Thủ tục bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân

Một phần của tài liệu Bãi nhiệm đại biểu dân cử theo pháp luật việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 41 - 46)

Tương tự như thủ tục bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, thủ tục bãi nhiệm đại biểu HĐND có thể được xem xét qua ba giai đoạn sau:

Một là, chủ thể có thẩm quyền đề nghị bãi nhiệm. Theo đó, Khoản 2 Điều 102 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định: “Thường trực HĐND quyết định việc đưa ra HĐND bãi nhiệm đại biểu HĐND hoặc theo đề nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp đưa ra để cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND”. Cũng như Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, chủ thể có quyền đề nghị bãi nhiệm đại biểu HĐND không được Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định một cách tường minh, nhưng từ cách quy định trên có thể suy ra, khi phát hiện đại biểu HĐND cấp nào có biểu hiện hay hành vi sai phạm và không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp là chủ thể có quyền tiến hành đề nghị HĐND cấp đó đưa đại biểu ra bãi nhiệm.

Hai là, tiếp nhận, xem xét đề nghị bãi nhiệm và quyết định đưa ra chủ thể có quyền bãi nhiệm.Theo như quy định tại Khoản 2 Điều 102 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sau khi tiếp nhận đề nghị bãi nhiệm đại biểu HĐND từ Ủy ban MTTQ cùng cấp, Thường trực HĐND có trách nhiệm đưa ra để cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND. Ngoài ra, Thường trực HĐND còn có thể trực tiếp trình ra HĐND cùng cấp về việc bãi nhiệm đại biểu HĐND.

Ba là, chủ thể có quyền tiến hành bãi nhiệm. Đại biểu HĐND có thể bị cử tri hoặc HĐND bãi nhiệm, do đó, thủ tục bãi nhiệm đối với từng chủ thể cũng được pháp luật quy định khác nhau. Cụ thể:

* Đối với trường hợp HĐND bãi nhiệm đại biểu HĐND: Đại biểu HĐND không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu HĐND, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì Thường trực HĐND quyết định việc đưa ra HĐND bãi

nhiệm tại kỳ họp thường lệ HĐND gần nhất hoặc kỳ họp bất thường theo quy định tại Điều 102 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Căn cứ Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005, HĐND bãi nhiệm đại biểu HĐND theo quy định cụ thể sau đây:49

(1) Thường trực HĐND trình HĐND cùng cấp về việc bãi nhiệm đại biểu HĐND; (2) HĐND thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết về việc bãi nhiệm đại biểu HĐND;

(3) Trước khi biểu quyết thông qua nghị quyết, đại biểu HĐND bị đề nghị bãi nhiệm có thể phát biểu ý kiến.

Bên cạnh đó, ngày 14/12/2017, UBTVQH khóa XIV đã ban hành Công văn số 238/UBTVQH14-BCTĐB về việc bãi nhiệm đại biểu HĐND. Căn cứ theo quy trình được quy định tại Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005, công văn này đã có sự hướng dẫn một cách chi tiết, cụ thể hơn về trình tự HĐND bãi nhiệm đại biểu HĐND. Theo đó, việc bãi nhiệm đại biểu HĐND được tiến hành tại phiên họp toàn thể của HĐND theo quy trình sau:50

(1) Thường trực HĐND đọc Tờ trình của HĐND về việc bãi nhiệm đại biểu HĐND; (2) HĐND thảo luận;

(3) HĐND thành lập Ban kiểm phiếu;

(4) HĐND bỏ phiếu bãi nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín; (5) Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu;

(6) HĐND xem xét, thông qua Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu HĐND theo đề nghị của Thường trực HĐND. HĐND quyết định thông qua nghị quyết bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín.

Căn cứ Khoản 3 Điều 102 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Nghị quyết về bãi nhiệm đại biểu HĐND được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu HĐND biểu quyết tán thành. Sau khi nghị quyết được thông qua, Thường trực HĐND thông báo cho Uỷ ban MTTQ Việt Nam cùng cấp, cử tri ở đơn vị bầu cử nơi đại biểu được bầu và người bị bãi nhiệm biết nghị quyết của HĐND về việc bãi nhiệm đại biểu HĐND.

49

Khoản 1 Điều 87 Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 được ban hành kèm theo Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 của UBTVQH khóa XI.

50 “Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn bãi nhiệm đại biểu HĐND”,

* Đối với trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND, Quy chế hoạt động

của HĐND năm 2005 đã quy định khá cụ thể, đầy đủ về vấn đề này. Theo đó, tại Điều 88 của Quy chế, việc bãi nhiệm sẽ được tổ chức tại nơi đại biểu được bầu hoặc Tổ đại biểu đang sinh hoạt. UBTVQH ấn định ngày bỏ phiếu đối với trường hợp bãi nhiệm đại biểu HĐND cấp tỉnh, Thường trực HĐND cấp tỉnh ấn định này bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu HĐND cấp huyện và cấp xã. Ngày bỏ phiếu theo quy định phải là ngày chủ nhật. Các quy định về thành lập Ban Tổ chức, khu vực bỏ phiếu và trình tự, thủ tục bỏ phiếu, kinh phí bãi nhiệm,... cũng được quy định rõ ràng, chi tiết tại Điều 88 của Quy chế. Thế nhưng cần nhìn nhận rằng, Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 được ban hành căn cứ theo Hiến pháp năm 1992, Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2003. Đây đều là các luật đã hết hiệu lực thi hành và đã được thay thế bằng các văn bản luật mới. Điều này không tránh khỏi một số quy định của Quy chế không còn phù hợp, đặc biệt là các quy định tại Điều 88 có dẫn chiếu đến Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2003.

Trong khi đó, Khoản 42 Điều 102 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã nêu: “Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do UBTVQH quy định”. Do đó, việc UBTVQH cần làm đó là sớm ban hành một văn bản quy định cụ thể về trình tự, thủ tục để cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND căn cứ theo Hiến pháp năm 2013 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và các văn bản pháp luật hiện hành.

TIỂU KẾT CHƢƠNG 1

Bãi nhiệm đại biểu dân cử là một trong những hình thức thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là công cụ quan trọng để nhân dân giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước. Về mặt lý luận, bãi nhiệm đại biểu dân cử cũng có ý nghĩa chính trị và pháp lý quan trọng như chế độ cử tri bầu ra người đại biểu của mình, là một trong những hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp nói riêng cũng như đối với chế độ dân chủ nói chung. Cử tri và cơ quan dân cử có thể bãi nhiệm đại biểu đã được bầu ra theo trình tự, thủ tục được pháp luật quy định.

Bãi nhiệm đại biểu dân cử có ý nghĩa góp phần làm tăng tính trách nhiệm của đại biểu dân cử, là một công cụ để nhân dân có thể loại bỏ những đại biểu không đủ năng lực, thiếu trách nhiệm hay có những hành vi sai phạm. Đảm bảo việc thực hiện chế định bãi nhiệm cũng là nhằm đảm bảo thực hiện dân chủ trực tiếp nói chung. Tuy nhiên, theo quan điểm của một số nhà phê bình, bãi nhiệm được xem như một cơ chế mang tính phân cực cao độ, gây nên sự đối đầu nghiêm trọng và phá vỡ công việc bình thường của các đại biểu dân cử. Điều này giải thích vì sao bãi nhiệm ít phổ biến nhất trong các công cụ của dân chủ trực tiếp và hiện nay, kinh nghiệm quốc tế về áp dụng chế định bãi nhiệm đại biểu dân cử vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là đối với các đại biểu dân cử cấp quốc gia.

Qua nghiên cứu pháp luật Việt Nam về chế định bãi nhiệm đại biểu dân cử, có thể thấy ngay từ buổi đầu dựng nước, bản hiến pháp đầu tiên của nước ta là Hiến pháp năm 1946 đã có những quy định tiến bộ, thể hiện tính dân chủ của nhà nước khi ghi nhận cử tri có quyền bãi nhiệm đại biểu dân cử bên cạnh quyền bầu cử ra những người đại diện cho mình. Kế thừa nhận thức tiến bộ này, trải qua các bản Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và hiện nay là Hiện pháp năm 2013, quy định về quyền bãi nhiệm đại biểu dân cử của pháp luật Việt Nam luôn vẫn luôn có sự nhất quán và phát triển ngày càng cụ thể hơn cả về chủ thể và phương thức thực hiện. Việc ghi nhận cử tri có quyền bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND góp phần ý nghĩa rất lớn trong công cuộc xây dựng “nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” như Hiến pháp năm 2013 đã nêu.

Ngoài Hiến pháp năm 2013, những nội dung về căn cứ, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện chế định bãi nhiệm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp còn được cụ thể hóa trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức chính

quyền địa phương năm 2015, Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 102/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội, Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 được ban hành kèm theo Nghị quyết số 753/2005/NQ- UBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 của UBTVQH khóa XI,... Qua nghiên cứu và phân tích pháp luật hiện hành về bãi nhiệm đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, có thể thấy rằng các quy định về căn cứ, điều kiện và thủ tục bãi nhiệm trong trường hợp Quốc hội, HĐND bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đã được quy định tương đối đầy đủ và rõ ràng, có thể dễ dàng để áp dụng trên thực tế. Trong khi đó, các quy định về việc triển khai thực hiện quyền bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, HĐND của cử tri thì vẫn còn khá nhiều những thiếu sót, hạn chế, đặc biệt là thiếu đi các quy định về trình tự, thủ tục để cử tri thực hiện quyền bãi nhiệm. Đây cũng chính là một trong những bất cập, thiếu sót còn tồn động của pháp luật nước ta về chế định bãi nhiệm đại biểu dân cử. Các hạn chế, bất cập này sẽ được tác giả trình bày và phân tích cụ thể hơn ở chương 2 của luận văn.

Một phần của tài liệu Bãi nhiệm đại biểu dân cử theo pháp luật việt nam (luận văn thạc sỹ luật) (Trang 41 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)