tự nguyện
1.2.3.1. Hệ thống pháp luật và chính sách về bảo hiểm xã hội tự nguyện
Chính sách của Nhà nước là điều kiện liên quan trực tiếp đến việc bàn hành, thực hiện các chế độ chính sách và sự quản lý của Nhà nước đối với loại hình BHXH tự nguyện. Đồng thời, nó cũng liên quan trực tiếp đến tâm lý và nguyện vọng của người lao động. Mọi chính sách đề ra có căn cứ pháp lý, đảm bảo phù hợp với quyền lợi chính đáng và khả năng kinh tế của người dân một cách nhất quán, lâu dài thì họ sẽ tự nguyện tham gia với tinh thần phấn khởi, hồ hởi và ngược lại, sẽ không hoặc có tham gia BHXH tự nguyện nhưng trong tâm tư vẫn hoài nghi, lo lắng và cầm chừng.
Vai trò quản lý của Nhà nước về BHXH tự nguyện là rất quan trọng, thể hiện ở chỗ Nhà nước tạo ra khung chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện. Đồng thời, Nhà nước cũng là người bảo trợ, người tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ và tạo điều kiện cho hệ thống sự nghiệp BHXH tự nguyện ra đời và hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao nhằm thực hiện tốt các chế độ chính sách BHXH tự nguyện.
Chính sách BHXH tự nguyện phải luôn đảm bảo yêu cầu tự nguyện cho đối tượng tham gia cả về mức đóng, phương thức đóng, mức hưởng và phương thức quản lý. Nghĩa là phải có cơ chế đa dạng, phong phú và phù hợp với nhiều loại đối tượng tiềm năng của loại hình này. Đồng thời phải dễ dàng chuyển đồi từ loại hình BHXH tự nguyện sang loại hình BHXH bắt buộc và ngược lại. Bên cạnh đó đảm bảo quyền bình đẳng và sự công bằng cho mọi người thuộc độ tuổi lao động khi tham gia loại hình BHXH tự nguyện trong việc đóng góp và hưởng thụ BHXH. Chính sách cần quy định cụ thể đối với từng chế độ BHXH sẽ áp dụng cho loại hình BHXH tự nguyện và thống nhất một mức đóng với số đông người tham gia; mức hưởng BHXH phải luôn tương ứng với mức đóng và thời gian tham gia đóng BHXH tự nguyện.
Hiện nhiều người dân muốn đóng BHXH tự nguyện nhưng ngại chờ đợi tới 20 năm sau mới được hưởng chế độ. Bên cạnh đó, người dân rất quan tâm đến các chế
độ hưởng ngắn hạn như ốm đau, thai sản thì BHXH tự nguyện chỉ quy định hai chế độ hưởng dài hạn là hưu trí và tử tuất. Đây là điểm kém hấp dẫn của BHXH tự nguyện với các loại hình bảo hiểm tư nhân khác. Do vậy Nghị quyết 28-NQ/TW đã đề cập đến vấn đề giảm dần số năm đóng BHXH tự nguyện tối thiểu để được hưởng lương hưu xuống 15 năm, hướng tới 10 năm với mức tính toán phù hợp, đồng thời từng bước mở rộng các chế độ hưởng của BHXH tự nguyện.
Theo Nghị định số 134/ 2015/ NĐ-CP ngày 29/12/2015, từ 01/01/2018 người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể: bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng Ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện cho phù hợp. Có thể nói, chính sách BHXH tự nguyện nước ta là chính sách mang tính nhân văn sâu sắc, do mới được ban hành nên còn nhiều vấn đề chưa phù hợp. Vì vậy, cần phải sửa đổi và bổ sung trong thời gian tới để dần dần hoàn thiện chính sách, nhằm từng bước đưa chính sách vào trong cuộc sống của người dân.
1.2.3.2. Nhận thức của người dân
Ở Việt Nam, người dân sống phụ thuộc vào thiên nhiên như trời, đất, nắng, mưa...Với tư duy manh mún, tản mạn (ít khả năng khái quát, tổng hợp) nên người dân “chỉ thấy lợi trước mắt, không thấy lợi lâu dài, chỉ thấy lợi cá nhân, không thấy lợi ích tập thể”. Mặt khác phần lớn người dân ở nước ta có trình độ dân trí thấp, do đó khả năng nhận thức các vấn đề về xã hội hay chính sách còn rất hạn chế. Ngay khi chính sách ấy phục vụ lợi ích thiết thực cho chính bản thân họ, thế nhưng họ vẫn thờ ơ ít quan tâm tìm hiểu.
Do đặc điểm về trình độ dân trí và mức độ nhận thức của dân là rất thấp, nên hầu hết người dân chưa hiểu đầy đủ mục đích, ý nghĩa, lợi ích đối với bản thân khi
tham gia BHXH tự nguyện. Vì vậy, công tác tuyên truyền cần được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ hơn, vừa tập trung vừa có tính trọng điểm. Từ đó, không ngừng nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và mọi người dân trong xã hội thấy rõ phương hướng, chủ trương xã hội hoá về công tác BHXH của Đảng và Nhà nước, nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực trong xã hội để đẩy mạnh công tác an sinh xã hội của đất nước. Đồng thời nêu rõ nghĩa vụ, quyền lợi của người dân khi tham gia BHXH tự nguyện.
Mỗi người dân do điều kiện sống và làm việc, trình độ học vấn khác nhau nên khả năng tiếp cận với các nguồn thông tin và nhu cầu đòi hỏi cũng khác nhau. Vì vậy, cơ quan BHXH cần phải áp dụng nhiều cách thức để truyền tải chính sách BHXH tự nguyện đến với người dân một cách phù hợp nhất, giúp họ dễ dàng nhận thức đúng và đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tham gia BHXH tự nguyện. Có như vậy, người dân mới tự giác, tự nguyện tham gia BHXH tự nguyện, coi đó là quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân.
Trình độ học vấn của dân tỷ lệ thuận với việc nhận thức của họ về chính sách BHXH tự nguyện, khi người dân hiểu biết, nhận thức đúng về chính sách BHXH tự nguyện thì mới thấy được vai trò, tác dụng BHXH tự nguyện với bản thân và gia đình, hạn chế rủi ro, ổn định cuộc sống khi về già hoặc mất khả năng lao động. Sự nhận thức, hiểu biết chính sách BHXH tự nguyện của dân tác động, ảnh hưởng rất lớn đến quyết định tham gia hay không tham gia BHXH tự nguyện của họ.
1.2.3.3. Yếu tố về thu nhập
Để có thể tham gia BHXH tự nguyện, người lao động thì trước hết phải có khả năng đóng về kinh tế.
Phải có điều kiện để tiến hành sản xuất, kinh doanh để có thu nhập. Nguồn thu nhập trước hết phải bảo đảm bù đắp đủ các chi phí sản xuất, trang trải các tiêu dùng trong cuộc sống cho cá nhân và gia đình, sau đó sẽ để lại một phần dư ra để tích luỹ. Phần tích luỹ này sẽ được sử dụng để đầu tư thêm cho sản xuất, kinh doanh, thực hiện tái sản xuất mở rộng, phần còn lại của tích luỹ mới dùng để dự phòng cho cuộc sống tương lai của bản thân và trang trải những khi gặp rủi ro xã hội khi bị giảm hoặc
mất nguồn thu nhập thông qua việc tham gia đóng góp vào các quỹ tiết kiệm, trong đó có quỹ BHXH tự nguyện nhằm đảm bảo cuộc sống cho tương lai khi hết tuổi lao động, về già.
Như vậy, điều kiện kinh tế cho việc ban hành và thực hiện loại hình BHXH tự nguyện chính là việc giải bài toán về tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và phân phối thu nhập trong nền kinh tế nói chung và trong từng gia đình người lao động nói riêng đặc biệt là người dân, sao có hiệu quả và thiết thực. Người dân chỉ khi nào đảm bảo được mức sống của mình và gia đình mình từ trung bình và trở lên có tích luỹ mới có thể có phần dư ra để tham gia đóng góp vào quỹ BHXH tự nguyện.
1.2.3.4 Thể chế tổ chức bộ máy và cán bộ
Để có thể đáp ứng được sự nghiệp an sinh xã hội của đất nước thì hệ thống BHXH phải: được tổ chức và quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương, được sắp xếp một cách hợp lý và tinh gọn; Thủ tục tham gia và thanh toán bảo hiểm phải đơn giản, thuận tiện mà vẫn đảm bảo pháp lý. Lấy người dân là mục tiêu và đối tượng phục vụ, tất cả đều hướng tới vì lợi ích của nhân dân; Làm tốt công tác truyền thông về BHXH tự nguyện, không ngừng nâng cao thương hiệu và tăng khả năng cạnh tranh so với các hãng bảo hiểm thương mại khác.
Cơ quan BHXH ở địa phương phải chủ động trong việc tuyên truyền, phổ biến mục tiêu, nội dung triển khai theo từng đề án cụ thể về thực hiện BHXH tự nguyện đối với người dân. Các cấp, các ngành, các tổ chức hội, đoàn thể ở từng khu vực có trách nhiệm ban hành các văn bản chỉ đạo theo phạm vi quản lý của mình và phối hợp với cơ quan BHXH ban hành những văn bản liên tịch để hướng dẫn tổ chức thực hiện. Đồng thời làm tốt khâu giải thích những vướng mắc và các vấn đề dư luận xã hội quan tâm liên quan đến nhận thức và yêu cầu tìm hiểu về chế độ, chính sách BHXH tự nguyện.