Tình hình kinh tế xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tích hợp tư liệu viễn thám và GIS để giám sát biến động hiện trạng rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên an toàn, huyện an lão, tỉnh bình định (Trang 54 - 58)

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN

3.1.2. Tình hình kinh tế xã hội

3.1.2.1. Đặc điểm về xã hội

a) Dân số, dân tộc và phân bố dân cư

KBTTN An Toàn nằm trọn trên địa bàn của xã An Toàn, theo số liệu thống kê của UBND xã An Toàn, tình hình dân số và dân tộc như sau:

Tổng số có 200 hộ với 803 nhân khẩu, trong đó nam 411 người và nữ 392 người. Mật độ dân số trung bình 2,6 người/km2, Tỷ lệ tăng dân số 1,5%. Thành phần dân tộc gồm các dân tộc Kinh, Ba Na và Hrê. Đông nhất là Bana chiếm tới 83%; kế đến là Hrê 13,7%; còn lại 3,3% là dân tộc Kinh.

Phân bố dân cư trong vùng chủ yếu sống tập trung tại 3 thôn: thôn An Toàn I, cách UBND xã khoảng 7 km về phía Tây với tổng số 64 hộ sinh sống; thôn An Toàn II, nằm cạnh UBND xã với tổng số là 81 hộ sinh sống, là thôn có số hộ và số dân đông

nhất trong xã; thôn An Toàn III cách UBND xã khoảng 15 km về phía Đông, với tổng số 55 hộ sinh sống.

Đặc biệt trong KBTTN An Toàn, có dân cư làng O2, thuộc xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh nhưng lại định cư và canh tác ruộng rẫy trên địa bàn xã An Toàn (tại tiểu khu 73). Với tổng số là 37 hộ, 150 nhân khẩu, tất cả đều là đồng bào dân tộc Ba Na. Do đó, khi triển khai các dự án phải quan tâm tới bộ phận dân cư này, hướng dẫn họ tham gia bảo tồn thiên nhiên, góp phần ổn định cuộc sống cho tất cả người dân sinh sống trong khu bảo tồn.

b) Lao động, việc làm và kinh tế hộ

Dân số trong độ tuổi lao động là 526 người, chiếm 65,5 % tổng số dân. Trong đó lao động nam 271 người, lao động nữ 255 người. Cơ cấu lao động theo ngành nghề như sau: Nông lâm nghiệp chiếm 97,7% tổng số lao động; ngành nghề khác chiếm 2,3% tổng số lao động.

Số liệu thống kê cho thấy, xã An Toàn vẫn là xã nghèo, cụ thể: Số hộ nghèo và cận nghèo là 148 hộ (chiếm 74,0%), số hộ trung bình: 52 hộ (chiếm 26,0%), không có hộ giàu.

Mức thu nhập trung bình là 2.700.000đ/người/năm, đời sống vật chất còn đơn sơ và gặp rất nhiều khó khăn. Đồ đạc trong gia đình hầu như không có giá trị lớn. Cuộc sống nhiều người dân còn khó khăn, số hộ có tiện nghi sinh hoạt trong nhà rất ít. Người dân bản địa sinh sống lâu đời ở đây. Phong tục tập quán còn mang nét xã hội Mẫu hệ, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và cộng đồng rất được đề cao. Trong cộng đồng dân cư vai trò của già làng rất quan trọng, các tập tục, tập quán còn chi phối rõ nét trong mọi mặt đời sống xã hội. Hình thức sử dụng đất truyền thống theo hộ gia đình, dòng họ. Diện tích đất canh tác thường nhỏ lẻ manh mún cho nên ít có điều kiện áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất vì vậy năng suất còn thấp. Bên cạnh đó canh tác nương rẫy vẫn là hình thức khá phổ biến, tuy đã định cư nhưng vẫn còn hiện tượng du canh bằng hình thức sản xuất lương thực trên nương rẫy không cố định. Ngoài ra người dân còn có nguồn thu nhập khác từ các lâm sản ngoài gỗ như mật ong, mây tre và nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng,...

3.1.2.2. Tình hình kinh tế

a) Trồng trọt

Diện tích đất nông nghiệp có tỷ lệ quá nhỏ so với tổng diện tích tự nhiên (0,7%). Trong đó đất trồng lúa, màu ít, bình quân 845m2/người. Sản phẩm trồng trọt chủ yếu là lúa nước, ngô, lúa nương, sắn.

- Cây Lúa: Toàn xã có 100 ha chủ yếu là gieo sạ 1 vụ/năm bao gồm lúa ruộng nước và lúa nương. Ruộng nước hầu hết là ruộng bậc thang phân bố ở các bãi bồi ven suối gần dân cư, năng suất bình quân 50 tạ/ha do điều kiện tự nhiên bất lợi và kỹ thuật canh tác chưa cao, giống chưa được cải thiện; lúa nương được canh tác chủ yếu trên các sườn núi có độ dốc thấp, do canh tác trên đất có độ dốc và hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên năng suất thấp khoảng 20 tạ/ha và rất bấp bênh. Diện tích lúa nương thường không ổn định do sự bạc màu của đất qua nhiều vụ canh tác.

- Cây Ngô: Diện tích gieo trồng là 25 ha, sử dụng giống Ngô lai với năng suất bình quân là 45 tạ/ha.

- Cây Sắn: Diện tích gieo trồng là 130 ha trong đó Sắn địa phương (Sắn gòn) là 30 ha đạt năng suất bình quân 100 tạ/ha, sản lượng 300 tấn; Sắn cao sản 100 ha năng suất bình quân 120 tạ/ha, sản lượng 240 tấn.

Các loại cây Ngô, Sắn được trồng trên các sườn núi phía trên ruộng nước tại những vùng tương đối bằng phẳng nhưng chưa có điều kiện làm ruộng bậc thang. Do diện tích ruộng nước ít, năng suất thấp nên người dân phải làm nương rẫy để bổ sung nguồn lương thực. Các loại rau, trái cây chủ yếu được khai thác từ rừng. Một số loại hoa màu khác như bầu bí, su su, đậu,… được trồng tại địa phương tuy nhiên không được phổ biến. Hiện nay UBND xã đang vận động người dân trồng thêm cây lương thực để có nguồn thực phẩm bổ sung vào bữa ăn hằng ngày

b) Chăn nuôi

Chăn nuôi cũng đã có bước phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của xã. Chăn nuôi còn mang tính tự phát chưa được chú trọng đầu tư chiều sâu. Theo số liệu theo dõi của UBND xã An Toàn [49], thành phần đàn gia súc chủ yếu là trâu, bò, lợn, gà. Tổng đàn gia súc hiện có là 1.914 con. Trong đó trâu 720 con, bò 594 con, lợn 524 con và dê là 76 con. Hiện nay có 1 cán bộ Thú y xã và 3 cán bộ Thú y cơ sở phụ trách 3 thôn. Các cán bộ thú y đã được đào tạo qua lớp thú y sơ cấp ngắn hạn. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện còn hạn chế, phần lớn công tác tiêm phòng còn nhờ cán bộ thú y huyện.

Có một số hộ đã xây dựng ao nuôi cá. Hiện tại đã có 66 ao nuôi với tổng diện tích mặt nước khoảng 6.000m2. Đa số chỉ là các ao tạm thời, chưa có kỹ thuật chăn nuôi cá tốt.

Nhìn chung, điều kiện tự nhiên ở địa phương rất thuận lợi cho phát triển chăn nuôi đại gia súc và phát triển một số mô hình chăn nuôi mới như nuôi ong lấy mật, nuôi dê và nuôi heo đặc sản. Cần chú trọng nghiên cứu để các mô hình để chăn nuôi thực sự là ngành mũi nhọn của địa phương.

3.1.2.3. Y tế, giáo dục

a) Y tế

Trạm y tế xã với đội ngũ y tế gồm 2 y tá và 1 y sĩ tăng cường. Ngoài ra, mỗi thôn đều có 1 cán bộ y tế điều trị. Công tác y tế chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, khả năng khám chữa bệnh cho nhân dân của các trạm y tế còn rất nhiều hạn chế, thiếu về nhân lực, trang thiết bị y tế sơ sài, thuốc chữa bệnh còn thiếu cả về số lượng cũng như chủng loại. Nhìn chung, y tế chưa đáp ứng được nhu cầu mong muốn của nhân dân địa phương.

b) Giáo dục

Ở mỗi thôn đều có các lớp tiểu học, mầm non với đội ngũ gồm 24 cán bộ, giáo viên, trong đó gồm 6 giáo viên mầm non và 18 giáo viên tiểu học. Đến hết năm học 2014-2015, số học sinh toàn xã gồm: 71 học sinh tiểu học, 63 cháu mầm non, cụ thể theo từng khối lớp trình bày bảng 3.3.

Bảng 3.3. Số học sinh theo từng khối lớp

Khối lớp Số lượng Ghi chú

1 16 2 13 3 16 4 16 5 11 Mầm non 63 3 lớp

(Nguồn: Ủy ban nhân dân xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định, Báo cáo tình hình kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng năm 2015)

Học sinh học phổ thông trung học phải tập trung về các trường dân tộc nội trú hoặc các trường phổ thông trung học ở trung tâm huyện. Do đó, số học sinh trong độ tuổi đi học phổ thông trung học được đến trường còn thấp.

3.1.2.4. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật

a) Giao thông

Trong nhiều năm qua, xã An Toàn được sự quan tâm của Nhà nước nên đường giao thông được đầu tư đáng kể. Đường giao thông đến trung tâm xã đã được bê tông hóa và tiếp tục đầu tư đến từng thôn trong xã. Ngoài ra còn có các loại đường đất là hệ thống đường lâm nghiệp trước đây và các đường mòn. Tuy ít có giá trị về giao thông cơ giới nhưng rất tiện ích cho việc đi lại, tuần tra trong rừng.

b) Thuỷ lợi

Trên các vùng đất canh tác nông nghiệp, điều kiện nguồn nước không khó khăn, nhưng do chưa được đầu tư nên hệ thống thuỷ lợi còn hạn chế. Do đó, cần đẩy mạnh đầu tư hơn nữa các công trình thủy lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng, tăng vụ trên diện tích canh tác hiện có, đảm bảo cơ bản lương thực tại chỗ, góp phần giảm áp lực tới công tác bảo tồn thiên nhiên.

c) Hệ thống điện nông thôn: Hệ thống điện xã An Toàn được quản lý trực tiếp từ ngành điện lực, cơ sở hạ tầng bao gồm 3 trạm biến áp công suất mỗi trạm 100KVA, số hộ sử dụng điện 66% số hộ trong xã.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tích hợp tư liệu viễn thám và GIS để giám sát biến động hiện trạng rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên an toàn, huyện an lão, tỉnh bình định (Trang 54 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)