Nghiên cứu của chúng tôi được thực hiện tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu, là quận trung tâm của thành phố Đà Nẵng, người bệnh đến khám chủ yếu là từ 2 quận Hải Châu và Thanh Khê ngoài ra cũng có nhiều người đến khám từ các quận khác của thành phố, người bệnh có trình độ học vấn tương đối cao tuy nhiên kiến thức liên quan đến chế độ điều trị THA chưa cao, tỷ lệ đạt chỉ có 55,8%.
Trong nhóm nghiên cứu có 81,2% người bệnh biết rằng điều trị THA cần phải một cách liên tục, lâu dài. Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu sau: nghiên cứu của Đào Thị Lan và Đặng Văn Chính năm 2014 có 86% người bệnh xác định cần phải điều trị lâu dài [13]; tỷ lệ này trong nghiên cứu của Vũ Phong Túc và Lê Chính Chuyên năm 2012 là 77,6% [27]; tỷ lệ người bệnh cho rằng cần điều trị THA lâu dài trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn của tác giả Huỳnh Thị Tiền năm 2007 với chỉ 64,8% [24]. Sự khác biệt này có lẽ ở địa điểm và thời điểm nghiên cứu, chúng tôi thực hiện nghiên cứu tại trung tâm một thành phố lớn và thời điểm này đã có nhiều kênh thông tin cho người bệnh biết về bệnh và chế độ điều trị THA. Huyết áp mục tiêu cần đạt được trong quá trình điều trị là HA < 140/90 mmHg và HA < 130/80 mmHg nếu có biến chứng hoặc tiểu đường đi kèm, có 61,7% người bệnh biết đến chỉ số HA mục tiêu trong quá trình điều trị. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với NC của Hoàng Cao Sạ với 66,8% [20], nhưng tỷ lệ này vẫn là thấp vì vẫn còn đến 38,3% người bệnh không nắm rõ chỉ số HA mục tiêu. Điều này có thể do người bệnh không được NVYT hướng dẫn hoặc người bệnh không xem trọng chỉ số HA mục tiêu vì bản thân thấy bình thường không có biểu hiện của bệnh THA. Khi người bệnh không nắm bắt được chỉ số HA cần đạt được thì họ không biết được hiệu quả điều trị thế nào, có tốt hay không để có hướng điều trị tiếp theo. Vì vậy cần hướng dẫn cụ thể để người bệnh nắm được
chỉ số HA cần đạt được và duy trì trong quá trình điều trị cũng là để tăng hiệu quả điều trị.
Có 77,1% người bệnh nắm được tuân thủ điều trị THA là cần phối hợp uống thuốc với thực hiện lối sống tích cực, theo dõi và khám sức khỏe định kỳ. Kết quả của chúng tôi cao hơn nghiên cứu của Ninh Văn Đông 2010 với 37,5% [7], điều này có thể do thời điểm nghiên cứu của chúng tôi sau 6 năm, kiến thức về bệnh và chế độ điều trị THA đã được phổ biến rộng rãi hơn, mặt khác nghiên cứu của chúng tôi thực hiện tại bệnh viện nên người bệnh đã được bác sĩ hướng dẫn về chế độ điều trị. Trong nghiên cứu vẫn còn 22,1% người bệnh cho rằng điều trị bệnh THA thì chỉ cần uống thuốc, điều này cho thấy vẫn còn nhiều người dân có nhận thức sai lầm khi cho rằng chữa bệnh thì chỉ cần uống thuốc.
Trong nhóm nghiên cứu chỉ có 32,1% người bệnh cho rằng cần phải đo HA thường xuyên, hàng ngày, 67,9% cho rằng nên đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi uống hết thuốc. Kết quả của chúng tôi thấp hơn nghiên cứu của Ninh Văn Đông 2010 khi tỷ lệ nhận thức về đo HA thường xuyên và khám định kỳ tương ứng là 48,5% và 92,5% [7], điều này có thể do trong nghiên cứu của Ninh Văn Đông đối tượng là người cao tuổi nên họ quan tâm đến sức khỏe của mình hơn. Hiểu biết về theo dõi HA và khám định kỳ là rất quan trọng giúp người bệnh chủ động biết được sức khỏe, chỉ số HA của mình để thực hiện chế độ điều trị thích hợp nhất.
Trong nghiên cứu của chúng tôi phần lớn người bệnh nhận thức đúng về việc thay đổi chế độ ăn uống trong quá trình điều trị THA, có 89,6% người bệnh cho rằng nên hạn chế rượu bia, 77,5% biết nên ăn nhạt và ăn nhiều rau quả tươi. Kết quả của chúng tôi tương tự với nghiên cứu của Trần Ngọc Quang năm 2013 với 85,5% và 79,1% người bệnh biết rằng nên hạn chế ăn mặn và uống bia rượu vừa phải [19]; trong nghiên cứu của Ninh Văn Đông tại Hà Nội năm 2010 cũng có 89% và 86% NB cho rằng nên có chế độ ăn nhiều rau và hạn chế bia rượu [7]; kiến thức về hạn chế ăn mặn trong nghiên cứu của Nguyễn Văn Út 2007 là 69,7% [28]. Điều này cho thấy người bệnh nhận thức được việc có chế độ ăn uống phù hợp là tốt cho quá trình điều trị THA nói riêng cũng như bảo vệ sức khỏe nói chung.
Có 83,8% cho rằng không nên hút thuốc lá, tỷ lệ này tương đương với nghiên cứu của Trần Ngọc Quang với 81,7% biết không nên hút thuốc lá [19]. Sự nhận thức cao của người bệnh, do ngày nay trên các phương tiện truyền thông nói rất nhiều về tác hại của thuốc lá như gây bệnh ung thư phổi, bệnh tim mạch…và việc không hút thuốc là tốt cho sức khỏe của bản thân.
Có 72,9% người bệnh cho rằng nên tập luyện thể dục thường xuyên, hàng ngày. Tỷ lệ này tương tự với nghiên cứu của Trần Ngọc Quang [19], nhưng thấp hơn trong nghiên cứu của Ninh Văn Đông (85%) [7], điều này có thể do nghiên cứu của chúng tôi có 36,6% ĐTNC đang trong độ tuổi lao động, thời gian bận rộn và áp lực công việc nên chưa quan tâm đến vấn đề tập thể dục. Tuy vậy nhìn chung người bệnh hiểu được việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên là tốt để nâng cao sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật nói chung.
Có 70,4% người bệnh nắm được là cần uống thuốc đúng, đủ và lâu dài, ngay cả khi HA bình thường, tỷ lệ này cao hơn nghiên cứu của Ninh Văn Đông (48%) [7], điều này có thể do nghiên cứu của chúng tôi là thực hiện tại bệnh viện nên người bệnh được bác sĩ căn dặn việc uống thuốc điểu trị THA, hơn nữa hiện nay sau thời gian dài của chương trình quốc gia phòng chống THA thì người bệnh THA nắm được thông tin về bệnh và chế độ điều trị THA trong đó có kiến thức về việc uống thuốc. Việc uống thuốc một cách thường xuyên, liên tục và lâu dài theo hướng dẫn của bác sĩ là một vấn đề rất quan trọng trong điều trị THA. Tuy vậy vẫn còn 11,7% người bệnh cho rằng chỉ cần uống thuốc từng đợt khi có THA hay thỉnh thoảng có thể bỏ một vài hôm không uống, điều này có thể do người bệnh thấy người bình thường khi không uống thuốc hoặc họ chưa được tư vấn đầy đủ, kỹ càng về vấn đề này.
Sau khi tổng hợp các kiến thức về biện biện pháp điều trị, chỉ số HA mục tiêu, theo dõi và đi khám bệnh, điều chỉnh lối sống và uống thuốc điều trị, trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ người bệnh đạt về kiến thức tuân thủ điều trị là 55,8%, không đạt là 44,2%. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Thị Hải Yến khi có 57,3% người bệnh đạt kiến thức về bệnh và chế độ điều trị [32]. Tỷ
lệ của chúng tôi cao hơn nghiên cứu của Ninh Văn Đông với chỉ 46,5% đạt về kiến thức điều trị THA [7], điều này có thể do nghiên cứu này được thực hiện trước chúng tôi và trên đối tượng người cao tuổi nên hạn chế về kiến thức, chưa được hướng dẫn, tư vấn kỹ càng. Người bệnh cần có kiến thức về chế độ điều trị THA để nắm bắt được quá trình điều trị từ đó đưa ra các quyết định liên quan đến việc thực hiện chế độ điều trị cho phù hợp từ đó kiểm soát tốt HA và nâng cao sức khỏe cho bản thân.