Các yếu tố ảnh hưởng đến tuân thủ điều trị khi phân tích đơn biến

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tthực trạng tuân thủ điều trị và các yếu tố ảnh hưởng ở người bệnh tăng huyết áp điều trị ngoại trú tại trung tâm y tế quận hải châu thành phố đà nẵng năm 2016 (Trang 72)

Kết quả nghiên cứu cho thấy có một số yếu tố ảnh hưởng đến tuân thủ điều trị của người bệnh tăng huyết áp

4.3.1.1. Giới tính

Có mối liên quan giữa giới tính với tuân thủ điều trị THA. Trong nhóm nghiên cứu, nữ tuân thủ điều trị trị tốt hơn nam với tỷ lệ lần lượt là 59,5% và 34,9%. Kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Thị Minh Hằng [8] khi tỷ lệ nữ và nam TTĐT đạt lần lượt là 27,08% và 16,96% (p= 0,037). Điều này cũng dễ hiểu vì chúng ta thấy rằng những đối tượng còn uống rượu, hút thuốc chủ

yếu là nam (biểu đồ 3.7), mặt khác tỷ lệ đạt về kiến thức điều trị THA của nữ cũng

cao hơn ở nam với tỷ lệ lần lượt là 63,4% và 55,8% , có thể so với nam giới thì phụ nữ có ý thức về bệnh THA nhiều hơn, quan tâm tới vấn đề sức khỏe nhiều hơn nam giới. Do vậy CBYT cần tăng cường tuyên truyền về áp dụng lối sống lành mạnh đặc biệt lưu ý với người bệnh nam là đối tượng thường chủ quan về bệnh tật sức khỏe của mình và có những thói quen không tốt như uống rượu bia, hút thuốc.

4.3.1.2. Tuổi

Có mối liên quan giữa nhóm tuổi với tuân thủ điều trị THA. Người bệnh từ 60 tuổi trở lên có xu hướng đạt về tuân thủ điều trị THA cao hơn 2,44 lần so với người bệnh dưới 60 tuổi (p = 0,001). Điều này có thể do ở độ tuổi từ 60 tuổi trở lên, theo quy định của nhà nước là độ tuổi được nghĩ hưu, mọi công việc đã ổn định, áp lực công việc giảm hơn, họ có nhiều thời gian hơn và cũng quan tâm đến sức khỏe của mình hơn nên việc tuân thủ điều trị sẽ tốt hơn ở những người bệnh trẻ tuổi.

4.3.1.3. Trình độ học vấn

Có mối liên quan giữa trình độ học vấn và tuân thủ điều trị. Người bệnh có trình độ học vấn từ cấp THPT trở lên có xu hướng đạt về tuân thủ điều trị THA cao hơn 6,74 lần so với người có trình độ học vấn dưới cấp THPT (p < 0,001). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng phù hợp với nghiên cứu của Ninh Văn Đông 2010 [7], Huỳnh Thị Tiền [24], Đào Thị Lan [13] và Nguyễn Văn Nành [17] những người có trình độ học vấn từ THPT trở lên cũng có tỷ lệ TTĐT cao hơn so với những người có trình độ học vấn ở các cấp thấp hơn với p < 0,001. Điều này cũng dễ hiểu vì những người bệnh có trình độ học vấn cao hơn sẽ có những nhận thức tốt hơn về tuân thủ điều trị (trong nghiên cứu người bệnh có học vấn từ cấp THPT trở lên và

dưới THPT có tỷ lệ đạt kiến thức tuân thủ điều trị lần lượt là 78,9% và 31,6%, biểu

đồ 3.2), từ nhận thức tốt hơn thì họ sẽ tuân thủ điều trị tốt hơn. 4.3.1.4. Tình trạng công việc

Có mối liên quan giữa tình trạng công việc và tuân thủ điều trị. Đối tượng nghiên cứu đã nghĩ hưu, nội trợ hay ở nhà (hiện không đi làm để kiếm thêm thu nhập) có xu hướng đạt về tuân thủ điều trị THA đạt gấp 4,5 lần những người đang đi làm (công nhân, nông dân, cán bộ viên chức, buôn bán dịch vụ), sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p < 0,001). Điều này có thể do những người đang đi làm (kiếm thu nhập chính) thì họ bận công việc cũng như thường phải đi giao lưu do mối quan hệ công việc nên họ khó có thể thực hiện các nguyên tắc của chế độ ăn uống, sinh hoạt (nhất là uống bia rượu, hút thuốc lá), hay do bận công việc nên họ có thể quên uống thuốc, ít đo kiểm tra HA và không đi khám bệnh theo lịch hẹn; còn những người đã nghĩ hưu, nội trợ, hay ở nhà với con cháu thì họ có thời gian quan tâm, chăm lo hơn cho sức khỏe của mình.

4.3.1.5. Mức độ tăng huyết áp

Có mối liên quan giữa mức độ THA với tuân thủ điều trị. Trong nghiên cứu của chúng tôi nhận thấy người bệnh bị THA độ 2 và độ 3 (theo phân loại JNC VII là THA giai đoạn 2) có xu hướng đạt về tuân thủ điều trị gấp 2,44 lần người bệnh bị THA độ 1 (theo phân loại JNC VII là THA giai đoạn 1) với p = 0,001. Điều này có

thể do những người bị THA mức độ nặng hơn họ có thể lo sợ bị biến chứng của THA, tình trạng biểu hiện các triệu chứng của THA rõ ràng hơn nên họ quan tâm đến tình trạng bệnh và chế độ điều trị hơn.

4.3.1.6. Biến chứng của bệnh THA

Có mối liên quan giữa có hay không có biến chứng và tuân thủ điều trị THA. Người bệnh đã từng có biến chứng của THA có xu hướng tuân thủ điều trị cao hơn 9,44 lần so với chưa có biến chứng. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,001. Điều này cho thấy rằng, những người đã từng có biến chứng của THA nhận thức được được tầm quan trọng của việc TTĐT, nếu không tuân thủ điều trị tốt sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong nên họ quan tâm đến tình trạng THA của mình hơn nên đã thực hiện tuân thủ tốt hơn nhiều những người bệnh chưa có biến chứng của THA.

4.3.1.7. Bệnh kèm

Có mối liên quan giữa có hay không có bệnh kèm theo trong thời gian mắc bệnh THA và tuân thủ điều trị THA. Người bệnh có thêm bệnh kèm theo trong thời gian mắc bệnh THA có xu hướng tuân thủ điều trị cao hơn 2,44 lần so với người bệnh chưa có bệnh kèm theo. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p = 0,001. Điều này có thể do những người bệnh có bệnh kèm theo thường quan tâm đến vấn đề sức khỏe của họ hơn người bệnh không có bệnh kèm theo.

4.3.1.8. Tác dụng phụ của thuốc

Có mối liên quan giữa có hay không có bị tác dụng phụ khi uống thuốc điều trị THA với tuân thủ điều trị. Người bệnh uống thuốc điều trị không bị tác dụng phụ có xu hướng đạt về TTĐT cao hơn 5,15 lần so với người bệnh có bị tác dụng phụ với p < 0,001. Điều này có thể do ở những người bệnh uống thuốc mà bị tác dụng phụ thì họ sẽ có tâm lý sợ uống thuốc hay tin rằng uống thuốc tây có hại cho sức khỏe dẫn đến họ không thực hiện uống thuốc liên tục, mặt khác trên những người bị tác dụng phụ này cách xử trí đúng là đi khám lại để bác sĩ kiểm tra và có thể điều chỉnh thuốc thì 83,3% xử trí sai (tiếp tục uống thuốc, bỏ không uống thuốc một thời gian, hay tự mua thuốc khác về uống) dẫn đến có sự chênh lệch tuân thủ điều trị với

người bệnh không bị tác dụng phụ khi uống thuốc điều trị THA.

4.3.1.9. Kiến thức về chế độ điều trị tăng huyết áp

Có mối liên quan giữa kiến thức và thực hành tuân thủ điều trị THA. Người bệnh đạt kiến thức về chế độ điều trị THA có tỷ lệ đạt về thực hành tuân thủ điều trị THA cao hơn 12 lần so với người bệnh không đạt kiến thức về chế độ điều trị THA với p < 0,001. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự với nghiên cứu của Ninh Văn Đông 2010 [7], của Trần Thiện Thuần [23]. Điều này chứng tỏ người có kiến thức tốt về chế độ điều trị THA, biết được tầm quan trọng của tuân thủ điều trị thì người bệnh mới quan tâm đến vấn đề tuân thủ điều trị. Để nâng cao kiến thức đúng về bệnh cũng như chế độ điều trị THA thì CBYT cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh về chế độ điều trị, vai trò của tuân thủ điều trị.

Trong nghiên cứu chưa tìm thấy mối liên quan giữa tuân thủ điều trị THA với tình trạng hôn, tiền sử gia đình có người mắc THA, thời gian mắc bệnh THA (p > 0,05)

4.3.2. Mô hình hồi quy logistic dự đoán yếu tố ảnh hưởng đến tuân thủ điều trị

Để loại trừ yếu tố nhiễu, nghiên cứu sử dụng kiểm định hồi quy logistic. Sau khi đã khử nhiễu, chỉ còn các yếu tố giới tính, tuổi, trình độ học vấn, biến chứng của THA, tác dụng phụ khi sử dụng thuốc và kiến thức về tuân thủ điều trị là những biến thật sự có liên quan với tuân thủ điều trị của ĐTNC.

Người bệnh nữ có tỷ lệ tuân thủ điều trị cao gấp 8,8 lần so với người bệnh nam (OR = 8,8, CI 95%: 3,015 – 25,813)

Người bệnh từ 60 tuổi trở lên có tỷ lệ tuân thủ điều trị cao gấp 3,5 lần so với người bệnh dưới 60 tuổi (OR = 3,5, CI 95%: 1,187 – 10,269)

Người bệnh có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên có tỷ lệ tuân thủ điều trị cao gấp 22,5 lần so với người bệnh có trình độ học vấn dưới trung học phổ thông (OR = 22,5, CI 95%: 1,187 – 10,269)

Người bệnh đã bị biến chứng của THA có tỷ lệ tuân thủ điều trị cao gấp 26,7 lần so với người chưa từng bị biến chứng (OR = 26,7, CI 95%: 3,387 – 211,551)

Những người bệnh không bị tác dụng phi khi sử dụng thuốc điều trị THA có tỷ lệ tuân thủ điều trị cao gấp 5,9 lần so với người có bị tác dụng phụ khi uống

thuốc điều trị THA (OR = 5,9, CI 95%: 2,257 – 15,758)

Những người bệnh đạt kiến thức về tuân thủ điều trị có tỷ lệ tuân thủ điều trị cao gấp 3,42 lần so với người bệnh không đạt kiến thức về tuân thủ điều trị (OR = 3,419, CI 95%: 1,459 – 8,008)

Như vậy, trong số những yếu tố được xét trong mô hình hồi quy logistic, đã xuất hiện yếu tố nhiễu làm ảnh hưởng đến mối liên quan giữa tình trạng công việc, mức độ THA và có hay không có bệnh kèm theo trong thời gian mắc bệnh THA không còn mối liên quan với với thực hành tuân thủ điều tri của người bệnh.

Qua phân tích các yếu tố ảnh hưởng, chúng ta thấy rằng các yếu tố nhân khẩu học (giới, tuổi, trình độ học vấn), lịch sử bệnh THA (biến chứng của bệnh THA), phác đồ điều trị (tác dụng phụ của thuốc), kiến thức về tuân thủ điều trị của người bệnh là những yếu tố ảnh hưởng đến tuân thủ điều trị THA. Trong đó các yếu tố giới nữ, từ 60 tuổi trở lên, trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên, đã bị biến chứng của THA, không bị tác dụng phi khi sử dụng thuốc điều trị THA và kiến thức về tuân thủ điều trị tốt là những yếu tố có tác động tích cực đến tuân thủ điều trị, nên trên những người bệnh này tỷ lệ tuân thủ điều trị cao hơn. Ngược lại các yếu tố nam giới, dưới 60 tuổi, trình độ học vấn dưới trung học phổ thông, chưa từng bị biến chứng của THA, có bị tác dụng phụ khi uống thuốc điều trị THA và kiến thức về tuân thủ điều trị chưa tốt là những yếu tố có tác động tiêu cực đến tuân thủ điều trị, nên trên những người bệnh này tỷ lệ tuân thủ điều trị thấp hơn.

Từ việc xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến tuân thủ điều trị mà chúng tôi có thể đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao tỷ lệ người bệnh THA tuân thủ điều trị, từ đó giúp nâng cao hiệu quả điều trị và kiểm soát được HA cho người bệnh. 4.4. Những ưu điểm và hạn chế của đề tài

4.4.1. Những ưu điểm

Nghiên cứu của chúng tôi thực hiện tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng là nơi có một bệnh viện đa khoa lớn với người bệnh đến khám và điều trị đông, không chỉ có người bệnh trong quận mà cả trong thành phố đến khám và điều trị do vậy thuận tiện cho việc lấy mẫu với nhiều đối tượng khác nhau.

Với số lượng mẫu đưa vào nghiên cứu đáp ứng cỡ mẫu và mục tiêu nghiên cứu đề ra.

Khảo sát dựa vào bảng câu hỏi đơn giản, gọn và rõ ràng nên thông tin chính xác và độ tin cậy cao. Công tác giám sát được thực hiện chặt chẽ giúp số liệu nghiên cứu được chính xác, đạt yêu cầu. Các biện pháp xử lý phân tích tuân thủ các phương pháp thống kê mô tả và phân tích cho kết quả chính xác và có tính giá trị cao.

Đây là một nghiên cứu về tuân thủ điều trị THA ở Đà Nẵng đánh giá tuân thủ điều trị cả biện pháp sử dụng thuốc và các biện pháp ngoài thuốc so với một số nghiên cứu trước đây chỉ đánh giá sự tuân thủ dùng thuốc.

4.4.2. Hạn chế và hướng nghiên cứu tiếp theo

Nghiên cứu của chúng tôi là một nghiên cứu cắt ngang, mô tả nên suy luận nhân quả trong bàn luận còn hạn chế. Mặt khác nghiên cứu về tuân thủ điều trị THA nói chung ở trong nước chưa nhiều mà chủ yếu nghiên cứu về tuân thủ dùng thuốc nên việc so sánh với các nghiên cứu khác, với nhiều địa phương khác còn hạn chế.

Trong nghiên cứu để đánh giá về thực hành tuân thủ điều trị THA chúng tôi chỉ dựa trên trả lời chứ không quan sát trực tiếp thực hành của người bệnh do vậy người bệnh có thể trả lời về việc thực hiện không như hoạt động thực tế, khả năng người bệnh cung cấp những thông tin thiếu chính xác là có thể xảy ra..

Công cụ nghiên cứu là bộ câu hỏi, phụ thuộc nhiều vào kỹ năng phỏng vấn của người hỏi. Người phỏng vấn là CBYT do đó việc trả lời của người bệnh có thể nể nang, sợ mất lòng dẫn đến việc trả lời thiếu chính xác vì vậy có thể sai lệch thông tin.

Nghiên cứu thực hiện tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu, thời gian ngắn nên chưa thực sự đại diện cho tất cả người bệnh THA trên thành phố Đà Nẵng, tuy nhiên cũng đem lại một cái nhìn chung về tình hình điều trị THA tại địa phương.

Nếu có điều kiện chúng tôi sẽ thực hiện nghiên cứu trong một khoảng thời gian dài hơn, với nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố Đà Nẵng khi đó chắc chắn sẽ có giá trị cao hơn nữa trong việc đánh giá sự tuân thủ điều trị của người bệnh, tiến tới thực hiện nghiên cứu biện pháp cải thiện mức độ tuân thủ điều trị và đánh giá mức độ kiểm soát huyết áp trên người bệnh.

KẾT LUẬN 1. Mức độ tuân thủ điều trị tăng huyết áp 1.1. Kiến thức tuân thủ điều trị tăng huyết áp

Tỷ lệ đạt kiến thức về tuân thủ điều trị THA là 55,8% và còn đến 44,2% không đạt kiến thức về tuân thủ điều trị.

1.2. Thực hành tuân thủ điều trị tăng huyết áp

Tỷ lệ người bệnh tuân thủ điều trị THA là 48,3%, tỷ lệ không tuân thủ điều trị THA là 51,7%.

Có 68,3% người bệnh thực hiên uống thuốc liên tục và lâu dài. 2. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự tuân thủ điều trị

Có mối liên quan giữa yếu tố giới tính, tuổi, trình độ học vấn, biến chứng của THA, tác dụng phụ do sử dụng thuốc và kiến thức tuân thủ điều trị với thực hành tuân thủ điều trị, cụ thể như sau:

Người bệnh nữ có tỷ lệ tuân thủ điều trị cao gấp 8,8 lần so với nam giới. Người bệnh từ 60 tuổi trở lên có tỷ lệ tuân thủ điều trị cao gấp 3,5 lần so với người bệnh dưới 60 tuổi.

Người bệnh có trình độ học vấn từ THPT trở lên có tỷ lệ tuân thủ điều trị cao gấp 22,5 lần so với người bệnh có trình độ học vấn dưới THPT.

Người bệnh đã bị biến chứng của THA có tỷ lệ tuân thủ điều trị cao gấp 26,7 lần so với người bệnh chưa từng bị biến chứng.

Người bệnh không bị tác dụng phụ do uống thuốc điều trị có tỷ lệ tuân thủ điều trị cao gấp 5,9 lần so với người bệnh có bị tác dụng phụ khi uống thuốc điều trị THA.

Người bệnh có kiến thức tốt về tuân thủ điều trị có tỷ lệ tuân thủ điều trị cao gấp 3,42 lần so với người bệnh có kiến thức chưa tốt về tuân thủ điều trị.

KHUYẾN NGHỊ

Từ các kết quả nghiên cứu trên, chúng tôi đưa ra một số khuyến nghị: 1. Đối với người bệnh

Người bệnh THA cần chủ động tìm hiểu những kiến thức trong quá trình điều trị, cải thiện về lối sống, nhất là những quan niệm, thói quen khó thay đổi như uống rượu, hút thuốc ở người bệnh nam. Tạo dựng thói quen uống thuốc vào một thời điểm trong ngày. Chú ý đến vấn đề kiểm tra huyết áp thường xuyên.

2. Đối với cán bộ y tế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tthực trạng tuân thủ điều trị và các yếu tố ảnh hưởng ở người bệnh tăng huyết áp điều trị ngoại trú tại trung tâm y tế quận hải châu thành phố đà nẵng năm 2016 (Trang 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)