Có thể nói, ĐHNN cho thế hệ trẻ trên thế giới ra đời rất sớm, dưới dạng các hình thức sơ khai và biểu hiện thông qua việc phân chia lao động theo địa vị và xuất thân của mỗi người trong xã hội. Đến thế kỷ XIX, khoa học hướng nghiệp thật sự trở thành một ngành khoa học độc lập [26].
Năm 1848, ở Pháp ra đời quyển sách “Hướng dẫn chọn nghề” đầu tiên. Nội
dung sách đề cập tới vấn đề đa dạng của nghề nghiệp do sự phát triển công nghiệp và việc nhất thiết phải giúp đỡ thanh niên trong sự lựa chọn nghề nghiệp, quyển sách còn phân tích các nghề và năng lực cần có của thanh niên để nắm vững các nghề
[35]. Sau cải cách giáo dục 1975, nhà trường Pháp đều chú trọng đến giáo dục hướng nghiệp (GDHN) qua dạy môn Công nghệ; coi trọng việc chuẩn bị cho học sinh
tâm lý sẵn sàng đi vào lao động. Việc đưa bộ môn Công nghệ vào trường học được thể hiện rõ nhất trong công trình khoa học "Những vấn đề nội dung giáo dục trong nhà trường Pháp". Nhiều tác giả ở Viện nghiên cứu Quốc gia về Lao động
và Hướng nghiệp Paris: Resgis Ouvrier-Bonnaz; Rene-Pierre Halter [22] Anne Lancry-Hoest Landt [38] đã giới thiệu một cách chi tiết, linh động mô hình GDHN ở Pháp và châu Âu xét từ góc độ lý thuyết và kinh nghiệm được rút ra từ hàng trăm năm nay. Các tác giả đã nhấn mạnh đến môi trường học đường, thị trường lao động, vai trò to lớn của các trung tâm hướng nghiệp trong công tác tổ chức GDHN cho học
sinh và thanh, thiếu niên; trong đó các tổ chức xã hội đã có nhiều đóng góp trong việc phối hợp với nhà trường và các trung tâm trong việc tổ chức GDHN [30].
Năm 1908, Giáo sư người Mỹ, Frank Parson là người đặt nền móng cho các khái niệm cơ bản cho hoạt động tư vấn hướng nghiệp (career counseling)
hay tư vấn nghề (vocational guidance) ngày nay. Đồng thời năm 1908, ông cũng đã thành lập hội đồng hướng nghiệp ở Newyork (Mỹ) với nhiệm vụ nghiên cứu các yêu cầu của nghề đối với con người, tìm hiểu chi tiết về năng lực của người học để giúp học có được sự ĐHNN phù hợp với năng lực và sở thích cá nhân [23]. “Lựa chọn một nghề nghiệp” (Choosing a Vocation, 1909) ra đời do Frank Parson
viết, cũng là lần đầu tiên khái niệm hướng nghiệp được đề cập đến. Nhìn chung, quyển sách là nền tảng trình bày cơ bản nội dung của hướng nghiệp và chọn nghề, các chuẩn mực, tiêu chí để mỗi cá nhân tự nhìn nhận và đánh giá, từ đó lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân [40].
Vào những năm 1940, nhà Xã hội học người Mỹ, John Lewis Holland (1919 – 2008) tiến hành nghiên cứu và thu nhận được những kết quả về sự tồn tại của các loại nhân cách và sở thích nghề nghiệp. Kết quả chỉ ra rằng tương ứng với mỗi kiểu nhân cách là một số những nghề nghiệp tương xứng có thể chọn để đạt được kết quả làm việc và thành công nghề nghiệp cao nhất. Lý thuyết này của J. L Holland đã được sử dụng rộng rãi nhất trong thực tiễn hướng nghiệp trên thế giới [26]. Giai đoạn năm 1970, 1980 những nhà nghiên cứu ở Mỹ đưa môn
học “Hướng dẫn chọn nghề - Career Guidance” vào giảng dạy thực nghiệm ở bậc Trung học phát triển dần lên bậc Đại học, ở mỗi bậc đều có cố vấn học tập hướng dẫn, giải đáp. Đây cũng là bước đầu tiên trong việc tư vấn hướng nghiệp như: tìm hiểu bản thân, xác định năng lực, tìm hiểu nghề nghiệp và công việc cụ thể sau khi ra trường [39].
Tiếp đến vào năm 1995, Meir, Melamed & Dinur nghiên cứu sự phù hợp giữa nghề nghiệp và những kỹ năng có tương quan tích cực dự báo thành công trong công việc và nghề nghiệp. Cho đến khi cuốn “Áp dụng lý thuyết phát triển nghề nghiệp trong tư vấn” (Applying Career Development Theory to Counseling) của Richard S. Sharf ra đời, đã mở rộng phạm vi tư vấn tâm lý sang lĩnh vực mới – tư vấn ĐHNN cho các đối tượng có nhu cầu trong xã hội [39].
Viện nghiên cứu thanh niên Đức vào năm 1976 đã đặt ra mục tiêu chính là xác định Định hướng giá trị nghề cho thanh niên Đức. Các tiêu chí có ý nghĩa quan trọng
nhất mà họ đưa ra là công việc, động cơ làm việc và đó là những báo hiệu chỉ dẫn trong định hướng giá trị nghề của họ.
Ngoài những nghiên cứu ở các nước đi tiên phong trong ĐHNN như Pháp, Mỹ, Đức thì cũng có một số công trình được nghiên cứu tại các nước khác như:
H. Perho, nhà Tâm lý học người Phần Lan đã tiến hành nghiên cứu “ĐHNN và nghệ thuật sư phạm trong đào tạo giáo viên phổ thông”. Kết quả cho thấy, trong động cơ học tập của sinh viên, ước muốn nhận được điểm cao mạnh hơn ước muốn trở thành thầy giáo giỏi. Qua đó, ông cảnh báo và kêu gọi tổ chức lại hệ thống tuyển sinh ngành Sư phạm. M.V. Volanen, một nhà nghiên cứu khác ở Phần Lan cũng nghiên cứu về ĐHNN và thích ứng việc làm ở thanh niên. Kết quả cho thấy, những đánh giá chủ quan của thời kỳ học nghề ảnh hưởng mạnh mẽ đến ĐHNN của thanh niên nhiều
hơn so với thời kỳ làm việc đầu tiên và phụ thuộc vào quá trình thích ứng nghề nghiệp của thanh niên. Cùng lúc đó, Z. Ransenbakh cũng nghiên cứu về ĐHNN gắn với
định hướng giá trị và các kế hoạch cuộc sống của sinh viên. Những công trình đó cho chúng ta góc nhìn cận cảnh hơn về ĐHNN của thanh niên, sinh viên trong giai
đoạn lúc bấy giờ ở Phần Lan [19].
Như vậy, nhìn chung trọng tâm các nghiên cứu ĐHNN ở các nước phương Tây chủ yếu sử dụng các phương tiện, thiết bị, công cụ chuyên môn nhằm tham vấn chuyên sâu từng đối tượng với mục đích xác định xu hướng và sự phù hợp nghề
nghiệp của thanh niên đối với nghề này hay nghề khác, giúp đỡ thanh niên lựa chọn và quyết định nghề nghiệp phù hợp.