6. Bố cục luận văn
1.3.2 Sự thống nhất và biến đổi của tư duy thơ Lệ Thu
Tác giả Nguyễn Bá Thành trong giáo trình Tư duy thơ hiện đại Việt Nam đã kết luận “Tư duy thơ là một phương thức biểu hiện của tư duy nghệ
thuật nhưng nó mang trong mình một khả năng biểu hiện phong phú nhờ ngôn ngữ thơ” [29, tr.59].
Với tư duy thơ đặc điểm được xem quan trọng là “sự thể hiện của cái tôi
trữ tình, cái tôi cảm xúc, cái tôi đang tư duy” [29, tr.59]. Thơ phản ảnh cuộc sống không ngừng vận động vì vậy tư duy thơ cũng không đứng yên mà luôn có sự vận động biến chuyển. Nên thông qua tư duy thơ cái tôi nội tại của chủ thể trữ tình được thể hiện rõ nét qua đó cũng cho thấy sự biến chuyển của thời đại.
Lệ Thu với quan niệm của một công dân luôn mang nặng trách nhiệm với đời ý thức sâu sắc trách nhiệm với công cuộc sáng tạo của mình. Chị chủ động hòa nhập với cuộc sống mới và mang thơ mình phản ánh cuộc sống. Với sự thay đổi của lịch sử sự vận động của cuộc sống tư duy thơ Lệ Thu cũng có những biến đổi rõ nét.
Nếu trong thời chiến thơ được quan niệm như tiếng nói của lý tưởng cách mạng, của quê hương của tình đồng chí, góp phần vào việc phản ánh cuộc chiến đấu của dân tộc thì đến thời đổi mới. Thơ Lệ Thu khi đối diện với bao vấn đề phức tạp của đất nước dân tộc và nhân loại là tiếng nói của xúc cảm, của tư tưởng
và của cả trực giác, tâm linh. Theo Nguyễn Quang Thiều thơ chính là kết quả của một trí tưởng tượng vô cùng hoang dại và bằng những cơn mơ bất tận đầy nhạc tính luôn chuyển động sinh nở và biến ảo. Với Lệ Thu: “Phải biết làm người
trước lúc làm thơ/…/ Đừng viết về niềm vui/ khi lòng ta thực sự buồn/ đừng viết về nỗi buồn/ khi ta quá cách xa những cuộc đời bất hạnh” (Tự nhủ). Làm thơ làm công việc sáng tác không tách rời hiện thực, mà phải tiếp cận và lí giải nó. Đi theo tiến trình sáng tác trong thơ Lệ Thu có thể thấy tư duy thơ đã có những bước đi từ hiện thực cuộc đấu tranh xã hội… đến hiện thực nội tâm, tư tưởng, cảm xúc; hiện thực của vô thức. Từ những đề tài sử thi của thời chiến, đến đề tài về cuộc sống bình dị, đào sâu tìm kiếm những giá trị thực của nhân sinh qua sự sẻ chia với những thân phận, số phận đơn lẻ, buồn bã, nhiều ẩn ức tâm sự. Vì vậy thơ Lệ Thi ngày càng trở nên giàu tính tư tưởng - triết luận hơn so với trước đó: “Ta mong
manh như giọt nắng cuối ngày/ Chẳng sưởi được điều chi trên mặt đất/ Đêm sẽ về khi vừng dương kia khuất/ Ta tự tắt một ngày cho ngày mới hừng lên” (Ngày của đời người). Chị nhận rõ sự thay đổi của nhân sinh quan đây không còn là thời kì của: “Nơi ác liệt và nơi gian khó nhất/ Là nơi tình người đơm nhụy mật
hương thơm/ Nơi thù bạn phân minh sáng rực tâm hồn”, mà là “Cõi người trăm nỗi thị phi/ Tìm trong vở diễn những gì mình mong” (Tìm trong vở diễn).
Sự thay đổi trong quan niệm nhân sinh tư tưởng, cuộc sống… đã tạo nên những thay đổi về chất trong hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ Lệ Thu. Khác với cái tôi sử thi trong thơ cách mạng, giờ đây trong thơ Lệ Thu là một hình tượng cái tôi đa dạng với những trăn trở lo toan thường nhật… đề cao tiếng nói cá nhân với những khao khát yêu thương và những nỗi buồn của bản thể. Trong thơ chống Mỹ cái tôi này ít được đề cập. Những nỗi niềm ấy được thể hiện ngay chính tên những bài thơ Cô đơn, Chúc thư, Mong manh, Bâng khuâng, Ám ảnh, Cõi riêng, Một mình, Âm thầm…
trong tư duy, chất liệu và bút pháp tạo hình thơ Lệ Thu cũng có những đổi mới. Thay vì các chất liệu công nông binh trong thơ kháng chiến, giờ đây chị sử dụng nhiều hơn các chất liệu đời thường thêm đó là sự tiếp cận những phương pháp và kĩ thuật mới của thơ tượng trưng, thơ siêu thực, thơ tân hình thức, thơ thị giác… Chị không ngại thay đổi hình thức văn bản thơ theo những cách thức cách tân so với trước. Chẳng hạn câu chữ, hình ảnh có thể được tổ chức thành những dòng chảy ngôn ngữ miên man, liên tục, đan xen giữa nhiều cảm giác, không dấu ngắt, không ngừng nghỉ: “Thôi vậy nhé/ rồi cũng qua đi tất cả/ một
đời người như gió thoảng ngoài hiên/ nợ trần gian đắng cay/ tôi đã trả/ trái tim thương khép lại cánh ưu phiền” (Chúc thư).
Bối cảnh văn hóa - xã hội của đất nước thời đổi mới, giai đoạn giao thời, đã có tác động mạnh mẽ tới quá trình sáng tạo tìm tòi, cách tân của thế hệ nhà thơ mới và thơ Lệ Thu cũng nằm trong dòng chảy ấy. Tất nhiên trong hoạt động sáng tạo bản lĩnh nghệ sỹ mới là yếu tố quyết định. Theo dõi hành trình thơ chị có thể thấy sự chuyển biến sâu sắc và rõ nét trong tư duy thơ. Bên cạnh sự biến đổi ấy luôn luôn có một sự thống nhất trước và sau tạo nên một hành trình thơ mới – cũ, luôn song hành và phát triển chứ không đối địch không mâu thuẫn nhau.
Lệ Thu quan niệm Đổi mới không phải là quay ngược, chị nói: “Quá
khứ đẹp xin đừng vội xóa đi, vì nó sẽ là ngọn đuốc soi đường để ta về đến đích” [41; tr. 19]. Chị luôn quan niệm Đổi mới và trách nhiệm nhà văn đổi mới luôn phải đi kèm với trách nhiệm làm sao để hướng con người đến giá trị thực của Chân – Thiện – Mĩ chứ không phải đạp đổ quá khứ thay diện mạo mới hoàn toàn chạy đua theo trào lưu, xu hướng, không có đích đến, không biết giá trị thực của nó, thì tất cả chỉ là Ảo ảnh mà thôi. Thơ chị luôn luôn có sự thống nhất đó là nghĩa vụ công dân, ý thức trách nhiệm của một nhà thơ luôn cố gắng dựng xây đất nước tôn trọng những giá trị đích thực của lịch sử,
dân tộc… Tất cả tạo nên “ngọn đuốc soi đường” soi chiếu cho con đường làm thơ, làm người của nhà thơ.
Chị nói:
Đổi mới chắc chắn không phải là đảo ngược mọi giá trị đã được lịch sử loài người chấp nhận và khẳng định… Trong nghệ thuật cũng như trong đời thường, thẳng thắn khác với thô bạo, bộc trực khác với lỗ mãng, nhạy bén khác với cơ hội và thủy chung đâu có phải là “bảo thủ”…Vậy mà trong đời không có gì mau cũ cho
bằng “mốt” [34, tr.24 -25].
Với chị giá trị thực của sự chân chính của truyền thống văn hóa, của những đạo đức, thủy chung … mới là giá trị đích thực, mới là cái “mới” mãi không lỗi thời và không mất đi. Điều đó đúng với mọi phương diện và đúng với cả việc làm thơ. Vậy nên dễ dàng bắt gặp trong thơ chị những cái nhìn mới về cuộc sống đương thời nhưng quy kết chị vẫn hướng về giá trị thực vẻ đẹp chung của cuộc đời: “Cái đẹp/ tự ngàn xưa/ ai chẳng yêu chẳng thích/
nhưng có cái đẹp mang mầm tội ác/ có cái đẹp trụi trần, băng giá, vô tri/…/lòng nhân ái đăng quang” (Vương miện cho em).
Với chị lao động của nhà văn không có “quyền tách ra khỏi nghĩa vụ
công dân”, nhà văn phải dùng tài năng, lương tri để phục vụ cho dân tộc, cho
đất nước. Trong Đích cuối cùng đôi lúc phía sau lưng chị nói: “Cỏ non ơi,
xin cho một lối về/ nơi ai đã từng “quên”/ từng phủ phàng ngoảnh mặt/ Cho ta đặt lại bàn chân lên êm đềm bãi cát/ dòng sông xanh quê mẹ thuở nào”. Ai
rồi cũng sẽ có lúc nhìn lại quê hương mong muốn quay về quê mẹ đó là nơi nâng đỡ con người trong suốt hành trình cuộc đời: “Quê hương mỗi người chỉ
một/ như là chỉ một mẹ thôi”. Vậy nên phục vụ và xây dựng để quê hương phát triển không chỉ là nhiệm vụ mà còn là tình yêu với đất mẹ.
thức mới về cuộc sống. Nhà thơ phát hiện những cơ sở tồn tại khách quan của đời sống là không gian, thời gian và những giá trị vĩnh hằng khác như tình yêu, lẽ sống… Chị đặt con người trong mối quan hệ đa dạng của cuộc sống để cắt nghĩa tâm lý bên trong của con người. Tư duy nghệ thuật thơ Lệ Thu là sự tích hợp sâu sắc giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại. Tư duy thơ chị đã thể hiện sự nắm bắt được cái mới nhưng luôn “bảo vệ” những giá trị truyền thống văn hoá đặc sắc của dân tộc. Đó là một tư duy tích hợp, đa dạng nhưng không mâu thuẫn mà đầy tính thống nhất, làm định hướng chung cho quá trình sáng tạo.
Tiểu kết chương 1
Là những vần thơ xuất phát từ trái tim thơ Lệ Thu dễ dàng lay động lòng độc giả. Là một người phụ nữ trải qua những thăng trầm và gánh chịu nhiều mất mát đau thương, thơ chị không chỉ nói lên nỗi lòng mình mà còn nói lên tâm sự của bao nhiêu con người. Với ba cảm hứng chính là cảm hứng lịch sử - quê hương - đất nước, cảm hứng thế sự và cảm hứng đời tư đã mang lại cho thơ chị những cung bậc màu sắc và trạng thái cảm xúc khác nhau. Tất cả tạo nên một hồn thơ Lệ Thu đầy hương sắc trong hành trình thơ vừa đổi mới vừa thống nhất. Đó cũng chính là nét đặc sắc trong tư duy thơ Lệ Thu, một hồn thơ mang đầy xúc cảm, luôn khát khao cống hiến tài năng của mình cho cuộc đời, xem việc mang lại niềm vui cho đời, cho người là hạnh phúc của mình!
Chương 2
CÁC HÌNH TƯỢNG NỔI BẬT TRONG THƠ LỆ THU 2.1 Hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ Lệ Thu
Thơ trữ tình là tiếng nói trực tiếp biểu lộ những suy tư, trăn trở, chiêm nghiệm của mỗi tác giả và có những biểu hiện vô cùng phong phú, đa dạng. Trong quá trình sáng tác, cái tôi nghệ sĩ cũng có thể bước vào nghệ thuật trở thành một hình tượng trọn vẹn, nhưng không đồng nhất với cái tôi trữ tình.
Theo Từ điển thuật ngữ vănhọc thì:
Cái tôi trữ tình là sự thể hiện một cách chân thực và cảm xúc
đối với thế giới và con người thông qua các phương tiện tổ chức của thơ trữ tình tạo ra một thế giới tinh thần riêng biệt, độc đáo mang tính thẩm mỹ để truyền tải năng lượng tinh thần ấy đến cho người đọc [16, tr.32].
Quan niệm về cái tôi trữ tình trong thơ có sự khác nhau ở mỗi thời kì. Nếu lấy thời kì thơ Mới khi cái tôi trữ tình xuất hiện và có sự ảnh hưởng mạnh mẽ tới sáng tác của các nhà thơ, đó là cái tôi cô đơn, sầu muộn muốn thoát ra khỏi thế giới thực tại để tìm tới một thế giới hư ảo:
Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng thấy lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận [56, tr.56].
Đến giai đoạn kháng chiến chống Mỹ văn học mang đậm dấu ấn của khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn nên từ cái tôi cá nhân chuyển sang cái tôi đại diện cho tiếng nói của cả cộng đồng dân tộc. Sau chiến tranh cái tôi sử thi mờ dần đi nhường chỗ cho cái tôi thế sự. Đó là cái tôi luôn băn
khoăn trăn trở về cuộc sống đời thường.
Cùng với sự vận động và phát triển của thơ ca Việt Nam hiện đại hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ Lệ Thu cũng có sự thay đổi cho phù hợp. Từ cái tôi công dân giai đoạn đầu gắn bó với quê hương thời máu lửa chuyển dần sang cái tôi thế sự và đời tư. Cái tôi ấy không còn là tiếng nói nhân danh cộng đồng nữa mà là tiếng nói của cá nhân tác giả. Tiếng nói ấy có cội nguồn từ một trái tim dạt dào yêu thương và luôn băn khoăn trăn trở trước những giông bão của cuộc đời. Hình tượng cái tôi trữ tình trong thơ Lệ Thu chính là sự hóa thân của người nghệ sĩ trước những rung cảm mãnh liệt bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống. Nhưng đôi khi hình tượng ấy lại vượt ra khỏi nhà thơ thậm chí nó có một đời sống riêng mang tính độc lập tương đối với chủ thể sáng tạo nghệ thuật và với độc giả. Chính điều này góp phần tạo sức sống cho thơ Lệ Thu qua năm tháng.
2.1.1 Cái tôi công dân
Lệ Thu thuộc lớp nhà thơ cầm bút trực tiếp và phục vụ chiến trường vào những năm đất nước chống Mỹ được tôi luyện trong cuộc chiến đấu ác liệt của Tổ Quốc. Đến với chiến trường sống và viết khi tuổi đời tuổi nghề còn trẻ, sự mất – còn, sống – chết, hạnh phúc – khổ đau đã thấm thía tận máu xương. Thuộc lớp nhà thơ trưởng thành trong những năm tháng ấy Lệ Thu không nằm ngoài những ý niệm của lớp nhà thơ trước: “Đất nước có một tâm
hồn, có chung khuôn mặt” (Chế Lan Viên). Chị ý thức được trách nhiệm đối
với đất nước với nhân dân. Cái tôi trong thơ chị vì thế mang cảm quan công dân gắn bó với quê hương thời khói lửa, gắn với đất nước trong những năm tháng đấu tranh cùng dân tộc ngoan cường.
Trong chị tình yêu với đất nước, nhân dân luôn thường trực đã tạo nguồn cảm hứng cho cái tôi thơ chị hướng về Tổ quốc, nhân dân bằng cái nhìn ngưỡng vọng, ngợi ca. Hình tượng Tổ quốc, quê hương luôn là niềm tự hào
trong thơ Lệ Thu. Năm tháng lấm lem khói lửa được thể hiện trong thơ Lệ Thu với những hình tượng thơ rất đẹp từ sự kết tinh của vẻ đẹp lịch sử dân tộc. Ngưỡng vọng về hình hài đất nước trong quá khứ hay tự hào về truyền thống dân tộc cũng là một khía cạnh thể hiện nguồn cảm hứng sử thi của cái tôi trữ tình. Trong Điềm đạm Việt Nam Lệ Thu vẽ nên bức tranh Việt Nam đẹp nhất là những điều gần gũi nhất bình dị nhất “biển”, “đất”, “nhánh ổi”, “cành tre”, “tiếng võng trưa hè”, “câu ca dao”… chính những điều ấy đã làm nên quê hương, xứ sở. Lệ Thu đã nhắc về tính cách của con người Việt: “Hơi
ngượng ngùng trước một lời khen/ Thoáng ngơ ngác trước điều phản trắc/ Thuộc lịch sử cha ông để tin yêu mà đánh giặc/ Nhớ rõ người giúp mình để trả nghĩa, đền ơn…” (Điềm đạm Việt Nam). Ngay từ những vần thơ đầu Lệ Thu đã khẳng định lịch sử anh hùng và những con người thủy chung làm nên lịch sử, làm nên một đất nước ngoan cường.
Mang trong mình niềm tin yêu bất diệt với quê hương Lệ Thu dành khá nhiều trang viết cho những ngày lịch sử can trường chiến đấu. Lịch sử với những năm tháng trường kì đi vào thơ ca chị như một sự lưu trữ của thời gian. Cái tôi trữ tình hòa vào một người phụ nữ hi sinh mái ấm của mình để xung phong vào nơi chiến trường khói lửa: “Con trai ta chào đời tiếng khóc chìm
trong tiếng còi báo động!/ Hà Nội trong ta là những ngày gian nan tay ôm con tay viết bài giữa tiếng bom gầm đạn xé/..Là ngày gửi con một mình sơ tán/ Trong tiếng B52 gầm gú điên cuồng… (Hà Nội trong ta). Những năm tháng đau thương được gợi lại từ tâm tình của một người mẹ nghe mà đau nhói lòng. Sự hi sinh ấy không chỉ của riêng tác giả mà còn là sự hi sinh của