3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
1.3.6. Đặc điểm lâm sàng và bệnh tích bệnh
1.3.6.1. Thời gian ủ bệnh
Thời gian ủ bệnh biến đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố: số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, độc lực virus mạnh hay yếu; loài gia súc, gia súc non hay già; sự nặng nhẹ của vết thương và khoảng cách từ vết thương đến bộ não. Nước bọt có men làm kích thích độc tố của virus tăng lên. Ngoài ra, yếu tố ngoại cảnh cũng làm thời gian nung bệnh thay đổi: nóng, mệt, chấn thương làm cho thời gian nung bệnh ngắn hơn. Ví dụ như ở chó nếu vết cắn ở chân sau và đùi sau thời gian nung bệnh là 12 - 15 ngày, còn vết cắn ở chân trước và đùi trước thời gian nung bệnh là 6 - 8 ngày. Tương tự, ở người vết thương ở chân thời gian nung bệnh là 45 - 60 ngày, vết cắn ở tay và ngang thắt lưng thời gian nung bệnh là 15 - 20 ngày. Virus cũng có thể sống hàng tháng, hàng năm trong mô bào và vết thương đã thành sẹo. Khi có ảnh hưởng không có lợi cho cơ thể: chấn thương, mệt nhọc, xúc động sẽ phát bệnh (Phạm Sĩ Lăng và Lê Thị Tài, 2009).
1.3.6.2. Triệu chứng
Ở bất kỳ con vật nào, triệu chứng đầu tiên là thái độ chúng rất khó phân biệt được với chúng rối loạn tiêu hóa, bị thương, có vật lạ trong mồm, ngộ độc hay thời kỳ đầu của bệnh truyền nhiễm. Nhiệt độ không thay đổi đáng kể, có thể chảy rãi. Con vật thường bỏ ăn uống, đi tìm nơi vắng vẻ. Cơ quan sinh dục tiết niệu bị ngứa ngáy hay kích thích, thể hiện ở đi đái luôn, dương vật cương lên và thích giao phối ở con đực. Sau thời kỳ tiền bệnh trong 1 - 3 ngày, con vật có triệu chứng liệt hoặc trở nên hung dữ (Phạm Sỹ Lăng và Hoàng Văn Năm, 2012).
1.3.6.2.1. Thể dại điên cuồng
Thể này chỉ chiếm từ 15 - 20% chó bị dại (ở các nước nhiệt đới, tỷ lệ này chiếm lên tới 70%). Biểu hiên lâm sàng của chó chia làm 3 thời kỳ (Nguyễn Kim Dung và cs, 2011):
Thời kỳ mở đầu con vật thể hiện bằng những thay đổi thói quen thường ngày. Con vật bỗng trở nên lo lắng, bứt rứt, cau có, giận dữ, hay ngược lại con vật bỗng vui vẻ hơn, vồn vã hơn, quấn quýt lấy chủ, mắt sáng, tai vểnh lên. Cũng có khi con vật chỉ buồn rầu thôi, mắt nhìn xa xăm. Con vật vẫn ăn, nhưng khẩu vị đã thay đổi. Chó đực
thường cường dương. Con vật bắt đầu sốt nhẹ. Thời kỳ này có thể chỉ ngắn trong vài giờ, có khi 1 - 2 ngày. Virus đã tác động đến các nơron thần kinh, nhưng chưa nhiều lắm. Nước bọt thường có độc lực (Nguyễn Vĩnh Phước và cs, 1970).
Thời kỳ kích thích chó thể hiện bằng những biến loạn quá độ về cảm giác và cơ năng: chó chạy lung tung, hoảng loạn, có khi chó vồ bóng vồ mồi vô hình. Chỗ bị thương thường ngứa. Con vật khó nuốt, giống như có một cái xương vướng ở cổ họng. Tiếng sủa, tiếng kêu khản đặc hoặc ồ ồ, cuối cùng rống lên như một tiếng rú. Chó thường trễ hàm, lưỡi thè ra, chảy nhiều nước dãi, mắt đỏ và sâu, chó mất cả “thần sắc” nên tạo thành một bộ mặt đặc biệt. Đuôi thường cụp. Bụng thóp lại do không ăn uống. Con vật sợ gió, sợ nước, bỏ nhà chạy lung tung có khi hàng chục kilomet, bạ gì cũng cắn. Có khi nuốt cả vật lạ. Những cơn điên như thế nối tiếp. Chó gầy sút rất nhanh, rồi chuyển sang bại liệt (Nguyễn Vĩnh Phước và cs, 1970).
Thời kỳ bại liệt sau những cơn hung dữ và chạy lung tung, vật lả đi, bại liệt. Dần dần vật nằm xuống, trễ hẳn hàm, mắt sâu, đờ ra, vẻ kiệt sức, mất tinh thần, bụng thót lại, không tiêu hóa được nữa, con vật suy sụp dần rồi chết. Nói chung, thể điên cuồng tiến triển trong khoảng 4 - 5 ngày, có thể dài hay ngắn hơn một ít. Phần lớn chó bị chết (Nguyễn Vĩnh Phước và cs, 1970).
1.3.6.2.1. Thể dại bại liệt
Với thể dại bại liệt, chó thể hiện các trạng thái bất thường, ngơ ngác, bồn chồn đi lại, ăn hoặc bỏ ăn. Sau đó chó lặng lẽ chui vào một xó tối nằm im, bởi vậy còn gọi là “thể dại im lặng”, “thể dại câm”, khác hẳn với thể điên. Vài ngày sau, chó bị liệt chân, liệt hàm, không thể há mồm ra được, nhưng nước dãi vẫn chảy quanh mép như bọt xà phòng. Sau khi phát bệnh từ 3 đến 5 ngày, chó chết trong trạng thái liệt hoàn toàn. Thể này rất nguy hiểm vì người ta không nghĩ đến bệnh dại và mấy ngày đầu chó vẫn có thể cắn gia chủ, nếu như đến chăm sóc nó. Thể bại liệt chiếm 20 - 30% số chó bị bệnh dại.
Mèo ít bị dại hơn chó (khoảng 2 - 3%) do lối sống thu mình. Nhưng thường nguy hiểm hơn vì mèo gần gũi với người và vết cắn thường sâu hơn. Mèo có thời kỳ nung bệnh ngắn hơn, thường từ 6 - 10 ngày. Bệnh dại ở mèo cũng tiến triển như chó, mèo buồn bã tìm chỗ kín đáo nằm, hoặc kêu luôn mồm, bứt rứt, nếu sờ vào lập tức bị cắn; sau đó chuyển nhanh sang thể bại liệt toàn thân, kiệt sức và hôn mê. Thời gian lành bệnh đến kết thúc khoảng 6 - 7 ngày (Phạm Sĩ Lăng và Lê Thị Tài, 2009).
Trâu bò cũng có thể mắc bệnh. Thời kỳ nung bệnh 3 - 10 tuần. Phần lớn trâu bò bị dại là do bị chó cắn. Trâu bò thường hung dữ, kêu rống, lao vào tấn công người và các súc vật khác. Nên người ta thường phải bắn chết trâu bò khi phát hiện chúng bị dại. Ngoài ra, chúng thường ngứa ở chỗ cắn, đầy hơi và đau bụng, đứng không yên,
mắt nhìn trừng trừng, bí đái tiểu tiện, không ăn; sau đó bại liệt (Nguyễn Vĩnh Phước và cs, 1970).
Ở ngựa, ngứa dữ dội ở chỗ cắn, bứt rứt, hai chân cào đất, nghiến răng, sốt, dáng điệu có vẻ lo lắng đặc biệt (ăn cả phân của nó), tự cắn da chỗ ngứa, tấn công bất cứ vật gì và người đến gần, dần dần bại liệt, vật vã và chết (Nguyễn Vĩnh Phước và cs, 1970). Ở lợn, thời kỳ nung bệnh 2`- 4 tuần. Lợn phát bệnh dại cũng hung dữ, chạy lồng lộn, phá chuồng, kêu rống, thích tấn công và kết thúc cũng chết trong bại liệt và kiệt sức (Hồ Thị Việt Thu, 2006).
Triệu chứng bệnh dại ở người có thể khác nhau nhưng kết cục thường giống nhau. Người bị dại thương do chó, mèo cắn, nếu không đi tiêm phòng kịp thời thì chắc chắn sẽ phát bệnh dại và tử vong 100%. Ở người, thời kỳ ủ bệnh thường khó phát hiện, thường chỉ có cảm giác như kiến bò ở chỗ vết cắn và có thể phát bệnh ở một trong ba thể: co giật, mất trí hoặc bại liệt. Thể co giật: bệnh nhân bị kích thích mạnh, đau đớn do bị co thắt hệ cơ vân toàn thân. Có biểu hiện sợ gió, nước, ánh sáng… Thể mất trí: do mầm bệnh sinh sản nhiều và tấn công vào hệ thống thần kinh trung ương làm bệnh nhân điên loạn, mất nhận thức, phản xạ không chính xác… sau vài ngày thì liệt hô hấp và chết thể bại liệt: hệ cơ bị liệt dần, khi liệt đến hệ hô hấp thì bệnh nhân sẽ chết (Phạm Sĩ Lăng và Lê Thị Tài, 2009).
1.3.6.3. Bệnh tích
Về đại thể, bệnh tích trong bệnh dại không đặc hiệu. Xác chết thường gầy do con vật không ăn, bại liệt, hoặc khi mắc bệnh con vật vận động quá nhiều. Xác chết thường bẩn, có thể có vết đánh hoặc tự cắn. Khi mổ ra thấy cổ họng sưng, dạ dày thường tụ máu, có thể có những vật lạ. Ruột có thể trống rỗng, trong chứa một thứ nước vàng vàng. Phổi tụ máu. Thịt, gan có thể biến chất (tái nhạt đi). Bóng đái thường trống rỗng do cơ vòng bị liệt. Nước đái có đường. Não có máu và có thể thủy thũng. Hạch tùng sưng to (Hồ Thị Việt Thu, 2006).
Bệnh tích vi thể đặc trưng với thể bao hàm Negri. Có thể lấy não nhuộm bằng phương pháp Sellers, Mann, Giemsa để tìm thể Negri trong tế bào thần kinh. Thể Negri thường có nhiều ở sừng Ammon của tam giác não, trong tế bào tiểu não, ở hạch hình tùng (plexiforme)… Khi nhuộm bằng phương pháp Sellers thể Negri có hình tròn, bầu dục… bắt màu đỏ (màu mageneta) trên nền tế bào thần kinh có màu xanh. Các mạch máu bị bạch cầu thâm nhiễm làm lòng mạch quản hẹp lại, thậm chí bạch cầu chứa đầy trong mạch quản. Bạch cầu còn xâm nhiễm xung quanh tế bào thần kinh (Hồ Thị Việt Thu, 2006).
Hình 1.6. Tiểu thể Negri