Cái tôi công dân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật thơ lệ thu (Trang 48 - 53)

6. Bố cục luận văn

2.1.1 Cái tôi công dân

Lệ Thu thuộc lớp nhà thơ cầm bút trực tiếp và phục vụ chiến trường vào những năm đất nước chống Mỹ được tôi luyện trong cuộc chiến đấu ác liệt của Tổ Quốc. Đến với chiến trường sống và viết khi tuổi đời tuổi nghề còn trẻ, sự mất – còn, sống – chết, hạnh phúc – khổ đau đã thấm thía tận máu xương. Thuộc lớp nhà thơ trưởng thành trong những năm tháng ấy Lệ Thu không nằm ngoài những ý niệm của lớp nhà thơ trước: “Đất nước có một tâm

hồn, có chung khuôn mặt” (Chế Lan Viên). Chị ý thức được trách nhiệm đối

với đất nước với nhân dân. Cái tôi trong thơ chị vì thế mang cảm quan công dân gắn bó với quê hương thời khói lửa, gắn với đất nước trong những năm tháng đấu tranh cùng dân tộc ngoan cường.

Trong chị tình yêu với đất nước, nhân dân luôn thường trực đã tạo nguồn cảm hứng cho cái tôi thơ chị hướng về Tổ quốc, nhân dân bằng cái nhìn ngưỡng vọng, ngợi ca. Hình tượng Tổ quốc, quê hương luôn là niềm tự hào

trong thơ Lệ Thu. Năm tháng lấm lem khói lửa được thể hiện trong thơ Lệ Thu với những hình tượng thơ rất đẹp từ sự kết tinh của vẻ đẹp lịch sử dân tộc. Ngưỡng vọng về hình hài đất nước trong quá khứ hay tự hào về truyền thống dân tộc cũng là một khía cạnh thể hiện nguồn cảm hứng sử thi của cái tôi trữ tình. Trong Điềm đạm Việt Nam Lệ Thu vẽ nên bức tranh Việt Nam đẹp nhất là những điều gần gũi nhất bình dị nhất “biển”, “đất”, “nhánh ổi”, “cành tre”, “tiếng võng trưa hè”, “câu ca dao”… chính những điều ấy đã làm nên quê hương, xứ sở. Lệ Thu đã nhắc về tính cách của con người Việt: “Hơi

ngượng ngùng trước một lời khen/ Thoáng ngơ ngác trước điều phản trắc/ Thuộc lịch sử cha ông để tin yêu mà đánh giặc/ Nhớ rõ người giúp mình để trả nghĩa, đền ơn…” (Điềm đạm Việt Nam). Ngay từ những vần thơ đầu Lệ Thu đã khẳng định lịch sử anh hùng và những con người thủy chung làm nên lịch sử, làm nên một đất nước ngoan cường.

Mang trong mình niềm tin yêu bất diệt với quê hương Lệ Thu dành khá nhiều trang viết cho những ngày lịch sử can trường chiến đấu. Lịch sử với những năm tháng trường kì đi vào thơ ca chị như một sự lưu trữ của thời gian. Cái tôi trữ tình hòa vào một người phụ nữ hi sinh mái ấm của mình để xung phong vào nơi chiến trường khói lửa: “Con trai ta chào đời tiếng khóc chìm

trong tiếng còi báo động!/ Hà Nội trong ta là những ngày gian nan tay ôm con tay viết bài giữa tiếng bom gầm đạn xé/..Là ngày gửi con một mình sơ tán/ Trong tiếng B52 gầm gú điên cuồng… (Hà Nội trong ta). Những năm tháng đau thương được gợi lại từ tâm tình của một người mẹ nghe mà đau nhói lòng. Sự hi sinh ấy không chỉ của riêng tác giả mà còn là sự hi sinh của biết bao người phụ nữ bao người mẹ Việt Nam. Nhân dân Việt Nam phải trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả: “Kháng chiến quê mình bao khó khăn/ Chân

trần, đêm lạnh, áo phong phanh/ Lá chuối, tre vườn làm giấy bút/ Trang đầu tập viết dưới vầng trăng” (Khoảng trời thương nhớ). Những em thơ phải tập

viết trong đêm với tập là lá chuối, bút tre. Nhưng với lòng tự hào về Tổ Quốc, về Bác Hồ đã dẫn dắt những tấm lòng chiến sĩ tiếp thêm động lực và lòng quả cảm cho họ trên chặng đường dài. Cái tôi trữ tình thơ chị thể hiện tình yêu và lòng biết ơn với Bác: “Chúng con được sinh ra trong thời oanh liệt/ Tiếng bập bẹ đầu

tiên đã biết gọi tên Người/ Từng phút từng giây mơ thấy Bác mỉm cười/… Nên dù nắng cháy Trường Sơn/ đường Hồ Chí Minh vẫn dập dìu tiếng hát/ uống nước suối, ăn rau rừng, gùi đạn trên lưng/ mà đánh giặc ba mươi năm… Dân tộc vẫn đàng hoàng” (Tâm sự tháng năm). Năm tháng ấy hai chữ gian nan làm sao hiểu hết nếu không trực tiếp tham chiến nơi chiến trường trực tiếp “uống

nước suối, ăn rau rừng, gùi đạn trên lưng” mới thấu hiểu ánh nắng của những ngày độc lập tự do phải trả giá đắt đến thế nào: “Cuộc chiến trường kỳ kết thúc

sau ba mươi năm/ Trăm nỗi buồn vui về gặp nhau ngày đại thắng/… Đi suốt chặng đường dài biết mấy gian nan/ khi ngoảnh lại, thấy tuổi thơ mình xa lắc”.

Những hi sinh gian khổ ấy chỉ để đổi lấy một điều “Tổ Quốc bây giờ liền một dải

non sông/ mơ ước ngàn năm đã thành sự thật” (Tâm sự tháng năm).

Là người con gái của mảnh đất Tuy Phước – Bình Định, Lệ Thu dành tình cảm đáng trân quý của mình cho mảnh đất ấy, qua những vần thơ “Bình

Lâm khoai đỗ/ Gò Bồi cá tôm”, mảnh đất ấy cũng trải qua năm tháng chiến

tranh ác liệt: “Nhìn ngang họng súng tím bầm ruột gan/ Mối thù Tân Giản,

Vinh Quang…/ Máu tươi xối đỏ đường làng năm nao/ Hỏi ai chém giết đồng bào/ Ai đem tang tóc dội vào nơi đây/ Đau từng ngọn cỏ lá cây/ Hai mươi năm chẳng một ngày bình yên” (Phước Hòa quê ngoại). Cái tôi gắn bó với quê hương, đã mang nỗi đau riêng hòa vào nỗi đau chung của dân tộc, nên thơ chị luôn đượm tình mà rất chân thật gần gũi, bởi không ai khác mà chính chị đã trải qua những đau thương mà cảm nhận. Sự hi sinh thương tổn quá lớn lao để rồi chị phải thốt lên: “Căm thù bia đá dựng lên/ Dòng chữ màu đen tang

sông). Chính những con người bình dị của quê hương họ đã hi sinh thân mình để làm nên quê hương xứ sở muôn đời bình yên: “Đường số Sáu/ Bình Định

xuống Gò Bồi/ Tạm chia hai vùng: ta – địch/ Mỗi xã năm mười du kích/ Hiệp đồng đánh địch thất kinh” (Vùng trắng khu đông). Mỗi vùng quê, mỗi sự hi sinh, mỗi sự mất mát… tất cả đã cùng nhau giành lấy non sông này. Cái tôi trong thơ chị dường như đang đau cùng nỗi đau của dân tộc, của thời đại.

Chị chẳng thể nào quên cái ngày Về quê nội giữa vành đai trắng, khi đất nước, quê hương mình chìm trong bão đạn dù biết hi sinh, là điều không tránh khỏi nhưng chị vẫn đau xót thốt lên: “Bè bạn đã bao người ngã xuống/ Máu đỏ

triền sông, cuối bãi bồi”. Cái tôi công dân giai đoạn này bị ám ảnh bởi đau khổ

của chiến tranh: “Quê nội giờ đây địch vẫn còn/ giữa vành đai trắng má chờ

con/ Ôi phút thiêng liêng lòng nghẹn lại/ Con chép hình Người một nét son”.

Sau những hi sinh đau khổ ấy là cả một lòng quyết tâm, một tình yêu cao đẹp với quê hương, dân tộc.

Tuy nhiên từ trái tim yêu của mình chị vẫn hướng về quê hương trong niềm tin cuộc sống tái sinh: “Đau nhiều nên dạn dày thêm/ Yêu thương giục bước chân

tìm gặp nhau/ Tôi ơn Người mãi mai sau/ Dám đem tuổi trẻ đổi màu trời xanh”

(Cảm ơn người đến quê tôi). Lệ Thu luôn tin rằng sự hi sinh của những người chiến sĩ sẽ đổi lấy màu xanh của cuộc sống mới đầy tươi vui, hạnh phúc.

Cái tôi đa mang ấy luôn hướng về ngày độc lập, ngày Bắc – Nam liền một dải: “Chị và em từ hai đầu đất nước/ Về hòa chung khúc hát/ Dựng xây

cuộc đời” (Chị và em từ hai đầu đất nước).

Cái tôi trữ tình công dân không chỉ ca ngợi quê hương cho thấy sự mất mát to lớn của chiến tranh mà còn ca ngợi nét đẹp của con người đó là những người anh hùng, những người lính, đồng đội, anh em … và cả những người

Nông dân đã góp phần dựng xây đất nước.

được yêu mến và sống mãi trong lòng nhân dân, quê hương, đất nước. Đó là: “Người em chưa biết tên/ Con trai bà thím ở làng bên/ Vừa mới xung vào “du kích

mật”/ Em cười, đôi mắt sáng mông mênh” (Về quê nội giữa vành đai trắng). Những người chiến sĩ Trường Sa: “Nơi đất liền thao thức chị nhìn ra/ Em vật vã

ôm một vùng đảo thấp/ Những Châu Viên, Sinh Tồn, Chữ Thập…/ Máu xương mình! Ai có thể làm ngơ?” (Ru em tỉnh thức). Những người lính hi sinh bản thân mình, thậm chí vô danh khi về với đất mẹ vẫn rất an yên: “Anh bằng lòng với tên

gọi vô danh/ đẹp đẽ nhất giữa muôn ngàn tên gọi/ bình yên nhất/ để khi về cõi giới/ ta thật là mình/ không nhiễu bởi nhân gian!” (Vô danh).

Cả dân tộc hừng hực khí thế biến đau thương thành sức mạnh diệt thù là hình ảnh nhân dân biến cái chết thành sự sống bất diệt. Tính chất trữ tình chiến đấu trở thành đặc điểm nổi bật của nền thơ. Năm tháng lăn lộn với chiến trường đã giúp Lệ Thu dựng nên tượng đài của các anh hùng từ cái chết hiên ngang giữa chiến trường đến cái chết giữa một không gian mưa gió. “… Mưa Trường Sơn

trắng những khu rừng/ Chúng tôi vượt ngàn cơn suối lũ/ mưa suốt dọc đường đi/ mưa trong giấc ngủ …” (Mưa Trường Sơn). Hình tượng nhân vật người lính đẹp vô cùng trong sự hi sinh thầm lặng mang tất cả những đau thương về với cõi vĩnh hằng. Dù ít chạm đến mất mát đau thương nhưng Lệ Thu vẫn không ngần ngại nói về cái chết của những anh hùng, cái chết để ươm chồi sống, là cái chết bất tử trong trái tim con người Việt Nam. Cái chết ấy hóa thân vào hồn thiêng sông núi: “Hơn bốn mươi năm bạn nằm lại nơi này/ bên mái nhà dân/ bờ tre

quấn quít/ ngơ ngác khóm bông trang/ vệt máu khôn nguôi/ cánh đồng xương thịt…/ Bạn nằm trong lòng dân”. (Bông trang trên mộ bạn).

Ngợi ca vẻ đẹp con người ngòi bút Lệ Thu không chỉ tập trung vào hình tượng anh hùng kì vĩ mà còn hướng đến những con người bình dị: “Cho một

ngày mai tươi sáng/ bao người Hà Nội trẻ trung đã lên đường/ xông pha nơi đạn bom mà không hề tính toán” (Hà Nội trong ta).

Cái tôi công dân nhìn vào đất nước nhân dân ở tầng sâu văn hóa, lịch sử. Những đau thương, mất mát của chiến tranh được Lệ Thu tái hiện không mang tính bi lụy mà rất đỗi hào hùng. Đây cũng là sự tiếp nối của tư duy thơ trong mạch cảm hứng chủ đạo của thơ ca kháng chiến nhưng Lệ Thu đã tạo nên bản sắc riêng của mình. Hình tượng Tổ quốc trong đau thương mà rất đỗi hào hùng và hình tượng nhân vật trữ tình đẹp nhất vẫn là những con người “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” dù họ có là những mộ phần “vô danh”, vẫn mãi bất tử trong lòng dân tộc. Với những biểu hiện của cái tôi gắn bó với thời khói lửa, hướng về Tổ Quốc và con người mang đậm chất sử thi như thế thơ Lệ Thu đã thể hiện được sự nhất quán trong quá trình vận động và phát triển của cái tôi trữ tình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thế giới nghệ thuật thơ lệ thu (Trang 48 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)