Cái tôi công dân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật thơ đinh thị thu vân (Trang 39 - 45)

6. Cấu trúc của luận văn

2.2.1. Cái tôi công dân

Lúc mới cầm bút, mảng đề tài chính của Đinh Thị Thu Vân là quân đội với tập thơ đầu tay thay cho lời hát ru anh (1984). Tập thơ này thể hiện con người công dân - chiến sĩ mang cảm hứng lịch sử, thời đại, dân tộc. Khương Minh Ngọc trong Một vài cảm nghĩ thay lời giới thiệu cho tập thơ này đã viết:

Đất nước Việt Nam, miền quê Long An chiến tranh liên miên và anh bộ đội chính là hình ảnh trung tâm của mọi tâm khảm. Trên đất nước này, ai mà không thương, không yêu, không quý anh bộ đội Cụ Hồ. Huống chi Thu Vân là con gái. Mấy mươi năm qua, biết bao nhiêu nhà thơ già dặn đã nói đến anh bộ đội, ca ngợi anh bộ đội, mở rộng lòng mình với anh bộ đội. Tưởng chừng như mọi ý thơ, mọi tứ thơ đã mòn cạn hết rồi. Nhưng Thu Vân vẫn cứ nói về anh bộ đội mà giọng thơ không giống một ai cả, thì thầm mà lưu loát, ngọt ngào mà làm bừng tỉnh với những hình tượng rất gần, rất

quen mà bất ngờ đến ngạc nhiên, mở rộng mà e ắp, tưởng là của anh, của chị, của chúng ta mà không phải của chúng ta. Tưởng không phải của chúng ta mà ngẫm lại là của chúng ta” [41].

Đinh Thị Thu Vân nói đến cái tôi công dân qua anh bộ đội - con người có ý thức cao độ về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm trước lịch sử qua những tác phẩm như những bàn tay vẫy; hậu giang; riêng với biên phòng; con tem

quân đội; chiều cuối cùng ở trường huấn luyện v.v…

Chẳng hạn, bài thơ những bàn tay vẫy không chỉ nói đến giây phút chia tay các anh thanh niên lên đường nhập ngũ:

có bàn tay bạn bè tôi

vẫy theo mở một khoảng trời trẻ trung vẫy chậm là lúc vấn vương

vẫy nhanh là lúc nghe thương rộn ràng.

Mà còn nói về cuộc chia ly mang màu sắc lí tưởng và người ra đi hiểu được sứ mệnh của mình:

đủ cho tôi mãi mặn nồng

ra đi bằng những bước chân bồi hồi ước mơ hiểu giọt mồ hôi

ước mơ hiểu được cuộc đời, hiểu ai….

Rời quê hương, gia đình, bạn bè,…họ lên đường với tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ một lòng nhắm thẳng quân thù:

tuổi trẻ Hậu Giang chiều nay ra trận đoàn xe đi chưa có lá ngụy trang

không kịp nói một lời, không kịp nói em chỉ biết lòng thương, thương bối rối. thành phố rợp bóng cờ bay xao xuyến

gió hát ven sông lời hát dặn dò

và em đứng giữa dòng người đưa tiễn vẫy tay chào như lúc tiễn anh đi.

(hậu giang)

Cái tôi trữ tình ngợi ca, tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên, địa lý của quê hương, đất nước và về chiến thắng của nhân dân ta như trong các bài biển không phải là bài thơ tự do; nụ cười em - hạt phù sa; bến đò xưa em về lại; nếu không có ngày ba mươi tháng tư,… Niềm tự hào về thiên nhiên của quê

hương, đất nước qua bài biển không phải là bài thơ tự do:

khác nhau không, lời ca ngợi những loài rong những bãi cát nằm ven bờ biển rộng

với lời ngợi ca bao la cá lạ

những giếng dầu những quặng mỏ tài nguyên.

Đặc biệt được nhà thơ nhắc đến đó là hình ảnh “mẹ”, người đã chịu nhiều vất vả như trong bài nhật ký mùa mưa:

mà lòng em thuở đó quá đơn sơ

ngỡ nghe mẹ học ngoan là đã đủ và đêm đêm vẫn bình yên giấc ngủ mặc mẹ dầm mưa, ngâm giống, đắp bờ.

Lúc này đây, nhà thơ nhận thức ra người mẹ thứ hai trong cuộc đời mình, người mẹ ấy lớn hơn và rất đỗi thiêng liêng, cao quý - đó là mẹ Tổ quốc:

em có yêu được trọn tâm hồn

khi giờ mới hiểu mùa mưa một nửa?

mồ hôi chưa đổ, em có đợi hạt lúa nảy mầm thì nỗi đợi chờ cũng chỉ làm xốn xang một nửa tình em với mưa đâu bằng mẹ bây giờ.

Cái tôi thể hiện niềm reo vui, niềm tự hào, ngợi ca về chiến thắng qua

mươi tháng tư” thì em “không một lần dám sống hy sinh” rồi “em sẽ đến với tình yêu bằng nửa trái tim yếu đuối/ còn nửa kia, đành giữ lại…để nghi ngờ”

và “có thể rồi quên cả màu của lúa/ quên bài địa lý quê hương những miền nào đất đen, đất đỏ…”. Tất thảy với những tự vấn thảng thốt và đầy trực cảm:

“ngày tháng trước em là con ốc nhỏ/ con ốc đa nghi cuộn mình trong vỏ” đã hiện lên chân dung của một nữ thi sĩ mảnh mai có chút gì yếu đuối nhưng rất thật lòng. Thơ chính là sự chắt lọc của tâm hồn, và sự kiện ngày ba mươi tháng tư đã thanh lọc lại tâm hồn, lối nghĩ, cách sống. Kết thúc bài thơ là một lời chia sẻ tâm tình, bởi cô đã:

em đổi những bé mọn của tâm hồn lấy lắm ngọt êm lòng vẫn nghĩ tháng tư làm nhân chứng

ôi nhân chứng bao dung, nhân chứng vô cùng người lớn làm thế nào em có thể đền ơn!.

Vâng, tháng tư như một con người, cá thể không chỉ là một nhân chứng lịch sử mà còn là nhân chứng cuộc đời. Và ngày ba mươi tháng tư là cứu cánh, là điểm tựa, là hy vọng, và chúng ta làm thế nào có thể đền ơn được với những mất mát hy sinh của biết bao đồng đội để có một ngày ba mươi tháng tư trọn vẹn trong đời.

Cái tôi thấm nghiệm nhìn thẳng vào hiện thực của chiến tranh qua các bài như núi của tôi, nếu mai anh về,… Nếu các bài thơ trong chiến tranh nói đến cái chết không phải là sự mất đi, tan biến mà là sự thăng hoa, bay lên, tan vào đất nước thì với Thu Vân, cái chết được phản ánh chân thực nhưng từ đó là động lực chiến đấu:

ôi người chết nằm sâu trong hốc đá

phút cuối cùng tóc còn quấn tìm nhau; cho phút này tôi nâng tóc trên tay nghe mười ngón bồn chồn muôn hạt máu

…nghe như là tim núi gọi tim tôi đập thao thức cùng nhịp tim tổ quốc

(núi của tôi)

Cái tôi của em hậu phương, tình yêu lứa đôi hòa lẫn tình yêu Tổ quốc thể hiện qua các bài: bài thơ lục bát của anh, nhật ký mùa mưa, con còng vôi trốn ai, không đề, phút cầm tay, thay cho lời hát ru anh, v.v....

Tình cảm riêng tư, đời thường của người lính khi có những phút “lặng” để chiến sĩ nghĩ về mình trong bài nếu mai anh về: “anh hỏi nếu mai về từ

biên giới/ một bàn chân anh gửi lại chiến trường/ nếu bàn tay năm ngón mở yêu thương/ không còn nữa…em có còn tha thiết?”. Đó là những giây phút dồn nén chất trữ tình nhất, trong chiến tranh mất mát, đau thương, thoáng chút suy tư họ nghĩ về tình yêu của mình. Anh hỏi nếu mai anh về không còn nguyên vẹn, liệu em có còn tha thiết chăng?. Rõ ràng ở đây tình yêu lứa đôi hòa lẫn tình yêu tổ quốc, cùng chịu hy sinh vì nhiệm vụ:

đời anh - áo lính, rừng xanh em ru sao để không thành thờ ơ lời nào ru được bây giờ

lại ru cả khoảng đợi chờ mai sau.

(thay cho lời hát ru anh)

Hay tâm trạng của anh lính không biết ngỏ lời cùng em như thế nào khi nhiệm vụ còn nặng trên vai qua bài nụ cười em - hạt phù sa:

nốt ruồi em, cuối chân mày

tôi nhìn, ngỡ giọt mồ hôi mặn mà lòng chưa chở được phù sa

nói thương em với quê nhà làm sao?.

Nhiệm vụ anh còn dang dở, nghĩa vụ thiêng liêng anh còn nặng trên vai “chưa chở được phù sa”, anh biết nói thương em làm sao đây?. Anh lính đã

đặt trách nhiệm của mình lên trên tình cảm riêng tư. Để rồi anh tiền tuyến cầm súng chiến đấu, em hậu phương với hình ảnh lao động cần cù, chịu thương, chịu khó, một tâm hồn hiền hậu, trong sáng: “tôi thèm chút vị đòng

đòng/ đưa tay định bứt đau lòng nên thôi/ lúa còn non quá em ơi/ em chăm chút lẽ nào tôi hững hờ; thu hoạch đầu mùa, đồng chí/ huyện ủy bắt tay/ những ngón tay chai gặp nhau chợt mền đi, em khóc”. Hẹn nhau lời hứa đợi chờ:

ra chiến trường, người yêu hẹn: mai sau… mắt đăm đắm nhìn mắt em rạng rỡ

em cúi xuống di chân trên lối rạ nụ cười ngoan lời hứa đợi chờ.

Là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ý thức được trách nhiệm của người cầm bút trước thời đại, Đinh Thị Thu Vân đã viết nên những vần thơ phản ánh cuộc sống chiến đấu của quân và dân ta. Hình ảnh những người lính ra trận, hình ảnh quê hương tươi đẹp, những dòng sông, bãi bờ, ngọn núi đã đi vào thơ cô như một niềm tự hào, yêu và gắn bó sâu nặng với quê hương của mình. Thơ Thu Vân ngợi ca về mảnh đất Long An, ngợi ca Tổ quốc, ngợi ca về người anh hùng trong chiến đấu và miệt mài trong lao động. Chiến tranh làm cho con người cá nhân không ít thì nhiều cũng không thể tách rời con người cộng đồng, con người cá thể và con người công dân có sự hòa nhập thật tự nhiên. Với các chủ đề về đất nước và con người trong chiến tranh cách mạng, Thu Vân đã khắc họa cái tôi công dân nồng nàn trong thơ của mình.

Như vậy, cái tôi công dân đã tạo nên vẻ đẹp riêng tràn đầy tình yêu quê hương đất nước của thơ Đinh Thị Thu Vân. Và nhà thơ tập trung khắc họa hình tượng người chiến sĩ, hình tượng nhân dân là hai hình tượng trung tâm vừa mang tính cụ thể vừa mang tính khái quát.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật thơ đinh thị thu vân (Trang 39 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)