CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.3. TÌNH HÌNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TẠI HUYỆN A LƯỚI
3.3.2. Phân tí ch các nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai tại huyện A Lưới
Có nhiều nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào các nguyên nhân sau đây:
3.3.1.1. Sự bất cập của hệ thống chính sách pháp luật về đất đai và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai
Thời gian qua, hệ thống pháp luật quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp chưa đồng bộ. Việc phân định thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tranh chấp về đất đai liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau, mối quan hệ trong giải quyết KNTC, TCĐĐ giữa cơ quan hành chính với Toà án nhân dân, giữa cơ quan chuyên ngành với Thanh tra chưa cụ thể, thống nhất dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng giải quyết đơn thư KNTC, TCĐĐ của công dân.
Một số quy định về đất đai phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần trong thời gian ngắn dẫn đến tình trạng thiếu ổn định, tính khả thi thấp, nhất là các quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là nguyên nhân gây ra nhiều so bì, khiếu kiện. Một số vấn đề phát sinh chưa được quy định cụ thể như việc sử dụng đất để đầu tư xây dựng công trình ngầm, đầu tư xây dựng nghĩa trang, nghĩa địa để kinh doanh.... Mặt khác, chính sách, pháp luật về đất đai chưa theo kịp cơ chế kinh tế thị trường, đặc biệt là chính sách tài chính đất đai đã điều tiết, phân phối nhưng chưa hợp lý phần giá trị tăng thêm mang lại
từ đất khi sử dụng đất cho các dự án đầu tư như trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả các văn bản QPPL về đất đai và pháp luật về KNTC, là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng KNTC của công dân, gây khó khăn cho việc thực hiện quyền KNTC của công dân.
3.3.1.2. Sự bất cập trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
Nhìn chung, tổ chức và cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai thiếu ổn định và bất cập so với yêu cầu thực tế. Giải quyết một vụ khiếu nại đòi hỏi phải có các bước điều tra, nghiên cứu, kết luận và thi hành kết luận, do đó cần một đội ngũ những người am hiểu pháp luật, có nghiệp vụ chuyên sâu và làm việc chuyên trách. Nhưng hiện nay, hầu hết cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại chủ yếu là kiêm nhiệm; khiếu nại về đất đai chủ yếu nảy sinh ở cấp huyện, xã nhưng cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết ở cấp này lại không tương ứng. Chủ tịch UBND các cấp là người chủ trì, chịu trách nhiệm chính về quyết định giải quyết khiếu nại nhưng lại phải giải quyết rất nhiều công việc khác nhau của địa phương nên khó có điều kiện chuyên tâm về việc này. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng giải quyết khiếu nại chậm, thiếu dứt điểm, chất lượng thấp, dẫn đến tình trạng khiếu kiện lại hoặc khiếu kiện vượt cấp.
Trong tổ chức thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai, nhiều địa phương chưa làm tốt việc tiếp dân, nhận đơn, hướng dẫn cụ thể theo pháp luật về việc nộp đơn dẫn đến tình trạng người đi khiếu kiện lúng túng, mất nhiều thời gian, công sức khi phải đi hết nơi này đến nơi khác. Khi phát sinh khiếu kiện, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, còn né tránh, đùn đẩy. Nhiều vụ việc đã có quyết định giải quyết cuối cùng nhưng việc tổ chức thi hành quyết định không nghiêm; cơ quan ra quyết định thiếu kiểm tra, đôn đốc kịp thời để giải quyết dứt điểm; một số vụ việc không có tính khả thi trong tổ chức thi hành dẫn tới phát sinh những khiếu kiện mới phức tạp hơn.
Công tác hòa giải ở cấp cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, nhiều địa phương chưa bố trí cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm đảm nhiệm công việc này nên việc hòa giải đạt hiệu quả chưa cao. Nhiều vụ việc giải quyết không triệt để dẫn đến khiếu kiện đông người, có trường hợp dẫn đến xảy ra vụ án hình sự. Một số địa phương chưa làm tốt trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn như vi phạm trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường, tái định cư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Công tác thanh tra chưa được thực hiện thường xuyên, còn thiếu tính chủ động,
kiên quyết, triệt để, kịp thời làm hạn chế hiệu quả hoạt động thanh tra, Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai còn mang tính chủ quan, nể nang, nặng về mệnh lệnh hành chính; nhiều quyết định giải quyết chưa thấu tình, đạt lý. Việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật còn thiếu kiên quyết, dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, khiếu kiện kéo dài. Hình thức văn bản giải quyết một số vụ việc chưa bảo đảm theo quy định của pháp luật như việc ban hành công văn, thông báo... để thay thế quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai.
3.3.1.3. Công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai và đặc biệt là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập và chưa đồng bộ.
- Việc áp dụng pháp luật về đất đai còn nhiều bất cập, nhất là trong việc thu hồi đất chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện sở hữu toàn dân về đất đai và quyền của người sử dụng đất đã được pháp luật công nhận, dẫn tới nhấn mạnh quyền thu hồi đất của Nhà nước, nhấn mạnh việc tạo vốn từ quỹ đất mà chưa quan tâm đầy đủ lợi ích chính đáng của người sử dụng đất. Đặc biệt là trong việc định giá đất bồi thường, xử lý mối tương quan giữa giá đất thu hồi với giá đất tái định cư, giá đất nhà nước và giá đất thị trường thường chênh lệch lớn từ đó phát sinh khiếu nại.
- Sau khi có Luật Đất đai năm 2013 và các nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành nhiều địa phương, nhất là cán bộ cấp cơ sở vẫn chưa nắm chắc những đổi mới, những quy định mới của pháp luật về đất đai nên có một vài trường hợp vẫn còn áp dụng những quy định cũ đã bị huỷ bỏ hoặc thay thế, đã tạo nên những vụ việc khiếu kiện mới về đất đai.
- Trong những năm qua công tác quản lý đất đai đã được chú trọng. Tuy nhiên ở một số địa phương vẩn còn bất cập. Hồ sơ địa chính không đồng bộ, sổ sách, bản đồ, tư liệu thiếu. Công tác lưu trữ tư liệu địa chính chưa tốt dẫn đến việc xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Tồn tại có tính lịch sử, như việc cho thuê, cho mượn, cầm cố đất trong nội bộ nhân dân, thu hồi đất không có quyết định, chưa bồi thường hoặc đã bồi thường nhưng không lưu giữ hồ sơ, đã gây khó khăn rất lớn cho quá trình giải quyết các vụ việc TC,KNTC.
- Việc chỉnh lý biến động đất đai chưa được theo dừi, cập nhật thường xuyờn dẫn đến việc tham mưu không đầy đủ, thiếu chính xác trong việc quy hoạch, thu hồi đất và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai. Quy hoạch sử dụng đất chất lượng chưa cao, chưa đồng bộ với các quy hoạch chuyên ngành, tính kết nối liên vùng, và quản lý quy hoạch còn yếu, thu hồi đất, cho thuê đất không đúng thẩm quyền, không theo quy hoạch.
- Đa số các địa phương chưa đầu tư kinh phí thoả đáng để xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, bảo đảm quản lý chặt chẽ đối với từng thửa đất. Công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ chậm và trong một số trường hợp không chính xác.
- Việc kiểm tra, thanh tra thực hiện chế độ công vụ và xử lý những vi phạm của cán bộ, công chức trong công tác quản lý và sử dụng đất đai chưa được đặt ra một cách cụ thể, tích cực.
- Nguyên nhân từ việc quản lý thiếu chặt chẽ, còn sai sót của cơ quan nhà nước như: Đo đạc không chính xác diện tích, nhầm lẫn địa danh, thu hồi đất không có quyết định, không làm đầy đủ các thủ tục pháp lý, giao đất, cho thuê đất, đấu thầu đất, bồi thường giải toả và sử dụng những khoản tiền thu được không công khai gây ngờ vực cho nhân dân. Việc giao đất trái thẩm quyền, không đúng đối tượng, giao sai diện tích, vị trí, sử dụng tiền thu từ đất sai quy định của pháp luật hoặc người sử dụng đất đã làm đủ các nghĩa vụ theo quy định nhưng không được hợp thức QSDĐ, cấp giấy chứng nhận QSDĐ là những nguyên nhân tạo thành khiếu kiện đông người, thành các đoàn khiếu kiện đến các cơ quan hành chính.
3.3.1.4. Ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân Nhà nước ta đã có một số biện pháp tích cực nhằm bảo đảm quyền lợi để động viên khuyến khích công dân phát huy quyền khiếu nại, tố cáo. Trong thực tế quyền này vẫn chưa được đảm bảo vì có sự tồn tại hạn chế trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở nhiều cơ quan có thẩm quyền ở nhiều vụ, việc cụ thể trên địa bàn gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến ý thức trách nhiệm của họ. Vì vậy, hành vi tố cáo chính danh rất ít có mà phổ biến chủ yếu là “nặc danh” mà loại đơn thư này pháp luật quy định không xem xét. Trong thực tế có rất nhiều trường hợp công dân biết hành vi tham nhũng hoặc VPPL khác, nhưng họ không đủ dũng cảm đứng ra phản ánh vì nhiều lý do như: Thiếu hiểu biết, không có chứng cứ cụ thể, sợ trả thù, trùm úm trù dập, sợ bao che, chạy tội,... trong khi họ cũng chẳng được gì.
Hành vi tố cáo diễn ra phổ biến tại địa phương phần nhiều là đối tượng người bị xâm phạm về quyền lợi cá nhân. Do thiếu hiểu biết về pháp luật nên một số công dân đeo bám khiếu nại không được giải quyết thỏa mãn nên chuyển sang hành vi tố cáo mà không có bằng chứng thuyết phục. Thậm chí đã có nhiều trường hợp lợi dụng quyền khiếu tố để lăng mạ, chửi bới, vu khống cán bộ nhưng chưa ai bị truy cứu trách nhiệm về hành vi này, làm cho tình trạng công dân có biểu hiện ý thức xem thường cơ quan công quyền ngày càng phổ biến.
Do nhận thức của người dân về sở hữu đất đai không đồng nhất với quy định của pháp luật. Trong tiềm thức của một bộ phận dân chúng (đặc biệt là những người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc người dân có trình độ học vấn
người dân quan niệm rằng đất đai là của Nhà nước nhưng khi Nhà nước đã giao cho sử dụng ổn định lâu dài và cấp giấy chứng nhận QSDĐ thì là của họ. Chính vì nhận thức không đúng này nên trong điều kiện kinh tế thị trường, đất đai ngày càng trở lên có giá thì tình trạng đòi lại đất của ông cha ngày càng gia tăng.
Nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai mặc dù các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương đã nỗ lực cố gắng vận dụng chính sách giải quyết có lý, có tình, phù hợp với tình hình thực tế và đúng với quy định của pháp luật, đã được đối thoại trực tiếp nhiều lần nhưng do nhiều động cơ khác nhau người khiếu nại vẫn cố tình đeo bám, khiếu kiện và làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn.
Một số đối tượng đi khiếu nại có hành vi vượt quá giới hạn, VPPL, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo đã có hành vi quá khích gây mất trật tự an toàn công cộng, ảnh hưởng đến công tác và hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước. Tình trạng người khiếu nại gửi đơn tràn lan, vượt cấp đến nơi không có thẩm quyền giải quyết vẫn diễn ra phổ biến.
3.3.1.5. Sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức
Một số cán bộ vì lợi ích kinh tế, tranh thủ trong thời gian đương chức đã cố tình vi phạm chính sách pháp luật đất đai. Lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình thâu tóm lợi ích cho mình và cho người thân. Đất đai là vấn đề phức tạp, các chính sách đất đai liên tục thay đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Để giải quyết cần có một đội ngũ những người am hiểu pháp luật, có chuyên môn nghiệp vụ tốt, có tinh thần trách nhiệm cao, tạo được đội ngủ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, biết làm một công bộc của dân.
Việc phát huy dân chủ trong công tác tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo như một biện pháp hành chính với phương pháp vận động, tuyên truyền, giáo dục và thuyết phục, vừa căn cứ các quy định của pháp luật. Đó cũng là một hình thức giám sát có hiệu quả chống lại các hành vi làm trái pháp luật, nhằm đảm bảo lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân.
3.3.3. Đánh giá kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai