Như đã đề cập, chủ thể có quyền bãi nhiệm đại biểu Quốc hội là Quốc hội và cử tri. Do đó, điều kiện được đặt ra khi bãi nhiệm đại biểu Quốc hội của hai chủ thể này cũng là khác nhau. Theo Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc sẽ được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (Khoản 2 Điều 40). Việc đặt ra một tỉ lệ cao như vậy có thể lý giải là do tầm quan trọng khi bãi nhiệm một đại biểu dân cử cấp quốc gia và đại biểu đó còn nhận được sự ủy quyền của nhân dân ở địa phương, nhưng khi bị bãi nhiệm lại không có sự tham gia của nhân dân địa phương đó. Do đó, cần một tỷ lệ cao nhằm thể hiện được ý chí của toàn thể nhân dân cả nước, đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích chung và lợi ích địa phương.
Đối với điều kiện cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 không quy định cụ thể mà luật chỉ dừng lại ở quy định rằng, UBTVQH
40
có trách nhiệm ban hành quy trình cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội (Khoản 3 Điều 40). Như vậy có thể suy ra rằng, điều kiện để cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội sẽ được UBTVQH xác định khi cơ quan này ban hành văn bản quy định về quy trình cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội trong thời gian tới. Trong khi đó, nhìn vào kinh nghiệm thực hiện của các nước, điều kiện để cử tri bãi nhiệm thành công đại biểu Quốc hội hay nghị sĩ được đặt trên những tiêu chí như: những người có thể bỏ phiếu trong cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm; tỷ lệ hoặc số tuyệt đối của số cử tri bắt buộc tham gia; tỷ lệ phần trăm hoặc số phiếu tuyệt đối cần thiết ủng hộ hoặc phản đối việc bãi nhiệm,... Chẳng hạn ở Nigeria, nghị sĩ sẽ bị bãi nhiệm nếu có đa số cử tri được đăng ký bỏ phiếu trong khu vực bầu cử nghị sĩ đó tán thành việc bãi nhiệm. Tương tự ở Palau, đại biểu Quốc hội cũng sẽ bị bãi nhiệm nếu có đa số cử tri đồng ý bãi nhiệm. Ở Venezuela, điều kiện để cử tri bãi nhiệm nghị sĩ là khi có số cử tri bằng hoặc lớn hơn số lượng các cử tri bỏ phiếu ủng hộ việc bãi nhiệm, tức là bằng hoặc lớn hơn 25% tổng số cử tri đã đăng ký bỏ phiếu trong cuộc bỏ phiếu và số phiếu ủng hộ cao hơn số phiếu phản đối.41
Có thể nhận thấy, các quốc gia khi quy định về vấn đề này đều có xu hướng đặt ra điều kiện là khá cao, thể hiện quan điểm về tính chất quan trọng khi cử tri bãi nhiệm một người đại diện cho nhân dân ở cấp độ quốc gia. Đây là những kinh nghiệm có thể tham khảo khi xác lập điều kiện để cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội ở nước ta trong thời gian tới.