1.2.1. Vai trò của điều dưỡng trong chăm sóc vết mổ.
Trong chăm sóc vết mổ người điều dưỡng có 2 vai trò chính:
- Thúc đẩy quá trình liền vết mổ: Đánh giá tình trạng vết mổ để phân loại, xác định và thu thập các số liệu liên quan đến vết mổ, sản phẩm chăm sóc phù hợp, hỗ trợ tư vấn dinh dưỡng, nghỉ ngơi và tư vấn giáo dục sức khỏe cho người bệnh và người nhà người bệnh
- Phòng nhiễm khuẩn/biến chứng: Tuân thủ các quy trình kỹ thuật chăm sóc vết mổ đảm bảo vô khuẩn, vệ sinh bàn tay ĐD tốt trước, trong và sau khi chăm sóc vết mổ, ngừa nhiễm khuẩn chéo, vệ sinh người bệnh, giám sát các chỉ số sinh tồn, quan sát dấu hiệu hoặc hội chứng nhiễm khuẩn, báo bác sĩ ngay lập tức những dấu hiệu bất thường của người bệnh, điều trị kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ [13].
Như vậy, một trong những hoạt động chăm sóc phòng NKVM sau phẫu thuật của điều dưỡng trên người bệnh đó là: không thay băng vết mổ trong thời gian từ 24 – 48h sau phẫu thuật; chỉ thay băng khi băng thấm máu dịch hoặc khi mở kiểm tra vết mổ; thay băng và chăm sóc ống dẫn lưu đảm bảo đúng quy trình vô khuẩn [6].
1.2.2. Các nghiên cứu thế giới và trong nước về kiến thức, thực hành chăm sóc phòng NKVM.
1.2.2.1. Nghiên cứu thế giới.
Đã có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về kiến thức và thực hành của ĐD về các kỹ thuật chăm sóc vết mổ phòng nhiễm khuẩn, kết quả cho thấy điểm đánh giá về kiến thức và thực hành ở mức khá cao, các tác giả đã tìm thấy có mối liên quan giữa việc cập nhật kiến thức trong vòng 2 năm trở lại với việc chăm sóc vết mổ, mặc dù vậy vẫn có ít điều dưỡng được cập nhật những kiến thức trong chăm sóc phòng NKVM [13].
Theo nghiên cứu của Taneja, J và các cộng sự (2009), đã đánh giá mức độ kiến thức và thực hành của 100 Điều dưỡng về chăm sóc phòng NKVM cho thấy kiến thức đạt của ĐD về các biện pháp chăm sóc phòng NKVM là 75,5%, thực hành là 57,5% [70].
Leodoro J. Labrague và cộng sự (2012) đã cho thấy tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức rất tốt về nguyên tắc phòng NKVM là 38,09% và có mối liên quan rõ ràng giữa kiến thức với thực hành kỹ thuật phòng NKVM của điều dưỡng. Kiến thức có ảnh hưởng tích cực đến mức độ thực hành của điều dưỡng [55].
Sickder Humaun Kabir và cộng sự (2014) đánh giá “kiến thức, thực hành của điều dưỡng về phòng nhiễm trùng vết mổ tại Bangladesh” cho thấy 70% số điều dưỡng có kiến thức phòng NKVM ở mức độ thấp, 98,3% điều dưỡng có điểm thực hành tương đối cao [69].
Trong nghiên cứu của Qasem M. N (2017) trên 200 điều dưỡng tại 4 bệnh viện của Jordan, kết quả cho thấy điểm kiến thức về phòng nhiễm khuẩn vết mổ ở 4 mức độ: Kiến thức giỏi là 25%, khá 16%, trung bình 45,5%, kém 13,5% [64].
Nghiên cứu của Haleema Sadia đã chứng minh kiến thức nghèo nàn cho thấy nhu cầu cấp thiết về các chương trình giáo dục và nhận thức để nâng cao chất lượng chăm sóc phòng nhiễm khuẩn vết mổ của điều dưỡng [50].
Một nghiên cứu khác của Famakinwa, T.T năm 2014 tại Nigeria đã kết luận, điều dưỡng có kiến thức thấp và thái độ kém trong quá trình kiểm soát nhiễm khuẩn. Vì vậy, nhu cầu cấp bách ở đây cần phải có các chương trình giáo dục thường xuyên cho các điều dưỡng nhằm cải thiện, nâng cao kiến thức và thái độ chăm sóc người bệnh tốt hơn [47].
1.2.2.2. Nghiên cứu trong nước.
Theo kết quả nghiên cứu của Đỗ Hương Thu và cộng sự năm 2005 cho thấy 79% số lần thay băng đạt 100% điểm chuẩn, 9,5% đạt 80% đến < 100% tiêu chuẩn. 10% đạt 70% đến 80% tiêu chuẩn, 1,5% đạt 70% tiêu chuẩn. Mức độ sai sót tập trung chủ yếu vào do điều dưỡng không sát khuẩn tay, rửa tay trước 7%, rửa tay sau khi bóc băng bẩn 13% và rửa tay sau khi kết thúc thay băng là 5% [30]. Nghiên cứu thực trạng tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn vết mổ tại một số bệnh viện tỉnh miền bắc năm 2008 của Nguyễn Việt Hùng cho thấy tỷ lệ đạt trung bình về kỹ thuật vệ sinh bàn tay ngoại khoa là 67,5 ± 15,1%. Tỷ lệ điểm đạt trung bình về tuân thủ quy trình thay băng 61,3 ± 17,3% [14].
Theo nghiên cứu của Bàn Thị Thanh Huyền và Phan Văn Tường năm 2010 cho thấy kiến thức cơ bản về vệ sinh bàn tay của nhân viên y tế đạt mức khá (72%), tỷ lệ tuân thủ thực hành vệ sinh bàn tay chung của nhân viên y tế đạt 34% [15].
Một nghiên cứu mô tả cắt ngang kết hợp phân tích của Ngô Thị Huyền (2012) đánh giá thực hành chăm sóc vết thương và tìm hiểu một số yếu tố liên quan tại bệnh viện Việt Đức cho thấy 38,9% thực hành đúng quy trình thay băng, 52,5% có kiến thức đúng về quy trình thay băng [17].
Theo nghiên cứu của Phùng Thị Huyền và cộng sự (2012) về thực trạng và một số yếu tố ảnh hưởng đến tuân thủ quy trình thay băng thường quy của điều
dưỡng bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho thấy tỷ lệ ĐD đạt điểm giỏi là 51,6% và khá là 43% [18].
Nghiên cứu của Nguyên Thanh Loan và cộng sự (2014) cho thấy tỷ lệ điều dưỡng có kiến thức đúng về phòng nhiễm trùng vết mổ là 60% và 63,8% điều dưỡng có thực hành đúng. Nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan giữa kiến thức và thực hành của điều dưỡng về phòng NKVM [22].
Trong một nghiên cứu với 3013 cơ hội rửa tay được quan sát chỉ có 25,7% là tuân thủ rửa tay, trong đó khoa ngoại chiếm tỷ lệ 28,4% [33]. Tuy nhiên trong nghiên cứu này chưa đề cập đến việc tuân thủ rửa tay có đạt theo quy trình rửa tay hay không. Việc rửa tay theo đúng quy trình giúp cho việc ngăn ngừa nhiễm khuẩn trong chăm sóc vết mổ được tốt nhất.
Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Anh Tuấn năm 2014 về thực trạng NKVM tại khoa ngoại Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện tỉnh Đắk Lắk cũng cho chúng ta thấy tỷ lệ NKVM là 8,5%, điều đáng chú ý là có 100% không rửa tay khi thay băng rửa vết thương, 62,5% ĐD thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc [27]. Tỷ lệ NKVM cao trong nghiên cứu này thể hiện yếu tố thực hành của ĐD trong đó có tuân thủ quy trình rửa tay và thực hiện quy trình chăm sóc vết thương còn quá thấ Đây là vấn đề mà các nhà quản lý cần phải đánh giá, giám sát thường xuyên để tìm ra các nguyên nhân, giải pháp nhằm nâng cao nhận thức việc tuân thủ các quy trình chăm sóc phòng NKVM trên người bệnh.