Kiến nghị, giải pháp hoàn thiện pháp luật

Một phần của tài liệu Quyền và nghĩa vụ của bị can theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 64 - 68)

Trong phạm vi nghiên cứu của Luận văn, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu các quy định của BLTTHS về quyền và nghĩa vụ của bị can, tuy nhiên phần kiến nghị hoàn thiện pháp luật, chúng tôi sẽ đề cập, kiến nghị đến một số nhóm vấn đề có liên quan nhằm tạo cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền này, ràng buộc trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng, hạn chế thấp nhất các trường hợp vi phạm quyền và nghĩa vụ của bị can. Theo đó, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị như sau:

* Một là, về việc thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của bị can

Để đảm bảo cho quá trình giải quyết vụ án nói chung, hỏi cung bị can nói riêng, bị can có thể nắm rõ các quyền và nghĩa vụ của mình thì cần sửa đổi quy định BLTTHS hiện hành và quy định liên quan gồm:

- Về việc giải thích quyền và nghĩa vụ của bị can tại Điều 183 như sau: “Trước khi tiến hành hỏi cung, Điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ …”. Tức là, trước khi tiến hành tất cả các lần hỏi cung, bị can phải được thông báo, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của mình để có thể hiểu và thực hiện.

- Trong mẫu Biên bản hỏi cung được ban hành kèm theo Thông tư 61/2017/TT-BCA ngày 14/12/2017 của Bộ Công an (Biểu mẫu 177) có sẵn nội dung về việc đọc, giải thích quyền và nghĩa vụ của bị can như sau: “Bị can...đã được giải thích quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự và ký tên xác nhận dưới đây”, theo chúng tôi cần thiết bỏ nội dung trên trong Biên bản hỏi cung, đồng thời đưa đầy đủ nội dung quyền và nghĩa vụ của bị can (Điều 60 BLTTHS) vào bên dưới nội dung thông tin bị can, bên trên phần “hỏi và đáp”. Việc quy định như trên, tránh trường hợp người tiến hành tố tụng bỏ qua việc giải thích quyền và nghĩa vụ nhưng vẫn yêu cầu bị can ký xác nhận, đồng thời trong mọi trường hợp thì bị can vẫn có thể nắm được thông tin về quyền và nghĩa vụ của bị can. Đồng thời cần bổ sung quy định tại Điều 183 BLTTHS như sau: “Trước khi tiến hành hỏi cung, Điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ. Sau khi giải thích cho bị can phải hỏi bị can về yêu cầu của mình. Việc này phải ghi vào biên bản” để có thể tạo điều kiện cho bị can được thực hiện các quyền yêu cầu sau khi biết rõ quyền của mình, hoặc sử dụng “quyền im lặng” trong quá trình hỏi cung bị can.

* Hai là, quyền đưa ra chứng cứ, đồ vật, tài liệu

BLTTHS hiện hành ghi nhận quyền này, nhưng để những chứng cứ, đồ vật, tài liệu này có giá trị trong việc giải quyết vụ án thì cần được đưa vào hồ sơ vụ án, quy định pháp luật đòi hỏi phải có “tính công bằng” giữa các bị can, đặc biệt các bị can đang bị tạm giam bị hạn chế các quyền trong đó có quyền tự do đi lại thì việc đưa ra các chứng cứ, đồ vật, tài liệu nhằm bảo vệ cho mình trước các chứng cứ buộc tội của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Tại khoản 3, 4 Điều 88 BLTTHS 2015 quy định về thu thập chứng cứ như sau:

“3. Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.

4. Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này.”

Theo quan điểm của chúng tôi, để các chứng cứ, đồ vật, tài liệu do bị can đưa ra ở giai đoạn điều tra, truy tố được ghi nhận vào hồ sơ vụ án và trở thành tình tiết phục vụ giải quyết vụ án thì cần quy định bổ sung tại khoản 3 Điều 88 BLTTHS như sau: “3. Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án. Trường hợp bị can, bị cáo đang bị tạm giam yêu cầu đưa ra các chứng cứ, tài liệu, đồ vật nhằm phục vụ giải quyết vụ án thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tiến hành thu thập theo quy định

của Bộ luật này.

Việc bổ sung quy định này tuy rằng không thuộc quy phạm pháp luật về quyền và nghĩa vụ của bị can, nhưng có tác động, ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng khi phải đưa vào hồ sơ vụ án các chứng cứ, đồ vật, tài liệu có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

* Ba là, thực hiện quyền yêu cầu của bị can

Luận văn đã đề cập đến quyền yêu cầu của bị can bao gồm: quyền đưa ra yêu cầu được quy định tại điểm đ khoản 01 Điều 60 BLTTHS năm 2015 và quyền yêu

cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá quy định tại điểm e khoản 01 Điều 60 Bộ luật này.

Đối với quyền đưa ra yêu cầu được quy định tại điểm đ khoản 01 Điều 60 BLTTHS năm 2015, theo quan điểm của chúng tôi là việc bị can được đưa ra các yêu cầu liên quan đến các quyền của bị can như: yêu cầu ĐTV thông báo quyền và nghĩa vụ của bị can; yêu cầu được biết lý do mình khởi tố… hoặc các yêu cầu khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Do đó cần thiết bổ sung quy định tại điểm đ khoản 01 Điều 60 BLTTHS năm 2015 như sau: “Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật,

yêu cầu thực hiện quyền theo quy định Bộ luật này”. Quy định cụ thể như trên

giúp cho bị can và chính những người tiến hành tố tụng hiểu rõ hơn về quyền đưa ra yêu cầu này, đồng thời cũng phân biệt với quyền yêu cầu được ghi nhận tại điểm e khoản 01 Điều 60 BLTTHS phân tích dưới đây.

Đối với quyền yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá về chứng cứ, đồ vật, tài liệu quy định tại điểm e khoản 01 Điều 60 BLTTHS khá rõ ràng, cụ thể về quyền của bị can. Tuy nhiên, để có thể thực hiện cả hai quyền yêu cầu được đảm bảo và thể hiện rõ trình tự, thủ tục trong hồ sơ vụ án, chúng tôi kiến nghị bổ sung thêm một số vấn đề sau:

- Bổ sung trách nhiệm của ĐTV và KSV quy định trong BLTTHS hiện hành tại các Điều 37 (Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của ĐTV) và Điều 42 (Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của KSV) như sau: “Xác minh và thực hiện các yêu cầu của người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này”. Việc thực hiện các yêu cầu của người tham gia tố tụng, trong đó có bị can là trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng được BLTTHS ghi nhận, tuy nhiên không phải tất cả các yêu cầu đều được thực hiện, điều này sẽ gây khó khăn, nhiễu loạn thông tin và kéo dài thời gian giải quyết. Do đó, chúng tôi đề nghị cần phải xác minh các yêu cầu trước khi thực hiện trên cơ sở các quy định quyền và nghĩa vụ của bị can.

- Bổ sung quy định về giải quyết yêu cầu, đề nghị của người tham gia tố tụng được quy định tại khoản 01 Điều 175 BLTTHS năm 2015 như sau: “Khi người tham gia tố tụng có yêu cầu, đề nghị về những vấn đề liên quan đến vụ án thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát trong phạm vi trách nhiệm của mình giải quyết yêu cầu, đề nghị đó và báo cho họ biết kết quả. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu, đề nghị thì Cơ quan

điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc Viện kiểm sát phải trả lời và nêu rõ lý do. Việc tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu,

đề nghị phải được lập thành biên bản theo quy định tại Điều 133 Bộ luật này..

Việc bổ sung quy định này ràng buộc trách nhiệm cho người tiến hành tố tụng, bắt buộc họ phải ghi nhận và giải quyết các yêu cầu, đề nghị này cả trong trường hợp các yêu cầu, đề nghị này không đúng quy định.

* Bốn là, thực hiện quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa

Để đảm bảo thực hiện được quyền này, với những tồn tại được đề cập ở mục trên, chúng tôi đề xuất liên ngành trung ương cần hướng dẫn cụ thể thực hiện quyền này, bổ sung một số nội dung sau:

- Quy định thời gian, địa điểm đọc, ghi chép các tài liệu này. Cụ thể: bị can được đọc, ghi chép trong thời gian đảm bảo để có thể có được đầy đủ các tài liệu buộc tội, gỡ tội của mình, vừa đảm bảo hoạt động bình thường của các cơ quan tiến hành tố tụng; địa điểm đọc, ghi chép phải được thực hiện tại cơ sở giam giữ hoặc tại cơ quan tiến hành tố tụng nhằm đảm bảo tính bảo mật của hồ sơ vụ án.

- Bổ sung quy định trong Luật thi hành tạm giữ, tạm giam về việc được đưa các tài liệu ghi chép liên quan đến việc buộc tội, gỡ tộivào buồng giam giữ đối với các bị can đang bị tạm giam tại cơ sở giam, giữ.

* Năm là, hạn chế việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam trong giai đoạn điều tra

Một nội dung quan trọng để bảo đảm quyền con người trong TTHS đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay là việc hạn chế áp dụng các biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam, hạn chế các hình phạt tù, tử hình đặc biệt đối với người chưa thành niên, phụ nữ có thai, đang nuôi con nhỏ hoặc già yếu. Đối với bị can trong giai đoạn điều tra việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam trong giai đoạn hiện nay tuy rằng đã giảm so với trước đây nhưng vẫn tồn tại sự “lạm dụng” biện pháp ngăn chặn này. Để giải quyết tồn tại này, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 119 BLTTHS năm 2015 về các điều kiện có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam như sau:

- Bỏ quy định “...có dấu hiệu bỏ trốn” tại điểm c khoản 02 Điều 119 BLTTHS. Chúng tôi đề nghị bỏ quy định này vì đây là điều kiện mang tính “hình thức” và việc xác định “dấu hiệu” bỏ trốn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của những người tiến hành tố tụng. Do đó, đây là kẽ hở cho việc lạm dụng biện pháp tạm giam đối với bị can khi xét thấy bị can không hợp tác, là đối tượng có nhân thân xấu,… Điều này tạo điều kiện xâm phạm đến các quyền và nghĩa vụ của bị can trong quá trình tạm giam.

- Cụ thể hơn quy định “Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm nghĩa vụ theo quy định” tại điểm a khoản 02 Điều 119 BLTTHS. Cần thiết bổ sung cụm từ trên vì khái niệm “vi phạm” có nội hàm rất rộng bao gồm các vi phạm hành chính, vi phạm trong công tác, vi phạm pháp luật hình sự, vi phạm cam kết khi áp dụng biện pháp ngăn chặn khác… Giả sử, bị can đang bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú nhưng quá trình tham gia giao thông bị phạt hành chính về hành vi lấn làn đường thì vẫn có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn nếu hiểu theo nghĩa rộng của từ “vi phạm”. Do đó, cần thiết quy định cụ thể hơn để bị can có thể hiểu rõ các quyền và nghĩa vụ của mình trong TTHS.

Tóm lại để đảm bảo việc hoàn thiện các quy định về quyền và nghĩa vụ của bị can, ngoài việc chú trọng vào các quy định tại Điều 60 BLTTHS năm 2015, các nhà lập pháp và các nhà nghiên cứu cần xem xét đến tính đồng bộ và pháp điển hóa các quy định khác trong BLTTHS và pháp luật khác để tạo cơ sở cho việc thi hành pháp luật này.

Một phần của tài liệu Quyền và nghĩa vụ của bị can theo luật tố tụng hình sự việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 64 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)