Các nghiên cứu liên quan đến tuân thủ điều trị lao

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thay đổi kiến thức và thực hành về tuân thủ điều trị của người bệnh lao tại bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh nam định sau can thiệp giáo dục năm 2016 (Trang 26 - 29)

Từ năm 1993, WHO đã đề nghị một chiến lược, qua đó chính phủ các nước có thể nhìn nhận trách nhiệm để điều trị người bệnh và ngăn chặn sự lây lan của bệnh lao. Bốn trong số các yếu tố chính của chiến lược đó là DOTS, cam kết của các chính phủ, cải thiện các dịch vụ phòng thí nghiệm, cung cấp liên tục các loại thuốc có chất lượng tốt và một hệ thống báo cáo để ghi lại sự cải thiện cũng như thất bại trong điều trị cho từng người bệnh.

Không tuân thủ điều trị của người bệnh lao đang là vấn đề nhức nhối và đáng báo động. Năm 2013 Kulkarni P.Y và CS [36] nghiên cứu về không tuân thủ điều trị của người bệnh lao phổi mới tại một phường của thành phố Mumbai Ấn độ. Họ tiến hành theo dõi và phỏng vấn 156 người bệnh thì có đến 78 người (50%) là không tuân thủ điều trị. Yếu tố nguy cơ độc lập cho người không tuân thủ được xác định là nam giới (p = 0,035) và thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của điều trị thường xuyên (p = 0,001). Nữ mại dâm cũng là một yếu tố nguy cơ tuyệt đối cho người không tuân thủ. Những lí do không tuân thủ được đưa ra là quên đến trung tâm 19,2% (15/78), bận công việc 19,2% (15/78), tác dụng phụ của thuốc 16,7% (13/78). Từ đó họ đưa ra kết luận: cần giáo dục sức khỏe liên tục, hiệu quả và củng cố cho người bệnh. Nhóm đặc biệt là nam giới trong độ tuổi từ 15-49 tuổi, những người bệnh không có bất kỳ hỗ trợ gia đình như những người di cư, phụ nữ mại dâm cần đặc biệt chú ý để đảm bảo tuân thủ điều trị thuốc chống lao .

Nghiên cứu của Akilew A.A và CS năm 2013 về không tuân thủ điều trị lao và xác định các yếu tố ảnh hưởng giữa người bệnh lao tại vùng tây bắc Ethiopia [27] . Nghiên cứu điều tra cắt ngang bằng bộ câu hỏi phỏng vấn được tiến hành trên 280 người bệnh lao. Kết quả cho thấy tỷ lệ không tuân thủ chung cho một tháng trước và bốn ngày cuối cùng trước khi cuộc khảo sát lần lượt là 10% và 13,6%. Không tuân thủ là cao nếu người bệnh có sự lãng quên (OR 7,04, CI 95% ), giai đoạn điều trị củng cố của hóa trị liệu (OR: 6.95, CI 95%), có triệu chứng của bệnh lao trong cuộc phỏng vấn (OR: 4.29, CI 95%), và có đồng nhiễm với HIV (OR: 4.06, CI 95%).

Năm 2006, Bam T. S và CS [30] phỏng vấn 234 người bệnh lao phổi mới đờm dương tính về các yếu tố ảnh hưởng đến sự tuân thủ điều trị lao tại Nepal cho kết quả: Lý do đưa ra bởi người bệnh không tuân thủ bao gồm 61% người do không đủ kiến thức về sự cần thiết để có điều trị hàng ngày, đặc biệt là sau khi họ cảm thấy bệnh tốt hơn. Tuổi trẻ, kiến thức về bệnh lao và giáo dục sức khỏe hàng ngày có liên quan với tăng sự tuân thủ.

Nghiên cứu mức độ tuân thủ điều tri của người bệnh lao phổi dương tính trong đờm được chăm sóc tại Bệnh viện trung tâm Zomba, miền Nam Malawi từ năm 2007 đến năm 2008 của Tobias C và CS (2013) [49], trong số 524 người bệnh được nghiên cứu có 184 (35,1%) người bệnh không hoàn toàn tuân thủ điều trị lao. Trong số này, 159/184 (86,4%) đã bỏ ít hơn 15 ngày điều trị và 43 (23,4%) người bệnh đã bỏ ít nhất một ngày điều trị trong cả hai giai đoạn điều trị tấn công và củng cố. Kết luận được đưa ra là: không tuân thủ điều trị tỷ lệ cao và ngay cả khi đã được quan sát trong 2 tháng đầu điều trị. Vì vậy, những nỗ lực về tư vấn tuân thủ điều trị nên tập trung vào tư vấn tăng cường để cải thiện sự tuân thủ trong giai đoạn điều trị tích cực.

Nghiên cứu của Ying T và CS năm 2015 [57] cho kết quả: Tỷ lệ người bệnh đã bỏ một ngày thuốc trong vòng hai tuần là 93/794 (11,71%) và những người đã bỏ ít nhất hai ngày thuốc trong vòng hai tuần là 167/794 (21,03%), với tổng số 33,74 % người bệnh không tuân thủ điều trị lao. Thiếu kiến thức về điều trị lao và thời gian

đi lại lâu hơn để các trung tâm y tế cộng đồng gần nhất là yếu tố dự báo quan trọng cho không tuân thủ.

Theo Mekde K.G và CS [40] các yếu tố ảnh hưởng đến tuân thủ điều trị lao là niềm tin chữa khỏi bệnh lao, tác dụng phụ, gánh nặng thuốc, khó khăn kinh tế, thiếu thức ăn, sự kỳ thị và thiếu thông tin liên lạc đầy đủ với các chuyên gia y tế. Ngoài ra nghiên cứu của Salla A.M 2007 [47] thì vấn đề tổ chức chăm sóc điều trị không hợp lý, người bệnh thiếu tự tin, kiến thức về điều trị, luật nhập cư các đặc điểm cá nhân như tuổi, nghề nghiêp… cũng là các rào cản tuân thủ.

Ở Việt Nam theo nghiên cứu của Lê Thành Tài tại Hậu Giang [21] tỷ lệ người bệnh không tuân thủ tiêm thuốc tại trạm chiếm 88,4%, người bệnh tuân thủ uống thuốc tại trạm chiếm 70,5%, số uống thuốc đúng theo hướng dẫn lúc đói chiếm 63,2%, số tuân thủ việc nghỉ ngơi hoàn toàn trong điều trị chỉ có 48,4%, số uống thuốc trong giai đoạn củng cố đúng theo qui định chiếm 87,4%.

Trong nghiên cứu Nguyễn Xuân Tình năm 2013 tại phòng khám ngoại trú Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Bắc Giang [23] thì tỷ lệ người bệnh biết tất cả các nguyên tắc điều trị là 11,6%. Tỷ lệ người bệnh tuân thủ tất cả các nguyên tắc của điều trị là 36,4%. Những yếu tố liên quan đến không tuân thủ điều trị gồm: Người bệnh trên 60 tuổi, người dân tộc thiểu số, không sống cùng vợ/chồng, thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo và có tác dụng phụ của thuốc.

Nghiên cứu của Uông Thị Mai Loan, Hồ Thị Hiền và Lưu Thị Liên năm 2009 [16], thì tỷ lệ người bệnh lao phổi không tuân thủ điều trị còn cao. Nhìn chung trong giai đoạn tấn công tỷ lệ không tuân thủ cao hơn giai đoạn duy trì. Tỷ lệ không tuân thủ các nguyên tắc ở 2 giai đoạn tương ứng là 88,5% và 66,7%. Tỷ lệ không tuân thủ 3 nguyên tắc trở lên cao, chiếm 30% và 22,4%; nguyên tắc không được tuân thủ nhiều nhất là uống thuốc đều đặn chiếm 90% và 86,2 % ở 2 giai đoạn tấn công và duy trì. Nghiên cứu đưa ra những yếu tố liên quan đến việc tuân thủ điều trị như trình độ học vấn, hiểu biết về nguyên tắc điều trị, nhận thức tuân thủ, được người thân giám sát nhắc nhở. Nghiên cứu sử dụng phương pháp mô tả cắt ngang, định

lượng kết hợp nghiên cứu định tính và sử dụng số liệu thứ cấp. Có 174 người bệnh thu nhận điều trị tại phòng khám lao Hai Bà Trưng từ tháng 1/2009 đến hết tháng 12 năm 2009 được phỏng vấn trực tiếp. Số liệu được thu thập trên người bệnh lao phổi, sử dụng bộ câu hỏi định lượng có cấu trúc đã được thiết kế sẵn. Ngoài ra, số liệu định tính bao gồm phỏng vấn sâu 5 CBYT và 6 người bệnh lao cũng đã được thực hiện nhằm tìm hiểu kiến thức, thực trạng tuân thủ điều trị cũng như DOTS từ góc nhìn của CBYT và người bệnh.

Theo nghiên cứu của Nguyễn Văn Cư và Nguyễn Thị Ngọc Đảnh năm 2009 [12] thực hành chung đúng trong tuân thủ điều trị chỉ chiếm tỷ lệ 5,5%, 86% người bệnh bỏ thuốc, uống thuốc không đúng theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Tuy có nhiều nghiên cứu về tuân thủ điều trị bệnh lao nhưng hầu hết các đề tài chỉ tập trung vào khảo sát thực trạng và các yếu tố liên quan; từ đó, đưa ra khuyến nghị là tăng cường hơn nữa công tác giáo dục sức khỏe cho người bệnh và cộng đồng. Trong khi đó, rất ít đề tài nghiên cứu đánh giá hiệu quả của công tác giáo dục sức khỏe cho người bệnh lao và cộng đồng để từ đó củng cố, bổ sung cho chương trình5 giáo dục sức khỏe đạt hiệu quả tốt hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thay đổi kiến thức và thực hành về tuân thủ điều trị của người bệnh lao tại bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh nam định sau can thiệp giáo dục năm 2016 (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(88 trang)