6. Cấu trúc của luận văn
2.1.2. Cái tôi trữ tình trong thơ
Cái tôi trữ tình là khái niệm xuất hiện khi tư duy lý luận thơ đã đạt đến một trình độ nhất định. Trước hết cần thấy thơ trữ tình là thuật ngữ chỉ
chung các thể thơ thuộc loại trữ tình, trong đó những cảm xúc và suy tư của nhà thơ hoặc của nhân vật trữ tình trước các hiện tượng đời sống được thể hiện một cách trực tiếp. Tính chất cá thể hoá của cảm nghĩ và tính chất chủ quan hoá của sự thể hiện là những dấu hiệu tiêu biểu của thơ trữ tình. Như vậy, thơ trữ tình chính là một phương tiện để con người bộc lộ toàn bộ thế giới chủ quan với những cung bậc tình cảm, những rung động, suy ngẫm và cả những trải nghiệm cuộc sống.
Cái tôi trữ tình có bản chất xã hội tâm lý, bản chất tự ý thức bởi vì nó tồn tại trong vô vàn mối quan hệ với đời sống chịu sự chi phối bởi quy luật, các điều kiện xã hội truyền thống văn hóa, đạo đức, lịch sử, triết học, thẩm mĩ. Theo Vũ Tuấn Anh:
Cái tôi trữ tình vừa là một cách thế nhìn và cảm nhận thế giới của chủ thể, lại vừa là một điểm nhìn nghệ thuật của chủ thể. Đồng thời, cái tôi trữ tình cũng đóng vai trò sáng tạo, tổ chức các phương tiện nghệ thuật (thể thơ, hình tượng, vần, nhịp…) để vật chất hóa thế giới tinh thần thành một hình thức văn bản trữ tình [1].
Như vậy, như một chỉnh thể toàn vẹn và đa dạng, thế giới tinh thần của cái tôi luôn có sự đối lập nội tại: không - có, trong - ngoài, quá khứ - hiện tại, hiện tại - tương lai, mơ - thực … tạo nên những mâu thuẫn và đấu tranh. Điều đó tác động khiến cái tôi vận động và phát triển. Cái tôi có chức năng nội cảm hóa thế giới, biến thế giới khách quan thành chủ quan, trở thành chủ thể của giá trị, của cái nhìn. Nó tổ chức thế giới hình tượng thành một thể thống nhất.
Trong các ý kiến bàn về cái tôi trữ tình trong thơ, chúng tôi rất tâm đắc với nhận định của Lê Lưu Oanh: “Cái tôi trữ tình là một giá trị cụ thể của cái
tôi nghệ thuật. Trữ tình là sự trình bày trực tiếp cái tôi nghệ thuật ấy. Cái tôi trữ tình là thế giới chủ quan, thế giới tinh thần của con người được thể hiện trong tác phẩm trữ tình bằng các phương tiện của thơ trữ tình” [27, tr.18].
Cái tôi trữ tình nếu chia theo loại hình nội dung có các dạng thức: “Cái tôi -
sử thi; Cái tôi - thế sự; Cái tôi - đời tư…” [27, tr.57].
Vậy, bản chất của cái tôi trữ tình trong thơ thể hiện ở những khía cạnh nào?
Thứ nhất, cái tôi trữ tình có bản chất chủ quan, cá nhân. Nó tự biểu
hiện, phơi bày thế giới nội tâm của cá nhân đồng thời nó cũng là hệ qui chiếu thẩm mĩ mang tính chủ quan, chuyển đổi hiện thực khách thể bên ngoài thành hiện thực chủ thể mang đậm dấu ấn cá nhân như một hiện thực độc đáo không lặp lại.
Thứ hai, cái tôi trữ tình có bản chất xã hội, nhân loại. Nó tồn tại trong
nhiều mối quan hệ: truyền thống văn hoá, lịch sử, thời đại… nên bao giờ cũng mang tính xã hội. Nó thu nhận vào mình những gì tốt đẹp được kết tinh trong đời sống tinh thần cộng đồng, dân tộc, nhân loại đồng thời đào thải những gì lạc hậu, lỗi thời.
Thứ ba, cái tôi trữ tình có bản chất nghệ thuật, thẩm mỹ nên nó luôn
có xu hướng vươn tới tư tưởng thẩm mỹ và biểu hiện bằng một thế giới nghệ thuật mang tính đặc thù của phương thức trữ tình.
Vì thế, luận văn quy hình tượng cái tôi trữ tình về hai phương diện nội dung và hình thức để thuận lợi cho việc trình bày, phân tích.
Về nội dung: Hình tượng cái tôi trữ tình không chỉ là thế giới của cá
nhân nhà thơ mà còn tự nâng mình lên hoà nhập vào tiếng nói văn hoá của thời đại; đồng thời nó luôn có xu hướng khao khát vươn tới những giá trị chân – thiện – mĩ.
Về hình thức: Hình tượng cái tôi trữ tình bao giờ cũng tồn tại trong một
hình thức cụ thể, hình thức ấy là một cơ chế đặc biệt có nhiệm vụ khách quan hoá tính giới chủ quan của nhà thơ. Cái tôi là thế giới tinh thần nên cần có những phương tiện vật chất cảm tính để tái hiện bằng hệ thống ngôn ngữ,
giọng điệu, hình ảnh,…
Với bản chất tâm lý xã hội của mình, cái “tôi” là cơ sở của “cái tôi trữ
tình” trong thơ. Cái “tôi” ấy có thể trở thành cái tôi nghệ thuật khi nó có nhu
cầu tự biểu hiện, nhu cầu được giao tiếp để tìm sự đồng cảm và nó được bộc lộ bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Thông qua một trạng thái cảm xúc đích thực của cái tôi trữ tình người đọc không chỉ gặp riêng cái tôi nhà thơ mà cả một thế giới hiện thực với những mảng sáng, tối, hạnh phúc và nỗi đau, niềm tin và sự đổ vỡ… được mở ra một tầm cảm thức mang tính nhân loại. Đôi lúc, ta bắt gặp nhà thơ là nhân vật, là cái tôi, là hình tượng trung tâm. Ta thấy thơ và tác giả thơ hòa vào làm một. Khi ấy cái tôi đích thực là “cái tôi - nhà thơ”. Lúc khác, ta lại thấy nhân vật trong thơ vẫn là tôi nhưng lại không phải là nhà thơ. Khi ấy nhà thơ hóa thân thành “cái tôi - trữ tình”.