Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại tỉnh quảng bình (Trang 34 - 39)

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN

3.1.1. Điều kiện tự nhiên

3.1.1.1. Vị trí địa lý

Quảng Bình là tỉnh thuộc vùng Bắc Trung bộ. Tỉnh Quảng Bình có tọa độ phần đất liền từ 17o05'02'' đến 18o05'12'' vĩ độ Bắc và từ 105o36'55'' đến 106o59'37'' kinh độ Đông.Quảng Bình có 8 đơn vị hành chính: thành phố Đồng Hới, thị xã Ba Đồn, và các huyện: Bố Trạch, Lệ Thuỷ, Minh Hoá, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Tuyên Hoá; có 159 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 16 phường, 7 thị trấn và 136 xã. Vị trí của tỉnh như sau:

Hình 3.1: Sơ đồ hành chính tỉnh Quảng Bình (Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình)

3.1.1.2. Địa hình, địa chất a. Địa hình

Quảng Bình là tỉnh nằm chủ yếu ở sườn phía Đông dãy Trường Sơn có địa hình phức tạp, bị chia cắt mạnh, bề ngang hẹp và dốc nghiêng từ Tây sang Đông. Sườn phía Đông có độ dốc ra biển lớn. Dọc theo lãnh thổ đều có núi, trung du, đồng bằng ven biển và cuối cùng là bãi cát ven biển. Đồi núi chiếm trên 85% diện tích tự nhiên, đồng bằng nhỏ hẹp, đất lúa ít, đất nông lâm nghiệp xen kẽ và bị chia cắt bởi nhiều sông suối dốc và chảy xiết nên gây lũ bất ngờ. Trên địa bàn tỉnh có các dạng địa hình chủ yếu như sau:

- Núi trung bình uốn nếp khối nâng lên mạnh; - Núi thấp uốn nếp nâng lên yếu;

- Địa hình núi đá vôi;

- Thung lũng kiến tạo - xâm thực; - Vùng đồng bằng;

- Vùng đồi cát ven biển.

Địa hình của tỉnh có sự khác biệt giữa các vùng: - Vùng núi cao nằm dọc sườn Đông dãy Trường Sơn.

- Vùng đồi và trung du tập trung chủ yếu ở các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, một phần huyện Quảng Ninh, Lệ Thuỷ và thành phố Đồng Hới.

- Vùng đồng bằng và vùng cát ven biển ở các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới.

Nơi hẹp nhất là cao điểm 1002 giữa ranh giới huyện Bố Trạch, huyện Quảng Ninh, tỉnh Khăm Muộn (Nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào) đến cửa Nhật Lệ dài 40,3 km theo đường chim bay.

b. Địa chất

Đá mẹ và mẫu chất hình thành đất ở Quảng Bình phân bố thành vùng tương đối rõ. Vùng phía Tây - Tây Bắc núi cao thuộc huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá chủ yêu là đá macma axit; vùng núi đá vôi chủ yếu ở phía Tây huyên Bố Trạch, Quảng Ninh và phía nam huyện Minh Hoá; vùng đồi núi thấp chủ yếu là các đá trầm tích, biến chất và các sản phẩm phù sa. Đặc điểm của một số loại đá mẹ, mẫu chất hình thành đất chính như sau:

- Đá vôi: Diện tích 2.128 ha, chiếm 0,26% tổng diện tích tự nhiên; - Đá granit: Diện tích 94.444 ha, chiếm 11,71% diện tích tự nhiên;

- Đá sa thạch và phiến sa: Diện tích 372.454 ha, chiếm 46,18% tổng diện tích tự nhiên;

- Đá biến chất: Diện tích 14.548 ha, chiếm 1,43% tổng diện tích tự nhiên; - Đá macma trung tính: Diện tích 1.303 ha, chiếm 0,16% tổng diện tích tự nhiên; - Sản phẩm bồi tụ phù sa;

- Trầm tích biển;

- Trầm tích đầm lầy biển.

3.1.1.3. Đặc điểm khí hậu, thời tiết

Quảng Bình nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Nam, với đặc trưng của khí hậu nhiệt đới điển hình ở phía Nam và có mùa Đông tương đối lạnh ở miền Bắc. Khí hậu Quảng Bình chia làm hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Nhiệt độ trung bình năm là 25oC. Tổng nhiệt độ hàng năm khoảng 8.600-8.700oC, số giờ nắng trung bình hàng năm khoảng 1.700-1.800 giờ/năm. Như vậy với nhiệt độ và tổng nhiệt độ năm xếp vào loại khá cao và được đánh giá phù hợp, thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của các loại cây, con trong sản xuất nông nghiệp như: cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả, gia súc, thủy sản.

Điều kiện thời tiết bất lợi đối với Quảng Bình là gió Tây Nam khô nóng xuất hiện chủ yếu tập trung trong các tháng 6, 7, 8 kết hợp với lượng mưa ít gây hạn hán; mùa mưa bão, tập trung vào tháng 8 tháng 10. Bão thường đi kèm với mưa lớn. Do địa hình hẹp, sông ngắn và dốc nên mùa mưa bão thường xảy ra lũ lụt gây thiệt hại lớn về người và của, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hàng năm.

Để hạn chế những bất lợi của thiên nhiên, thời tiết và biến đổi khí hậu, Quảng Bình cần phải có các chương trình hành động phù hợp, có chiến lược khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, hợp lý và khoa học, như trồng rừng đầu nguồn, thiết lập vành đai rừng phòng hộ, nghiên cứu cơ cấu giống, mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, tuyển chọn cơ cấu giống phù hợp để thích ứng và né tránh các điều kiện bất lợi của thiên nhiên.

3.1.1.4. Đặc điểm thủy văn

Quảng Bình có nguồn nước mặt khá phong phú nhờ hệ thống sông suối, hồ đập khá dày đặc. Mật độ sông suối đạt 0,7-1,1 km/km2

, phân bố không đều, có xu hướng giảm dần từ Tây sang Đông, từ vùng núi ra biển.

Sông ngòi Quảng Bình đều ngắn và dốc, có 5 con sông chính đổ ra biển Đông là sông Roòn,sông Lý Hoà, sông Gianh, sông Dinhvà sông Nhật Lệ, Diện tích lưu vực 5 con sông là 7.778,0 km2, chiều dài 343,0 km. Tổng lưu lượng dòng chảy khá phong phú và thuộc vào loại lớn 539,72 m3/s. Dòng chảy mùa lũ lớn từ tháng 9 đến tháng 11, chiếm 60%-80% tổng lượng dòng chảy cả năm. Do mùa mưa trùng với mùa bão, địa hình có sườn dốc lớn, sông ngắn, nước chảy xiết nên thường xảy lũ ống, lũ quét đột ngột, một số diện tích vùng đồng bằng có độ cao trung bình thấp thường bị ngập úng nặng.

3.1.1.5. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên

a. Tài nguyên đất

Đất là một nguồn tài nguyên tự nhiên quý giá nhất của loài người, là lãnh thổ để con người sinh sống và phát triển nhưng đây là nguồn tài nguyên đặc biệt có giới hạn về không gian. Mục đích của điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất là bố trí sử dụng tài nguyên đất đai một cách hợp lý và có hiệu quả. Kết quả xây dựng bản đồ đất tỉnh Quảng Bình tỷ lệ 1/100.000 cho thấy toàn tỉnh có 10 nhóm đất với 23 đơn vị đất, diện tích và chất lượng các đơn vị đất như sau (không tính diện tích sông suối và đất phi nông nghiệp):

- Nhóm đất cát: Diện tích 37.243 ha, gồm 3 đơn vị đất là: Cồn cát trắng, vàng; đất cát biển trung tính ít chua và đất cát biển chua.

- Nhóm đất mặn: Đất mặn được hình thành từ những sản phẩm phù sa sông, phù sa biển lắng đọng trong môi trường nước mặn. Diện tích 5.427 ha, phân bố theo các cửa sông ở các huyện: Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, thành phố Đồng Hới và được chia thành 2 loại: Đất mặn nhiều và đất mặn trung bình và mặn ít.

- Nhóm đất phèn: Diện tích 4.700 ha, phân bố chủ yếu ở huyện Lệ Thuỷ và Quảng Ninh. Đất phèn được hình thành do sản phẩm bồi tụ phù sa với vật liệu sinh phèn (xác thực vật chứa lưu huỳnh, Pyrite) phát triển ở môi trường ngập mặn khó thoát nước.

- Nhóm đất phù sa: Diện tích 34.791 ha, phân bố tập trung ở vùng đồng bằng ven biển là sản phẩm phù sa của các con sông suối trên địa bàn của tỉnh.

- Nhóm đất glây: Diện tích 2.592 ha, phân bố ở xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch), xã Hoà Trạch, Phúc Trạch (huyện Bố Trạch).

- Nhóm đất mới biến đổi: Diện tích 6.215 ha, phân bố ở các xã Quảng Kim, Quảng Phú, Quảng Tiến, Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch), xã Quảng Hoà (thị xã Ba Đồn), xã Duy Ninh, Hiền Ninh, Tân Ninh, Xuân Ninh (huyện Quảng Ninh), xã Hoa

Thuỷ, Liên Thuỷ, Kim Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ), xã Quy Hoá, Tân Hoá (huyện Minh Hoá) và Đức Ninh (thành phố Đồng Hới).

- Nhóm đất có tầng loang lổ: Diện tích 896 ha, phân bố ở xã Hoá Phúc, Hoá Thanh (huyện Tuyên Hoá), xã Hoa Thuỷ (huyện Lệ Thủy).

- Nhóm đất xám: Nhóm đất xám có diện tích lớn nhất tỉnh Quảng Bình 515.781,0 ha, chiếm 63,95% diện tích tự nhiên, phân bố khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

- Nhóm đất đỏ: Đất đỏ ở Quảng Bình phát triển chủ yếu trên đá poocfia-rit và đá vôi. Đặc điểm cơ bản của đất đỏ là có quá trình tích luỹ sắt, nhôm tương đối nên đất có màu nâu đỏ hoặc nâu vàng điển hình, cấu trúc của đất phát triển và có hạt kết bền vững. Diện tích 3.431,0 ha, phân bố ở huyện Lệ Thuỷ, Bố Trạch, Minh Hoá và Tuyên Hoá. Đất đỏ là một trong những loại đất tốt ở vùng đồi núi tỉnh Quảng Bình.

- Đất tầng mỏng: Diện tích 24.274,0 ha, phân bố tập trung ở gò đồi của huyện Lệ Thuỷ, Bố Trạch và Quảng Trạch, thực vật tự nhiên chủ yếu là sim, mua.

b. Tài nguyên nước

Quảng Bình có nguồn nước mặt khá phong phú nhờ hệ thống sông suối, hồ đập khá dày đặc. Mật độ sông suối đạt 0,70- 1,10 km/km2, phân bố không đều, có xu hướng giảm dần từ Tây sang Đông, từ vùng núi ra biển. Sông ngòi Quảng Bình đều ngắn và dốc, có 5 con sông chính đổ ra biển Đông là: sông Roòn, Gianh, Lý Hoà, Dinh và Nhật Lệ. Diện tích lưu vực 5 con sông là 7.778,0 km2, chiều dài 343,0 km. Lượng dòng chảy khá phong phú và thuộc vào lớn nhất ở Việt Nam. Modun dòng chảy bình quân là 55l/s/km2, tương đương 4 tỷ m3 nước/năm. Dòng chảy mùa lũ lớn từ tháng 9 đến tháng 11, tổng lượng dòng chảy mùa lũ chiếm 80% tổng lượng dòng chảy cả năm. Do mùa mưa trùng với mùa gió bão, địa hình có sườn dốc lớn, sông ngắn nên thường xảy ra lũ lụt đột ngột, gây ngập úng nặng ở nhiều vùng, đặc biệt là hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ.

c. Tài nguyên khoáng sản

Quảng Bình có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú và đa dạng, ngoài đá vôi làm vật xi măng và xây dựng có trữ lượng khá lớn phù hợp với quy mô khai thác công nghiệp còn lại các khoáng sản khác như vàng, bạc, sắt… trữ lượng nhỏ, phân tán khó hình thành được các khu cụm công nghiệp về khai khoáng tập trung. Khoáng sản Quảng Bình được chia thành 4 nhóm khoáng sản cơ bản như sau: khoáng sản kim loại và quý hiếm, khoáng sản không kim loại, khoáng sản nhiên liệu và phân bón, nước khoáng nóng

Tóm lại:Những lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên cho phép Quảng Bình phát triển nền kinh tế du lịch - dịch vụ - nông nghiệp - công nghiệp, với nhiều sản phẩm hàng hoá đa dạng phong phú đặc biệt là phát triển du lịch, dịch vụ. Điều kiện đó cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là những giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục những tác hại của thiên tai (bảo lụt, hạn hán, cát lấp, cát bay, cát chảy...).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thế chấp bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại tỉnh quảng bình (Trang 34 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(80 trang)