5. Kết cấu luận văn
3.4.1. Những thành tựu đạt được
Công ty TNHH đã lựa chọn cho mình một hướng là kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống của gia đình và xu hướng phát triển các ngành công nghiệp, nhu cầu thị trường trong nước, thị trường Đài Loan, Trung quốc đối với sản phẩm giấy bao bì Kraff. Nhờ vậy mà doanh thu, lợi nhuận và năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn của Công ty luôn đạt được và vượt mức các chỉ tiêu đề ra.
Với mô hình quản lý tinh giản, gọn nhẹ, lực lượng lao động có nhiều gắn bó, là người trong đình nên có sự chia sẻ và quyết tâm nên tạo ra hiệu suất làm việc cao hơn các doanh nghiệp ngành giấy của Nhà nước.
Trước thực trạng áp lực từ các nhà nhập khẩu, thị trường nguyên liệu giấy gặp nhiều biến động, khó khăn. Ban lãnh đạo Công ty đã quyết thực hiện chủ trương giữ vững thị trường đã có, mở rộng thêm nhiều thị trường mới, khách hàng mới là các doanh nghiệp FDI trên địa bàn với các sản phẩm mới được đưa vào sản xuất để đáp ứng yêu cầu như giấy Duflex, in Flexo. Đây là chủ trương đúng đắn khi doanh nghiệp đã có sự thay đổi trong quản trị doanh nghiệp, tiếp cận nhu cầu thị trường theo hướng bền vững. Kết hợp giữa sản phẩm chủ lực truyền thống với sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Chất lượng hàng hoá của Công ty nhất là hàng xuất khẩu, hàng hóa cung cấp cho các doanh nghiệp FDI được nâng cao, sản phẩm ngày càng phong phú đa dạng, về chất liệu kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc, giá cả, độ ẩm, độ nhắm đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong đóng gói và vận chuyển.
Công ty đã không ngừng đầu tư trang thiết bị mới, dây truyền mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Hiện nay Công ty đã có một cơ sở vật chất vững mạnh với 3 xí nghiệp và diện tích đất được quy hoạch do tỉnh cấp kết hợp với đất sở hữu sử dụng lâu dài của gia đình nên giảm được chi phí cố định, nhờ vậy Công ty đã nâng cao đươc chất lượng sản phẩm đáp ứng kịp thời và đúng yêu cầu của khách hàng, đồng thời Công ty đã nâng cao được lợi thế so sánh sản phẩm của mình đối với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt là các sản phẩm giấy bao bì, còn đối với sản phẩm giấy duplex mặc dù mới đưa vào sản xuất nhưng nhờ sự uy tín trong nhiều năm, cùng với chiến lược định giá hợp lý công ty đã dần chiếm lĩnh được thị trường trong tỉnh.
Công ty đã xây dựng được một đội ngũ quản lý về trình độ chuyên môn, giàu kinh nghiệm và lực lượng công nhân có tay nghề cao, có nhiệt huyết trong công việc. Công ty luôn tạo điều kiện thời gian và kinh phí, cử các cán bộ đi học các khoá học về nâng cao tay nghề cho công nhân cơ khí điện, công nhân thiết kế sản phẩm, công nhân kỹ thuật in ấn, hóa phẩm công nghiệp, xử lý môi trường công nghiệp. Đặc biệt hàng năm công ty đã chú trọng đưa cán bộ kĩ thuật thăm quan các nhà máy, dây truyền sản xuất giấy hiện đại ở nước ngoài.
Công ty đã biết kết hợp giữa nhu cầu thị trường và các thế mạnh của mình để đạt được những thành công nhất định trong hoạt động sản xuất, góp phần nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, nâng tầm thương hiệu của mình.
Bên cạnh những thành tựu được trong hoạt động kinh doanh Công ty còn thực hiện tốt chế độ, nghĩa vụ đối với nhà nước. Công ty luôn thực hiện nghiêm túc các chế độ chính sách cề thuế, nộp ngân sách nhà nước, đóng góp cho địa phương, tham gia các hoạt động từ thiện.
3.4.2. Những khó khăn, bất cập ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của công ty TNHH Nam Long
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động sản xuất và kinh doanh của công ty TNHH Nam Long còn bộc lộ một số hạn chế, do cả yếu tố khách quan đưa lại nhưng cũng và do các yếu tố tồn tại bên trong bản thân Công ty. Những hạn chế
này chính là nguyên nhân làm giảm giảm khả năng cạnh tranh của Công ty. Đó là các hạn chế như:
Do áp lực ngày càng gia tăng từ phía các nhà nhập khẩu, nhu cầu và công nghệ sản xuất luôn thay đổi do đó bắt buộc công ty phải thay đổi theo. Tuy nhiên để đầu tư mới một dây truyền công nghệ cần chi phí lớn, nhưng với tiềm lực tài chính còn hạn chế thì việc đổi mới luôn gặp khó khăn;
Mặc dù luôn áp dụng các tiến bộ kĩ thuật mới, sáng kiến mới vào sản xuất tuy nhiên do dây truyền công nghệ còn thiếu đồng bộ, tỷ lệ tự động hóa thấp, năng suất lao động chưa cao, còn nhiều khâu, giai đoạn vẫn làm thủ công.
Do chưa có kỹ năng chủ động tìm kiếm bạn hàng nên Công ty gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình tìm kiếm nguyên vật liệu để sản xuất, thiếu nghiên cứu và phân tích thị trường.
Hoạt động marketing còn thiếu chuyên nghiệp, công ty chưa có bộ phận chuyên trách đảm nhiệm vai trò này. Kênh phân phối và bán sản phẩm chủ yếu theo kí hợp đồng trực tiếp với doanh nghiệp nên gặp khó khăn trong việc bán sản phẩm với khối lượng lớn, dẫn đến hàng tồn kho cao do bị phụ thuộc vào việc hấp thụ của khách hàng.
Công tác kế hoạch chuẩn bị vật tư, nguyên liệu cho sản xuất có lúc chưa kịp thời, chưa đồng bộ có khi xảy ra tình trạng người chờ việc, việc chờ người hoặc đang sản xuất đơn hàng mã hàng này phải chuyển sang sản xuất đơn hàng mã hàng khác. Đôi khi trong những trường hợp như vậy Công ty phải trả giá cao hơn, chi phí cao hơn đã làm giảm hiệu quả kinh doanh, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và năng suất lao động trong Công ty.
Vấn đề nguyên vật liệu đầu vào còn gặp nhiều khó khăn di chuyển, giá cả cao, không ổn định phụ liệu cho ngành giấy ở Việt Nam chưa phát triển mà chủ yếu nhập nguyên liệu từ nước ngoài (từ Trung Quốc là chủ yếu).
Chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều bất cập, lực lượng lao động đông nhưng số lượng công nhân kỹ thuật trình độ bậc thợ cao, giỏi còn ít. Đội ngũ quản lý chủ chốt trong doanh nghiệp còn hạn chế trong tiếp cận với phong cách quản lý mới
Để đảm bảo nguồn vốn phục vụ cho yêu cầu sản xuất kinh doanh. Ngoài phần vốn đã có Công ty còn phải vay thêm ngân hàng số vốn dùng trong dài hạn nên số tiền phải dùng để trả lãi suất rất lớn. Do vậy nó có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh của Công ty.
3.4.3. Những nguyên nhân của khó khăn bất cập ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của công ty TNHH Nam Long
•Nguyên nhân khách quan:
Môi trường kinh doanh ngành giấy của Việt Nam mặc dù đã ổn định hơn trước nhưng còn rất nhiều biến động. Chính sách pháp luật đối với quy hoạch mặt bằng cho doanh nghiệp sản xuất sản phảm giấy giấy cho cụ thể, còn nằm chung với các doanh nghiệp thương mại, trong khi các yêu cầu về xử lý ô nhiễm ngày càng khắt khe dẫn tới sản xuất với quy mô lớn gặp nhiều khó khăn. Hơn thế nữa, việc kiểm soát giấy thành phẩm nhập khẩu chưa toàn diện, còn nhiều kẽ hở nên sản phẩm giấy ở nước ngoài nhập về theo cả đường chính ngạch và tiểu ngạch giá thấp hơn sản phẩm giấy trong nước nên ảnh hưởng lớn tới năng lực cạnh tranh của Công ty.
Nhà nước chưa có biện pháp hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp giấy trong các hoạt động nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh.
Nhu cầu tiêu dùng của khách hàng thường xuyên thay đổi nên cũng gặp nhiều khó khăn cho công ty trong công tác sản xuất, tiêu thụ, và cả nghiên cứu phát triển sản phẩm mới cũng như đầu tư trang thiết bị, dây truyền sản xuất.
Có nhiều doanh nghiệp sản xuất giấy bìa, là sản phẩm chủ lực của Công ty TNHH Nam Long nên sức cạnh tranh lớn, nhiều doanh nghiệp với quy mô nhỏ hơn sẵn sàng giảm giá để cạnh tranh do vậy thiếu môi trường cạnh tranh lành mạnh chính trên địa bàn hoạt động.
•Nguyên nhân chủ quan:
Giá thành sản xuất giấy Duplex và Inlexo còn khá cao so với mặt bằng chung, trong khi đầu tư dây truyền công nghệ, trang thiết bị, đầu tư cho nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, nâng cao chất lượng của sản phẩm nên cũng khó khăn cho công ty nếu muốn hạ giá thành.
Cơ cấu tổ chức bộ máy quản lí còn nhiều điểm bất cập, chưa có bộ máy chuyên trách về các hoạt động marketing và R&D.
Chính sách tuyển dụng còn ưu tiên người lao động ở địa phương và gia đình. Điều nay có mặt tốt là những người lao động mới dễ dàng bắt nhập với công việc do đã hiểu biết về truyền thống và phong cách làm việc của công ty, nhưng lại hạn chế năng lực của những người giỏi mà công ty có thể khai thác nếu thi tuyển rộng rãi.
Chưa có các đại lý phân phối, giới thiệu sản phẩm và bán hàng ở các thị trường lớn điều này dẫn tới thiếu đi cầu nối giữa doanh nghiêp và người tiêu dùng và bản thân công ty cũng khó kiểm soát thông tin khách hàng cũng như những phản ánh, khiếu nại của khách hàng.
Chương 4
GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH
CHO CÔNG TY TNHH NAM LONG Ở KHU CÔNG NGHIỆP PHÚ LÂM, HUYỆN TIÊN DU TỈNH BẮC NINH
4.1. Định hướng xây dựng chiến lược cạnh tranh cho công ty
4.1.1. Xu hướng và Bối cảnh thị trường cạnh tranh ngành giấy
Thứ nhất, xu hướng phát triển và định hướng đầu tư
Dự báo năm 2020, tiêu thụ giấy và bìa giấy tăng trưởng khoảng 12%; dự kiến xuất khẩu giấy các loại và thành phẩm từ giấy tăng trưởng 35%, trị giá xuất khẩu đạt khoảng 1,45 tỷ USD, trong đó có nhiều mặt hàng trọng điểm xuất khẩu sử dụng bao bì giấy có dư địa tăng trên 10%, sử dụng giấy và bìa giấy gia công xuất khẩu mạnh do có nhiều năng lực đầu tư mới đưa vào sản xuất trong năm 2019. Sản xuất giấy và bìa giấy tăng trưởng khoảng 30%, chủ yếu vẫn là giấy làm bao bì do huy động hiệu suất tối đa của các doanh nghiệp FDI và năng lực mới đưa vào sản xuất. Nhập khẩu không có sự thay đổi nhiều về lượng so với năm 2018, tăng trưởng mạnh giấy bìa tráng phủ và giấy tissue, giảm đối với giấy các tông lớp mặt và lớp sóng [34], [35].
Trong thời gian tới, ngành công nghiệp giấy có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường. Đó là hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do mang lại như Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với lộ trình miễn thuế nhiều mặt hàng xuống 0% (trong đó có nhiều mặt hàng sử dụng sản phẩm của ngành công nghiệp giấy trong sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là lĩnh vực dệt may, da giầy). Ngoài ra, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) trong năm 2019 cũng sẽ giúp các ngành công nghiệp sử dụng sản phẩm của ngành công nghiệp giấy tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường này. EU luôn được đánh giá là thị trường “màu mỡ” đối với các sản phẩm tiêu dùng nói chung, do đó, đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp mở rộng thị trường, gia tăng sản xuất. Bên cạnh đó, khả năng Hoa Kỳ sẽ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng sản
xuất từ Trung Quốc, tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp trong ngành giấy Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Hoa Kỳ…[35]
Nền kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng và ổn định, kéo theo sự tăng trưởng ổn định của các sản phẩm xuất khẩu có sử dụng nhiều bao bì giấy. Đóng góp rất quan trọng vào giá trị xuất khẩu của các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam, đặc biệt các ngành sử dụng nhiều bao bì trong sản phẩm xuất khẩu. Theo ước tính, năm 2020 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 240 tỷ USD, trong đó chỉ riêng 4 ngành sử dụng nhiều bao bì giấy là dệt may, da giày, thủy sản và linh kiện điện tử-điện thoại đã đạt khoảng 110 tỷ USD, cho thấy bao bì giấy trong sản phẩm xuất khẩu chiếm một tỷ trọng rất quan trọng [35].
Bên cạnh đó, việc thay đổi chính sách của các nước trong khu vực đối với ngành giấy (đặc biệt là sự thay đổi chính sách của Trung Quốc) cũng là cơ hội rất tốt ngành giấy phát triển trong những năm tới nếu chúng ta tận dụng hiệu quả những thay đổi này [35].
Thứ nhất, các chính sách của Trung Quốc cho thấy xu hướng chuyển dịch rõ rệt: chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ưu tiên các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng lớn làm động lực cho nền kinh tế, giảm tự sản xuất trong nước và tăng nhập khẩu các sản phẩm. Điều này mở ra nhu cầu lớn cho các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp ngành giấy.
Thứ hai, khi các chính sách có hiệu lực từ 2018, các hoạt động tích trữ thùng sóng cũ (OCC) sẽ giảm dần. Giá OCC ổn định trở lại sẽ giúp nâng cao biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì, khi mà nguồn nguyên liệu đầu vào là giấy OCC chiếm đến trên 60% trong cấu trúc chi phí sản xuất.
Trong dài hạn (5-10 năm tới) các chính sách của Trung Quốc sẽ có tác động tích cực đối với các doanh nghiệp giấy tại Việt Nam nếu chúng ta tận dụng hiệu quả sự thay đổi này [35].
Thứ ba, thế giới đã có xu hướng sử dụng bao bì giấy thay cho bao bì nhựa từ nhiều năm qua. Hàn Quốc được biết đến là quốc gia tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần lớn nhất thế giới, đạt mức 98,2 kg/người/năm (theo báo cáo chính phủ Hàn
Quốc năm 2016), cũng đã chính thức cấm sử dụng túi nilon từ ngày 01/01/2019 và khuyến khích sử dụng các sản phẩm giấy.
Do vậy, nhu cầu về sử dụng giấy các loại, đặc biệt là giấy bao bì sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là tại Việt Nam khi mức độ sử dụng giấy bình quân đầu người hiện khoảng 51kg/người, so với mức trung bình thế giới là 58kg/người. Theo dự báo của VPPA trong 5-10 năm tới, nhu cầu giấy các loại sẽ tăng từ 8-10%/năm, riêng giấy bao bì có thể tăng tới 15-18%/năm.
Đây là cơ hội tốt cho sự phát triển của ngành giấy Việt Nam và đi kèm theo đó chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cho sản xuất giấy, như đã từng xảy ra với Trung Quốc giai đoạn 2000-2005.
Thứ hai, nhu cầu tại thị trường Việt Nam:Thống kê sản xuất tháng 11.2018 cho thấy, sản xuất giấy bao bì trong nước đạt 280.000 tấn, giảm 2,1% so với tháng 10, sản xuất giấy in và giấy viết giảm 2,9%, như vậy sản xuất giấy bao bì đã có 04 tháng giảm liên tục. Trong khi đó theo số liệu thống kê của các công suất mới bổ sung và chuyển đổi của doanh nghiệp FDI thì khả năng sản xuất giấy bao bì tại Việt Nam phải đạt khoảng 315.000 tấn/tháng. Các nhà quan sát thị trường dự báo, sản xuất giấy bao bì tại Việt Nam trong thời gian tới vẫn sẽ giảm mạnh, thậm chí sẽ có nhiều doanh nghiệp dừng sản xuất và chủ yếu đó là các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì Việt Nam không chỉ phải chịu sự cạnh tranh sản xuất với các doanh nghiệp FDI trên sân nhà, mà còn phải chịu áp lực về giá của sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ các nước xung quanh.
4.1.2. Thị trường giấy năm 2019 và dự báo năm 2020