3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN
3.4.1. Trong công tác quản lý đất đai
- Tổ chức phổ biến, tuyên truyền về chính sách đất đai, chính sách phát triển bền vững cho cán bộ và nhân dân địa phương vì họ là những chủ thể trực tiếp tác động vào đất đai thông qua quá trình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và thương mại, dịch vụ ... Đồng thời, thông tin, giáo dục, tư vấn cho người dân và vận động sự ủng hộ và sự tham gia tích cực của họ trong việc thực hiện các chương trình hành động quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên đất.
- Nâng cao chất lượng và sự đồng bộ của các quy hoạch khắc phục hiện tượng quy hoạch treo, thu hồi đất sau đó bỏ hoang gây lãng phí; quy hoạch chậm, quy hoạch lạc hậu, quy hoạch bất hợp lý; quy hoạch không bàn bạc, không công
- Tăng cường năng lực quản lý đất đai cho cán bộ, giáo dục tinh thần trách nhiệm trước dân, thông cảm trước những khó khăn của dân vừa qua, cơ cấu đội ngũ cán bộ cần điều chỉnh bổ sung cho hợp lý, có đủ khả năng đảm bảo thực hiện các công việc trong nội dung quản lý nhà nước về đất đai: như xây dựng và quản lý thi hành pháp luật đất đai, xây dựng và quản lý hệ thống thông tin đất đai rõ ràng, minh bạch, cập nhật, quản lý hồ sơ.
- Hoàn thiện định mức sử dụng đất cho các đối tượng sử dụng đất; xây dựng khung giá đất cho thuê hợp lý theo vị trí và mục đích sử dụng nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, áp dụng đồng bộ chính sách về đất đai, cụ thể hoá các điều khoản về luật, các văn bản sau luật cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trên cơ sở sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả cao, phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
- Thiết lập cơ chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham vấn và trao đổi hợp tác đa chiều giữa các cơ quan chính quyền, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nghiên cứu khoa học và cộng đồng dân cư nhằm giải quyết các vấn đề ưu tiên đặc thù của địa phương, có ảnh hưởng đến phát triển bền vững.
- Về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng: điều chỉnh quy định về giá đất nông nghiệp tại các địa phương cho phù hợp với khả năng sinh lợi của đất và giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường. Pháp luật về bồi thường giải phóng mặt bằng cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định về việc “người bị thu hồi đất được góp vốn với doanh nghiệp và được chia lợi nhuận từ kết quả sản xuất doanh nghiệp”. Tuy nhiên, vấn đề này yêu cầu phải lựa chọn chủ đầu tư kỹ càng hơn để đồng vốn của dân góp vào doanh nghiệp có hiệu quả, mang lại nguồn thu bền vững, ổn định lâu dài.