Thực trạng và chính sách liên quan đến công tác thu hồi đất ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng công tác thu hồi đất khu quy hoạch đô thị mới an vân dương, tỉnh thừa thiên huế (Trang 36 - 38)

1.2.2.1. Từ năm 2003 đến năm 2013

Luật Đất đai năm 2003 là luật có phạm vi điều chỉnh bao quát nhất, thể hiện đầy đủ nhất so với các Luật Đất đai đã ban hành trước đó, đặc biệt với nội dung thu hồi đất phục vụ lợi ích công cộng và đền bù thiệt hại về đất khi Nhà nước thu hồi đất. Tại điều 106 Luật Đất đai năm 2003 quy định rõ hơn về quyền của người sử dụng đất được giao đất bao gồm quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và quyền được đền bù khi Nhà nước thu hồi đất. Các quyền này chỉ được thực hiện trong thời gian được giao đất, sử dụng đất đúng mục đích được giao. Đây chính là căn cứ cho quyền sử dụng đất được đền bù khi Nhà nước thu hồi đất.

Ngoài ra, để cho công tác giải phóng mặt bằng, đền bù và bố trí tái định cư được thuận lợi hơn, tại điều 56 Luật Đất đai 2003 quy định: “Giá đất do Nhà nước quy định để tính thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất và tiền thu đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có quyền sử dụng đất, đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất’’, “Chính phủ quy định khung giá các loại đất cho từng vùng, theo từng thời gian’’.

Với sự ra đời của Luật Đất đai năm 2003 thì các vấn đề về thị trường bất động sản, giá trị của quyền sử dụng đất mới được nhìn nhận tương đối ổn định, cũng như việc bắt đầu phân định rõ việc thu hồi đất cho mục đích công (lý do quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia; ngoài ra có thêm lợi ích công cộng và mục đích phát triển kinh tế) và mục đích kinh doanh thuần túy. Tuy nhiên, do chưa có thể thức về thu hồi đất rõ ràng, rành mạch nên cách thức, thủ tục tiến hành thu hồi đất và họp dân vẫn còn chưa thống nhất tại các tỉnh, thành. Ở một số nơi, chính sách đền bù, giải tỏa được thiết lập tốt và tạo sự nhất trí, đồng tình trong nhân dân. Trái lại, ở nhiều nơi khác, thủ tục địa phương còn phức tạp, phiền hà, việc áp dụng chính sách bồi thường thiệt hại chưa đồng bộ, tình trạng các dự án phải giậm chân tại chỗ vì không giải quyết được vấn đề giải phóng mặt bằng còn phổ biến, quy hoạch treo còn nhiều.

1.2.2.2. Từ khi có luật 2013

Trên cơ sở Luật Đất đai 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực 01/07/2014. Luật xác định rõ và quy định cụ thể những trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Quy định mới này nhằm loại bỏ những trường hợp thu hồi đất ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất, khắc phục có hiệu quả những trường hợp thu hồi đất mà không đưa vào sử dụng, gây lãng phí. Theo điều 26, khoản 3 Luật Đất đai 2013, Khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì người sử dụng đất được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật.

Đối với thẩm quyền thu hồi đất, nếu có quyết định thu hồi đất đối với cả tổ chức và cá nhân thì quyết định thu hồi đất thuộc UBND tỉnh.

Không như Luật Đất đai 2003 chỉ thông báo cho người bị thu hồi đất biết lý do thu hồi, thời gian di chuyển, phương án tổng thể. Luật mới đã quy định cụ thể hóa hơn và có sự tham gia của người dân vào kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm nhằm tránh các trường hợp không đồng ý về phương án đền bù khi thu hồi đất.

Về vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định những trường hợp và các hình thức được bồi thường về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, Luật quy định rõ ràng, tách bạch các trường hợp thu hồi đất được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư với các trường hợp thu hồi đất ở được bồi thường bằng tiền.

Cũng như các vấn đề ở trên, Luật Đất đai sửa đổi lần này kế thừa các quy định trước, nhưng được bổ sung chi tiết hơn. Theo đó, các phương pháp định giá đất, khung giá cũng đã được quy định chi tiết và phù hợp với đặc điểm từng loại đất như đất nông nghiệp, đất ở, đất sản xuất và đất kinh doanh phi nông nghiệp.

1.2.2.3. Tình hình triển khai thực hiện

Ngày 11/07/2014, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đối thoại trực tuyến với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thông qua cổng thông tin điện tử của tỉnh với chủ đề “Cơ chế, chính sách và thực thi pháp luật về đất đai”.

Trên cơ sở Luật Đất đai năm 2013 và năm Nghị định quy định chi tiết các nội dung của Luật, UBND tỉnh đang khẩn trương tổ chức xây dựng các văn phản quy phạm pháp luật triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 phù hợp tình hình, điều kiện thực tế trên địa bàn tỉnh và kiện toàn cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai ở các cấp để bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả và từng bước đáp ứng nhu cầu giao dịch dân sự của người sử dụng đất.

Với hơn 100 câu hỏi liên quan đến chính sách đất đai được quy định trong Luật Đất đai; chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nhà thuộc diện giải tỏa; danh mục dự án hỗ trợ đầu tư; những ưu đãi đầu tư mới sau khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đối với nhà đầu tư; giải pháp cho người bị cấp trùng GCNQSDĐ; những vấn đề liên quan đến cấp GCNQSDĐ đối với đất nông nghiệp; đền bù giải tỏa đất mở rộng Quốc lộ 1A; giải pháp của tỉnh để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống… [10].

Ngoài ra, vào sáng 20/08/2014, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã tiến hành triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013. Tại hội nghị, các đại biểu được truyền đạt những nội dung cơ bản của Luật Đất đai năm 2013 với 5 nhóm vấn đề trọng tâm. Kết luận hội nghị, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Các sở, ngành và địa phương cần tập trung tuyên truyền ý nghĩa và tầm quan trọng của Luật Đất đai năm 2013 đến các tổ chức, công dân trên địa bàn tỉnh. Giao Sở TNMT tập trung rà soát, xây dựng dự thảo các quy định có liên quan trình hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2013. Đề nghị Sở TNMT phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế làm công tác quy hoạch, định giá đất… để thực hiện tốt nhiệm vụ định giá đất theo quy định. Giao Sở TNMT tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành bộ thủ tục hành chính về đất đai, đồng thời hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với những quy định mới. Các cơ quan chức năng cùng địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, giải quyết các khiếu nại, tố cáo. Giao Sở TNMT tổ chức tập huấn những vấn đề có liên quan đến Luật Đất đai năm 2013 để cơ sở nắm chắc và triển khai thực hiện tốt… [13].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá thực trạng công tác thu hồi đất khu quy hoạch đô thị mới an vân dương, tỉnh thừa thiên huế (Trang 36 - 38)