Tổng quan các nghiên cứu công bố ở trong nước

Một phần của tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến việc xây dựng kế toán trách nhiệm (KTTN) tại các công ty kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 25 - 31)

Việc nghiên cứu kế toán quản trị nói chung và tổ chức kế toán trách nhiệm trong các công ty nói riêng trong thời gian qua đã có một số cơ quan, tác giả đã đề cập và nghiên cứu. Ngoài ra, một số công trình đăng tải trên các tạp chí, sách, báo… về vấn đề

này cũng được công bố. Tuy vậy, có thể nói mảng đề tài kế toán quản trị nói chung hay kế toán trách nhiệm trong các công ty nói riêng hiện nay trong nước có rất ít tài liệu cũng như tác giả nghiên cứu, trình bày. Có thể điểm sơ về tình hình nghiên cứu kế toán quản trị nói chung, kế toán trách nhiệm nói riêng trong nước thời gian qua như sau:

Kế toán quản trị được các nhà nghiên cứu ở Việt Nam bắt đầu nghiên cứu từ đầu những năm 1990. Tác giả Nguyễn Việt (1995) trong Luận án “Vấn đề hoàn thiện kế toán Việt Nam” đã trình bày phương hướng và giải pháp xây dựng hệ thống kế toán tài chính và kế toán quản trị trong các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là những đề xuất mang tính sơ khai trong bối cảnh kế toán quản trị bắt đầu được nghiên cứu. Do đó, những nội dung về kế toán quản trị được trình bày mang tính cơ bản. Năm 1997, tác giả Phạm Văn Dược đã nghiên cứu về “Phương hướng xây dựng nội dung và tổ chức vận dụng kế toán quản trị vào doanh nghiệp Việt Nam” trong đó so sánh về mặt lý luận sự giống và khác nhau giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính; vai trò, nội dung và các nghiệp vụ của kế toán quản trị. Tác giả đã có những nghiên cứu cụ thể và đề xuất các biện pháp ứng dụng kế toán quản trị vào thực tiễn trong các doanh nghiệp Việt Nam với 5 giải pháp vĩ mô và 6 giải pháp vi mô. Đây chính là bước khởi xướng cho những nghiên cứu tiếp nối về kế toán quản trị sau này. Tuy nhiên, do tính mới mẻ của kế toán quản trị và điều kiện nền kinh tế lúc bấy giờ nên những nghiên cứu này mang tính đính hướng, chung chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, chưa đi vào cụ thể từng ngành nghề.

Từ đầu những năm 2.000, yêu cầu cấp thiết của xã hội đặt ra là phải xây dựng mô hình kế toán quản trị theo từng ngành kinh doanh để các doanh nghiệp trong ngành làm cơ sở xây dựng riêng cho mình. Do đó, đã xuất hiện một số nghiên cứu về các vấn đề cụ thể của kế toán quản trị áp dụng riêng cho các loại hình doanh nghiệp. Luận án “Kế toán quản trị và phân tích chi phí sản xuất trong ngành sản xuất công nghiệp” của Tiến sĩ Lê Đức Toàn, Luận án “Phương hướng xây dựng hệ thống báo cáo kế toán quản trị và

tổ chức vận dụng vào các doanh nghiệp Việt Nam” của Tiến sĩ Phạm Quang, Luận án

Tổ chức kế toán quản trị chi phí và giá thành trong doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam”

của Tiến sĩ Trần Văn Dungđã đi theo xu hướng trên. Nhìn chung, các nghiên cứu lúc này chỉ mới đi sâu vào nội dung kế toán quản trị, chưa đề cập hoặc chỉ mới đề cập sơ khai về kế toán trách nhiệm. Tuy vậy, kế toán trách nhiệm đã có những manh nha ban đầu như việc tổ chức các trung tâm trách nhiệm, các công cụ sử dụng để đánh giá trách nhiệm quản lý về chi phí, đầu tư…

Luận án của Tiến sĩ Hoàng Văn Tưởng “Tổ chức kế toán quản trị với việc tăng

cường quản lý hoạt động kinh doanh trong các doanh nghiệp xây lắp Việt Nam” đã

nghiên cứu đến việc tổ chức các trung tâm trách nhiệm trong các doanh nghiệp xây lắp. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp nhỏ và chỉ được trình bày ở góc độ phân công, phân nhiệm, chưa đi vào cụ thể, chi tiết và đầy đủ mà một hệ thống kế toán trách nhiệm trong doanh nghiệp xây lắp cần phải xây dựng. Luận án của Tiến sĩ Trần Văn Tùng (2010) ““Xây dựng hệ thống báo cáo đánh giá trách nhiệm quản trị trong công ty niêm yết ở Việt Nam” đã trình bày những nghiên cứu về mặt lý luận của hệ thống báo cáo kế toán trách nhiệm nói chung, đặc thù kế toán trách nhiệm trong các công ty cổ phần và mô hình tổ chức kế toán trách nhiệm trong công ty cổ phần của một số quốc gia phát triển trên thế giới. Nhằm cung cấp thông tin phục vụ kiểm soát, và đánh giá trách nhiệm quản trị của các cấp quản lý khác nhau, luận án này cũng đã đưa ra mô hình cơ cấu tổ chức mang tính phổ biến trong công ty niêm yết, với cơ chế quản lý theo mô hình công ty có sự phân cấp và hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, từ đó đề nghị mô hình chung về xây dựng hệ thống báo cáo đánh giá trách nhiệm quản trị cho Tổng công ty. Luận án cũng đã xác định được một số điều kiện để thực hiện quy trình xây dựng hệ thống báo cáo đánh giá trách nhiệm quản trị trong các công ty niêm yết, như công ty phải xây dựng rõ động cơ, mục tiêu chung và lựa chọn mô hình tổ chức quản lý phù hợp, phân cấp quản lý rõ ràng, trên cơ sở đó xác lập cơ chế quản lý thành những trung tâm trách nhiệm cụ thể; xây dựng hệ thống định mức – tiêu chuẩn liên quan đến các chỉ tiêu của các báo cáo trách nhiệm; xác lập các phương pháp phân bổ chi phí gián tiếp và phân tích báo cáo bộ phận; định giá sản phẩm, dịch vụ chuyển giao nội bộ. Năm 2013, Luận án “Xây dựng mô hình kế toán trách nhiệm trong các doanh nghiệp sản xuất Sữa Việt Nam” của Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Phương đã nghiên cứu việc tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm nhằm cung cấp các thông tin hữu ích cho các nhà quản trị đánh giá hiệu quả kinh doanh và trách nhiệm quản lý của từng bộ phận trong đặc thù loại hình doanh nghiệp sản xuất Sữa tại Việt Nam. Đây là một trong những tài liệu có giá trị về nghiên cứu và tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm trong doanh nghiệp đặc thù.

Luận án của tiến sĩ Nguyễn Hữu Phú (2014): “Tổ chức kế toán trách nhiệm trong các tổng công ty xây dựng thuộc Bộ giao thông vận tải” (Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) đã trình bày một số vấn đề cốt lõi nhằm tố chức hệ thống kế toán trách nhiệm trong các Tổng công ty xây dựng. Luận án này có điểm mới ở việc sử dụng mô hình KM

Star để đánh giá thành quả quản lý của các trung tâm trách nhiệm trong các Tổng công ty xây dựng.

Năm 2016, tác giả Trần Đình Khuyến thực hiện bài luận văn “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến công tác kế toán trách nhiệm tại các công ty điện lực trên địa

bàn TP. Hồ Chí Minh”, bài nghiên cứu này xác định có năm nhân tố tác động đến tổ

chức kế toán trách nhiệm tại các công ty điện lực, đó là: sự phân công trách nhiệm; công tác đo lường hiệu quả theo quy định của kế toán trách nhiệm; công tác khen thưởng; môi trường pháp lý và các yếu tố liên quan đến đặc điểm doanh nghiệp. Bài nghiên cứu nhằm mục đích bàn luận về những nhân tố tác động đến tổ chức kế toán trách nhiệm tại các công ty điện lực.

Cùng năm 2016, tác giả Nguyễn Thị Anh Thy thực hiện luận văn “Đánh giá các nhân tố tác động đến việc vận dụng kế toán quản trị trong các doanh nghiệp ngành nhựa tại tỉnh Bình Dương”. Nghiên cứu này được thực hiện với 2 mục tiêu trọng tâm là: (1) Xác định các yếu tố tác động việc vận dụng Kế toán quản trị trong các doanh nghiệp ngành nhựa tại tỉnh Bình Dương, (2) Đưa ra những kiến nghị, đề xuất nâng cao việc vận dụng KTQT trong các doanh nghiệp ngành nhựa tại tỉnh Bình Dương góp phần tăng sức cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động trong doanh nghiệp. Nghiên cứu được tiến hành qua 2 giai đoạn là nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Kết quả, có 5 yếu tố, bao gồm Quy mô doanh nghiệp; Mức độ cạnh tranh của thị trường; Sự quan tâm đến KTQT của chủ doanh nghiệp; Trình độ nhân viên kế toán và chi phí tác động đến việc vận dụng KTQT trong các doanh nghiệp ngành nhựa tại tỉnh Bình Dương. Bài nghiên cứu này góp phần cho việc tham khảo các nhân tố tác động đến việc vận dụng kế toán trách nhiệm tại doanh nghiệp Việt Nam.

Năm 2016, bài báo “Kế toán trách nhiệm và thực tiễn vận dụng vào Việt Nam”

của Hoàng Thị Hương bàn về khái niệm kế toán trách nhiệm và 4 trung tâm trách nhiệm là chi phí, doanh thu, lợi nhuận, đầu tư, đồng thời nêu rõ vai trò của kế toán trách nhiệm trong việc vận dụng tại các doanh nghiệp Việt Nam lấy công ty cổ phần Bia Hà Nội – Hải Phòng làm khảo sát. Kết quả khảo sát nhận thấy rằng hệ thống kế toán trách nhiệm tại công ty chia làm 4 trung tâm, mỗi trung tâm đều có những trách nhiệm và người quản lý riêng. Bài báo nêu rõ việc phân cấp trách nhiệm cụ thể sẽ giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Năm 2017, bài báo “Ứng dụng kế toán trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh

của doanh nghiệp Việt Nam” của Nguyễn Thị Bích Liên, Nguyễn Thị Mai Hiền nêu cao

vai trò và sự cần thiết của việc ứng dụng kế toán trách nhiệm tại các doanh nghiệp Việt Nam. Kế toán trách nhiệm giúp xác định sự đóng góp của từng đơn vị, bộ phận vào lợi ích chung của toàn bộ tổ chức; cung cấp cơ sở cho việc đánh giá chất lượng về kết quả hoạt động của những nhà quản lý; thúc đẩy các nhà quản lý bộ phận điều hành bộ phận của mình theo phương cách phù hợp với những mục tiêu chung của toàn bộ tổ chức. Tuy nhiên, việc áp dụng kế toán trách nhiệm phải phù hợp với quy mô, yêu cầu và năng lực quản lý của từng doanh nghiệp.

Cũng vào năm 2017, tác giả Hồ Mỹ Hạnh thực hiện bài báo: “Kế toán trách nhiệm và mối quan hệ với cấu trúc tổ chức của doanh nghiệp” nhằm mục tiêu đưa ra mối quan hệ giữa kế toán trách nhiệm với cấu trúc doanh nghiệp; cụ thể tác giả đề cập 2 mô hình ví dụ là Petrolimex Nghệ An và Tập đoàn Petrolimex, tác giả kiến nghị xây dựng mô hình kế toán trách nhiệm cho các công ty xăng dầu như sau: Thứ nhất, xây dựng các trung tâm trách nhiệm; Thứ hai, xây dựng các chỉ tiêu đánh giá trách nhiệm tại các trung tâm trách nhiệm. Bài báo này khẳng định kế toán trách nhiệm là một hệ thống đo lường kết quả của từng trung tâm trách nhiệm và giúp so sánh những kết quả này với mục tiêu đã đề ra.

Tháng 6/2018, tác giả Trần Văn Tùng và Lý Lý Phát Cường thông qua công trình nghiên cứu: “Nhân tố tác động đến tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoáng Việt Nam” nhằm đánh giá, xây dựng, vận dụng mô hình với các nhân tố tác động đến công tác tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ đó, tác giả đề xuất các giải pháp gắn liền với các nhân tố để các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thực hiện. Tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp nhằm xác định mức độ tác động của từng nhân tố trong mô hình tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại các công ty dệt may niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết quả có năm nhân tố tác động đến tổ chức kế toán trách nhiệm bao gồm: Cơ cấu tổ chức, Nhận thức của nhà quản lý, Phân quyền nhà quản lý, Trở ngại khi thực hiện kế toán trách nhiệm.

Các bài viết về kế toán trách nhiệm của tác giả Cao Thị Huyền Trang. Năm 2019 gồm: Định hướng vận dụng kế toán trách nhiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam - Tạp

chí Kế toán & Kiểm toán, Số T11/2019, trang 28-32; Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc tổ chức kế toán trách nhiệm trong các doanh nghiệp: dữ liệu tại các đơn vị trực thuộc Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn - Tạp chí khoa học công nghệ, Số T12/2019. Năm 2020: Kế toán trách nhiệm trong các DN Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế - Tạp chí nghiên cứu tài chính kế toán số 02 (199), trang 40.

Hồ Ngọc Thanh (2020): “Tổ chức hệ thống kế toán trách nhiệm tại công ty TNHH bảo hiểm tổng hợp Groupama Việt Nam”. Bằng việc sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính. Thông tin được thu thập, tổng hợp, phân tích, thống kê mô tả số liệu tại công ty qua các năm kết hợp phương pháp khảo sát bằng việc gửi tới các nhà quản trị bảng câu hỏi tới Ban lãnh đạo và các trưởng phòng ban có liên quan. Từ kết quả đó cho thấy các nhà quản trị chưa thật sự quan tâm đến việc tổ chức kế toán trách nhiệm cũng như nguyên nhân chưa tổ chức tại công ty. Qua đó đề xuất các giải pháp, kế hoạch hành động phù hợp. Đề tài ứng dụng này giúp công ty có được các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời có giá trị tham khảo cho những công ty có đặc điểm kinh doanh hoạt động tương tự.

Nguyễn Thị Kiều Liên (2020): “Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến công tác tổ chức kế toán trách nhiệm tại các công ty sản xuất, truyền tải và phân phối điện ở Việt Nam”. Kết quả phân tích hồi quy chỉ ra 3 nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả công tác KTTN: Môi trường pháp lý; đặc điểm DN và công tác đo lường hiệu quả công việc; trong đó nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất là Môi trường pháp lý. Dựa trên kết quả này, nghiên cứu đề xuất các biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác KTTN trong các DN sản xuất, truyền tải và phân phối điện.

Như vậy, có thể nói, các nghiên cứu trong nước về tổ chức kế toán trách nhiệm trong những năm gần đây bắt đầu đã đi vào cụ thể một số loại hình doanh nghiệp. Đã hệ thống hóa được những lý luận cơ bản về tổ chức kế toán trách nhiệm trong doanh nghiệp và đã đề cập đến các mô hình tổ chức kế toán trách nhiệm phù hợp với loại hình doanh nghiệp như tổng công ty, công ty cổ phần. Đây cũng chính là những nội dung mà đề tài kế thừa và tham khảo trong quá trình thực hiện nghiên cứu. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu về kế toán trách nhiệm ở Việt Nam chưa thực hiện nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến việc xây dựng kế toán trách nhiệm tại các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Một phần của tài liệu Các nhân tố ảnh hưởng đến việc xây dựng kế toán trách nhiệm (KTTN) tại các công ty kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh bà rịa vũng tàu (Trang 25 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)