3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN
3.3.3. Đánh giá chung khi thực hiện quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ph
đất phi nông nghiệp tại huyện Bố Trạch
3.3.3.1. Tác động tích cực
Cơ cấu kinh tế chuyển đổi theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nền kinh tế huyện đã có bước phát triển nhanh, nhịp độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, giá trị sản xuất của các ngành kinh tế tăng trưởng mạnh qua từng năm. Nhờ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà trong những năm qua kinh tế của huyện đã có bước phát triển nổi bật. Cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội được nâng cấp, mở rộng và đầu tư xây mới ngày càng nhiều, càng hiện đại và đồng bộ.
Sự hình thành các nhà máy, xí nghiệp, khu chế xuất … đã thu hút được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động, mức sống của người dân không ngừng được cải thiện.
Mức hưởng thụ điều kiện vật chất, văn hóa tinh thần cũng được nâng lên rõ rệt, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho người dân được quan tâm. Bên cạnh đó nhu cầu vui chơi giải trí cũng được nâng cao.
Quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp trên địa bàn đã có tác động lớn đến lao động, việc làm của địa phương: Việc làm được tạo ra nhiều hơn trong các ngành phi nông nghiệp, cũng như các hoạt động dịch vụ bổ trợ, lao động đã có chuyển đổi đúng hướng và không ngừng được tăng lên hàng năm.
Trình độ dân trí, trình độ sản xuất được nâng cao, giúp cho người lao động nhanh nhạy nắm bắt cơ chế thị trường, có khả năng ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
3.3.3.2. Tác động tiêu cực
Quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp và trong nội bộ ngành nông nghiệp là một điều tất yếu khách quan, bên cạnh những kết quả đạt được thì chứa đựng trong đó những bất cập.
- Diện tích đất canh tác ngày càng giảm, nhất là đất trồng lúa. Quá trình chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp đã làm giảm diện tích đất canh tác của người dân, dẫn đến việc dư thừa lao động, một số ít lao động chuyển sang làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp, làng nghề truyền thống … số còn lại lao động nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, mang tính thời vụ, nên thu nhập không ổn định, đời sống bấp bênh.
- Các công trình, dự án sau khi được giao đất nhưng chưa khai thác hết khả năng sử dụng, hoặc còn hoang phí chưa sử dụng đúng mục đích … gây nên tình trạng tốn kém tiền của Nhà nước, nhân dân mất đất sản xuất, mà cuối cùng vẫn không đem lại hiệu quả thiết thực.
- Trong quá trình thực hiện các chính sách trên địa bàn, chính quyền địa phương chỉ dựa vào đó để thực hiện việc áp giá đền bù, hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm bằng một lượng tiền tương ứng với giá trị của suất học nghề, chứ ít quan tâm đền nguyện vọng của các đối tượng chịu tác động.
- Một bộ phận không nhỏ lao động chủ chốt trong các nông hộ rơi vào cảnh thất nghiệp phải tìm kiếm cơ hội làm việc ở các thành phố lớn, việc chuyển đổi nghề khi bị mất đất sản xuất còn nhiều hạn chế, chưa có sự phổi hợp và hỗ trợ nhiều của chính quyền địa phương trong vấn đề này. Trong nhiều trường hợp, bản thân người lao động không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, thụ động, ỷ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vào tiền đền bù mà không cố gắng vượt qua khó khăn tìm kiếm việc làm. Khả năng có được việc làm mới của nông dân là rất thấp, do trình độ chuyên môn và khả năng thích ứng với điều kiện mới của họ không cao. Bên
cạnh đó, việc thay đổi tư duy và phong cách làm việc cho phù hợp với tác phong công nghiệp của họ còn chậm. Đây chính là những lực cản lớn đối với người nông dân mất đất trong việc kiến tạo việc làm mới cho bản thân.
- Một số hộ sau khi nhận được tiền bồi thường do Nhà nước thu hồi đất đã sử dụng tiền sai mục đích, không biết cách sử dụng nguồn vốn đó để phát triển sản xuất các ngành nghề phi nông nghiệp Nhiều hộ nông dân chưa định hướng được ngành nghề hợp lý, phù hợp với bản thân và gia đình để ổn định cuộc sống. Chỉ có một số ít hộ dân dùng tiền đền bù để đi học nghề với hy vọng sẽ tìm được việc làm trong khu công nghiệp hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương. Thực tế cho thấy, không ít hộ đầu tư vào mua sắm đồ dùng đắt tiền, xây dựng, sửa sang nhà cửa, ăn tiêu hoang phí không có kế hoạch; nhiều nông dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên ở các vùng đó thì sa vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút. Nhìn bề ngoài, có vẻ như đời sống của các hộ dân được đền bù đất được cải thiện rõ rệt; tuy nhiên, đằng sau sự thay đổi đó tiềm ẩn một nguy cơ rất lớn; đó là không nghề nghiệp, không có thu nhập ổn định.
- Việc đền bù sau khi giải phóng mặt bằng cũng gặp không ít những khiếu nại do người dân không bằng lòng với việc đền bù đất bị thu hồi theo giá của Nhà nước. Mặt khác việc giá Nhà nước và giá thị trường chênh lệch nhau đã làm cho Nhà nước bị thiệt hại trong việc thu thuế. Giá đất thị trường cao sẽ đem lại một nguồn lợi lớn cho người dân trong các hoạt động chuyển nhượng, sang nhượng quyền sử dụng đất nhưng giá thị trường quá cao sẽ gây ra tình trạng khan hiếm đất, người nghèo không có đủ tiền để mua đất, hay thuê mặt bằng để sản xuất, kinh doanh từ đó cuộc sống của những người này sẽ gặp nhiều khó khăn.