu Vân dằng đặc nỗi “lụy tình”, nhà thơ đã vô tình xây trước cửa trái tim mình một bức tường dầy - rồi sẽ mỏi mòn nằm ôm trái tim rạn nứt đó để thưởng thức cái thú đau thương của kẻ lụy tình.

Khi thi sĩ thật cao hứng lên cơn điên vì yêu, hận (giận), vui sướng, buồn bã, ghen ghét, ham muốn… cảm xúc sẽ sôi lên phủ mờ lý trí, “cái tôi đích

diễn” bài thơ của mình. Thi phẩm viết ra trong tâm cảnh ấy sẽ chẳng màng

đến chính kiến, lập trường, truyền thống, đạo đức, lễ giáo, thước đo giá trị của người đời… mà chỉ là những gì tuôn trào ra ngòi bút bởi “cơn điên” của thi sĩ đang thôi thúc trong lòng. Lúc ấy kỹ thuật thơ vẫn mang dáng dấp đẳng cấp của thi sĩ nhưng lời thơ, tứ thơ bị chi phối bởi cái tôi nhân bản, nó sẽ là tâm tình chân thật của “cái tôi đích thực”. Và đó là trường hợp của Đinh Thị Thu Vân. Cô viết về mình trên facebook ngày 14/08/2015 tựa đề: LỤY

Có chút ngỡ ngàng khi lang thang trên fb, tôi được thấy ai đó nhắc về mình với hai chữ “lụy tình”, kèm theo lo lắng, rằng tôi có

vẻ như đang làm mất giá trị phụ nữ... Không né tránh đâu, rõ ràng thơ tôi nghiêng về phía... thất bại, nghiêng về phía đau, nghiêng cả về những cảm xúc quá ngậm ngùi, rõ ràng là tôi rất lụy, và luôn lụy đến tận cùng!

Tôi yêu cảm giác lụy tan hồn rã xác của mình, tôi yêu những khoảnh khắc rưng rưng cay cay mi mắt, và ngay khi tuyệt vọng, ngay khi “sống không bằng chết”, tôi vẫn mong mình đừng bao giờ bình yên trong vô cảm.

Nào đâu chỉ vì một người đàn ông nào đó, tôi lụy nhiều lắm - đời sống này bao la, ngày tiếp ngày đầy đặc, mênh mông, vô số nụ cười, vô số lời hoa lời gió, vô số những thanh âm sóng sánh, vô số những ngọt ngào, vô số những tấm tình bè bạn, khi tôi biết dọn lòng để ôm về hết thảy, có biết bao điều để cho tôi rung động - này những gương mặt đẹp, này những nghĩa cử ấm nồng, này những mối tình trong xanh, này những hy sinh lặng lẽ... sao tôi có thể không mềm lòng, sao tôi có thể không “lụy” cho đành!

Yếu tố để một bài thơ nói chung, thơ tình yêu nói riêng, đến được và ở lâu trong lòng bạn đọc trước nhất là sự chân tình. Những dòng tâm sự trên đã

hiển hiện lên tâm hồn, cách nghĩ của nhà thơ. Không có sự chân tình bài thơ có thể đạt ở mức viết khéo mà không hay. Thơ của Đinh Thị Thu Vân là những lời thỏ thẻ, tâm tình. Cô yêu tha thiết. Cô tỏ tình nồng nàn. Trái tim mách bảo trí óc cô suy nghĩ đến điều gì thì bàn tay sẽ thực hiện những “lệnh” của trái tim và trí óc. Hãy nghe những lời lụy của cô: “nghe run rẩy dưới chân

người/ anh, em đã lụy mất rồi, biết không?/ rưng rưng ngàn nỗi, rưng lòng/ rưng rưng từng sợi tóc chông chênh dài…”. Và rồi cùng là những lí do “lụy”:

lụy yêu lụy nhớ lụy chờ

lụy nao hơi thở, lụy đưa đẩy lời anh ơi em ngã nghiêng rồi

bao nhiêu hạt máu đang rời trái tim! em còn chi để là em…

(lụy)

Thật quá đúng, khi yêu một người mình không còn là mình. Hơn thế nữa, Đinh Thị Thu Vân đưa ra cảm nhận rất tinh tế nhưng chỉ có trong thi ca: “bao

nhiêu hạt máu đang rời trái tim”.

Thơ dẫu buồn như nước mắt nhưng cho ta nhận diện một gương mặt tình yêu thật đẹp mà tôi đảm bảo rằng bao nhiêu người sẽ phải ước ao bởi nó quá đỗi chân thành, cháy bỏng. Nhiều người đàn bà cũng yêu mãnh liệt nhưng đến mức cạn cùng, tan chảy, không ngại “lụy” để được yêu như thế này thì chỉ có một Đinh Thị Thu Vân:

đã trót khóc một hôm nào quay bước đã trót hôn nô lệ gót chân buồn và đã trót câu thơ tình đắm đuối những câu thơ quỵ lụy trước anh rồi.

(em là sóng em trở về với sóng) Lụy yêu, lụy nhớ, lụy chờ, lụy những câu thơ và cả lụy người:

lụy câu thơ trăng mật đất đa tình

hồn thiếu nữ chợt về trong khoảnh khắc nước mắt lụy người xin được Huế bao dung.

(với Huế)

dành cho tình yêu rơm rạ của chúng mình đôi phút lắng lòng đi anh sẽ hiểu vì sao sương lụy nắng

anh sẽ hiểu vì sao đêm lụy bóng em lụy người…

em lụy vướng nỗi chua cay…

(dành cho em đôi phút lắng lòng đi)

Thương và cảm phục quá trái tim mong manh mà dũng cảm của người đàn bà hết mình với chữ “yêu”. Dường như đã có một tình yêu lớn để cô tựa vào. Nhưng cuộc đời trớ trêu lại chỉ cho người ta tìm thấy hạnh phúc trong nghịch cảnh. Coi mình như “con thiêu thân cam phận sống quên đời”, người đàn bà lao vào những đợt sóng ào ạt yêu thương nhớ nhung thắc thỏm. Dù biết trước sẽ nhận về mình tận cùng bẽ bàng, chua xót. Mấy ai hiểu được người đàn bà một khi đã yêu còn bao dung cả với chính mình cho nên có là gì đâu trước những điều này: những chăm chút tận tình từ một phía thủy chung. Với những người làm thơ, tôi nghĩ họ được thất tình hơn là bị thất tình. Trong cái tôi lụy tình ấy có cả nỗi cam chịu. Một bài khác, tri kỷ ơi anh có về như

gió ngoài mang niềm nhớ tiếc, sự cách chia còn hiện rõ nỗi cam chịu như một

định mệnh: “tri kỷ ơi lòng em như lửa đốt/ chôn làm sao cho kín nhớ nhung đầy/ tri kỷ ơi, lẽ nào anh chẳng thấy/ em đã mềm hơn nước, mảnh hơn mây”.

Trên đời này có mấy người diễn tả nỗi đau như thế. Cho dù là cơn đau tinh thần hay thể chất thì ai ai cũng mong muốn ngày càng vơi đi chứ ai lại muốn đau thêm nữa. Điều gì đã khiến tác giả của bài thơ phải chấp nhận nỗi đau không bình thường vậy?:

lòng đã hẹp. Một lần yêu đã hết

em quỳ xuống em xin đừng thương tiếc đớn đau kia không đủ sức nhận hai lần.

(Ngày anh trở lại)

Hoá ra cô nàng yếu đuối và mỏng manh dễ vỡ đến nỗi phải quỳ xuống van xin cho được đau trót một lần, không dám đau thêm lần nữa. Và chỉ mình nàng ôm ấp nỗi đau ấy chưa dám thổ lộ cùng ai. Cho dù cố quên hay tự dối lòng mình thì nàng cũng không lẩn tránh được định mệnh và tránh những nỗi đau mà nàng sẽ còn vấp phải: “Chưa nhân chứng em lừa em lần nữa/ Mang

dại khờ quỳ xuống nhóm tàn tro” (Ngày anh trở lại).

Nàng đang tự trấn an mình tưởng chừng không ai biết, không ai thấy là nàng có thể hoá nỗi đau thành tro bụi. Vì ngây thơ khờ dại mà dẫu có khôn ngoan thì nàng cũng không lường trước được ngọn lửa mà nàng đang nhen nhúm trong đám tàn tro là loại lửa cô độc, lửa của thấp thỏm, âu lo và chờ đợi, nó đang ngự trị và huỷ hoại nàng, nó làm nàng khát khao, cháy bỏng. Ngọn lửa ấy lại bị cái giá lạnh của trống vắng vây chặt như vòng kim cô, ngọn lửa càng muốn bùng lên thì vòng kim cô càng xiết chặt.

Mong manh mà mãnh liệt, đau khổ rồi cam chịu, tiếc nuối để quay về, … Tất cả tạo thành những phức điệu tâm trạng mà bao trùm lên vẫn là mong ước khắc khoải tưởng như vô hồi vô tận. Không bàng bạc mà bật thốt thành tiếng những kêu thương, những câu thơ “lụy tình”. “Lụy” mà “kiêu hãnh” tức là thi sĩ lụy những cảm xúc đẹp trong trái tim của cô chứ không phải lụy một người đàn ông nào hết và từ những cái lụy đó mình yêu tình yêu của mình.

2.2.4. Cái tôi cô đơn, tuyệt vọng trong tình yêu

“Thơ tình của các tác giả phụ nữ hiện nay đáng chú ý bởi cách nói táo

bạo, thẳng thắn về những bi kịch và ước muốn cá nhân (Xuân Quỳnh, Dư Thị Hoàn, Đinh Thị Thu Vân,..). Nhưng ẩn đằng sau tất cả cái mạnh mẽ, dữ dội

ấy là ý thức sâu xa về thân phận, về những nỗi bất hạnh muôn đời của kiếp phụ nữ đã từng có trong thơ xưa”. [27]

Buồn và cô đơn là hai trạng thái tinh thần phổ biến trong thơ Mới (1932

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật thơ đinh thị thu vân (Trang 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)