Cây sả (tên khoa học Cymbopogon ssp.), theo Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Bình dương (2012), cây sả có tên khoa học là Cymbopogon ssp, họ lúa Poaceae, một số vùng còn gọi cây sả là sả chanh, cỏ sả, hương mao.
Tinh dầu sả dùng làm hương liệu và thuốc, khử trùng tẩy uế nơi công cộng.
Đặc điểm thực vật, phân bố của cây sả: cây sả là loại cỏ sống lâu năm, mọc thành bụi cao 0,8 - 1 m. Lá hẹp, dài giống lá lúa, hai mặt lá ráp nhám, khi bóc vỏ ra có mùi thơm của chanh. Thân rễ trắng hoặc hơi tím. Sả được trồng khắp cả nước, trong các gia đình. Một số vùng đồi núi trồng cây sảđể chưng cất tinh dầu.
Cách trồng cây sả: trồng bằng thân rễ, chịu hạn tốt.
Bộ phận dùng, chế biến của cây sả: lá và thân rễ cây sả tươi hay phơi khô, thường dùng làm gia vị. Sả còn dùng để cất tinh dầu sử dụng trong nhân y và thú y.
Công dụng, của cây sả: cây sả có vị cay ấm, dùng chữa cảm sốt, cúm, chữa đau bụng đi ngoài, đây hơi, chướng bụng, nôn mửa. Rễ cây sả giã nhỏ, xát chữa chàm mặt. Tinh dầu cây sả dùng để xông trừ muỗi, côn trùng, khử mùi hôi tanh. Trồng cây sả quanh nhà để xua côn trùng, ruồi, muỗi.
Cách trồng cây sả:
- Làm đất:
Cây sả trồng được trên nhiều loại đất, nhưng nếu trồng ở nơi đất xốp nhiều mùn cây phát triển tốt hơn.
- Cách trồng : làm luống, rạch 2 hàng dọc, luống cách nhau 0,8 - 1,0 m. Rải phân xuống rạch, lấp ít đất rồi trồng. Sau trồng nếu tưới đủ ẩm thì khoảng 10 -15 ngày nhánh sả ra rễ, đâm lá non, bắt đầu chăm sóc và trồng dặm nhánh chết.
- Bón phân: phân bón lót cho 1 ha từ 15 - 20 tấn phân hữu cơ hoai mục + 200 - 300 kg phân lân.
Sau khi trồng 20 - 25 ngày, cây bắt đầu sinh trưởng mạnh thì bón phân thúc nhẹ khoảng 100 - 150 kg phân đạm cho 1 ha, kết hợp xới đất vun gốc nhẹ. Một tháng sau bón thúc lần 2 với lượng phân như trên và vun gốc tiếp.
- Chăm sóc: Trường hợp đất quá khô cần tưới nước. Cây sả ít bị bệnh. Thường thấy là bệnh héo vàng làm thối rễ, chết cây. Dùng các thuốc gốc đồng và Bonomyl phun đẫm vào gốc có thể hạn chế bệnh. Nhổ bỏ các cây bệnh nặng tập trung tiêu hủy. Cá biệt có bệnh cháy lá do nấm, phun các thuốc Viben-C, Carbenzim, Dithan - M.
- Thu hoạch: trồng để chiết lấy dầu thì sau trồng 10 - 12 tháng, khi cây sảđã già, lá khô từ đầu vào 2 - 10 cm thì thu hoạch chưng cất dầu. Cắt cả lá và bẹ, chừa lại 8 - 10 cm cách mặt đất để cây lại tiếp tục phát triển. Sau 5 - 6 tháng sẽ thu hoạch tiếp quanh năm sẽ có nguyên liệu để chưng cất dầu.