3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
3.1.1. Điều kiện tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lý
Trà Bồng là huyện miền núi cách trung tâm của tỉnh (thành phố Quảng Ngãi) khoảng 50 km về phía Tây Bắc. Có tọa độ địa lý từ 15006' đến 15021' vĩ độ Bắc và từ 108021' đến 108038' kinh độ Đông.
Hình 3.1. Sơ đồ vị trí huyện Trà Bồng trong bản đồ hành chính tỉnh Quảng Ngãi
(thu nhỏ từ bản đồ hành chính tỉnh Quảng Ngãi, tỷ lệ 1/50.000)
Vị trí tiếp giáp của huyện với các đơn vị hành chính như sau:
- Phía Bắc giáp: Huyện Bắc Trà My và huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam; - Phía Đông giáp: Huyện Bình Sơn và huyện Sơn Tịnh;
- Phía Nam giáp: Huyện Sơn Hà và huyện Sơn Tịnh; - Phía Tây giáp: Huyện Tây Trà.
Huyện Trà Bồng hiện có 10 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm: Thị trấn Trà Xuân và 09 xã: Trà Bình, Trà Phú, Trà Sơn, Trà Giang, Trà Thủy, Trà Hiệp, Trà Lâm, Trà Bùi và Trà Tân. Diện tích đất tự nhiên của huyện là 42.149,91 ha, chiếm 8,8% diện tích đất tự nhiên của tỉnh Quảng Ngãi, dân số năm 2015 là 32.587 người, mật độ dân số 77 người/km2 [6].
Hình 3.2. Sơ đồ địa bàn nghiên cứu
(thu nhỏ từ bản đồ Quy hoạch sử dụng đất huyện Trà Bồng, tỷ lệ 1/25.000) 3.1.1.2. Địa hình, địa mạo
Huyện Trà Bồng có địa hình khá hiểm trở và phức tạp, phân tầng độ cao lớn, mức độ chia cắt mạnh, nhiều nơi tạo thành vách đứng dễ gây quá trình sạt lở, trượt khối. Hướng dốc chính từ Tây sang Đông, độ cao trung bình từ 800 - 1500m, đồi núi xen kẽ. Mặt khác, sông suối có lưu vực hẹp nên mùa mưa lũ thường xảy ra lũ quét, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Các núi cao trên địa bàn huyện như: Núi Ông (1360m), núi Răng Cưa, Núi Chóp Vung (1100m), Núi Đồng Tranh, Núi Hòn Giót (865m)…
Có thể chia ra làm 2 vùng địa hình chính:
- Vùng thấp gồm các xã: Trà Phú, Trà Bình và thị trấn Trà Xuân có địa hình tương đối bằng phẳng với độ dốc bình quân 0 - 80. Đây là vùng kinh tế chủ yếu của huyện.
- Vùng đồi núi cao: Gồm các xã còn lại, độ cao trung bình so với mặt nước biển khoảng 600 - 700 m. Địa hình này khá hiểm trở và phức tạp, bị chia cắt bởi các sông suối và các dãy núi cao tạo nên các cánh đồng nhỏ hẹp, bậc thang khó canh tác. Vùng này thường bị khô hạn vào mùa khô, cây trồng chủ yếu là cây lâm nghiệp (bạch đàn, keo các loại), cây công nghiệp (điều, quế, tiêu), cây ăn quả (dứa, chuối, dừa)...
3.1.1.3. Khí hậu, thời tiết và thủy văn * Khí hậu, thời tiết:
Mang đặc thù của khí hậu nhiệt đới gió mùa Duyên hải Nam Trung Bộ với yếu tố địa hình sườn Đông Trường Sơn chi phối, đặc điểm khí hậu của huyện được thể hiện rõ theo 2 mùa: Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 9 và mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau.
- Nhiệt độ: Giờ nắng trung bình cả năm là 2.343 giờ (từ tháng 4 - 7 trung bình 250 - 270 giờ/tháng và tháng 10 đến tháng 2 năm sau từ 120 - 180 giờ/tháng) cho thấy Trà Bồng có nền nhiệt độ tương đối cao: Nhiệt độ bình quân hàng năm: 23,5 oC; Nhiệt độ tối cao: 35 - 38 oC; Nhiệt độ tối thấp: 15 oC
- Lượng mưa: Huyện Trà Bồng có lượng mưa bình quân trong năm lớn nhất tỉnh. Tổng lượng mưa bình quân năm tương đối lớn (3.000 mm), nhưng phân bố không đều theo các tháng trong năm; tập trung nhiều ở các tháng 9, 10, 11 với lượng mưa bình quân 400 - 500 mm/tháng, giai đoạn này chiếm tới 70 - 75% lượng mưa cả năm. Các tháng 2, 3 và 4 có lượng mưa thấp nhất, trung bình khoảng từ 60 - 70 mm/tháng.
* Thủy văn
Chế độ thuỷ văn của huyện chịu ảnh hưởng chính của Sông Trà Bồng, Sông Giang, Sông Trà Ích, Sông Nước Riềng, Sông Nước Biếc và hệ thống suối dày đặc như: Suối Viền, Suối Sa Thia, Suối Trà Cô… Sông Trà Bồng là một trong những con sông lớn trong tỉnh, phát nguyên từ núi Răng Cưa chảy theo hướng Tây - Đông, qua huyện Bình Sơn đổ ra cửa Sa Cần. Lưu vực của sông khoảng 91 km2 nhưng dòng chảy ngắn, cạn và độ dốc cao với lưu lượng dòng chảy bình quân năm là 12,6 m3/s; lưu lượng mùa lũ > 3.000 m3/s, mùa cạn 3,2 m3/s. Sự hình thành lũ và số lượng các cơn lũ trên sông được quyết định bởi thời gian và cường độ mưa ở tâm mưa Trà Bồng. Mặt khác với địa hình cao, độ dốc lớn, sông suối, ghềnh, thác chằng chịt là nguồn cung cấp nước cho phục vụ sản xuất và sinh hoạt đồng thời tạo cho huyện Trà Bồng có nhiều tiềm năng phát triển thủy điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trong những năm gần đây tỉnh Quảng Ngãi nói chung và huyện Trà Bồng nói riêng đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như thiên tai, bão lụt, hạn hán đã diễn ra với cường độ mạnh dần theo thời gian, đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến tài nguyên đất và môi trường sinh thái.
3.1.1.4. Các nguồn tài nguyên a. Tài nguyên đất
Tổng diện tích tự nhiên của huyện là 42.149,91 ha. Được chia thành 02 nhóm chính: Nhóm đất phù sa và đất xám.
* Nhóm đất phù sa:
Diện tích khoảng 2.108 ha, chiếm khoảng 5% diện tích tự nhiên toàn huyện, phân bổ chủ yếu ở Trà Phú, Trà Bình và thị trấn Trà Xuân. Nhóm đất này được hình thành do quá trình bào mòn, rửa trôi trên thượng nguồn và nhờ dòng chảy cuốn trôi, lắng tụ ở phần hạ lưu của các con sông. Thành phần cơ giới của đất đa số là nhẹ, độ dày tầng đất >100cm, dung tích hấp thụ thấp, đất thường chua.
* Nhóm đất xám:
Diện tích khoảng 40.041 ha, chiếm khoảng 94,97% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, tập trung chủ yếu ở: Trà Tân, Trà Bùi, Trà Hiệp, Trà Lâm, Trà Giang, Trà Thủy và Trà Sơn. Nhóm đất này hình thành trên sản phẩm bồi tụ phù sa cổ, sản phẩm bồi đắp cho các đồng bằng, thung lũng và sản phẩm bồi tụ vùng đá macma acid. Phân bố thành những vùng tập trung, quy mô diện tích lớn.
Huyện Trà Bồng khá đa dạng về loại đất, phân bố trên nhiều địa hình khác nhau tạo ra nhiều vùng sinh thái, thích hợp với các loại cây trồng, đặc biệt là cây lâm nghiệp ở vùng đồi núi. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, sử dụng trong nhiều năm trước còn chưa hợp lý, do tập quán canh tác, do ý thức, ... nên đã làm cho nhiều nơi bị xói mòn, rửa trôi và suy thoái chất lượng đất.
b. Tài nguyên nước
Nước là nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước, mặt khác nước có thể gây tai họa cho con người và môi trường. Là huyện nằm ở đầu nguồn và nằm trong lưu vực sông Trà Bồng, có hệ thống sông suối tương đối đa dạng nên tài nguyên nước khá phong phú.
Nguồn nước mặt tương đối phong phú, đáp ứng được khả năng tưới tiêu cho phần lớn diện tích canh tác, là yếu tố chính quyết định bảo đảm sự tăng trưởng của nền nông nghiệp trong huyện hiện nay và tương lai. Nguồn nước mặt của huyện chủ yếu được cung cấp bởi nguồn nước mưa, hệ thống sông, suối (sông Trà Bồng, sông Tang, sông Giang, suối Cha Năng, suối Trà Cổ, suối Xã Điệu...), hệ thống hồ chứa (có 10 hồ chứa) và đập dâng (có 73 đập các loại) cùng nhiều ao hồ nhỏ khác trong khu dân cư. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, dòng sông ngắn, độ dốc cao nên việc khai thác lượng nước mặt cho sản xuất và sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Phân bố nước lại không đều giữa các mùa trong năm cũng gây trở ngại không ít trong việc sử dụng nguồn nước. Vào mùa cạn thường hạn hán, ngược lại vào mùa mưa tốc độ dòng chảy
lớn thường có lũ lụt, cả lũ quét, gây sạt lở, thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống của nhân dân trong huyện.
c. Tài nguyên rừng
Huyện Trà Bồng hiện có tổng diện tích đất có rừng là 34.948,96 ha; đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp là 2.954,05 ha (Nguồn: Kết quả theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp của Hạt Kiểm lâm huyện Trà Bồng, 2016) đã và đang được tổ chức khai thác tốt. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng bậc nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế huyện trong thời kỳ tới. Tuy nhiên, cần phải có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ, tránh làm cho rừng xuống cấp, nghèo hóa rừng do những tập tục canh tác lạc hậu như phát rừng làm rẫy, khai thác bừa bãi, đồng thời phải có biện pháp nhằm ngày càng làm giàu rừng và tăng quỹ đất rừng.
Diện tích rừng chiếm 82,92% tổng diện tích tự nhiên và là thế mạnh trong quá trình phát triển kinh tế của huyện Trà Bồng.
Rừng tự nhiên của huyện chỉ còn lại trên các dãy núi cao và ranh giới giữa Trà Bồng với tỉnh Quảng Nam, chủ yếu là rừng phòng hộ đầu nguồn với thành phần loài cây tán rộng, tre, nứa...Trong diện tích đất lâm nghiệp, đất có rừng tự nhiên phòng hộ chiếm diện tích tương đối, đất rừng phòng hộ chiếm tỷ lệ thấp.
Rừng trồng với các loại cây trồng như quế, bạch đàn, keo... Tuy nhiên quá trình trồng rừng còn chưa phục vụ nhiều cho công nghiệp chế biến. Huyện Trà Bồng không có rừng đặc dụng.
Trên địa bàn của huyện chỉ còn một số loài thú như (lợn rừng, nhím, mang, chồn,...), các loài chim (gõ kiến, cú mèo, nhồng, sáo, trĩ...) cùng nhiều loài lưỡng cư và bò sát (trăn, rắn, kỳ đà, nhông...); đặc sản rừng có quế, song mây, sa nhân, mật ong... tuy nhiên số lượng của các loài động, thực vật này còn không nhiều.