3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
1.1.5. Vai trò của quy hoạch sử dụng đất
Theo quy định của Luật Đất đai, Nhà nước quản lý đất đai theo quy hoạch và pháp luật.
“Quy hoạch sử dụng đất luôn giữ vị trí và vai trò quan trọng trọng sự phát triển của nền kinh tế quốc dân” [5, tr 26]. Quy hoạch sử dụng đất là biện pháp để thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước, tỉnh, huyện... trên cơ sở tuân thủ chính sách pháp luật về đất đai và các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Dựa vào điều kiện tự nhiên, phương hướng nhiệm vụ và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của mỗi vùng, lãnh thổ, quy hoạch sử dụng đất được thực hiện nhằm phân bổ lại quỹ đất đai đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu phát triển ngắn hạn, dài hạn của các cấp, các ngành; đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho từng ngành, từng chủ sử dụng đất.
Quy hoạch sử dụng đất góp phần quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên đất đai; làm cơ sở pháp lý để thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Quy hoạch sử dụng đất được tiến hành nhằm định hướng cho quy hoạch sử dụng đất cho chuyên ngành: xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp, quy hoạch đô thị, quy hoạch trung tâm xã, quy hoạch dân cư, lập các dự án đầu tư xây dựng, các dự án đầu tư phát triển cây trồng, vật nuôi,... Làm cơ sở để giao đất và đầu tư để phát triển sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ các nhu cầu dân sinh, văn hóa xã hội.
Quy hoạch sử dụng đất tạo sự phối hợp đồng bộ giữa các Sở, ngành của tỉnh và huyện, xã trong quá trình quản lý, sử dụng đất phù hợp với quy hoạch đề ra; đáp ứng nhu cầu sử dụng đất hiện tại và tương lai của các ngành trên địa bàn có hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất.
Quy hoạch sử dụng đất góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuẩn bị cơ sở hạ tầng, thu hút vốn đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị mới, hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Ổn định và phát triển các khu dân cư nông thôn, đô thị; nâng cao đời sống văn hóa, xã hội; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ môi trường sinh thái.
Quy hoạch sử dụng đất còn là biện pháp hữu hiệu của Nhà nước nhằm tổ chức lại việc sử dụng đất đai theo đúng mục đích, hạn chế sự chồng chéo gây lãng phí quỹ đất, tránh tình trạng chuyển mục đích tùy tiện, làm giảm sút nghiêm trọng quỹ đất nông – lâm nghiệp. Ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, tranh chấp, lấn chiếm hủy hoại đất, phá vỡ cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm môi trường dẫn đến những tổn thất hoặc kìm hãm sản xuất như sự phát triển kinh tế - xã hội và các hậu quả khó lường về bất ổn chính trị, an ninh quốc phòng ở từng địa phương, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển dần sang nền kinh tế thị trường