Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tích hợp tư liệu viễn thám và GIS để giám sát biến động hiện trạng rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên an toàn, huyện an lão, tỉnh bình định (Trang 51 - 54)

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN

3.1.1. Điều kiện tự nhiên

3.1.1.1. Vị trí địa lý

KBTTN An Toàn được xác định nằm trọn trên địa bàn xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định, cách trung tâm huyện khoảng 40 km về phía Tây Bắc. Phạm vi, ranh giới khu bảo tồn nằm hoàn toàn trong vùng quy hoạch rừng đặc dụng của xã An Toàn, huyện An Lão đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt, với tổng diện tích là 22.450 ha chiếm 86,03 % tổng diện tích tự nhiên của xã (26.095,37 ha). Có toạ độ địa lý giới hạn như sau:

Từ 108037’27” đến 108047’06” kinh độ Đông; Từ 14021’57” đến 14036’57” vĩ độ Bắc;

Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi;

Phía Đông giáp xã An Vinh, An Quang, An Nghĩa của huyện An Lão và giáp huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định;

Phía Nam giáp huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định; Phía Tây giáp KBTTN Kon Chư Răng, tỉnh Gia Lai.

3.1.1.2. Địa hình

KBTTN An Toàn nằm trong vùng địa hình phần lớn là núi thấp và núi trung bình thuộc Đông Trường Sơn. Nhìn toàn cảnh các dãy núi cao phổ biến từ 600m đến 800m, độ cao thoải dần về phía Nam. Cao nhất trong khu vực là các đỉnh núi tiếp giáp với ranh giới tỉnh Quảng Ngãi (thuộc tiểu khu 24 và 28), đỉnh cao nhất là 1.118,1 m; thấp nhất là khu vực phía Nam tiếp giáp với huyện Vĩnh Thạnh, điểm có độ cao thấp nhất là 231m. Khu bảo tồn có các kiểu địa hình chính sau đây:

a) Kiểu địa hình núi trung bình: Kiểu này có độ cao từ 700m đến 1.118,1m, là kiểu địa hình chủ yếu của KBTTN An Toàn với diện tích là 17.141,4 ha chiếm tới 76,35%, đây là nơi phân bố của thảm thực vật rừng thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới và rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới.

b) Kiểu địa hình núi thấp: Kiểu này là có độ cao từ 300m đến 700m, với diện tích là 5.116,4 ha, chiếm 22,79%. Đây là nơi phân bố của thảm thực vật rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới.

c) Kiểu địa hình đồi cao: Kiểu này là các đồi bát úp có độ cao từ 231m đến 300m, với diện tích 28,4 ha chiếm 0,13%. Đây là nơi phân bố của thảm thực vật rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới.

d) Kiểu địa hình thung lũng và bồn địa: Có diện tích là 163,8 ha, chỉ chiếm 0,73%. Đây là những vùng trũng nằm xen kẽ giữa các dãy núi và các thung lũng dọc theo sông suối. Đặc trưng của kiểu địa hình này là độ dốc nhỏ, ít chia cắt thuận lợi cho canh tác nông nghiệp. Kiểu địa hình này phân bố tập trung ở các nhánh suối đầu nguồn sông Kôn và sông Mia.

3.1.1.3. Khí hậu, thủy văn

Xã An Toàn là khu vực nằm trong vùng tiếp giáp giữa vùng Bắc Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ. Do đó, ngoài khí hậu Đông Trường Sơn còn có đặc điểm khí hậu Tây Trường Sơn. Về cơ bản, KBTTN An Toàn có khí hậu nhiệt đới gió mùa với những đặc điểm cơ bản sau:

a) Chế độ nhiệt: Nhiệt độ trung bình năm biến động từ 200C đến 230C. Nhiệt độ cao tuyệt đối không quá 38oC; nhiệt độ thấp tuyệt đối không dưới 7oC.

b) Chế độ mưa: Lượng mưa trung bình năm dao động từ 2.000 - 2.400mm. Sở dĩ lượng mưa lớn do vừa chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ khí hậu Đông Trường Sơn đồng thời chịu ảnh hưởng của khí hậu Tây Trường Sơn do đó mùa mưa kéo dài và lượng mưa rải đều hơn.

c) Các mùa trong năm: Một năm có 2 mùa tương đối rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 hằng năm chiếm 60 - 70% tổng lượng mưa cả năm. Mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, chiếm khoảng 30 - 40% tổng lượng mưa cả năm.

d) Chế độ thuỷ văn

Với lượng mưa tương đối cao, thảm thực vật bề mặt còn rất lớn và chủ yếu là rừng tự nhiên thường xanh cho nên nguồn nước trong KBTTN An Toàn tương đối dồi dào. Trong khu bảo tồn có 1 hệ thủy chính là hệ thống thượng nguồn sông Kôn, có chiều dài khoảng 30 km bắt nguồn từ phía Đông - Bắc, chảy theo hướng Tây - Nam. Trong hệ thống thượng nguồn sông Kôn gồm 2 hệ thủy phụ lưu sông Kôn là:

- Hệ thống sông Mia: Là phụ lưu của sông Kôn, có chiều dài khoảng 15 km bắt nguồn từ phía Bắc KBTTN An Toàn, chảy theo hướng Nam rồi hợp lưu vào sông Kôn. Đây là hệ thuỷ bổ sung nguồn nước đáng kể cho sông Kôn.

- Hệ thống sông Trinh: Là phụ lưu của sông Kôn, có chiều dài khoảng 17 km bắt nguồn từ phía Đông KBTTN An Toàn, theo hướng Nam rồi hợp lưu vào sông Kôn. Đây cũng là hệ thuỷ bổ sung nguồn nước đáng kể cho sông Kôn. Các hệ thủy này có ảnh hưởng lớn tới hệ thống thủy điện, thủy lợi và tưới tiêu cho vùng hạ lưu sông Kôn. Vì vậy ngoài giá trị về bảo tồn, KBTTN An Toàn còn có chức năng phòng hộ đầu nguồn, đảm bảo nguồn nước quanh năm cho sông Kôn.

3.1.1.4. Đặc điểm địa chất

Theo kết quả điều tra thực địa và kế thừa bản đồ địa chất thổ nhưỡng khu vực xã An Toàn, huyện An Lão của Hội Khoa học đất Việt Nam xây dựng năm 1997. KBTTN An Toàn có nền địa chất bao gồm 2 nhóm chính như sau:

- Nhóm đá Macma Acid kết tính chua (chủ yếu các loại đá Granit); - Nhóm đá Macma kiềm trung tính (chủ yếu là đá Bazan).

3.1.1.5. Tài nguyên rừng

a) Thực vật rừng

Theo kết quả xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững KBTTN An Toàn đến năm 2020, cho thấy thực vật rừng trong KBTTN An Toàn khá đa dạng, phong phú. Qua kết quả điều tra ban đầu đã thống kê, lập bảng danh mục thực vật được 547 loài thuộc 304 chi của 110 họ trong 3 ngành: Hạt trần (Pynophyta), Hạt kín (Magnoliophyta) và Khuyết thực vật (Psilotophyta).

Bảng 3.1. Thành phần thực vật bậc cao ở KBTTN An Toàn TT Ngành thực vật Họ Chi Loài Tỷ lệ % Tổng 110 304 547 100 1 Ngành Hạt trần (Pynophyta) 2 4 6 1,1 2 Ngành Hạt kín (Magnoliophyta) 94 285 520 95,1 2.1 Lớp 2 lá mầm (Magnoliopsida) 80 234 435 79,6 2.2 Lớp 1 lá mầm (Liliopsida) 14 51 85 15,5 3 Khuyết thực vật (Psilotophyta) 14 15 21 3,8

(Nguồn: Báo cáo Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững KBTTN An Toàn đến năm 2020)

b) Khu hệ động vật

Theo kết quả điều tra ban đầu đã ghi nhận được 300 loài thuộc 89 họ trong 28 bộ của 4 lớp động vật có xương sống là Thú, Chim, Bò sát và Lưỡng thê.

Bảng 3.2. Kết quả điều tra khu hệ động vật rừng

Thứ tự Lớp Số lượng Bộ Họ Loài 1 Thú 11 27 83 2 Chim 14 45 141 3 Bò sát 2 13 47 4 Lưỡng thê 1 7 29 Tổng 28 92 300

(Nguồn: Báo cáo Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững KBTTN An Toàn đến năm 2020)

Mặc dù chỉ mới điều tra bước đầu và chỉ dừng lại ở kết quả khảo sát 4 lớp động vật có xương sống, nhưng số liệu cho thấy tính đa dạng loài ở KBTTN An Toàn khá cao. Đáng chú ý là thành phần loài lớp Thú, Bò sát là 2 nhóm thường bị săn bắt mạnh nhất vẫn còn phong phú (43,3% tổng số loài).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tích hợp tư liệu viễn thám và GIS để giám sát biến động hiện trạng rừng tại khu bảo tồn thiên nhiên an toàn, huyện an lão, tỉnh bình định (Trang 51 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)