Thông tin về mã vạch thể hiện ở cuối trang 4 Giấy chứng nhận:
Theo Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 thì mã vạch được dùng để quản lý, tra cứu thông tin về GCN và hồ sơ cấp GCN, nội dung mã vạch thể hiện mã đơn vị hành chính đến cấp xã, mã thời gian cấp GCN, mã hồ sơ gốc gồm các giấy tờ để thực hiện thủ tục cấp GCN [2, Điều 15]. Như vậy, mỗi GCNQSDĐ có một mã vạch riêng để phục vụ cho việc tra cứu thông tin địa chính. Khi người sử dụng đất giao dịch với bộ phận tiếp nhận của VPĐKĐĐ, cán bộ tiếp nhận dùng thiết bị đọc để quét mã vạch trên GCN, các thông tin về GCN sẽ được thể hiện trên máy tính để kiểm tra đối chiếu tính xác thực của GCN. Các thông tin về đăng ký biến động phát sinh như thế chấp, chuyển nhượng, thừa kế… tiếp tục được cập nhật và được thể hiện khi đọc mã vạch. So với các ngành khác như Ngân
hàng, Bảo hiểm, Thuế, Viễn thông… thì việc ứng dụng công nghệ trong quản lý không còn là việc mới lạ, tuy nhiên với lĩnh vực đất đai có thể xem đây là bước nhảy tiến bộ đáng kể.
Tuy nhiên, thực tế ứng dụng mã vạch trên GCN vào công tác quản lý đã không được thực hiện. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là không được sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai tại thành phố Đà Nẵng cũng như nguồn kinh phí phục vụ cho công tác.
Kể từ khi mẫu GCN mới có mã vạch được đưa vào sử dụng (ngày Nghị định số 88/2009/NĐ-CP có hiệu lực – ngày 10/12/2009), đến nay đã hơn 05 năm, các thông tin trên GCN được in và cấp cho người sử dụng đất đã không được tích hợp và sử dụng để xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính. Cho đến nay, các bộ phận tiếp nhận hồ sơ của VPĐKĐĐ thành phố Đà Nẵng và chi nhánh các quận, huyện đều không có thiết bị đọc mã vạch. Các thông tin thể hiện trên GCN kèm theo mã vạch cũng không được lưu trữ, tích hợp và cập nhật biến động nên nếu hiện nay trang bị thiết bị đọc mã vạch thì việc truy cập từ thiết bị này đến các thông tin trên GCN trong thời gian qua cũng trở nên vô hiệu.
Công tác ứng dụng CNTT để xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính thời gian qua trên địa bàn thành phố đang dần được quan tâm nhưng chưa đạt hiểu quả. Hoạt động của VPĐKĐĐ thành phố và các chi nhánh quận, huyện chủ yếu tập trung giải quyết sự vụ để đáp ứng nhu cầu dịch vụ hành chính công. Việc lập sổ sách hồ sơ địa chính như ghi sổ Địa chính, sổ Mục kê, sổ Theo dõi biến động không đầy đủ và kịp thời, nguyên nhân chủ yếu là do số lượng hồ sơ giải quyết lớn.
Hiện nay, thành phố Đà Nẵng chưa có một phần mềm công nghệ nào để cập nhật và tra cứu thống nhất dữ liệu địa chính trên toàn thành phố. Việc ghi chép và tra cứu hồ sơ địa chính hiện nay vẫn mang tính thủ công, do đó không những tốn kém thời gian trong việc tra cứu thông tin mà còn không đảm bảo tính chính xác.