Vào đầu thế kỷ XVII, một lớp lưu dân người Việt từ miền trung tha phương. Đó là những người nông dân nghèo khó, bần cùng do thiên tai mất mùa, sưu cao thuế nặng, chiến tranh tàn phá (Trịnh - Nguyễn)… sống không nổi phải tha phương cầu thực; là những người phạm tội phải chạy trốn chính quyền, những tù binh bị đi đày, những người giàu có được chính quyền khuyến khích đi mở đất, những giáo dân thiên chúa chạy trốn sự đàn áp của chính quyền, những tàn binh của Tây Sơn và chúa Nguyễn rã ngũ tại chỗ (vì Cần Đước là đường hành quân và cũng là chiến trường trong chiến tranh Tây Sơn – Nguyễn Ánh).
Sau năm 1862, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) và chia tỉnh Gia Định làm 7 hạt cai trị chức quan tham biện nên còn gọi hạt là khu tham biện. Phước Lộc đổi thành Khu Tham Biện riêng (tiền thân 2 huyện Cần Giuộc, Cần Đước) và được chia thành 6 tổng: Phước Điền Thượng, Phước Điền Trung, Phước Điền Hạ, Lộc Thành Thượng, Lộc Thành Trung, Lộc Thành Hạ. Ba tổng (Lộc Thành Thượng, Lộc Thành Trung, Lộc Thành Hạ) là địa giới của huyện Cần Đước ngày nay.
Năm 1877 khu tham biện Phước Lộc giải thể, sát nhập vô khu tham biện Chợ Lớn. Năm 1899 khu tham biện Chợ Lớn đổi thành tỉnh, Cần Giuộc trở thành một quận của tỉnh Chợ Lớn (Cần Giuộc gồm cả Cần Đước).
Năm 1909 Pháp thiết lập các sở đại lý (tương đương cấp quận), sở đại lý Rạch Kiến gồm 3 tổng Lộc Thành Thượng,Trung, Hạ.
Năm 1923 tỉnh Chợ Lớn có 4 đại lý, sau gọi là quận: Cần Giuộc, Cần Đước, Trung Quận, Đức Hòa.
Năm 1923 Sở đại lý Rạch kiến đổi thành Sở đại lý Cần Đước và năm 1928 thành lập quận Cần Đước thuộc tỉnh Chợ Lớn và tồn tại đến năm 1955.
24
Ngày 22/10/1956 chính quyền Ngô Đình Diệm sát nhập 2 tỉnh Tân An và Chợ Lớn thành tỉnh Long An, Cần Đước thuộc tỉnh Long An ngày nay.
Năm 1967 chính quyền Nguyễn Văn Thiệu chia huyện Cần Đước làm 2 quận: Cần Đước và Rạch Kiến.
Sau ngày 30/4 năm 1975, quận Cần Đước và quận Rạch Kiến nhập lại thành huyện Cần Đước cho đến ngày nay.
Huyện Cần Đước nằm ở phía Đông Nam, thuộc vùng Hạ của tỉnh Long An, là một huyện ven biển, ba phía được bao bọc bởi sông Rạch Cát và sông Vàm Cỏ. Có Quốc lộ 50 nối với Tp.HCM và Tỉnh lộ 826 và 835 nối với Quốc lộ 1A có thể đi Tp.HCM và Miền Tây; có hệ thống giao thông sông rạch rất thuận tiện việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, đặc biệt Cần Đước là cửa ngõ giao thông huyết mạch giữa Tp.HCM đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long qua kinh Nước Mặn nối sông Vàm Cỏ và sông Rạch Cát; phía Đông giáp huyện Cần Giuộc có sông Rạch Cát làm ranh giới; Phía Tây giáp huyện Tân Trụ và huyện Châu Thành có sông Vàm Cỏ làm ranh giới; Phía Nam giáp Thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang có sông Vàm Cỏ làm ranh giới. Phía Bắc giáp huyện Bến Lức.
Cần Đước được chia thành 16 xã và 01 thị trấn: Long Định, Long Cang, Phước Vân, Long Sơn. Tân Trạch, Long Hòa, Long Khê, Long Trạch, Mỹ Lệ, Tân Lân, Phước Đông, Tân Ân, Tân Chánh, Phước Tuy, Long Hựu Đông, Long Hựu Tây và Thị trấn Cần Đước - là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện, cách thành phố Tân An 30 km theo đường chim bay và cách Tp.HCM 31 km. Diện tích tự nhiên của huyện là 218,803 km2. Năm 2019, Cần Đước có 186.148 dân, với mật độ 817 người/ km2
, phân bổ không đều giữa các xã như Long Trạch, Long Hòa, Long Khê trên 950 người/ km2; Phước Tuy, Long Sơn, Long Hựu Tây 600 người/ km2, tỷ lệ dân số sống ở Thị trấn là 17,35 % (12.500 người), nguồn lao động dồi dào (85.600 người).