3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ Ý NGHĨA THỰC TIỄN
3.5.2. xuất các kiểu sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao
Đức Phổ có lợi thế rất lớn về sản xuất nông nghiệp đó là có diện tích đất nông nghiệp khá lớn 10.131,37 ha, có truyển thống sản xuất nông nghiệp lâu đời, giao thông, thủy lợi và cơ sở hạ tầng thuận lợi để phát triển nông nghiệp, có vị trí nằm cạnh thành phố Hội An và cách không xa thành phố Đà Nẵng đây là các thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn. Việc thâm canh tăng vụ, tăng hiệu quả sử dụng đất có ý nghĩa quyết định nhằm phát huy thế mạnh của vùng để khai thác tốt nhất tiềm năng các nguồn lực của huyện. Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đức Phổ tạo ra một khối lượng nông sản khá lớn, phá vỡ lối sản xuất tự cung tự cấp nhỏ lẽ trước đây. Hiện nay đã bắt đầu hình thành và từng bước phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
3.5.2.1. Đề xuất hướng sản xuất trong thời gian tới
Vấn đề an ninh lương thực phải được đặt lên hàng đầu do đó phải duy trì và giữ vững diện tích đất chuyên trồng lúa, những diện tích đất trồng lúa năng suất thấp có thể chuyển sang sử dụng để trồng các loại cây trồng khác.
Nhóm các loại cây rau tiến hành thâm canh tăng vụ, sản xuất từ 2 - 3 vụ trong năm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giải quyết việc làm cho những lao động nhàn rỗi. Cần phải liên hệ với các thương lái để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Các loại cây trồng: sắn, khoai lang, lạc, ngô cần được đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm đem lại năng suất cao hơn nữa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Sắn, ngô nên trồng xen với lạc,
nhằm nâng cao chức năng cải tạo đất, hạn chế được sâu bệnh. Diện tích đất trồng khoai lang, sắn một vụ sau khi thu hoạch có thể sử dụng để trồng vừng, các loại cây họ đậu … góp phần cải tạo đất, hạn chế quá trình xói mòn, rửa trôi.
Các loại hình sử dụng đất trên cần được áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất nhằm hạn chế tối đa các tác động xấu đến môi trường, nâng cao năng suất, không những đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trong huyện mà còn cung ứng ra thị trường.
3.5.2.2. Đề xuất các kiểu sử dụng đất hiệu quả cao
a.Vùng đồng bằng
- Vùng đồng bằng có hiệu quả sử dụng đất trồng lúa cao nhất trong ba vùng sinh thái của huyện. Do đó, cần duy trì những diện tích đất trồng lúa có hiệu quả cao. Đối với những diện tích đất trồng lúa trên đất bạc màu hoặc đất cát nội đồng kém hiệu quả nên chuyển sang mô hình nuôi cá nước ngọt hoặc nuôi cá giống, với điều kiện có biện pháp quản lý hiệu quả.
- Duy trì và mở rộng diện tích trồng ngô, lạc vì đây là những loại cây trồng đem lại thu nhập cao cho nông hộ. Nên trồng xen canh lạc và ngô để tăng hiệu quả kinh tế nhưng bên cạnh đó cần có sự đầu tư về phân bón thích hợp.
- Duy trì và mở rộng diện tích trồng rau hiện có để cung cấp cho các thị trường lớn hơn, đồng thời khai thác được nguồn tài nguyên đất đai hiện có của vùng, tránh tình trạng bỏ hoang, lãng phí.
b. Vùng gò đồi
- Duy trì những diện tích đất trồng lúa 2 vụ trên đất phù sa ven sông suối và đất biến đổi do trồng lúa (ở những chân đất thấp). Tận dụng các diện tích đất lúa 2 vụ trên đất phù sa ở những chân đất cao để sản xuất rau trái vụ vào 2 tháng 9, 10 âm lịch. Những diện tích đất lúa 1 vụ nên chuyển sang trồng màu như: lạc, ngô, sắn để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
- Duy trì và mở rộng diện tích trồng sắn, lạc, ngô vì đây là loại hình cho giá trị kinh tế cao nên cần phải duy trì vừa giải quyết công ăn việc làm cho người dân vừa góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Nên trồng xen canh lạc và sắn, lạc xen ngô để tăng hiệu quả kinh tế, tận dụng được phân bón của lạc sau khi thu hoạch lạc để trồng sắn và trồng ngô đồng thời cải thiện được độ phì của đất. Không nên trồng sắn trên đất dốc vì sẽ đẩy nhanh quá trình xói mòn, rửa trôi và thoái hóa đất.
- Diện tích đất trồng khoai lang chỉ nên duy trì ở mức vừa đủ đáp ứng nhu cầu chăn nuôi và mức tiêu thụ ở địa phương, còn lại nên chuyển sang trồng lạc, ngô nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất.
c. Vùng ven biển
- Duy trì các diện tích đất trồng lúa có hiệu quả, đối với những chân đất thấp khả năng tiêu nước kém thì nên chọn những giống ngắn ngày và có năng suất cao để tránh bị ngập úng, lúa ngã khi thời tiết không thuận lợi. Những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, địa hình thấp trũng có thể nghiên cứu để chuyển qua mô hình nuôi cá nước ngọt.
- Duy trì diện tích đất trồng khoai lang vì đây là loại hình sử dụng đất đem lại hiệu quả kinh tế cao, quay vòng vốn nhanh.
- Duy trì diện tích đất trồng rau để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của địa phương, đồng thời tận dụng được các diện tích đất nhỏ hẹp hiện có nhằm nâng cao hệ số sử dụng đất.
- Duy trì diện tích đất trồng lạc, ngô và nên xen canh lạc với ngô để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đồng thời cải thiện được độ phì cho đất.
* Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong tương lai cần:
- Sử dụng đất triệt để trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của mỗi vùng đất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, tận dụng mọi nguồn nhân lực, tăng thu nhập cho người dân.
- Đưa nhanh tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Phát triển mô hình kinh tế trang trại. Chuyển đổi một số diện tích trồng cây lương thực sang trồng các loại cây rau quả hàng hóa có giá trị và có thị trường tiêu thụ ổn định.
- Sử dụng đất nông nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường. Sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật một cách có khoa học. Trồng xen các loại cây họ đậu để cố định đạm cho đất.
- Bố trí lịch thời vụ hợp lý cho từng loại cây trồng, tránh những ảnh hưởng xấu của điều kiện khí hậu thời tiết đến cây trồng, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và hiệu quả sử dụng đất.
- Tổ chức sản xuất có hiệu quả các vùng trồng lúa, đáp ứng yêu cầu tại chỗ và thị trường. Thực hiện thâm canh để đạt giá trị sản xuất cao nhất trên một đơn vị diện tích đất canh tác.