Tín ngưỡng Ngũ Hành

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ nữ thần tại thành phố sa đéc tỉnh đồng tháp (Trang 46)

8. Bố cục luận văn

2.1.2. Tín ngưỡng Ngũ Hành

2.1.2.1. Nguồn gốc và đức tin

Thuyết Âm dương, Bát quái, Ngũ hành trong quan niệm triết học của người Trung Hoa cổ đại giải thích về nguồn gốc, sự vận hành của vạn vật trong vũ trụ, lấy hai yếu tố Âm - Dương là hạt nhân đặt nền tảng cho việc hình thành học thuyết Âm - Dương cho đến văn hóa Âm - Dương. Theo tác giả Nguyễn Hữu Hiếu, “bản nguyên của vũ trụ là thái cực, thái cực là nguyên nhân đầu tiên - là lý của muôn vật: Dịch có thái cực sinh ra lưỡng nghi; từ lưỡng nghi sinh ra tứ tượng và ngũ hành rồi sinh ra tám quẻ” [30, tr.86]. Triết lý âm dương là một bộ môn khoa học, việc lý giải về tính quy luật và tính sinh hóa thuộc về những bậc trí tuệ sắc sảo còn tầng lớp bình dân thì chỉ biết tôn sùng và thờ cúng như nhận định “những trí tuệ sắc sảo đi tìm quy luật khoa học để lý giải hiện thực và họ xây dựng được triết lý Âm Dương, những trí tuệ bình dân nhìn thấy ở thực tiễn đó một sức mạnh siêu nhiên, bởi vậy mà sùng bái nó như thần thánh” [68, tr.189]. Khi đề cập ngũ hành (五行) là nói đến năm yếu tố kiến tạo nên vạn vật bao gồm: Kim (金) là những chất liệu liên quan đến kim loại, Mộc (木) là cây gỗ, Thủy (水) là nước, Hỏa (火) là lửa, Thổ (土) là đất. Trong đó, “hành” chỉ sự vận hành, biến đổi của các yếu tố vật chất tạo nên sự cân bằng trong vũ trụ và để giải thích cho sự biến đổi của vạn vật, thuyết âm dương nêu ra quy luật về mối quan hệ tương sinh (相生) là các yếu tố tương tác, cộng sinh, hợp

thể với nhau để từ cái này sinh ra cái kia theo hướng phát triển. Tương khắc (

相克) là các yếu tố xung khắc, mâu thuẫn hoặc là phủ định lẫn nhau, áp chế lẫn nhau, khi sự tương khắc ít thì có tính duy trì sự cân bằng nhưng khi tương khắc thái quá thì làm cho sự vật biến hóa trở nên bất thường [30, tr.86-89].

Có lẽ, những khái niệm mang tính triết học cổ vừa nêu, khi đến với thực tế qua thời gian đã biến đổi để phù hợp và gần gũi, phổ biến hơn. Theo cách nghĩ dân gian cụ thể hóa thành những thế lực siêu hình, xem đó là thứ quyền lực tối thượng của năm vị nữ thần với nhiều tên gọi như Ngũ Hành Nương Nương, Cổ Nương Thần Nữ, Ngũ Hành Thượng Giới có ảnh hưởng trực tiếp đến phúc đức hoặc tai họa cho từng cá nhân lẫn cộng đồng. Tác giả Võ Thanh Bằng trong Tín ngưỡng dân gian của người Hoa ở Nam Bộ cho rằng “tộc người Hoa dựa vào triết lý âm dương trong tín ngưỡng dân gian giúp cân bằng cho tâm lý của mình trong cuộc sống giữa các mặt đối lập như rủi ro và may mắn, tai họa và phúc đức, ích kỷ và rộng lượng, cương và nhu, nhân và quả, chống ác và trọng thiện, nam và nữ trong duy trì sự sống” [6, tr.28-29]. Hình thức tín ngưỡng Ngũ Hành là kết quả của quá trình giao lưu, hòa trộn giữa tín ngưỡng thờ các vị nhiên thần cổ xưa của người Việt với quan niệm về ngũ hành của người Hoa. Sau khi tiếp nhận quan niệm ngũ hành từ phương Bắc, các bà được tập hợp lại, hệ thống hóa để trở thành Ngũ Vị Thánh Nương hoặc Ngũ Hành Nương Nương. Cho đến năm Duy Tân thứ năm (tức năm 1911), triều đình nhà Nguyễn mới sắc phong chung cho năm bà là “Ngũ Đức Thánh Nương, Trứ Phong Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần” [28, tr.176], phân ra thành: Thổ Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi, Kim Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi và Mộc Đức Thánh Phi. Ngoài ra, triều đình nhà Nguyễn còn sắc phong cho năm bà với mỹ tự “Tư Hóa Mặc Vận Thuận Thành Hòa Tự Tư Nguyện Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần” [86, tr.135].

2.1.2.2. Cơ sở tín ngưỡng và nghi thức cúng lễ

Tín ngưỡng Ngũ Hành ở Sa Đéc được người dân phụng cúng trong những ngôi miếu nhỏ có tên gọi là “Miếu Ngũ Hành” với bài vị bằng chữ Việt hoặc chữ Hán - “Ngũ Hành Nương Nương” (五行娘娘). Về sau, các bà được đưa vào cả trong đình, chùa dựng những ngôi miếu to đẹp hơn, đồng thời cũng đúc tượng xi măng thay cho bài vị. Tiếp đó, người ta tô màu cho tượng và khoác y phục cho các bà với các màu khác nhau tương ứng với năm hành như: Kim Đức Thánh Phi (金徳聖妃) - màu trắng; Mộc Đức Thánh Phi (木徳聖妃) - màu xanh; Thủy Đức Thánh Phi (水徳聖妃) - màu đen hoặc tím; Hỏa Đức Thánh Phi (火徳聖妃) - màu đỏ; Thổ Đức Thánh Phi (土徳聖妃) - màu vàng. Thực tế ở Sa Đéc phổ biến mô thức hợp nhất năm bà trong một miếu hoặc qua một bài vị “Ngũ Hành Nương Nương” nhưng vẫn có nơi người dân thể hiện mối quan tâm đến từng bà cụ thể như đối với cư dân sống ven sông rạch thì thường thờ Thủy Đức Thánh Phi, đối với những hộ dân sống ở những nơi đông đúc hoặc lao động ở nơi dễ cháy như khu vực bếp nấu ăn thì thờ Hỏa Đức Thánh Phi. Qua khảo sát thực tế, Sa Đéc hiện có 30 miếu thờ Ngũ Hành, trong đó, miếu Ngũ Hành ở Phường 1, Phường Tân Quy Đông, Xã Tân Khánh Đông với diện tích và bày trí khang trang. Thờ Ngũ Hành, người dân mong muốn được che chở, có được cuộc sống ấm no, mưa thuận gió hòa, bá tánh được an yên như lời văn khấn tại hai miếu Ngũ Hành (Khóm Sa Nhiên, Phường Tân Quy Đông): “Phần hương chí kính chí thành, tấu văn cung thỉnh Ngũ Hành Tiên Nương. Năm bà hiển hách anh linh, giúp dân hồng lạc - an lành đương niên, cúi lại năm bà, chứng lòng thành kính chiếu soi miếu này, bảo hộ đệ tử gái trai, được nhờ đức mẹ Ngũ Hành, đời đời bá tánh khang ninh, non sông bền vững thái bình an nhiên” (Tài liệu điền dã 2017). Hoặc đơn giản hơn như lời văn khấn của hộ gia đình ông T.C (Xã Tân Khánh Đông): “Kính cẩn Ngũ Hành

thánh nương chư vị; Ngũ đức anh linh phò gia chủ; Hằng năm hiển hách hộ nhân dân”(Tài liệu điền dã 2018).

2.1.3. Tín ngưỡng Thiên Hậu

2.1.3.1. Nguồn gốc và đức tin

Cùng với tín ngưỡng dân gian thờ các vị nam thần hết sức phong phú như: tín ngưỡng Quan Công (Quan Thánh Đế Quân), tín ngưỡng Ông Bổn, tín ngưỡng Đức Quảng Trạch Tôn Vương, tín ngưỡng Bảo Sanh Đại Đế, thì tín ngưỡng Thiên Hậu là một trong những loại hình tín ngưỡng dân gian do cộng đồng người Hoa mang theo khi di dân đến vùng đất Sa Đéc cư trú và làm ăn.

Tín ngưỡng Ma Tổ - Thiên Hậu (Mazu - Tianhou) hình thành tại đảo Mi Châu, huyện Phổ Điền, tỉnh Phúc Kiến (Meizhou, Putian, Fujian) vào thời Tống ở Trung Quốc. Bà tên thật là Lâm Mặc (林默 Lin Mo) thường được gọi là Lâm Mặc Nương (林默娘 Lin Moniang), sinh ngày 23 tháng 3 năm 960, là một Nữ Shaman nổi tiếng. Bà vốn là người Đản Dân (Tangka), còn gọi là Long nhân (

龙人 người rồng) hoặc Giao nhân (鲛人) - một nhánh hậu duệ người Mân Việt cổ xưa (闽越 Minyue) chuyên sống bằng nghề đánh bắt cá và trao đổi hàng hóa trên sông, biển. Bà qua đời vào ngày 9 tháng 9 năm 987 ở tuổi 28 (ngày đắc đạo hiển thánh của Bà), ban đầu người dân ở đảo Mi Châu dựng miếu thờ bà, gọi là miếu Ma Tổ. Tương truyền bà thường hiển linh cứu giúp người đi biển nên dân gian ví bà như vị hải thần. Đến năm 1086, nhà Nam Tống chính thức cổ xúy cho tín ngưỡng này, nhờ vậy phạm vi ảnh hưởng ngày càng được mở rộng. Đến thời Chí Nguyên, năm thứ 18 (1281), Ma Tổ được phong làm “Thiên phi” (天妃), từ đó tín ngưỡng Ma Tổ phát triển lên vùng hạ lưu Dương Tử, bán đảo Sơn Đông. Từ thời Minh trở về sau do nhu cầu giao thương hàng hải với khu vực Đông Nam Á, tín ngưỡng này truyền bá xuống vùng Lĩnh Nam, Đài Loan và khu vực Đông Nam Á. Mãi cho đến đời Thanh Khang Hy năm thứ 23

(1682), bà được gia phong với mỹ tự “Thiên Hậu” (天后). Danh xưng Ma Tổ hoặc Thiên Hậu được sử dụng dưới nhiều hình thức và mục đích khác nhau. Tên gọi đặc khu hành chính của Ma Cao được cho là bắt nguồn từ danh từ “Ma Các” (妈阁 - miếu Ma Tổ). Trong cuốn Ma Tổ Cung Tập Thành (《妈祖宫集

成》) ghi chép tại Trung Quốc có hơn 450 huyện, thị, thành phố có miếu Thiên Hậu. Người Mân Nam (Nam Phúc Kiến) và Hải Nam thường gọi bà là Đại Mẫu

hoặc Ma Tổ (妈祖 Mazu), người Quảng Đông gọi là Đức Bà hay Thiên Hậu [80, tr.51-52,58].

Bắt nguồn từ Trung Hoa, tín ngưỡng Thiên Hậu du nhập vào Sa Đéc theo dòng di dân người Hoa và từ đó trở đi, tộc người Hoa đã chung sống chan hòa với các tộc người Việt, Khmer để cùng tạo dựng nên văn hóa vùng đất Sa Đéc. Theo số liệu thống kê năm 2016 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc - Thành phố Sa Đéc cung cấp về tộc người Hoa hiện có 640 hộ với 2.086 người thuộc bốn bang Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Khách Gia (Hẹ) và một số rất ít người Hải Nam (khoảng hai, ba người). Có một Hội Tương tế người Hoa thành phố Sa Đéc gồm 61 người (Tài liệu điền dã 2016). Điều đó cho thấy, tín ngưỡng Thiên Hậu du nhập vào vùng đất Sa Đéc hơn 300 năm trước theo dòng di dân của cộng đồng người Hoa đến đây cư trú và làm ăn. Trên đường di dân lênh đênh biển lớn, họ thường cầu nguyện bà Thiên Hậu - vị hải thần của người Hoa hiển linh phò hộ, cứu rỗi trước những bất trắc để được vào đất liền. Khi định cư bình an tại vùng đất Sa Đéc, cộng đồng người Hoa đã lập miếu thờ Bà với ngưỡng vọng và tấm lòng biết ơn bà đã giúp đỡ cho họ thuận buồm xuôi gió.

2.1.3.2. Cơ sở tín ngưỡng và nghi thức cúng lễ

Thành phố Sa Đéc hiện có một cơ sở phối thờ tại miếu Chúa Xứ (Xã Tân Quy Tây) và một cơ sở chính thờ Bà Thiên Hậu do cả bốn bang người Hoa là: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và Khách Gia (Hẹ) cùng nhau xây dựng

với tên đầy đủ là Thất phủ Thiên Hậu cung (Phường 1). Cung thờ được xây dựng trên nền của khu đất trước đây có miếu thờ Bà Thiên Hậu được xây cất vào năm Canh Thìn (1820) với quy mô đơn sơ bằng tre lá. Đến năm Ất Dậu (1885) ngôi miếu được khởi công trùng tu và hoàn thành vào năm Bính Tuất (1886). Đúng như tên gọi Thất phủ Thiên Hậu cung, nơi đây có kiến trúc tích hợp cả năm tiểu loại phong cách người Hoa (Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam và Khách Gia). Chính điện có gờ nóc mái bằng và nhiều tượng thần thánh mang phong cách Quảng Đông, hai bên đông - tây lang mang kiểu dáng và phong cách Phúc Kiến, Triều Châu. Cấu trúc thờ tự cũng thể hiện sự tích hợp, hỗn dung. Nếu như sự có mặt của Kim Hoa Nương Nương mang màu sắc Quảng Đông, thì Phúc Đức Chính Thần và Quan Công là các hình tượng được chia sẻ bởi tất cả các nhóm người Hoa. Miếu thờ của người Hoa về mặt cấu trúc không gian có quy mô lớn hơn miếu thờ của người Việt (so sánh giữa Thiên Hậu cung với các ngôi miếu thờ bà Chúa Xứ và Ngũ Hành ở Sa Đéc). Miếu thờ được cấu trúc kín bởi tường thành bao quanh. Cộng đồng người Hoa góp công góp sức quyết tâm dựng xây ngôi miếu thờ Bà trở nên khang trang rực rỡ như muốn khẳng định sự thành công của bản thân, muốn báo cho Bà biết họ đã an cư lạc nghiệp, khắc ghi công ơn, bày tỏ lòng tôn kính đối với Bà đã phò trợ họ trong suốt hành trình gian khổ, lênh đênh trên biển rộng để tìm được nơi dựng xây cuộc sống an khang, thịnh vượng (Tài liệu điền dã 2015 - 2016). Việc tổ chức cúng lễ tại Thất phủ Thiên Hậu cung được diễn ra liên tục cả năm với nhiều nghi lễ khác nhau được tính theo Âm lịch. Ghi chép trong lịch cúng vía hằng năm cho thấy có hơn 20 nghi lễ được tổ chức tại đây (Tài liệu điền dã 2017). Trong đó, lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu - Đản Sanh (ngày 23 tháng 3) và lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu - Đắc Đạo (mùng 9 tháng 9) được tổ chức trang trọng nhất trong năm. Để tổ chức tốt cho ngày lễ vía bà (ngày 23 tháng 3 âm lịch), Ban Tế tự cùng với bà con người Hoa đã họp bàn công việc

và chuẩn bị trước đó nhiều ngày. Theo quy định phân công nhiệm vụ tổ chức lễ vía Thiên Hậu hằng năm, công việc chuẩn bị bắt đầu từ nhiều ngày trước đại lễ như: trang trí, chỉnh chu, sửa soạn khu vực cung thờ, treo khánh tiết, cờ phướn, đèn lồng v.v. nhưng tập trung nhất là vào ngày 22 tháng 3 âm lịch. Nghi thức đầu tiên là lễ mộc dục (沐浴) để tắm tượng, thay trang sức, xiêm y, áo mão mới cho bà. Chánh tế đại lễ diễn ra vào lúc chín giờ, Ban Tế tự với trang phục chỉnh chu, xếp thành ba hàng ngang trước chánh điện theo tôn ti, trật tự (lớn tuổi đứng trước, nhỏ tuổi đứng sau). Tiếp ngay sau đó là ba hồi chuông, trống vang lên theo thứ tự chuông trước, trống sau để báo hiệu nghi thức thỉnh bà chính thức bắt đầu và cũng là lúc khai lễ vía bà. Sau khi xong nghi thức chánh tế đại lễ, Ban Tế tự cùng với cộng đồng địa phương tổ chức lễ thỉnh Bà hành cung (示巡). Vật lễ mỗi năm mỗi khác nhau về tiểu tiết, nhưng tựu trung gồm: Hương đăng (nhang và cặp đèn lớn), trà, rượu, hoa, mâm ngũ quả lớn ở chánh điện, chè trôi nước hoặc chè ỷ, bánh bao thọ hình trái đào (vật phẩm quan trọng trong mỗi dịp lễ vía bà tại Thiên Hậu cung Sa Đéc) cùng với bộ lễ phục, áo mão, xiêm y, chuỗi hạt mới cho bà (Tài liệu điền dã 2016 - 2018).

2.1.4. Các tín ngưỡng nữ thần khác

Diêu Trì Kim Mẫu được thờ trong Điện thờ Phật Mẫu (Phường 3) với Kim Tượng (bài vị) ghi ba dòng Hán tự: dòng giữa (瑤池金母), dòng bên trái là Cửu Vị Tiên Nữ (九位女仙), dòng bên phải là Bạch Vân Động Chư Thánh (白雲洞諸聖); Phối thờ tả hữu là: Chủ Chơn Linh Nam Phái (諸眞靈男派) và Chủ Chơn Linh Nữ Phái (諸眞靈女派). Cửu Thiên Huyền Nữ được thờ cúng tại miếu chính thờ Cửu Thiên Huyền Nữ (Phường 1) phối thờ hai bên là Tiền Hiền - Hậu Hiền và bà Chúa Thai Sanh (Hườn Sanh Thánh Mẫu). Ngoài ra, Cửu Thiên Huyền Nữ còn được phối thờ tại Đình Vĩnh Phước (Phường 1) và trang thờ bà trong một hộ gia đình ở Phường 1. Kim Hoa Nương Nương được

phối thờ trong Thất phủ Thiên Hậu cung với đầy đủ bài vị, khám thờ, cốt tượng (người Hoa gốc Minh Hương gọi là Chúa Sinh Nương Nương, người Hoa gốc Quảng Đông gọi là Huệ Phước phu nhân). Thượng Động Cố Hỷ được phối thờ tại miếu Ngũ Hành (Phường 3).

2.2. Đặc điểm và giá trị văn hóa của tín ngưỡng nữ thần ở Sa Đéc

2.2.1. Đặc điểm của tín ngưỡng nữ thần ở Sa Đéc

Với bối cảnh lịch sử - xã hội, vùng đất Sa Đéc là một đô thị sớm, một thương cảng sông nước, nơi tụ hội giao thương bốn phương, nơi gặp gỡ và giao lưu của các tộc người tứ xứ. Đặc trưng tín ngưỡng nữ thần ở Sa Đéc mang những giá trị đa dạng và phong phú.

(1) Đặc tính tôn ti và mực thước trong tâm thức của người dân về tín ngưỡng nữ thần

“Tôn ti” (尊卑) là một từ Hán Việt dùng để chỉ tính chất trật tự phân minh (trên dưới - trước sau). Trong công trình nghiên cứu so sánh về tính cách văn hóa các quốc gia và vùng văn hóa, tác giả Trần Ngọc Thêm dùng thuật ngữ

tính tôn ti [70, tr.181-182,187] để nói về đặc trưng văn hóa coi trọng trật tự thượng hạ phân minh của khu vực Đông Bắc Á, đồng thời cũng coi đó là một hệ quả của quá trình tương tác giữa Nho giáo với lễ tục xã hội Việt Nam. Tín ngưỡng nữ thần ở Sa Đéc được cấu thành bởi cấu trúc “thiêng - phàm”, trong đó giá trị thiêng luôn giữ vị thế cao hơn so với các giá trị vật chất - xã hội.

(2) Đặc tính tích hợp đa văn hóa (文化整合)

Tích hợp đa văn hóa hay chỉnh hợp văn hóa là hệ quả của quá trình kết hợp, hấp thu lẫn nhau giữa một hoặc nhiều thuộc tính, bình diện của hai hay nhiều đơn nguyên văn hóa dưới tác động của hoàn cảnh tự nhiên hoặc lịch sử xã hội. Quá trình này bao giờ cũng có một bên là yếu tố cơ tầng (thường là văn hóa địa phương) và một bên là yếu tố du nhập được sàng lọc, cộng hợp và thẩm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ nữ thần tại thành phố sa đéc tỉnh đồng tháp (Trang 46)