3.1.1. Điều kiện tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lý
Lệ Thủy là huyện nằm ở phía Nam của tỉnh Quảng Bình, có diện tích tự nhiên 140.180,45 ha, có toạ độ địa lý: 106º25’-106º59’ kinh Đông; 16º55’-17º22’ vĩ Bắc. Phạm vi địa giới hành chính:
- Phía Bắc giáp huyện Quảng Ninh.
- Phía Nam giáp huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. - Phía Đông giáp biển Đông.
- Phía Tây giáp tỉnh Savanakhẹt của nước CHDCND Lào.
Hình 3.1. Sơ đồ hành chính huyện Lệ Thủy
(Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình. 2017)
3.1.1.2. Đặc điểm địa hình
Địa hình huyện Lệ Thủy được chia làm ba lớp: núi thấp, đồi và đồng bằng. Địa hình nghiêng trung bình 6 độ theo hướng Tây - Bắc, Đông - Nam, đồi núi chiếm 77% diện tích tự nhiên.
- Địa hình núi thấp: Vùng núi thấp chiếm phần nhiều diện tích đất của huyện, có độ cao trung bình 600 - 800 m, độ dốc 20 – 25 độ, tập trung ở phía Tây đường Hồ
Chí Minh đến biên giới Việt - Lào, phân bố chủ yếu ở xã Sơn Thuỷ, Lâm Thủy, Ngân Thủy và Kim Thủy. Đây là một phần của dãy Trường Sơn gồm nhiều núi đá vôi, địa hình chia cắt mạnh, nhiều hẻm sâu và phía trên mặt ít gặp dòng chảy. Trong vùng núi có thung lũng đất đai khá màu mỡ, có điều kiện để phát triển chăn nuôi gia súc, trồng cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày.
- Địa hình gò đồi: Vùng gò đồi là vùng chuyển tiếp từ khu vực núi thấp ở phía Tây với vùng đồng bằng ở phía Đông, có nguồn gốc bóc mòn tổng hợp, độ cao trung bình từ 30 - 100 m dọc 2 bên đường Hồ Chí Minh Đông kéo dài từ Bắc xuống Nam huyện, thuộc thị trấn Nông trường Lệ Ninh và các xã: Thái Thủy, Sơn Thuỷ, Phú Thuỷ... Diện tích đất đồi chiếm khoảng 21,5% diện tích đất tự nhiên. Càng về phía Nam, vùng đồi càng được mở rộng. Địa hình vùng gò đồi thường có dạng úp bát sườn thoải, nhiều cây bụi, độ dốc bình quân từ 10 -20 độ. Đây là vùng có nhiều tiềm năng cho phát triển cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc với quy mô tương đối lớn.
- Địa hình đồng bằng: Bao gồm đồng bằng phù sa nội đồng và đồng bằng cát ven biển.
+ Đối với vùng đồng phù sa nội đồng: Có địa hình thấp, bằng phẳng, chiều rộng (Đông - Tây) bình quân 5 - 7 km, độ cao từ (-2,00) đến (+2,50 m). Giữa đồng bằng có sông Kiến Giang và các phụ lưu gồm: Rào Sen, Rào An Mã, Rào Ngò, Mỹ Đức, Phú Kỳ, Thạch Bàn....Vùng đồng bằng có độ cao không lớn, hàng năm thường bị ngập lụt từ 2 đến 3 m và được phù sa bồi đắp nên đất đai khá màu mỡ, vùng này có nhiều nơi thấp hơn mực nước biển nên chịu ảnh hưởng của thủy triều vì vậy hay bị nhiễm mặn, chua phèn. Đây là nơi tập trung sản xuất lương thực, thực phẩm chính của huyện với các loại cây chủ yếu như lúa, khoai lang, lạc, rau, củ, quả, nuôi thủy sản, chăn nuôi lợn, gia cầm.
+ Đồng bằng cát ven biển chủ yếu gồm các đồn cát, đụn cát, đồi cát có độ cao dưới 10m, tuy nhiên cũng có những cồn cát cao đến 30 m. Diện tích vùng cát chiếm khoảng 11,46% diện tích đất tự nhiên toàn huyện. Thành phần của đất chủ yếu là cát hạt mịn, lượng SiO2 chiếm 97 - 99%, độ liên kết kém nên dễ bị di động do gió, dòng chảy. Vùng cát ven biển có nước ngầm khá phong phú, ngoài ra có một số bàu, đầm nước ngọt như Bàu Sen, Bàu Dum...là nguồn cung cấp nước cho sản xuất và đồi sống của nhân dân trong vùng. Vùng cát ven biển có tiềm năng về phát triển nghề biển và đặc biệt là phát triển nuôi trồng thủy sản công nghiệp và du lịch biển.
3.1.1.3. Khí hậu, thủy văn
Về khí hậu, huyện Lệ Thủy nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với đặc trưng của khí hậu vùng Bắc Trung Bộ: có nền nhiệt cao, chế độ ánh sáng và mưa, ẩm dồi dào... Tuy nhiên, Lệ Thủy cũng nằm trong vùng có khí hậu tương đối khắc nghiệt, mỗi năm hình thành 2 mùa tương đối rõ rệt: Trong mùa khô thường có gió mùa Tây
Nam (người dân thường gọi là “Gió Lào”) sau khi đi qua lục địa Thái- Lào và dãy Trường Sơn bị mất độ ẩm nên gây ra khô nóng gay gắt. Mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc (thường gọi là ”Gió Nồm”), thường xảy ra mưa lớn gây ra lũ lụt.
Nhiệt độ trung bình năm của huyện 24,200C. Lượng mưa bình quân hàng năm tương đối cao khoảng từ 1.900- 2.100 mm, phân bố không đều theo vùng và theo mùa. Mùa mưa, lượng mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn thường gây nên lũ lụt; mùa hè, thời gian mưa ít kéo dài thường gây nên thiếu nước, khô hạn.... Độ ẩm không khí trung bình năm của huyện Lệ Thủy vào khoảng 84,90%. Số giờ nắng khá cao, trung bình 5-6 giờ/ngày. Các tháng có số giờ nắng cao thường vào tháng 5, 6, 7, đạt trên 150 giờ. Số giờ nắng trung bình khoảng 1400 giờ/năm.
Về thủy văn: Khác với nhiều con sông khác ở miền Trung, sông Kiến Giang bắt nguồn từ dãy Trường Sơn chảy về biển, nhưng khi đến vùng đồng bằng bị dãy cát ven biển chặn lại nên chảy về phía Bắc, gặp sông Đại Giang tại xã Hiền Ninh huyện Quảng Ninh thành sông Nhật Lệ và đổ ra biển tại cửa Nhật Lệ, thành phố Đồng Hới. Nhờ sông Kiến Giang uốn lợn quanh co nên nhận thêm các phụ lưu chính như: Rào Con, Rào Ngò, Rào Sen, Rào Phú Hoà, Phú Kỳ, Mỹ Đức nên tạo ra vùng đồng bằng 2 huyện Quảng Ninh - Lệ Thủy rộng lớn, màu mỡ cùng nhiều đầm phá nước lợ với sự đa dạng sinh học cao. Sông suối ở Lệ Thuỷ có đặc điểm là chiều dài ngắn, dốc nên tốc độ dòng chảy lớn. Sự phân bố dòng chảy ở Lệ Thuỷ theo mùa rõ rệt. Mùa mưa thường gây lũ lụt, Mùa khô ít mưa, vùng đất thấp ở hạ lưu sông Kiến Giang nhiễm mặn, phèn ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp.
Về thiên tai: Nhiều năm về mùa mưa thường có lũ lụt trên diện rộng và bão lốc; mùa khô nắng gắt có gió Tây Nam khô nóng lượng nước bốc hơi lớn đạt 200mm/tháng, độ ẩm không khí thấp, gây hạn hán nghiêm trọng. Đây là những yếu tố gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và thủy sản, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Nhìn chung huyện Lệ Thủy nằm trong vùng khí hậu tương đối khắc nghiệt, trong những năm gần đây có nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc, bão tố, mưa lớn kéo dài, gió mùa Tây nam khô nóng, lũ, lụt, hạn hán.... đã gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
3.1.1.5. Các nguồn tài nguyên
a. Tài nguyên đất
Qua nghiên cứu điều tra phân loại đất ở huyện Lệ Thuỷ cho thấy toàn huyện có 20 loại đất thuộc 10 nhóm đất với 33 đơn vị đất. Trong đó nhóm đất xám có diện tích lớn nhất huyện Lệ Thuỷ với khoảng 101.169,38 ha chiếm 72,17% diện tích đất tự nhiên của toàn huyện, phân bố ở các xã phía Tây và phía Nam của huyện. Kế đến là
nhóm đất cát có diện tích khá lơn gồm 2 đơn vị đất là: Cồn cát trắng vàng (Cc) và đất cát biển trung tính ít chua (C), tập trung chủ yếu ở các xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam, Hồng Thủy, Hưng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy. Chiếm diện tích nhỏ nhất là nhóm đất mặn với khoảng 545,59 ha, được hình thành từ những sản phẩm phù sa sông, lắng đọng trong môi trường nước mặn, phân bố ở vùng hạ lưu sông Kiến Giang (Hồng Thủy, An Thủy...)
Tài nguyên đất của huyện Lệ Thủy có sự phong phú về nhóm, loại đất nên quá trình khai thác sử dụng có thể cho phép đa dạng hóa các loại hình sử dụng với nhiều loại cây trồng như cây rừng, cây ăn trái, cây công nghiệp dài ngày và các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình và đặc điểm khí hậu nên phần lớn đất nghèo dinh dưỡng, một số nơi bị xói mòn, rửa trôi nghiêm trọng...Vì vậy để góp phần khai thác tốt nguồn tài nguyên đất đai, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đòi hỏi phải có sự đầu tư thỏa đáng, đặc biệt là các công trình thủy lợi; đồng thời bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ nhằm tăng cường khả năng giữ nước.
b. Tài nguyên rừng
Theo báo cáo thống kê đất đai đến tháng 9/2017 và rà soát quy hoạch 3 loại rừng, toàn huyện Lệ Thuỷ có 104.606,72 ha rừng (Trong đó bao gồm: Rừng sản xuất có 82.660,35 ha và rừng phòng hộ có 21.946,37 ha), chiếm 74,61% diện tích tự nhiên. Rừng có nhiều gỗ quý như: lim, táu, sến…đặc sản dưới tán rừng khá đa dạng, phong phú và có giá trị kinh tế cao như: song, mây, trầm kỳ… Đặc biệt có hàng ngàn ha thông nhựa đang thời kỳ khai thác cung cấp nguyên liệu quý cho công nghiệp chế biến Côlôphan và sản phẩm sau Côlôphan (mực in, Vécni, sơn bóng...) phục vụ cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chim thú trong rừng khá phong phú, đa dạng gồm nhiều loài như vẹt, nai, sơn dương, sóc...
Tuy nhiên trong quá trình phát triển do khai thác, chuyển đổi đất rừng sang các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp đã khiến diện tích rừng giảm đáng kể, đe doạ môi trường sống của nhiều loài, làm giảm tính đa dạng sinh học.
c. Tài nguyên khoáng sản
Trên địa bàn huyện tập trung một số loại khoáng sản có thể khai thác phục vụ phát triển kinh tế như sau:
* Nhóm kim loại gồm:
- Vàng, bạc: Được phân bố chủ yếu ở phía Nam huyện Lệ Thuỷ, hiện nay đang thăm dò, khả năng có trữ lượng công nghiệp.
- Sắt: Điểm có giá trị và quy mô lớn hơn các mỏ sắt khác tại Quảng Bình phát hiện ở xã Sen Thuỷ và Hoàng Viễn (Sơn Thuỷ).
- Inmenít (Titan): phân bố ven biển xã Sen Thủy, Ngư Thuỷ Nam. Điểm ở Ngư Thuỷ Nam có trữ lượng khá, còn lại các điểm khác có trữ lượng nhỏ, ít có triển vọng công nghiệp. Việc khai thác quặng titan ở khu vực ven biển sẽ gây tác hại đến môi trường sinh thái. Vì vậy cần phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác loại quặng này.
- Chì kẽm: Tại vùng núi xã Sơn Thủy có mỏ chì kẽm Mỹ Đức. Trước năm 1930 thực dân Pháp đã có khai thác hiện nay còn lại một số hầm lò. Theo báo cáo của Liên đoàn địa chất Bắc miền Trung thì mỏ chì kẽm Mỹ Đức ít khả năng có trữ lượng công nghiệp.
* Nhóm phi kim loại:
- Đá vôi: Tập trung vùng phía tây huyện ở các xã Sơn Thuỷ, Ngân Thuỷ và Lâm Thuỷ, Kim Thuỷ có diện tích trên 700 ha. Hiện nay nhiều mỏ đã được thăm dò và cấp phép khai thác là đá xây dựng. Nguồn đá vôi của Lệ Thuỷ khá phong phú đáp ứng cho nhu cầu đá xây dựng các loại vùng phía nam tỉnh và phía Bắc Quảng Trị. Tuy nhiên chủ yếu phân bố ở vùng các xã miền núi nên hạn chế về giá trị kinh tế.
- Sét gạch ngói: Có ở Đại Giang với trữ lượng khoảng 0,58 triệu m3. Phú Kỳ khoảng 1,8 triệu m3... Các nguồn nguyên liệu sét có chất lượng tốt. Hiện nay đang được khai thác để sản xuất gạch ngói.
- Cát xây dựng: Chủ yếu ở thượng nguồn sông Kiến Giang, có trữ lượng đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn, song do việc quản lý vẫn còn một số hạn chế nên người dân đã khai thác trái phép một số nơi làm ô nhiểm môi trường và gây xói lở ở 2 bờ sông Kiến Giang. Ngoài ra, huyện còn có mỏ cát trắng ở Hưng Thủy trữ lượng lớn, tỷ lệ SiO2 > 97% có khả năng làm nguyên liệu để sản xuất gạch không nung (Blook), sản xuất màng mỏng silit trong công nghệ tin học, quang học, pin mặt trời và sản xuất thuỷ tinh cao cấp.
- Nước khoáng nóng Bang: Được khai thác để sản xuất nước khoáng đóng chai, nguồn nước khoáng Bang được phân bố thành vùng nhỏ với 30 điểm phun, nhiệt độ sôi tại lỗ phun trên 1050C, có áp lực và lưu lượng khá lớn (3,54 lít/giây), chất lượng nước khá tốt. Ngành y tế xác nhận nguồn nước khoáng này không chỉ có giá trị về sản xuất nước giải khát mà còn có tác dụng chữa bệnh. Do nguồn nước khoáng có nhiệt độ cao và nằm khá sâu nên các nhà khoa học dự đón ở đây có thể xây dựng nhà máy điện địa nhiệt công suất 30 - 40MW mà không ảnh hưởng đến chất lượng, trữ lượng mỏ nước khoáng cũng như môi trường.
d. Tài nguyên nước
Sông Kiến Giang và một số sông suối nhỏ khác là điều kiện thuận lợi cho việc vận tải thuỷ và nuôi trồng thuỷ sản. Các công trình đại thủy nông, trung thủy nông
như: hồ An Mã, Phú Hòa… và một loạt hồ chứa nhỏ khác với dung tích hàng trăm triệu m3 nước, thuận lợi cho việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngăn lũ, phân lũ phục vụ sinh hoạt cho nhân dân và cho công nghiệp trong tương lai.
Lượng nước sông Kiến Giang tuy khá lớn nhưng việc sử dụng phục vụ cho nông nghiệp và sinh hoạt còn bị hạn chế do bị khô hạn và bốc mặn ở hạ lưu vào mùa khô và bị ngập lụt vào mùa mưa.
Nước ngầm ở Lệ Thuỷ khá phong phú nhưng phân bố không đều và mức độ nông sâu thay đổi phụ thuộc vào địa hình và lượng mưa. Vùng đồng bằng có mực nước ngầm nông và dồi dào, vùng đồi núi mực nước ngầm sâu và dễ bị cạn kiệt vào mùa khô.
Chất lượng nước ở Lệ Thuỷ nhìn chung khá tốt thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây trồng cũng như sinh hoạt của nhân dân. Riêng với các xã ở hạ lưu sông Kiến Giang do bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, nên nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô còn khó khăn.
e. Tài nguyên biển
Huyện Lệ Thuỷ có đường bờ biển dài 30 km từ Ngư Thủy Bắc đến Ngư Thủy Nam. Với ngư trường rộng hàng trăm hải lý, có nguồn lợi hải sản phong phú và có nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao trong xuất khẩu và tiêu dùng như tôm hùm, mực, cá thu, cá chim...
Vùng đất cát ven biển của huyện với diện tích tự nhiên khoảng 10,90 nghìn ha, nơi rộng nhất 7 km, có độ cao trung bình 10 - 20m. Cát trong khu vực này có khả năng dùng làm nguyên liệu thuỷ tinh và làm gạch silicat, đồng thời đây là vùng có điều kiện mở rộng, phát triển du lịch biển với nhiều bãi tắm sạch đẹp.
f. Tài nguyên du lịch
Lệ Thủy nổi tiếng về làng quê “gạo trắng nước trong” có bờ biển dài, nhiều bãi cát rộng, thoải, sạch, được bao bọc bởi hệ thống rừng phòng hộ ven biển đẹp và mát, đồng thời với tổng lượng bức xạ lớn (khoảng 1750 – 1900 giờ nắng trong năm) là điều kiện thuận lợi cho nghỉ dưỡng và du lịch biển. Bên cạnh đó hệ thống các đầm phá như Bàu Dum, Bàu Sen (Sen Thủy), phá Hạc Hải, Hồ An Mã vừa có thể khai thác để nuôi trồng thủy sản vừa có thể kết hợp phát triển du lịch sinh thái.
Suối nước nóng Bang là một tiềm năng lớn đang được Tập đoàn Đông Dương đầu tư xây dựng thành một điểm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng - chữa bệnh có giá trị không chỉ của địa phương mà của cả tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ.
Lệ Thủy còn có nhiều di tích lịch sử và nhân vật lịch sử khá nổi tiếng như thành nhà Ngô Liên Thủy, chùa Hoằng Phúc Mỹ Thủy, nhà thờ danh tướng Hoàng Hối
Khanh, lăng mộ Lễ thành hầu Thượng đẳng công thần và khai quốc công thần Nguyễn Hữu Cảnh, nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
3.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội
3.1.2.1. Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Từ năm 2012 đến năm 2016, nền kinh tế huyện Lệ Thủy luôn có mức tăng trưởng