* Một là, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức pháp luật của những người tiến hành tố tụng
Cải cách tư pháp là một nội dung quan trọng trong đường lối lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng ta, luôn được đề cập trong các văn kiện quan trọng của Đảng. Kể từ khi đề ra đường lối đổi mới đất nước trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đất nước ta đã thực sự đổi mới sâu sắc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, pháp luật. Vấn đề cải cách tư pháp đã được ghi nhận tại Nghị quyết Trung ương 8 khóa VII, Nghị quyết Trung ương 7 khóa VIII và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 9, đặc biệt Nghị quyết số 08 ngày 02/01/2001 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị
quyết số 49 ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm. Một trong những nhiệm vụ trong tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới được Đảng ta xác định “Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh”.
Để thực hiện tốt hơn việc đảm bảo quyền và nghĩa vụ của bị can trong TTHS, bên cạnh việc nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thông quá việc tuyển đầu vào, tập huấn hằng năm, đào tạo lại (khi cần thiết), chúng ta cũng phải đặc biệt chú tâm đến việc xây dựng ý thức nghề nghiệp của mỗi cán bộ. Điều này lâu nay cũng đã được chú trọng hơn trong hệ thống cơ quan tư pháp, cụ thể như Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 27/2017/TT-BCA ngày 22/8/2017 quy định về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân hoặc VKSND tối cao ban hành Quyết định số 46/QĐ- VKSTC ngày 20/02/2017 quy định về quy tắc ứng xử của KSV khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án. Tuy nhiên, trên thực tế việc quản lý, đánh giá, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong quy tắc ứng xử này rất khó khăn. Do đó, chúng tôi đề xuất một số giải pháp để tăng cường hơn nữa chất lượng công tác này như sau:
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ, nhất là kỹ năng tố tụng cho đội ngũ cán bộ tư pháp, cùng với đó phải đào tạo cả về ý thức nghề nghiệp, các quy định liên quan giữa ý thức nghề nghiệp và quyền con người;
- Tăng cường công tác thanh tra của từng ngành, các hoạt động giám sát của VKS nhằm phát hiện các vi phạm nghiêm trọng thủ tục, xâm phạm đến quyền của bị can để có biện pháp khắc phục về tố tụng như kiến nghị, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để hủy các bản án, quyết định tố tụng vi phạm pháp luật.
- Tạo điều kiện cho sự phát triển của nghề Luật sự cả về số lượng và chất lượng. Đây là lực lượng quan trọng trong hoạt động TTHS, bảo đảm không vi phạm các quyền của bị can (là thân chủ mà họ bào chữa), hoạt động của lực lượng này tạo ý thức pháp luật cho chính những người tiến hành tố tụng.
* Hai là, chú trọng công tác giải thích pháp luật, hướng dẫn áp dụng pháp luật
Trong công tác giải quyết các vụ án hình sự vẫn còn tồn tại nhiều vụ án oan sai, áp dụng pháp luật TTHS không đúng dẫn đến xâm phạm quyền và nghĩa vụ của bị can. Lỗi này xuất phát từ nhận thức sai lầm về pháp luật của những người tiến
hành tố tụng. Do đó các cơ quan có thẩm quyền cần tập trung hướng dẫn một số vấn đề sau có liên quan:
- Hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn nữa về luật nội dung (tức là Bộ luật Hình sự hiện hành). Đây là cơ sở đầu tiên để những người tiến hành tố tụng áp dụng các trình tự, thủ tục đối với bị can, tuy nhiên thực tế hiện nay còn nhiều quy định chưa rõ ràng, việc áp dụng pháp luật chưa thống nhất dẫn đến mỗi nơi xử mỗi khác, hàng loạt các Thông báo rút kinh nghiệm của các cơ quan Tòa án, VKS chỉ ra rõ những vấn đề này.
- Hướng dẫn cụ thể hơn nữa việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn được BLTTHS ghi nhận, điều này hạn chế thấp nhất việc lạm dụng áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam của các cơ quan tiến hành tố tụng, gây ảnh hưởng đến các quyền của bị can.
- Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng phải xây dựng các quy chế nghiệp vụ, đặt ra các yêu cầu về thực hiện quyền bào chữa đối với bị can ngoài việc giải thích về quyền bào chữa, tự bào chữa như: cách tiếp cận thông tin người bào chữa, cách thức (hình thức) yêu cầu, việc công khai các thông tin về quyền bào chữa…
* Ba là, tổ chức nhân sự, biên chế và đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện phục vụ cho công tác điều tra, truy tố
Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác điều tra, truy tố cho các cơ quan tư pháp là rất quan trọng nhằm làm cho hoạt động điều tra, truy tố được đảm bảo hiệu lực và hiệu quả. Vấn đề hạn chế về kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ công tác cho các cơ quan tư pháp cũng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động tố tụng ở các giai đoạn điều trs, truy tố làm cho hoạt động này kém hiệu quả, đồng thời ảnh hưởng nhiều đến việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của bị can. Để đảm bảo quyền của bị can về phòng chống bức cung, nhục hình và một số quyền khác như quyền được giải thích quyền và nghĩa vụ, được thông báo về các hoạt động tố tụng… cần phải đảm bảo về cơ sở vật chất kỹ thuật như trụ sở làm việc, các phương tiện ghi âm, ghi hình có tâm thanh, các công cụ phục vụ hoạt động tố tụng, hệ thống nơi giam giữ, phù hợp với quy định mới của BLTTHS hiện hành về việc bắt buộc ghi âm, ghi hình trong hoạt động hỏi cung bị can. Vì vậy, cần phải có lộ trình để đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật như trụ sở làm việc, các phương tiện ghi âm, ghi hình có âm thanh, các công cụ phục vụ hoạt động tố tụng, hệ thống nơi giam, giữ.
* Bốn là, kiện toàn tổ chức, hoạt động của VKSND
Như đã phân tích ở trên về vai trò của VKS trong hoạt động bảo vệ quyền con người nói chung, quyền và nghĩa vụ của bị can nói riêng, chúng tôi cho rằng cần tiếp tục kiện toàn tổ chức hoạt động của VKS theo Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tiến hành đồng bộ về công tác cán bộ trong ngành VKSND theo hướng chuyên biệt rõ giữa bộ phận thực hành quyền công tố và bộ phận kiểm sát hoạt động tư pháp nhưng có sự phân công phối hợp.
* Năm là, phát triển đội ngũ Luật sư bào chữa
Trong lực lượng người bào chữa theo quy định BLTTHS ở Việt Nam hiện nay, luật sư là lực lượng nòng cốt thực hiện các dịch vụ pháp lý và bào chữa trong các vụ việc theo quy định. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng của lực lượng này còn chưa đảm bảo, vẫn còn đó những vụ việc luật sư mang danh “chạy án”62
đã tác động không nhỏ đến ý thức bảo vệ quyền và nghĩa vụ của bị can. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 phê duyệt Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, theo đó đến năm 2020, phát triển số lượng khoảng từ 18.000 đến 20.000 luật sư, đạt tỷ lệ 1/4.500 (số luật sư/số dân) đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Việc phát triển đội ngũ luật sư này cả về chất lượng, lẫn số lượng và quan trọng hơn là ý thức nghề nghiệp sẽ giúp hạn chế các trường hợp xâm phạm đến quyền của bị can trong TTHS. Sự xuất hiện của Luật sư trong các hoạt động tố tụng vừa tạo tâm lý ổn định cho bị can, vừa thu thập các chứng cứ phục vụ cho việc bào chữa, vừa đảm bảo không xảy ra tình trạng người tiến hành tố tụng vi phạm các quyền của bị can.
62
Hải Duyên (2020), Luật sư lừa “chạy án”, Trang thông tin điện tử VNEXPRESS, https://vnexpress.net/ luat-su-lua-chay-an-4040205.html
KẾT LUẬN CHƢƠNG 3
Qua nghiên cứu các quan điểm lập pháp, những tồn tại trong pháp luật TTHS Việt Nam hiện hành và trên cơ sở thực tế, để hoàn thiện hơn nữa pháp luật TTHS về quyền và nghĩa vụ của bị can, chúng tôi đưa ra một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, về cách thức tổ chức pháp luật cần thực hiện đồng bộ việc nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức pháp luật của những người tiến hành tố tụng; chú trọng công tác giải thích pháp luật, hướng dẫn áp dụng pháp luật; hoàn thiện cơ chế bình đẳng giữa người tiến hành tố tụng và bị can; kiện toàn việc tổ chức, hoạt động của ngành VKSND; phát triển đội ngũ Luật sư.
Thứ hai, nhóm giải pháp cụ thể hoàn thiện pháp luật như sau:
- Sửa đổi quy định về việc thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của bị can theo hướng siết chặt hành vi của những người tiến hành tố tụng, đảm bảo cho bị can được tiếp cận các thông tin về quyền và nghĩa vụ của mình;
- Tạo cơ sở pháp lý về trình tự, thủ tục thực hiện quyền đưa ra chứng cứ, đồ vật, tài liệu trong quá trình giải quyết vụ án, đặc biệt đối với các bị can đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam;
- Quy định cụ thể hơn về các quyền yêu cầu của bị can trong TTHS, đảm bảo cho các yêu cầu hợp pháp của bị can được những người tiến hành tố tụng ghi nhận và giải quyết;
- Quy định cụ thể về thời gian, cách thức để thực hiện quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa. Đồng thời sửa đổi quy định về tạm giữ, tạm giam trong Luật thi hành tạm giữ, tạm giam nhằm tạo điều kiện cho các bị can bị tạm giam có khả năng đưa tài liệu này vào buồng giam giữ để nghiên cứu và thực hiện quyền bào chữa;
- Sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam nhằm hạn chế việc lạm dụng biện pháp ngăn chặn này trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
Tóm lại, nội dung chương III tập trung chỉ ra những kết quả đạt được và tồn tại trong quá trình áp dụng quy định về quyền và nghĩa vụ của bị can, đồng thời chỉ ra nguyên nhân cơ bản của những tồn tại này. Từ đó luận văn đưa ra một số nhóm giải pháp với mong muốn phần nào hoàn thiện một số khía cạnh pháp lý của TTHS về quyền và nghĩa vụ của bị can.
PHẦN KẾT LUẬN
Trong sự phát triển kinh tế - xã hội theo chiều hướng đi lên như hiện nay, quyền con người ngày càng được tôn trọng hơn nữa đòi hỏi pháp luật hình sự, tố tụng hình sự phải có sự điều chỉnh phù hợp trong lĩnh vực của mình. Tuy rằng, tình hình vi phạm các quyền và nghĩa vụ bị can trong hoạt động giải quyết các vụ án hình sự đã có chiều hướng giảm xuống rất lớn tuy nhiên với nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động cải cách tư pháp, các nhà làm luật không được quên nhiệm vụ tôn trọng, bảo vệ quyền con người nói chung, quyền tự do dân chủ, quyền bình đẳng trong hoạt động TTHS nói riêng.
Với mục tiêu nghiên cứu, đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chế định quyền và nghĩa vụ của bị can trong TTHS, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, luận văn đã nghiên cứu ở bình diện lý luận và thực tiễn áp dụng.
Về lý luận, luận văn đã tiếp cận ở nhiều phương diện của các quy định về quyền và nghĩa vụ của bị can như: đã đưa ra khái niệm về quyền và nghĩa vụ của bị can là việc mà bị can phải làm hoặc được làm và những việc mà cơ quan có thẩm quyền phải làm với họ trong suốt quá trình tố tụng. Xác định việc quy định quyền và nghĩa vụ của bị can trên cơ sở pháp luật quốc tế, các nguyên tắc cơ bản của BLTTHS Việt Nam, hoạt động kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND và trên cơ sở thực tiễn của hoạt động điều tra, giải quyết vụ án hình sự. Chỉ ra các ý nghĩa của việc quy định quyền và nghĩa vụ của bị can gồm: ý nghĩa về mặt lý luận, ý nghĩa về mặt pháp lý, ý nghĩa về mặt xã hội và ý nghĩa trong thực tiễn. Tìm hiểu nội dung quyền và nghĩa vụ bị can ở Việt Nam và trên thế giới bao gồm các loại quyền, nghĩa vụ nào, luận văn đã phân tích, tổng hợp thành một số nhóm quyền sau: (1) nhóm quyền tiếp cận thông tin buộc tội của các cơ quan tiến hành tố tụng; (2) nhóm quyền tự bào chữa; (3) nhóm quyền tác động đến hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Xác định các cơ chế bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của bị can gồm: nguyên tắc cơ bản của BLTTHS; trình tự, thủ tục tố tụng; các quy định về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng; các quy định về nghĩa vụ của người tiến hành tố tụng; hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật của VKSND.
Trước khi đi vào nghiên cứu về pháp luật TTHS về quyền và nghĩa vụ của bị can, chúng tôi đã nghiên cứu một số quy định pháp luật quốc tế về quyền và nghĩa vụ của bị can trong Công ước Châu Âu về quyền con người và Pháp luật TTHS Hoa
Kỳ. Sau đó, luận văn đã nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển của pháp luật TTHS Việt Nam qua các thời kỳ như: giai đoạn 1945 – 1988; giai đoạn BLTTHS năm 1988 có hiệu lực; giai đoạn BLTTHS năm 2003 có hiệu lực và sau khi BLTTHS năm 2015 (hiện hành) có hiệu lực. Ở mỗi giai đoạn, luận văn chỉ ra những chuyển biến, thay đổi, tính mới của pháp luật TTHS về quyền và nghĩa vụ của bị can, có sự liên hệ so với pháp luật quốc tế để có thể đánh giá trình độ lập pháp của Việt Nam.
Trên cơ sở các quy định pháp luật TTHS hiện hành, luận văn trên cơ sở phân tích, tổng hợp các số liệu báo cáo thể hiện ở nhiều dữ liệu thông tin khác nhau để đánh giá thực tiễn áp dụng quy định quyền và nghĩa vụ của bị can. Trong đó, tập trung chỉ ra những tồn tại, nguyên nhân của những tồn tại trong thực tiễn áp dụng các quy định về một số quyền: (1) thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của bị can; (2) quyền đưa ra chứng cứ, đồ vật, tài liệu; (3) các quyền yêu cầu; (4) quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa. Từ đó, luận văn đã đề xuất một số nhóm giải pháp gồm giải pháp tổ chức thực hiện pháp luật và giải pháp hoàn thiện pháp luật. Trong đó, chúng tôi tập trung nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật TTHS hiện hành và các quy định pháp luật liên quan để giải quyết những tồn tại đề ra, hướng đến việc bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ của bị can.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO A. Danh mục văn bản pháp luật
1.Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa năm 1946;