Tín ngưỡng Chúa Xứ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ nữ thần tại thành phố sa đéc tỉnh đồng tháp (Trang 43 - 46)

8. Bố cục luận văn

2.1.1. Tín ngưỡng Chúa Xứ

2.1.1.1. Nguồn gốc và đức tin

Theo cách hiểu phổ biến của cộng đồng cư dân, bà Chúa Xứ (主處) là vị thần chủ quản đất đai, bà chúa, bà tiền chủ, bà mẹ cai quản của một cuộc đất trong phạm vi hẹp thuộc tư gia hoặc khuôn viên đình, chùa và cai quản một xứ sở theo phạm vi rộng cả vùng đất, cả làng. Bên cạnh việc cai quản, bà cũng là người tạo dựng, sản sinh nên một vùng đất, xứ sở để người dân có nơi tụ họp làm ăn sinh sống. Trong cuốn Đạo Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, tác giả Ngô Đức Thịnh nhận định rằng “Bà Chúa Xứ là kết quả của quá trình giao lưu và hỗn dung tín ngưỡng giữa người Chăm, Việt và Khơ me. Có thể coi nguyên mẫu của bà Chúa Xứ chính là Mẹ xứ sở của người Chăm - Pô Inư Nưgar. Khi người Việt vào Trung Trung Bộ đã Việt hóa vị mẫu thần này thành Thánh Mẫu Thiên Ya Na. Và khi người Việt ở đây tiến thêm một bước nữa vào đất Nam Bộ khoảng thế kỷ XVI - XVII, thì họ lại Việt hóa lần nữa trên cơ sở tiếp xúc với việc thờ nữ thần của người Khơ me (Khmer), mà bà Neang Khmau là một nguyên mẫu, để từ đó ra đời bà Chúa Xứ, một vị mẫu thần được thờ phụng rộng rãi nhất ở Nam Bộ với tư cách là bà Mẹ xứ sở, Mẹ Đất” [77, tr.40]. Cuốn Việt sử tân biên có đề cập “Nữ thần Pô Nagar với tên gọi đầy đủ là Pô Yang Inư Nagara” [66, tr.432]. Tương đồng quan điểm đó, tác giả Nguyễn Hữu Hiếu cho rằng “Từ đèo Hải Vân vào phía Nam đến Bình Thuận, miếu thờ bà xuất hiện ngày càng dày đặc với nhiều tên gọi khác nhau. Vào đến Nam Bộ, bắt gặp tục thờ nữ thần Néang Khmau (Bà Đen) - Néang Mésar (Bà Trắng) của người Khmer và một số tín ngưỡng dân gian bản địa khác của người Hoa nhập cư, đã

Việt hóa để trở thành bà Chúa Xứ, Chúa Xứ Nương Nương hoặc Chúa Xứ Thánh Mẫu” [28, tr.59]. Tín ngưỡng Chúa Xứ, được tôn thờ rộng khắp vùng đất Nam Bộ nói chung và xứ sở Sa Đéc nói riêng với nhiều tên gọi khác nhau như: Chúa Xứ Nương Nương, Chúa Xứ Thánh Mẫu, v.v.. Trong tâm thức của cư dân địa phương, bất kỳ vùng đất nào cũng đều có bà Mẹ xứ sở, Mẹ đất, bà chủ quản lo việc trông coi và ban phúc lành cho vùng đất - xứ sở như trong Địa bạ Nam kỳ Lục Tỉnh, có ghi chép: “ngoài tên hành chính là tên chính thức của xã thôn, thường mỗi làng còn tên xứ không chính thức, nhưng được gọi nhiều hơn” [18, tr.135-136]. Người dân tôn thờ bà Chúa Xứ với niềm đức tin bà sẽ mang đến bình an, tránh bị làm hại trong cuộc sống khi đến vùng đất mới, làm cho sản vật sung túc, mùa màng bội thu. Cho nên trước và sau khi người dân đến lập nghiệp trên bất kỳ cuộc đất nào, việc đầu tiên là lập miếu thờ hoặc tiến hành cầu cúng, tế lễ vị tiền chủ của vùng đất cho đàng hoàng để gửi gắm ước nguyện và tạ ơn sự độ trì của bà. Tín ngưỡng Chúa Xứ được hình thành trên cơ sở giao thoa giữa nền tảng cổ xưa thờ của dân tộc Việt là sùng bái tự nhiên, tôn vinh nguyên lý phồn thực cùng với tín ngưỡng Pô Inư Nagar - bà Mẹ xứ sở của người Chăm, trải qua quá trình Việt hóa lâu dài mới hình thành [24, tr.119,141]. Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của Sa Đéc, loại hình tín ngưỡng Chúa Xứ hiện diện ở khắp nơi, xóm ấp nào cũng có gần chục miếu thờ có nơi còn nhiều hơn. Bà Chúa Xứ trở thành nữ thần có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp vùng nông thôn ở địa phương. Qua quan sát thực địa, qua nghi thức thờ phụng và mật độ khách hành hương, nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy ở vùng Nam Bộ hiện nay tồn tại ba nơi thờ bà Chúa Xứ nổi tiếng khắp vùng với cơ sở tín ngưỡng khang trang và được đông đảo người dân gửi gắm ước nguyện, đó là: Bà Chúa Xứ ở núi Bà Đen (Tây Ninh), Bà Chúa Xứ ở núi Sam (An Giang) và Bà Chúa Xứ ở Gò Tháp (Tháp Mười, Đồng Tháp).

2.1.1.2. Cơ sở tín ngưỡng và nghi thức cúng lễ

Cơ sở tín ngưỡng Chúa Xứ ở vùng đất Sa Đéc đa phần được thể hiện qua hai dạng thức thờ: (1) Trong phạm vi cộng đồng, bà Chúa Xứ được thờ phổ biến ở những ngôi miếu độc lập ven đường, ven sông hoặc nằm trong khuôn viên đình, chùa bày trí theo mô thức song miếu/ cặp đôi là Chúa Xứ - Ngũ Hành; Thổ Thần - Chúa Xứ với chức năng bao quát là vị thần cai quản cuộc đất cả xóm làng, bên cạnh vị thần bảo vệ cuộc đất của đình, chùa và cũng là vị phúc thần ban phúc lành cho người dân sinh sống trên vùng đất đó làm ăn được thuận lợi. Trước đây, phần lớn ngôi miếu được dựng bằng tre lá đơn sơ, thường nằm trên gò đất cao hơn so với mặt đất bình thường, nằm dưới cây cao bóng mát, gần bờ và hướng mặt ra sông rạch (miếu Chúa Xứ ở trên gò đất ngoài bờ sông, thuộc đất nhà của ông U.Đ - xã Tân Phú Đông). Nhưng ngày nay, những ngôi miếu Chúa Xứ trong phạm vi cộng đồng được xây dựng bằng chất liệu bê tông cốt thép với diện tích miếu thờ phổ biến vài mét vuông, cũng có những ngôi miếu được cộng đồng góp công góp sức xây dựng khang trang tầm hơn hai chục hoặc ba chục mét vuông, điển hình như: miếu Chúa Xứ (Phường 2), miếu Chúa Xứ (Phường 3), miếu Chúa Xứ (Phường Tân Quy Đông), miếu Chúa Xứ (Xã Tân Phú Đông và miếu Chúa xứ Xóm Đồng ở gần đó được xây dựng quy mô và bày trí khang trang). Các ngôi miếu thờ được bày trí theo hình thức giản lược hoặc quy mô tùy nơi tùy vùng như là: bài vị bằng gỗ vẽ chữ hoặc bằng xi- măng đắp chữ: “Chúa Xứ - 主處, “Chúa Xứ Nương Nương - 主處娘娘,

“Chúa Xứ Nguyên Nhung”; lư hương; hai chân đèn; ba chung nước; lọ hoa, có những ngôi miếu được trang hoàng quy mô nên có cả tranh thờ, tượng thờ được đúc bằng xi-măng hoặc thạch cao với hình dáng bà ngồi uy nghiêm, đội mão, áo choàng sơn màu nhưng phổ biến là áo choàng vải nhung và hai bên có hai tỳ nữ của bà. (2) Trong phạm vi hộ gia đình, ngôi miếu nhỏ xây cất ở ngay góc sân phía trước nhà để thờ với bài vị ghi bằng Hán tự hoặc Việt tự: “Chúa Xứ

Thánh Thần - 主處聖神, “Thần Chủ - 主神, “Bà Chủ đất - 地主娘, “Vị Tiền Chủ Đất - 地主位 hoặc có những ngôi miếu thờ Chúa Xứ nhưng chỉ có bày trí bát nhang và ba chung nước, không có tranh - tượng và bài vị với niềm xác tín bà là vị thần cai quản mảnh đất ở của người dân và để tạ ơn cũng như cầu mong bà sẽ ban phúc lành, bình an, sức khỏe cho cả gia đình, hoặc trồng trọt, chăn nuôi trên mảnh đất sẽ được sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ nữ thần tại thành phố sa đéc tỉnh đồng tháp (Trang 43 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(169 trang)