Tình hình phát triển kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 2016 và định hướng đến năm 2020 của huyện vĩnh cửu tỉnh đồng nai (Trang 41 - 45)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

3.1.2. Tình hình phát triển kinh tế xã hội

3.1.2.1. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế.

Cơ cấu kinh tế của huyện hiện nay là: Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Công nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của huyện, ngành nông - lâm nghiệp có tốc độ tăng trưởng tương đối chậm do khả năng mở rộng đất sản xuất nông nghiệp còn có những yếu tố hạn chế[12].

a. Khu vực kinh tế công nghiệp- xây dựng

Công nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của huyện, phát triển khá vững chắc, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2015 đạt 9.96%/năm.

Giá trị sản xuất công nghiệp (tính theo giá cố định 1994) tăng từ 3.719 tỷ đồng năm 2011, đến năm 2014 đạt 5.071 tỷ đồng và ước thực hiện năm 2015 đạt 5.428 tỷ đồng. Trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp, giá trị sản xuất trong khu vực quốc doanh có tăng trưởng từ 1.070 tỷ đồng năm 2011 lên 1.448 tỷ đồng năm 2015, giá trị sản xuất ngoài quốc doanh tăng khá nhanh nhưng chiếm tỷ trọng không cao (từ 654 tỷ đồng năm 2011 lên 995 tỷ đồng năm 2015). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vừa tăng nhanh vừa chiếm tỉ trọng ngày càng cao, từ 1.796 tỷ đồng năm 2011 lên 2.692 tỷ đồng năm 2015 [12].

b. Hoạt động thương mại - dịch vụ

Lĩnh vực Thương mại - Dịch vụ phát triển khá tốt, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân 15,1%/năm.

Ngành Thương mại - Dịch vụ đã có bước chuyển biến mạnh, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2016 đạt 3,75%/năm, tạo thêm việc làm cho hơn 8,5 ngàn lao động. Số đơn vị kinh doanh thương mại - dịch vụ tăng từ 3.947 đơn vị năm 2011 lên 4.783đơn vị năm 2016, bao gồm 103 doanh nghiệp ngoài quốc doanh và 4.683 hộ kinh doanh cá thể. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 1.174 tỷ đồng, gấp 1,65 lần năm 2011.

+ Mạng lưới cửa hàng cung ứng vật tư trong nông nghiệp: đã được xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu cung ứng vật tư nông nghiệp phục vụ cho sản xuất trên địa bàn[27].

Đối với phát triển du lịch: Trong năm 2016 huyện đã đón 4.333 khách du lịch (có 714 khách quốc tế) với doanh thu đạt trên 60 tỷ đồng. Khách đến du lịch và tham quan chủ yếu tập trung ở Làng Bưởi Tân Triều, Khu du lịch Đảo Ó - Đồng Trường, Khu du lịch sinh thái Cao Minh, du lịch sinh thái (Khu Bảo tồn Thiên nhiên và Văn hóa Đồng Nai, du lịch về nguồn (điểm di tích Trung ương Cục miền Nam, khu ủy Miền Đông - Chiến khu D), du lịch dã ngoại, tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch hành hương, du lịch làng nghề.

3.1.2.2. Sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản

- Sản xuất nông nghiệp: nông nghiệp của huyện phát triển khá toàn diện cả trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp. Trong đó, trồng trọt chiếm tỷ trọng lớn nhất và tăng đều qua các năm; giai đoạn 2005 - 2010 tốc độ tăng trưởng đạt 4,02 %/năm, giai đoạn 2010 - 2016 đạt mức tăng trưởng 4,93%/năm (cả thời kỳ đạt 4,47%).

Sản xuất nông nghiệp

- Trồng trọt:giá trị sản xuất ngành trồng trọt luôn chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất nông nghiệp và tăng đều qua các năm. Năm 2011, đạt 250 tỷ đồng, năm 2016, đạt 259 tỷ đồng (tính theo giá cố định), bình quân tăng 2,40%/năm.

+ Đối với cây hàng năm: đã định hướng được các cây trồng chủ yếu là cây lúa, bắp, khoai mì, mía...; trong đó lúa 6.813 ha, bắp 2.693 ha, mía 860 ha, khoai mì 1.939 ha. Nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất nên năng suất không ngừng được nâng cao, năng suất lúa tăng từ 49,97 tạ/ha năm 2011 lên 50,50 tạ/ha năm 2015; bắp từ 54,82 tạ/ha lên 60ta/ha; mía từ 515 tạ/ha lên 600 tạ/ha; khoai mỳ từ 180 tạ/ha lên 200 tạ/ha. Sản lượng lúa cả năm 2015. đạt 34.406 tấn, bắp đạt 16.158 tấn, mía đạt 51.600, khoai mì đạt 38.780 tấn.

+ Đối với cây lâu năm: được xác định cây chủ yếu gồm cây bưởi, điều, xoài, cao su. Năm 2016, diện tích các loại cây lâu năm hiện có như sau: điều 1.210 ha, xoài 2.635 ha, cao su 1.485 ha; tiêu và cà phê khoảng 192 ha. Năng suất và sản lượng tăng đều hàng năm, năm 2016 đạt: cao su 770 tấn, xoài 20.120 tấn, bưởi 9.500 tấn. Riêng đối với cây bưởi được huyện xác định là một trong 2 loại cây chủ lực trên địa bàn, diện tích hiện có 968 ha (năm 2011 là 669 ha). Dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển thêm diện tích trồng bưởi tại 03 xã: Tân An, Tân Bình, Bình Lợi. Giá trị thu nhập trên 1ha trồng trọt và nuôi trồng thủy sản là 105,28 triệu đồng.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi còn chậm và chủ yếu là mang tính tự phát, chạy theo hiệu quả kinh tế trước mắt mà không đầu tư lâu dài. Nguyên nhân do giá cả vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp trong những năm gần đây, không ngừng tăng trong khi giá cả đầu ra không ổn định, tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn.

*Chăn nuôi

Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng nhanh, tốc độ tăng bình quân 5 năm 2011- 2016 là 12,86%, đạt 412 tỷ đồng vào năm 2016, chiếm tỷ trọng 24,28% trong nông nghiệp, ngành chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng ngừa dịch bệnh.

* Dịch vụ nông nghiệp: hoạt động dịch vụ nông nghiệp như cung ứng vật tư, giống mới, khuyến nông, bảo vệ thực vật, tín dụng nông nghiệp cũng được chú trọng và đầu tư phát triển theo chiều sâu, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Năm 2016, giá trị sản xuất của hoạt động dịch vụ nông nghiệp ước đạt 12 tỷ đồng (tính theo giá 1994), chiếm 2,75% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Hoạt động lâm nghiệp:

Công tác chăm sóc, bảo tồn tài nguyên rừng và phát triển đa dạng sinh học được chú trọng, diện tích che phủ rừng đạt 56,32%, diện tích che phủ cây xanh đạt 65%, đa dạng sinh học đang được phục hồi và nâng cao. Công tác phối hợp bảo vệ rừng đạt kết quả tốt, diện tích rừng tái sinh gần 16.000 ha, diện tích rừng trồng mới

tập trung tăng từ 308 ha năm 2011 lên 554 ha năm 2016, sản lượng gỗ năm 2016 vào khoảng 36.495 ha.

Hầu hết diện tích rừng của Vĩnh Cửu trước đây là rừng phòng hộ xung yếu, nay chuyển chức năng sang rừng đặc dụng thuộc Khu bào tồn thiên nhiên và văn hóa Đồng Nai.

Hoạt động thủy sản:

Giá trị sản xuất thủy sản tăng đều qua các năm và chiếm một phần trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngoài khai thác nguồn lợi tự nhiên từ diện tích mặt nước hồ rộng lớn, nuôi trồng thủy sản nước ngọt của huyện cũng được chú trọng. Năm 2016 toàn huyện có 826 ha nuôi trồng thủy sản, sản lượng 3.680 tấn với 1.556 hộ nuôi. Về phát triển làng cá bè tập trung ở thị trấn Vĩnh An, Mã Đà, Phú Lý, Trị An. Số lượng bè nuôi cá tăng từ 158 bè năm 2011 lên 190 bè năm 2015. Tốc độ tăng bình quân 5 năm 2011- 2015 đạt 12,04%, sản lượng thủy sản khai thác đạt 203 tấn năm 2016.

Nhìn chung, ngành sản xuất nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần diện tích gieo trồng cây hàng năm và tăng dần diện tích cây lâu năm đặc biệt là các loại cây có giá trị kinh tế cao. Đồng thời trên địa bàn huyện cũng đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất như: bưởi Tân Triều, mía Bình lợi, bắp và bông vải Vĩnh Tân[27].

3.1.3.Thực trạng phát triển văn hóa- xã hội

3.1.3.1. Dân số, lao động và việc làm

Dân số trung bình năm 2016 của huyện vào khoảng 146.360 người với 39.088 hộ, trong đó tỷ lệ hộ dân thành thị chiếm 17,24% và nông thôn chiếm 82,76%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2016 là 1.05% giảm 0,13 % so với năm 2011. Tỷ lệ phát triển dân số năm 2016 là 2.11%.

Về lao động: năm 2016 số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện khoảng 93.416 người; số lao động đang trong độ tuổi làm việc trên địa bàn huyện là 64.190 người. Trong đó, lao động làm việc trong ngành công nghiệ - xây dựng là 37.096 người chiếm 57,79% cơ cấu lao động, ngành dịch vụ có 8.581 lao động chiếm 13,37%, nông lâm thủy sản có 18.513 lao động chiếm 28,84% cơ cấu lao động.

3.1.3.2. Y tế

Hoạt động y tế, bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho người dân có nhiều chuyển biến tích cực, tổng số cơ sở y tế hiện có là 16 cơ sở gồm: 01 bệnh viện đa khoa đã đầu tư xây dựng mới quy mô 200 giường bệnh, 01 phòng khám đa khoa Phú Lý với 20 giường bệnh và 01 trung tâm y tế, 01 trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình và 12 trạm y tế xã, thị trấn trong đó có 08 trạm y tế đạt tiêu chuẩn của Bộ y tế giai đoạn 2011- 2020.

3.1.3.3. Giáo dục - đào tạo

Sự nghiệp giáo dục được chú trọng và đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc, chất lượng giáo dục được duy trì và từng bước được nâng lên, hiện ở mức khá trong tỉnh và mức cao trong mặt bằng cấp huyện ở Nam Bộ. Số lượng học sinh đến lớp ngày một đông, cơ sở vật chất kỹ thuật từng bước được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp. Công tác đào tạo đội ngũ giáo viên được chú trọng, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Cụ thể:

- Chương trình kiên cố hóa trường lớp được thực hiện tốt, trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 tiếp tục được đầu tư xây dựng, đến nay đã đầu tư xây dựng mới thêm 10 trường , nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 19/43 trường , đạt 44,18%.

- Chất lượng dạy và học có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng được nâng lên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hàng năm đạt khá: bậc THCS là 99,4%, tăng 7,3% so với năm 2011; bậc THPT là 99,5% tăng 1,1% so với năm 2011.

- Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên được chuẩn hoá hàng năm theo tiêu chuẩn của Bộ, tỷ lệ chuẩn hóa đạt 100%; tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt 69% tăng 17% so với năm 2011; tỷ lệ cán bộ quản lý giáo dục trên chuẩn đạt 95,2% tăng 11% so với năm 2011. Số lượng giáo viên năm 2011 là 1.404 giáo viên đến năm 2015 là 1.543 giáo viên. Tuy nhiên, số lượng giáo viên vẫn còn thiếu so với yêu cầu dạy học ngày nay nhất là với các môn học mới.

3.1.3.4. Văn hóa- xã hội, thể dục - thể thao

- Hoạt động văn hóa - văn nghệ ở địa phương được tổ chức chu đáo với nhiều loại hình phong phú, đa dạng. Đài truyền thanh huyện được đầu tư xây dựng mới và các trang thiết bị hiện đại với số vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng.

- Các cơ sở văn hóa của huyện đã được đầu tư nhưng chưa hoàn thiện. Năm 2016 có 9/12 xã có bưu điện văn hóa, 7/12 xã, thị trấn có Trung tâm văn hóa thể thao huyện, các trung tâm văn hóa thể thao học tập công đồng (Phú Lý, Tân An, Tân Bình, Thiện Tân, Bình Lợi, Hiếu Liêm, Bình Hòa). Ngoài ra còn có khu vui chơi thiếu nhi tại Thạnh Phú cũng góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Đài truyền thanh huyện cũng được đầu tư xây dựng mới và các trang thiết bị hiện đại với số vốn đầu tư hơn 5 tỷ đồng.

- Đến nay, huyện có 11 xã đạt 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 2016 và định hướng đến năm 2020 của huyện vĩnh cửu tỉnh đồng nai (Trang 41 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)